Nhiễm độc kim loại nặng là một tình trạng phổ biến xảy ra trên khá nhiều quốc gia hiện nay. Nguyên nhân xảy ra do ô nhiễm kim loại nặng trong nước hoặc trong đất. Việc điều trị tình trạng này là dùng thuốc giải độc kim loại nặng như Penicinamin, Natri calci edetat...
1. Nhiễm độc kim loại nặng là gì?
Kim loại nặng là các kim loại có yếu tố nhiễm bẩn cao và chứa nhiều chất độc hại cho cơ thể.
Nhiễm độc kim loại nặng là sự tích tụ của các chất kim loại trong cơ thể gây tổn thương cho các cơ quan chức năng, ảnh hưởng đến sức khoẻ thậm chí gây tử vong. Một người có thể bị nhiễm độc một kim loại hoặc cùng lúc dung nạp nhiều kim loại khác nhau.
Ô nhiễm kim loại nặng thường xảy trong môi trường đất và nước.
Ô nhiễm kim loại nặng trong nước:
- Chủ yếu do các nhà máy, cơ sở sản xuất không xử lý rác thải trước khi đưa ra ngoài môi trường, có nhiều nơi xả thẳng nguồn nước thải vào sông hồ. Sự ô nhiễm nguồn nước làm cho các mạch nước ngầm cũng bị ô nhiễm theo rồi bị nhiễm độc kim loại nặng. Ngoài ra, sự ô nhiễm kim loại nặng trong nước còn liên quan đến yếu tố thổ nhưỡng của đất.
- Các kim loại nặng trong nước thường gặp: sắt, mangan, asen, chì, crom, cadimi, thủy ngân, kẽm, đồng và molipden.
Ô nhiễm kim loại nặng trong đất:
- Tình trạng ô nhiễm kim loại nặng trong đất nói chung, đất nông nghiệp nói riêng, thường liên quan đến các loại hóa chất trong nông sản như phân bón, thuốc trừ sâu, hay các rác thải sinh học... Các hoạt động sản xuất công nghiệp hay sự ô nhiễm từ nước, không khí cũng là nguyên nhân gây nên sự ô nhiễm đất.
2. Thuốc giải độc kim loại nặng và những lưu ý khi sử dụng
Một số loại thuốc giải độc kim loại nặng được Bộ y tế cấp phép sử dụng:
2.1. Thuốc giải độc kim loại Penicilamin
Penicilamin là thuốc thải độc kim loại nặng trong trường hợp nhiễm độc chì hoặc đồng.
Các dạng bào chế và hàm lượng:
- Dạng viên nén có 125mg, 250mg.
- Dạng viên nang: 125mg và 250mg.
Chỉ định của penicilamin dùng trong các trường hợp:
- Nhiễm độc kim loại nặng đặc biệt là nhiễm độc chì, đồng.
- Điều trị viêm khớp dạng thấp nặng, bệnh Wilson.
Chống chỉ định dùng Penicilamin với những bệnh nhân lupus ban đỏ và có tiền sử mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Thuốc dùng được cho cả người lớn và trẻ em.
Liều lượng sử dụng:
- Với người bị nhiễm độc chì: người lớn dùng 1 đến 2g/ngày chia làm 4 liều, uống trước ăn; trẻ em tính liều theo trọng lượng cơ thể 20 đến 25 mg/kg cân nặng chia thành nhiều liều nhỏ uống trong ngày. Ở người cao tuổi, dùng 20mg/kg/ngày. Lưu ý dùng thuốc cho đến khi lượng chì trong nước tiểu ổn định ở mức 500μg/ngày.
- Với bệnh Wilson: người lớn uống 1,5 đến 2g/ngày chia thành nhiều liều nhỏ dùng liên tục trong 1 năm rồi duy trì với liều 0,75 đến 1g/ngày tùy theo tình trạng sức khỏe của người bệnh. Liều ở trẻ em dùng tối đa 20mg/kg/ngày; người cao tuổi 20mg/kg/ngày. Theo dõi nước tiểu thường xuyên để đánh giá sự cải thiện của bệnh.
Lưu ý khi dùng thuốc:
- Nên uống penicinamin vào lúc đói, thời điểm trước ăn 1 giờ hoặc sau ăn 2 giờ.
- Thuốc có thể gây buồn nôn, mất vị giác, vì vậy không nên bổ sung muối khoáng khi dùng thuốc.
- Cần lưu ý một số tác dụng phụ của thuốc như rối loạn máu, protein niệu, rụng tóc, phát ban...
- Khi quá liều thuốc, chủ yếu điều trị triệu chứng, dùng pyridoxin cũng cho hiệu quả tốt.
2.2. Dung dịch Natri calci edetat
Natri calci edetat là thuốc thải độc kim loại nặng dạng dung dịch tiêm truyền chứa 5ml/ống, 200mg/ml.
Chỉ định dùng giải độc kim loại nặng do nhiễm độc chì.
Chống chỉ định dùng thuốc với bệnh nhân mắc bệnh thận nặng, thiểu niệu, vô niệu hay viêm gan. Cần thận trọng với người suy thận.
Thuốc dùng được cho cả người lớn và trẻ nhỏ.
Liều lượng: Dùng truyền tĩnh mạch chậm tối đa 40mg/kg, chia ngày 2 lần trong 5 ngày liên tiếp. Nếu cần thiết phải truyền lại thì chỉ định liều tiếp sau 48 giờ.
Lưu ý khi dùng thuốc Natri calci edetat:
- Cần pha loãng 1 ống thuốc với 250ml dung dịch truyền natri clorid 0,9% hoặc glucose 5% theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Nếu bị quá liều, báo ngay với nhân viên y tế để xử lý kịp thời các triệu chứng lâm sàng trên bệnh nhân. Điều trị trường hợp quá liều cần lưu ý duy trì tốt lượng nước tiểu, theo dõi nồng độ kẽm.
- Bảo quản thuốc tốt ở nhiệt độ từ 15 đến 30 độ C.
- Truyền nhanh hoặc pha dung dịch không đúng tỉ lệ có thể gây một số tác dụng phụ như hoại tử ống thận, đau quặn bụng kèm theo tiêu chảy, buồn nôn, đau đầu, tụt huyết áp...
2.3. Thuốc Dimercaprol
Dimercaprol có khả năng giải độc kim loại nặng nhờ cơ chế giải phóng nhóm SH tự do cho hệ thống pyruvat oxydase, tạo phức hợp với kim loại nặng rồi đào thải qua nước tiểu.
Dimercaprol được sản xuất ở dạng dung dịch tiêm với hàm lượng 50mg/ml, 100mg/ml, mỗi ống tiêm chứa 2ml thuốc.
Chỉ định cho các trường hợp nhiễm độc kim loại cấp bao gồm thuỷ ngân, vàng, antimon, bismuth, aren... và hỗ trợ nhiễm độc chì.
Chống chỉ định điều trị trên bệnh nhân nhiễm độc kim loại sắt, selen, cadimi.
Liều lượng:
- Người lớn: tiêm bắp sâu 2,5 đến 3mg/kg/lần, cách nhau mỗi 4 giờ trong 2 ngày đầu; ngày thứ 3 tiêm 2 đến 4 lần, 10 ngày tiếp theo duy trì 1-2 lần. Có thể dùng liên tục cho đến khi bệnh ổn.
- Trẻ em dùng liều tương tự.
Lưu ý:
- Thận trọng với người cao tuổi, tăng huyết áp, bị suy thận, phụ nữ có thai và đang cho con bú.
- Nếu bị quá liều, xử lý triệu chứng bằng Adrenalin, Ephedrin hoặc Diphenhydramin.
- Bảo quản thuốc cần tránh ánh sáng, nhiệt độ tốt nhất 2 - 25 độ C.
2.4. Thuốc Kali fericyanid
Kali fericyanid hay xanh phổ cũng là một thuốc thải độc kim loại nặng được Bộ y tế cho phép dùng điều trị trên lâm sàng.
Xanh phổ được sản xuất ở dạng bột pha uống.
Chỉ định dùng xanh phổ trong các trường hợp nhiễm độc thali. Không dùng thuốc trên bệnh nhân bị liệt ruột, táo bón và suy thận.
Liều lượng: Pha 125mg/kg bột thuốc trong 100ml dung dịch manitol 15%, dùng ngày 2 lần cho đến khi bệnh ổn.
Lưu ý khi dùng thuốc:
- Thuốc dễ gây táo bón nên cần thận trọng với bệnh nhân táo bón.
- Bảo quản thuốc đúng quy định.
- Thuốc dùng pha uống, không dùng đường tiêm.
Ngoài các thuốc trên có thể sử dụng thuốc đông y để giải độc kim loại nặng cũng cho hiệu quả rất tốt.
Có nhiều loại thuốc giải độc kim loại nặng chỉ định cho từng trường hợp nhiễm độc khác nhau. Bởi vậy không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để tránh làm nặng thêm tình trạng nhiễm độc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.