Bị sốt xuất huyết bao lâu sẽ khỏi?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Bệnh sốt xuất huyết thường diễn biến nhanh, các biểu hiện nặng dần theo từng giai đoạn. Kể từ thời gian phát bệnh với những cơn sốt cao đầu tiên, bệnh sẽ khỏi dần trong 7-10 ngày sau đó.

1. Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết xảy ra chủ yếu ở các quốc gia nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Tại nước ta, bệnh có thể hoành hành quanh năm, nhưng bùng phát thành dịch lớn và diễn biến phức tạp nhất có lẽ vào mùa mưa – mùa sinh sản cao điểm của muỗi.

Sốt xuất huyết chủ yếu do vi-rút Dengue từ cơ thể loài muỗi Aedes Aegypti (muỗi vằn) gây nên. Muỗi cái sẽ hút máu của vật chủ nhiễm vi-rút Dengue, sau đó vi-rút này ủ bệnh trong cơ thể muỗi từ 8 đến 11 ngày rồi truyền bệnh cho người thông qua vết đốt.

2. Bị sốt xuất huyết bao lâu khỏi?

Đối với những người đang có nguy cơ hoặc đang bị sốt xuất huyết, việc sốt xuất huyết bao nhiêu ngày thì khỏi là mối quan tâm như việc điều trị. Cũng giống nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác, sốt xuất huyết trước khi có biểu hiện ra bên ngoài sẽ có thời gian ủ bệnh từ 3-14 ngày, quá trình ủ bệnh bắt đầu sau 4-7 ngày sau kể từ khi bị muỗi vằn mang virus dengue đốt.

Thời gian ủ bệnh ngắn hay dài tùy thuộc vào thể trạng, cơ địa, khả năng miễn dịch của mỗi người. Tuy nhiên, trong thời gian ủ bệnh gần như không thể phát hiện ra bệnh vì không có triệu chứng đặc trưng, nếu có cũng rất mờ nhạt.

Sau thời gian ủ bệnh, sốt xuất huyết sẽ phát bệnh ra bên ngoài, kéo dài trong khoảng 7-10 ngày, chia làm các giai đoạn sốt xuất huyết như sau:

  • Giai đoạn sốt: thường kéo dài trong 3 ngày, có khi tới 7 ngày. Người bệnh sẽ có triệu chứng mệt mỏi, nhức đầu, đau nhức mình mẩy, đau hai hốc mắt, đau khớp, đau cơ, buồn nôn, chán ăn, có khi đau vùng thượng vị kèm tiêu chảy. Xuất hiện các nốt phát ban dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.
  • Giai đoạn nguy hiểm: Thường kéo dài 3-4 ngày, xảy ra vào ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt. Lúc này bệnh nhân thường chỉ còn sốt nhẹ hoặc hết sốt, xuất huyết dưới da, các nốt ban đỏ nổi lên ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn. Xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi, lợi và đi tiểu ra máu. Trường hợp nặng có thể dẫn đến xuất huyết nội tạng như chảy máu dạ dày, xuất huyết não, biến chứng suy tạng như viêm gan, viêm não, viêm cơ tim.
  • Giai đoạn hồi phục: Qua giai đoạn nguy hiểm, bệnh nhân bước vào giai đoạn hồi phục, thường xảy ra 1-2 ngày sau giai đoạn hồi phục và kéo dài trong 2-3 ngày. Lúc này thể trạng bệnh nhân tốt dần lên. Người bệnh hết sốt, cảm giác thèm ăn và bắt đầu đi tiểu nhiều. Trong giai đoạn này nhịp tim bệnh nhân còn chậm và điện tâm đồ thay đổi.

Bệnh sốt xuất huyết thường diễn biến nhanh, các biểu hiện nặng dần theo từng giai đoạn. Kể từ thời gian phát bệnh với những cơn sốt cao đầu tiên, bệnh sẽ khỏi dần trong 7-10 ngày sau đó.

Sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết có thể kéo dài từ 7-10 ngày

3. Dấu hiệu nhận biết đã khỏi sốt xuất huyết

Người bệnh tuyệt đối ghi nhớ, khi hết sốt không có nghĩa là đã khỏi bệnh. Hết sốt mới là giai đoạn nguy hiểm nhất của sốt xuất huyết.

Người bệnh phải trải qua đủ 03 giai đoạn của bệnh rồi mới khỏi hẳn. Một số dấu hiệu nhận biết bạn sắp khỏi bệnh như sau.

  • Cơ thể đỡ mệt mỏi: Sau những cơn sốt cao kéo dài 2-3 ngày, người bệnh bước vào giai đoạn nguy hiểm nhất, dù không còn sốt cao nhưng cơ thể vẫn rất mệt mỏi. Hãy tính xem khi bạn đã mắc bệnh được khoảng 1 tuần, cơ thể bớt mệt mỏi rõ rệt đi kèm cảm giác ăn ngon miệng hơn, ăn khỏe hơn tức là bạn đang hồi phục, sắp khỏi bệnh.
  • Đi ngoài nhiều hơn: Sốt xuất huyết khiến cơ thể mất nước trầm trọng. Nếu để ý bạn sẽ thấy bản thân gần như không buồn tiểu kể từ khi phát sốt. Sau 5-7 ngày chữa trị, bạn sẽ dần lấy lại cảm giác buồn tiểu, đi tiểu nhiều hơn. Khi đó, tức là cơ thể không còn bị mất nước, dấu hiệu cho thấy bạn sắp khỏi bệnh.
  • Không xuất hiện các nốt phát ban mới: Các nốt xuất huyết dưới da có thể xuất hiện kể từ khi người bệnh sốt. Nốt phát ban sẽ liên tục xuất hiện nhiều hơn, dày đặc trên da khiến người bệnh ngứa ngáy khó chịu trong 3-4 ngày.
  • Các nốt xuất huyết mờ dần: Khoảng 2-3 ngày sau đó, các nốt xuất huyết sẽ không mọc thêm và mờ dần, cảm giác ngứa ngáy cũng thuyên giảm. Khi thấy biểu hiện như vậy tức là bạn sắp khỏi bệnh.

4. Điều trị và phòng ngừa sốt xuất huyết

4.1. Điều trị sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị hỗ trợ, giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng. Việc chữa trị cho người bệnh cần được quan tâm và tuân thủ các bước nghiêm túc để người bệnh có thể hồi phục nhanh chóng, tránh được những biến chứng nguy hiểm cũng như hạn chế lây lan cho những người xung quanh.

Do vậy, để người bệnh được điều trị thuận lợi và mau hồi phục, nên:

  • Để người bệnh nghỉ ngơi tuyệt đối
  • Hạ sốt bằng Paracetamol. Trường hợp trẻ khó uống thuốc hoặc nôn trớ, nên chọn thuốc có vị ngọt.
  • Bù nước bằng cách uống nhiều nước, tốt nhất là oresol.

Tuyệt đối tránh làm những điều sau đây:

  • Hạ sốt dồn dập: Vì là bệnh do vi rút nên nhiệt độ sau khi hạ xong lại tiếp tục tăng trở lại, do vậy trong quá trình điều trị cần tránh thực hiện các biện pháp hạ sốt cấp tốc vì sẽ có nguy cơ tổn thương các cơ quan khác trong cơ thể.
  • Ra nơi có gió to, tắm nước lạnh: Hiện tượng xuất huyết có thể xảy ra ở ngày thứ 2 hoặc thứ 3 và kéo dài vài ngày. Bệnh nhân cần ở nhà nghỉ ngơi, không ra gió, không tắm nước lạnh, vì nước lạnh có thể làm co mạch ngoài da nhưng lại làm giãn mạch trong nội tạng dễ dẫn đến tử vong, thay vào đó, hãy lau người bằng nước ấm.

Sử dụng phương pháp dân gian để chữa bệnh: Cạo gió, xông hơi hoặc những phương pháp dân gian đều chưa được chứng minh hiệu quả rõ ràng trong thực tiễn. Vì vậy, không nên tùy tiện áp dụng các biện pháp trên.

4.2. Phòng tránh sốt xuất huyết

Ngủ trong màn
Ngủ trong màn là cách phòng sốt xuất huyết

Hiện nay, sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin phòng bệnh, do đó việc phòng bệnh hơn chữa bệnh, để giảm thiểu nguy cơ mắc sốt xuất huyết cho bản thân và người nhà, bạn cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Ngủ trong màn, dùng tinh dầu hay kem bôi da đuổi muỗi
  • Giữ vệ sinh nơi sinh sống, diệt lăng quăng.
  • Mặc quần áo dài tay.
  • Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun thuốc diệt muỗi phòng chống dịch sốt xuất huyết.
  • Đặc biệt, sử dụng các sản phẩm chống muỗi khiến muỗi tránh xa là lựa chọn hoàn hảo để bảo vệ mọi thành viên trong gia đình.

Bệnh sốt xuất huyết nếu không điều trị đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó khi có những dấu hiệu của bệnh, người bệnh có thể đến các bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để được khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

363.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan