Tác dụng của thuốc Semaglutide

Thuốc Semaglutide là thuốc kê đơn được sử dụng trong điều trị đái tháo đường tuýp 2. Để đảm bảo hiệu quả và an toàn khi sử dụng thuốc Semaglutide, người bệnh cần tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

1. Thuốc Semaglutide là thuốc gì?

Thuốc Semaglutide chứa hoạt chất Semaglutide được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm, đóng gói dạng bút tiêm với các hàm lượng là Semaglutide 0,25mg, 0,5mg và 1mg.

Hoạt chất Semaglutide là chất tương tự GLP – 1, tác dụng như một chất chủ vận thụ thể GLP – 1 liên kết có chọn lọc và kích thích thụ thể GLP – 1 (mục tiêu cho GLP – bản địa). Hormone GLP – 1 có nhiều tác động trong điều hòa nồng độ glucose và sự thèm ăn. Cảm giác thèm ăn và hiệu ứng glucose được điều hòa trung gian đặc biệt thông qua các thụ thể GLP – 1 trong não và tuyến tụy.

Semaglutide tác dụng làm giảm glucose máu bằng cách kích thích bài tiết insulin, giảm bài tiết glucagon khi nồng độ glucose máu cao. Cơ chế hạ đường huyết của thuốc cũng liên quan đến sự chậm trễ việc làm rỗng dạ dày trong giai đoạn đầu sau ăn.

Ngoài tác dụng hạ đường huyết, Semaglutide còn làm giảm trọng lượng cơ thể, khối lượng chất béo trong cơ thể thông qua việc giảm năng lượng ăn vào và giảm cảm giác thèm ăn nói chung. Thuốc còn làm giảm sự ưa thích đối với các loại thức ăn chứa chất béo.

2. Thuốc Semaglutide có tác dụng gì?

Thuốc Semaglutide được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Điều trị đái tháo đường tuýp 2 ở người bệnh không được kiểm soát đầy đủ, kết hợp với chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý;
  • Giảm nguy cơ đột quỵ, đau tim ở người bệnh đái tháo đường tuýp 2 có mắc kèm các bệnh lý tim mạch và mạch máu;
  • Kết hợp với chế độ ăn kiêng ít calo, ít chất béo để giảm cân ở người trưởng thành thừa cân béo phì;
  • Thuốc Semaglutide không được chỉ định trong điều trị đái tháo đường tuýp 1 hoặc nhiễm toan ceton do đái tháo đường;
  • Thuốc Semaglutide không được chỉ định để sử dụng thay Insulin trong điều trị tháo đường ở người bệnh cần Insulin.

3. Liều dùng của thuốc Semaglutide

Cách dùng thuốc Semaglutide:

  • Thuốc Semaglutide chỉ dùng đường tiêm dưới da. Không dùng thuốc để tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch;
  • Thuốc có thể được tiêm cùng hoặc không cùng với bữa ăn. Tiêm thuốc vào vùng bụng, đùi hoặc bắp tay. Vị trí tiêm có thể thay đổi mà không cần chỉnh liều thuốc.

Liều dùng thuốc Semaglutide:

  • Liều khởi đầu của Semaglutide là 0,25mg dùng mỗi tuần một lần. Sau 4 tuần điều trị, liều thuốc có thể tăng lên 0,5mg/lần/tuần. Sau ít nhất 4 tuần điều trị với liều thuốc 0,5mg có thể xem xét tăng liều lên 1mg/lần/tuần để cải thiện tốt hơn việc kiểm soát đường huyết;
  • Lưu ý liều thuốc Semaglutide 0,25mg không phải là liều duy trì, liều thuốc cao hơn 1mg không được khuyến khích;

Chú ý: Liều dùng thuốc Semaglutide trình bày ở trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều thuốc cụ thể còn phụ thuộc vào tình trạng và khả năng đáp ứng của từng người bệnh. Để có liều thuốc sử dụng phù hợp nhất, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ.

4. Xử trí quên liều, quá liều

Xử trí quên liều:

  • Thông thường khi quên dùng một liều thuốc, người bệnh có thể dùng bù khi nhớ ra (khoảng thời gian quên ít hơn 5 ngày so với giờ quy định trong đơn thuốc). Tuy vậy nếu thời gian quên thuốc quá 5 ngày với thời điểm dùng thì không nên dùng thuốc bù vì có thể gây nguy hiểm. Cần tuân thủ đúng hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Xử trí quá liều:

  • Sử dụng quá liều thuốc Semaglutide có thể gây ra các triệu chứng nôn, buồn nôn hoặc hạ đường huyết (đói, chóng mặt, run tay chân). Hiện chưa có báo có về trường hợp hạ đường huyết nặng. Tuy nhiên người bệnh cần gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu hoặc trạm Y tế gần nhất nếu có triệu chứng quá liều nghiêm trọng.

5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Semaglutide

  • Chống chỉ định sử dụng thuốc Semaglutide ở người bệnh mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc;
  • Semaglutide chỉ được sử dụng theo đơn của bác sĩ;
  • Không sử dụng thuốc Semaglutide ở người bệnh đái tháo đường tuýp 1 hoặc điều trị nhiễm toan ceton do đái tháo đường. Ozempic không thay thế điều trị cho insulin. Nhiễm toan ceton do đái tháo đường đã được báo cáo ở người bệnh phụ thuộc insulin, người bệnh đã nhanh chóng ngưng hoặc giảm liều insulin khi bắt đầu điều trị bằng thuốc chủ vận thụ thể GLP – 1;
  • Semaglutide nói riêng và các chất chủ vận trên thụ thể GLP – 1 có thể liên quan đến phản ứng phụ trên đường tiêu hóa, vì vậy cần xem xét khi dùng thuốc ở người bệnh suy giảm chức năng thận vì nôn, buồn nôn và tiêu chảy vì nguy cơ gây mất nước và suy giảm chức năng thận;
  • Nguy cơ viêm tụy cấp đã được quan sát ở người bệnh điều trị bằng chất chủ vận thụ thể GLP – 1. Người bệnh cần được thông báo về các triệu chứng đặc trưng của viêm tụy cấp và ngưng sử dụng thuốc ngay nếu nghi ngờ bị viêm tụy;
  • Điều trị bằng Semaglutide kết hợp với Insulin hoặc Sulfonylurea có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết;
  • Người bệnh mắc bệnh võng mạc tiểu đường được điều trị bằng insulin và Semaglutide cho thấy nguy cơ phát triển các biến chứng bệnh võng mạc tăng lên. Vì vậy cần thận trọng khi sử dụng thuốc Semaglutide ở người bệnh bị bệnh võng mạc tiểu đường đang được điều trị bằng Insulin;
  • Thời kỳ mang thai: Semaglutide không nên được sử dụng ở trong thời gian mang thai. Nếu người bệnh muốn có thai hoặc là phát hiện mang thai trong khi đang dùng thuốc thì nên ngừng điều trị Semaglutide;
  • Thời kỳ cho con bú: Semaglutide bài tiết được qua sữa mẹ và có thể gây ra một số tác dụng phụ cho trẻ bú mẹ. Vì vậy chống chỉ định sử dụng Semaglutide khi đang cho con bú;

6. Tác dụng phụ của thuốc Semaglutide

Tác dụng phụ thường gặp:

  • Buồn nôn, nôn;
  • Táo bón;
  • Tiêu chảy;
  • Ợ hơi, ợ nóng;
  • Đau bụng.

Thông báo ngay cho bác sĩ nếu gặp phải một trong những tác dụng phụ sau:

  • Cơn đau liên tục ở phía trên bên trái dạ dày và có thể lan ra phía sau, kèm hoặc không kèm theo nôn mửa;
  • Ngứa, phát ban, sưng mắt, miệng, mặt, lưỡi hoặc cổ họng;
  • Khó thở hoặc khó nuốt;
  • Giảm đi tiểu, sưng mắt cá chân hoặc bàn chân;
  • Thay đổi tầm nhìn;
  • Chóng mặt, ngất xỉu;
  • Vàng da, vàng mắt, đau bụng trên, phân màu đất sét;
  • Tim đập loạn nhịp.

7. Tương tác thuốc

Semaglutide làm chậm quá trình tháo rỗng dạ dày và làm ảnh hưởng đến tốc độ hấp thu của các thuốc dùng cùng. Vì vậy, Semaglutide nên được sử dụng thận trọng ở người bệnh đang dùng các thuốc hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa.

  • Thuốc tránh thai: Semaglutide không làm giảm tác dụng của thuốc tránh thai vì Ozempic không làm thay đổi độ phơi nhiễm tổng thể của Ethinylestradiol và Levonorgestrel ở mức độ lâm sàng;
  • Metformin: Semaglutide không làm thay đổi độ phơi nhiễm tổng thể của Metformin khi dùng liều 500mg/lần x 2 lần/ngày trong 3,5 ngày.

8. Cách bảo quản thuốc Semaglutide

  • Bút tiêm Semaglutide chưa qua sử dụng được bảo quản ở ngăn mát của tủ lạnh (nhiệt độ từ 2 – 8oC). Thuốc sau khi sử dụng có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng (dưới 28oC) hoặc trong ngăn mát của tủ lạnh;
  • Đậy nắp bút tiêm sau khi sử dụng để tránh ánh sáng chiếu trực tiếp vào;

Trên đây là những thông tin cần lưu ý về liều dùng, công dụng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Semaglutide. Lưu ý, Semaglutide là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: drugs.com, medlineplus.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan