Biến chứng và cách điều trị bệnh cườm nước

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Bích Nhĩ - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Bệnh cườm nước hay còn gọi là bệnh thiên đầu thống là bệnh được xếp thứ 2 trong số các nguyên nhân gây mù lòa sau bệnh đục thuỷ tinh thể. Việc phát hiện sớm, điều trị đúng cách, tránh biến chứng gây mù loà là vô cùng quan trọng.

1. Bệnh cườm nước là bệnh gì?

Bệnh cườm nước hay còn gọi là bệnh thiên đầu thống hay bệnh Glaucoma là một bệnh lý về mắt mà nguyên nhân là do áp suất của thủy dịch trong mắt tăng đến mức làm tổn thương thần kinh thị giác (tăng nhãn áp). Bệnh khá phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, bệnh không có triệu chứng trong giai đoạn đầu vì thế rất khó để nhận ra. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể dẫn đến mù loà.

2. Nguyên nhân gây ra bệnh cườm nước

Bệnh cườm nước (Glaucoma) không có nguyên nhân gây bệnh rõ ràng nhưng bệnh có liên quan đến sự tăng áp lực trong mắt hoặc giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng dây thần kinh thị giác. Tăng áp suất thủy dịch có thể dẫn tới bệnh cườm nước, tuy nhiên không phải ai cũng bị bệnh cườm nước khi mắc chứng tăng áp suất thủy dịch. Một số nguyên nhân khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Glaucoma bao gồm:

  • Do tuổi tác: Những người trên 60 tuổi (Trên 75 tuổi: Khoảng 10 người có 1 người bị mắc bệnh Glaucoma)
  • Do thuộc nhóm dân tộc: Có nguồn gốc Châu Phi, Caribbean hoặc Châu Á có nguy cơ cao bị bệnh Glaucoma hơn những người ở nơi khác
  • Do di truyền
  • Có tiền sử bị chấn thương mắt
  • Cận thị nặng
  • Cao huyết áp
  • Hút thuốc lá nhiều
  • Bề dày giác mạc giảm.
Bệnh cườm nước có phải mổ không
Hút thuốc có thể là nguyên nhân gây bệnh cườm nước

3. Phân loại bệnh cườm nước

Bệnh cườm nước (Glaucoma) được chia ra làm 4 loại:

3.1 Glaucoma góc mở tiên phát

Loại glaucoma này chiếm phần lớn tỷ lệ mắc glaucoma tại hầu hết các quốc gia, chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi nhưng cũng có thể xảy ra ở người trung niên. Các thành viên trong gia đình của những người bị bệnh glaucoma sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường, vì bệnh này thường liên quan đến yếu tố di truyền

Bệnh glaucoma tiến triển chậm và thường không thể nhận biết qua nhiều tháng hoặc nhiều năm. Nhiều người không biết thị lực của mình đang kém đi vì thị lực trung tâm và thị lực gần vẫn còn tốt, trong khi thị lực ban đêm và thị lực ngoại biên đang giảm dần

Tình trạng này thường đáp ứng tốt với thuốc điều trị Glaucoma nhưng trong một số trường hợp thì cần phẫu thuật để dẫn lưu sự tắc nghẽn trong ống dẫn thủy dịch.

3.2 Glaucoma góc đóng cấp tính

Đây là loại glaucoma phổ biến nhất ở Việt Nam, thường xảy ra với người trung niên và người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ do sự gia tăng đột ngột và nhanh chóng của áp suất trong mắt. Nếu không được điều trị ngay, thì trong một thời gian ngắn có thể dẫn đến tổn thương mắt vĩnh viễn gây mù loà.

Tình trạng glaucoma cấp tính thường có các triệu chứng rõ ràng như là đau mắt dữ dội, mờ mắt, đỏ mắt, xuất hiện quầng sáng xung quanh nguồn sáng và kèm theo triệu chứng buồn nôn.

3.3 Glaucoma bẩm sinh

Loại glaucoma này hiếm gặp và xảy ra ở trẻ sơ sinh. Mắt của trẻ mở lớn, chảy nước mắt và nhạy cảm bất thường với ánh sáng là các triệu chứng cho thấy cần đưa trẻ đến thăm khám với bác sĩ nhãn khoa.

3.4 Glaucoma thứ phát

Glaucoma thứ phát sẽ do các tình trạng khác gây ra như viêm mắt, khối u trong mắt, phẫu thuật mắt, chấn thương mắt hoặc đục thể thủy tinh ở các giai đoạn nghiêm trọng.

4 Triệu chứng của bệnh cườm nước

Bệnh cườm nước có phải mổ không
Trong giai đoạn đầu, bệnh cườm nước không có triệu chứng, không gây đau, tầm nhìn vẫn bình thường

Trong giai đoạn đầu, bệnh cườm nước không có triệu chứng, không gây đau, tầm nhìn vẫn bình thường. Bệnh có thể phát triển ở một hoặc cả hai mắt. Người bệnh chỉ bắt đầu đi khám khi cảm thấy những điểm mù trên thị lực ngoài biên của mình. Mặc dù vậy, có một số triệu chứng có thể là dấu hiệu điển hình của bệnh cườm nước như:

  • Đau dữ dội ở mắt hoặc trán
  • Có những trường hợp đỏ mắt
  • Thị lực giảm hoặc mờ cũng được ghi nhận
  • Một số bệnh nhân tăng nhãn áp nhìn thấy cầu vồng hoặc quầng sáng xung quanh đèn sáng
  • Cảm giác căng cứng, đồng tử giãn nở (con ngươi nở lớn)
  • Bệnh nhân cũng có thể bị đau bụng, buồn nôn và ói mửa
  • Nhạy cảm với ánh sáng, cảm thấy đau đớn hoặc sợ ánh sáng.

Phát hiện bệnh sớm là điều cực kỳ quan trọng. Để sớm phát hiện bệnh cườm nước, khi mắt có các triệu chứng như đã nêu ở trên, người bệnh không tự ý dùng thuốc, mà phải đến cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm phù hợp, điều trị bệnh.

5. Cách điều trị bệnh cườm nước

Bệnh cườm nước có phải mổ không
Cách điều trị bệnh cườm mước sẽ phụ thuộc vào loại glaucoma, mà từ đó bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc điều trị Glaucoma (thuốc nhỏ hoặc thuốc uống)

Người mắc bệnh cườm nước thường có những câu hỏi thắc mắc như: Bệnh cườm nước có chữa được không? Bệnh cườm nước có phải mổ không?

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào loại glaucoma, mà từ đó bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc điều trị Glaucoma (thuốc nhỏ hoặc thuốc uống), tiến hành phẫu thuật hay điều trị bằng laser.

  • Sử dụng thuốc điều trị Glaucoma: Các loại thuốc dưới dạng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc viên, nhằm làm giảm áp lực cho mắt bằng cách giúp chất lỏng thoát ra từ mắt. Thuốc sử dụng trong điều trị cần được hướng dẫn dưới sự chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa mắt để tránh tác dụng phụ.
  • Việc phẫu thuật chỉ thực hiện khi điều trị bằng thuốc không hiệu quả và thường chỉ áp dụng với trường hợp bệnh cấp tính:
    • Phẫu thuật bằng Laser: Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đau và nhằm mục đích giảm áp lực trong mắt của người bệnh
    • Phẫu thuật thông thường: Khi việc sử dụng thuốc điều trị hay phẫu thuật laser thất bại, chỉ định phẫu thuật thông thường là cần thiết để can thiệp làm giảm tổn thương gây ra bởi bệnh cườm nước và phục hồi lại thị lực.

Phần lớn các trường hợp mắc bệnh cườm nước khi được điều trị sớm sẽ có cơ hội ngăn chặn việc mất thị lực và đạt hiệu quả cao. Những trường hợp có chẩn đoán bệnh cườm nước cần phải biết rằng đó là một căn bệnh suốt đời, và việc tuân thủ hoàn toàn các phác đồ thuốc theo toa và thăm khám thường xuyên với bác sĩ mắt là điều bắt buộc.

Vì nguyên sinh bệnh chưa rõ ràng nên không thể phòng ngừa mắc bệnh cườm nước. Tuy nhiên, có thể phòng tránh được mù lòa do cườm nước bằng cách phát hiện sớm, điều trị thích hợp và theo dõi thường xuyên.

Gói Glôcôm tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện bao gồm các thăm khám toàn diện và chỉ định phẫu thuật (nếu có) cho khách hàng có triệu chứng của Glôcôm (bệnh cườm nước).

Hiện tại, Vinmec đang triển khai 2 gói khám, điều trị Glôcôm gồm: Gói khám phát hiện sớm Glôcôm và Gói phẫu thuật cắt bè củng giác mạc giúp:

  • Khám mắt toàn diện và chỉ định phẫu thuật (nếu có) bởi các bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm
  • Tư vấn thuốc, thực phẩm, những yếu tố có thể ảnh hưởng đến phẫu thuật
  • Khám gây mê hồi sức đánh giá tình trạng toàn thân của người bệnh trước phẫu thuật
  • Giải thích tiên lượng phẫu thuật.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

46.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan