Cách chọn kem chống nắng cho da dầu

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thanh Vân - Bác sĩ Nội thẩm mỹ - Da liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Điều khiến cho phụ nữ đau đầu trong mùa hè này chính là lựa chọn loại kem chống nắng phù hợp để bảo vệ da. Đặc biệt là đối với da dầu, thường gây ra cảm giác khó chịu, làn da bắt đầu bóng nhẫy, nhanh trôi lớp kem bôi và dễ nổi mụn.

1. Các tiêu chí chọn kem chống nắng phù hợp với da dầu

  • Chọn sản phẩm có các Dòng chữ sau: Oil-free, Oil control, No-sebum, Non-Comedogenic, Non-acnegenic, Won’t clog pores, để tránh các thành phần tạo nhân mụn, làm nhờn rít da.
  • Không chứa Hương liệu, oxybenzone, cồn và PABA: Dễ gây kích ứng với làn da nhạy cảm.
  • Dạng bào chế mỏng nhẹ, không quá đậm đặc, như serum, sữa, gel: Giúp làn da dễ thở hơn trong mùa hè nóng bức.
  • Chọn loại kem chống nắng có thành phần dưỡng da để hạn chế thoa nhiều lớp mỹ phẩm trên da
  • Chỉ số SPF cao có thể khiến lỗ chân lông bị bít và làn da đổ dầu nhiều, làm dễ nổi mụn. Vì vậy, chỉ số SPF phù hợp cho da dầu là 30-35.

Xem thêm:

Kem chống nắng có chỉ số SPF 50
Lựa chọn kem chống nắng có chỉ số SPF và PA phù hợp

2. Tính chất của các loại kem chống nắng

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều dòng sản phẩm với nhiều tên gọi khác nhau (sun cream, sun gel, sun milk, sun matte,...). Vì vậy, chúng ta cần phải đọc thêm cả thành phần để nhận biết các loại kem chống nắng khác nhau và tính năng của chúng để có sự lựa chọn phù hợp.

Nhận biết các loại kem chống nắng khác nhau và tính năng của chúng

2.1 Kem chống nắng vật lý

Thường được nhận diện bằng chữ Sunblock trên bao bì.

  • Nguyên lý hoạt động: Thành phần chính của kem chống nắng vật lý là Zinc oxide và Titanium Oxide. Loại kem này giúp tạo một lớp màng chắn giúp hấp thu, tán xạ và phản xạ tia UV, khiến tia UV không thể xuyên qua da.
  • Ưu điểm: An toàn cho da, ít gây kích ứng và bền vững dưới nắng.
  • Nhược điểm: để lại trên mặt bệt trắng, gây cảm giác bí da và gây nhờn rít. Loại kem này đang càng được cải tiến để khắc phục nhược điểm, lớp kem sẽ không còn trắng bệt mà chỉ còn lại một màng trắng mỏng.

2.2 Kem chống nắng hoá học

Thường được nhận diện bằng chữ Sunscreen trên bao bì.

  • Nguyên lý hoạt động: Thành phần chính của kem là Avobenzone, Oxybenzone, Sulisobenzone, Homosalate, Octisalate, Octinoxate, Octocrylene. Kem có tác dụng như một màng lọc hóa học, hấp thu và chuyển hóa các tia UV thành bước sóng vô hại dạng ánh sáng hoặc nhiệt.
  • Ưu điểm: thẩm thấu nhanh vào da, tiệp màu da, không làm da bóng dầu và trắng xóa.
  • Nhược điểm: không bền vững dưới nắng, có thể gây kích ứng da.

3. Cách chăm sóc cho làn da dầu đúng cách

  • Rửa mặt bằng sữa rửa mặt dành cho da nhờn. Những loại sữa rửa mặt này có tác dụng làm sạch sâu bề mặt da, bên trong lỗ chân lông, loại bỏ bụi bẩn, bã nhờn và lớp dầu trên da, làm da khô thoáng và mịn màng. Rửa mặt tối đa 2 lần/ngày.
  • Thoa kem dưỡng dành cho da nhờn. Giống như da thường và da khô, da dầu vẫn rất cần được chăm sóc thường xuyên đặc biệt là vùng chữ T, với kem dưỡng ẩm trước khi thoa kem chống nắng, và chúng phải là loại phù hợp với da dầu. Bạn có thể Chọn loại kem chống nắng có thành phần dưỡng da để hạn chế thoa nhiều lớp mỹ phẩm trên da
  • Dùng giấy thấm dầu để thấm bớt lớp nhờn trên da, nhưng không quá lạm dụng. Chỉ nên dùng giấy thấm dầu tối đa 3 lần/ngày.
  • Tẩy trang kỹ vào cuối ngày và cấp ẩm đầy đủ cho da.
Rửa mặt
Rửa mặt bằng sửa rửa mặt chuyên dụng trước khi sử dụng các sản phẩm cho da khác

4. Nguyên tắc dùng chung của các loại kem chống nắng

  • Trước khi mua sản phẩm, bạn nên test thử bằng cách bôi kem ở 1 vùng nhỏ trên da mặt ít nhất là 48 giờ. Nếu da không bị kích ứng với loại kem đó mới mua về sử dụng.
  • Không dùng kem chống nắng đã hết hạn sử dụng hoặc không có ngày hết hạn hoặc đã mua hơn 3 năm.
  • Không nên dùng kem chống nắng dạng xịt cho vùng mặt.
  • Để đảm bảo khả năng chống nắng cao nhất, nên kết hợp với các biện pháp chống nắng khác: hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, đội nón rộng vành, mặc quần áo có chất liệu chống nắng, mang kính mát bản rộng chống tia UV. Sau mỗi 2 tiếng thoa kem lại 1 lần nếu vẫn còn phải ở dưới nắng và tiếp xúc tia UV, sau khi xuống nước hoặc đổ mồ hôi nhiều.
  • Thoa đủ lượng kem chống nắng 2mg/cm2 da và thoa kem chống nắng cho tất cả vùng da phơi bày dưới tia UV, kể cả các vùng: cổ, lỗ tai, môi, sau gáy, chân tóc, da đầu đối với vùng tóc thưa hoặc hói.
  • Chọn mua sản phẩm của các hãng có tên tuổi, uy tín, thành phần công bố rõ ràng, mua tại các cửa hàng uy tín để đảm bảo mua được hàng chính hãng. Chớ nên ham rẻ mà mua hàng trôi nổi trên thị trường. Bởi các sản phẩm không rõ nguồn gốc thì không thể bảo đảm về chất lượng cũng như các thành phần chứa trong loại kem đó là gì, có tác dụng chống nắng hay không, thậm chí có thể chứa các hóa chất độc hại gây ảnh hưởng tới làn da của chúng ta.
  • Bảo quản kem chống nắng trong tủ mát, tránh nhiệt độ cao và ánh nắng trực tiếp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

43.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan