Nữ giới bị tim bẩm sinh có di truyền cho con cái không?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Em bị tim bẩm sinh. Vậy bác sĩ cho em hỏi nữ giới bị tim bẩm sinh có di truyền cho con cái không? Em cảm ơn bác sĩ.

Đặng Thị Thiều (2002)

Trả lời

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đào Kim Phượng - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Nữ giới bị tim bẩm sinh có di truyền cho con cái không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Một số bệnh như bệnh cơ tim phì đại (có tìm được gen), hội chứng Brugada, rối loạn nhịp tim có thể có tính chất gia đình cao. Cho đến nay, các nhà khoa học chưa chỉ ra đích xác nguyên nhân gây bệnh nhưng đa phần bệnh tim bẩm sinh có liên quan ít nhiều đến tính chất gia đình. Nếu bố hoặc mẹ, anh chị em ruột bị bệnh tim bẩm sinh thì khả năng trẻ sinh ra bị bệnh tim bẩm sinh là khá cao, hơn 3 lần so với bình thường. Nếu di truyền gen trội thì có thể đến 50% số con bị. Tuy nhiên, không phải cứ bị bệnh tim bẩm sinh thì sinh ra con bị bệnh tim bẩm sinh và cứ khỏe mạnh thì sinh con ra bình thường vì còn có các đột biến gen có thể xảy ra.

Các nguyên nhân khác làm tăng nguy cơ gây tim bẩm sinh như:

  • Rối loạn nhiễm sắc thể: 13, 18, 22, 21 trong hội chứng Down, XO (hội chứng Turner), XXY (hội chứng Klinefelter ),...
  • Tác nhân vật lý: Tia phóng xạ, tia X, hóa chất, độc chất (rượu, thuốc lá, thuốc gây nghiện), thuốc an thần, thuốc chống co giật, nội tiết tố.
  • Người mẹ bị nhiễm siêu vi trùng trong 3 tháng đầu thai kỳ: Rubella, quai bị, Herpes, Cytomegalovirus, Coxsackie B.
  • Rối loạn loạn chuyển hoá, bệnh toàn thân như tiểu đường, Phénylcétonurie, Lupus đỏ,...

Để phòng ngừa tim bẩm sinh ở trẻ nhỏ, bố mẹ cần lưu ý những khuyến cáo sau:

  • Quản lý và kiểm soát đường huyết chặt chẽ nếu nghi mắc bệnh tiểu đường.
  • Tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên được tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh rubella và cúm, sởi nếu có ý định mang thai. Hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn lịch tiêm chủng đầy đủ nhất.
  • Uống 400 microgam axit folic bổ sung mỗi ngày trong 3 tháng đầu (12 tuần đầu) của thai kỳ để làm giảm nguy cơ sinh ra một đứa trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh hay các dị tật thần kinh khác.
  • Tránh dùng bất kỳ loại thuốc nào trong thai kỳ mà không có chỉ định của bác sĩ, tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi bổ sung vitamin, thuốc bổ, các loại thảo dược và thuốc, đặc biệt là trong 3 tháng đầu.
  • Tránh tiếp xúc các tác nhân vật lý, hoá học, độc chất, các loại an thần, nội tiết, rượu, thuốc lá, ma túy, nhiễm trùng (Rubella, quai bị, Herpes Cytomegalovirus, Coxsackie B,...) liên quan gây bệnh tim bẩm sinh.
  • Siêu âm tim thai định kỳ để phát hiện vấn đề khác thường (nếu có).

Nếu bạn còn thắc mắc về nữ giới bị tim bẩm sinh, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

36 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan