Chảy máu chân răng: Dấu hiệu nặng của sốt xuất huyết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ. Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Đầu mùa mưa là thời điểm bệnh sốt xuất huyết lây lan nhanh và rất dễ bùng phát thành dịch. Khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh có thể tự điều trị và nghỉ ngơi tại nhà, nhưng nếu có các dấu hiệu như chảy máu chân răng, nôn ra máu, tiêu phân đen,...người bệnh cần lập tức đến bệnh viện vì đó chính là các dấu hiệu cảnh báo bệnh sốt xuất huyết nặng.

1. Sốt xuất huyết là bệnh gì?

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm rất phổ biến ở nước ta, do virus Dengue gây ra. Có 4 tuýp virus Dengue là: DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Bệnh không tạo được đáp ứng miễn dịch chéo do đó một người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết tới 4 lần trong đời, lần bị sau thường nặng hơn lần trước do trong cơ thể có các kháng thể của nhiều tuýp virus Dengue cùng tồn tại.

Bệnh sốt xuất huyết thường kéo dài từ 7-10 ngày và diễn biến khá phức tạp. Người bệnh có thể chỉ sốt cao, mệt mỏi, đau nhức cơ đến các dấu hiệu nặng hơn như nôn mửa nặng, chảy máu chân răng, đi tiểu ra máu, phân đen,...

2. Những dấu hiệu nặng của bệnh sốt xuất huyết

Sau khoảng 4-7 ngày từ khi bị muỗi mang virus Dengue đốt, người bệnh có thể có các biểu hiện sau:

  • Sốt cao đột ngột
  • Mệt mỏi, đau nhức cơ, khớp.
  • Đau đầu dữ dội, nhức ở hai hố mắt
Chảy máu chân răng: Dấu hiệu nặng của sốt xuất huyết
Đau đầu dữ dội, nhức ở hai hố mắt là dấu hiệu nặng của bệnh sốt xuất huyết
  • Buồn nôn, nôn
  • Các nốt ban đỏ thường xuất hiện vào ngày thứ 3 sau khi bắt đầu sốt. Một cách đơn giản có thể phân biệt được nốt ban đỏ do xuất huyết với nốt đỏ do muỗi đốt là dùng hai ngón tay kéo căng vùng da có nốt ban đỏ, nốt do muỗi đốt sẽ mất đi và xuất hiện trở lại sau khi buông 2 ngón tay còn nốt ban đỏ xuất huyết sẽ không bị mất đi.

Đến khoảng ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh, các nốt ban đỏ lan khắp người và bệnh nhân có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Nhiều người thấy đã hết sốt cho rằng bệnh đã thuyên giảm. Tuy nhiên đó là quan niệm hoàn toàn sai lầm vì đây mới chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh.

Ở giai đoạn này, người bệnh cần lưu ý các dấu hiệu nặng của bệnh và đến gặp bác sĩ ngay nếu có các dấu hiệu nặng của bệnh sốt xuất huyết như sau:

  • Xuất huyết niêm mạc: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi tiểu ra máu hoặc kinh nguyệt kéo dài, ra máu âm đạo bất thường
  • Xuất huyết nội tạng với các biểu hiện như nôn mửa nhiều, nôn ra máu, đau tức vùng gan hoặc vùng thượng vị, đi tiêu phân đen, vật vã, tay chân lạnh,...và nặng hơn có thể xuất huyết não, nếu không được điều trị kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong
  • Thoát huyết tương ra khỏi lòng mạch do tăng tính thấm thành mạch dẫn đến cô đặc máu, tràn dịch màng phổi, màng bụng và có thể dẫn đến sốc, gây hạ huyết áp, trụy tim mạch

Khi sốt xuất huyết chảy máu chân răng cũng như các dấu hiệu kể trên, người bệnh cần lập tức đến các cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị kịp thời.

3. Phòng ngừa và điều trị bệnh sốt xuất huyết như thế nào ?

Chảy máu chân răng: Dấu hiệu nặng của sốt xuất huyết
Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị để điều trị sốt xuất huyết

Điều trị bệnh sốt xuất huyết

Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị để điều trị sốt xuất huyết, chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng và phòng ngừa các biến chứng do bệnh gây ra. Khi bị sốt xuất huyết nhẹ, người bệnh có thể nghỉ ngơi , điều trị tại nhà và cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ:

  • Nghỉ ngơi, thư giãn, ngủ trong màn để tránh lây lan bệnh.
  • Khi sốt cao trên 39oC, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm, uống thuốc hạ sốt paracetamol, liều paracetamol thông thường là 10-15mg/kg/lần, dùng cách nhau 4-6 giờ, tổng liều paracetamol không quá 60mg/kg cân nặng/24 giờ. Tuyệt đối không sử dụng ibuprofen, aspirin để hạ sốt vì sẽ tăng nguy cơ xuất huyết.
  • Ăn các thức ăn mềm, loãng, dễ tiêu như cháo, súp. Uống nhiều nước, nên bù dịch bằng oresol, nước hoa quả,...
  • Không dùng kháng sinh vì bệnh do virus Dengue gây ra, còn kháng sinh chỉ có tác dụng đối với trường hợp nhiễm vi khuẩn.

Phòng bệnh sốt xuất huyết

  • Phát quang bụi rậm, dọn dẹp cống rãnh, ao tù đọng nước, diệt bọ gậy (loăng quăng).
  • Phun thuốc diệt muỗi trong nhà và môi trường xung quanh.
  • Ngủ trong màn, sử dụng kem hoặc tinh dầu đuổi muỗi.
  • Bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng khi phải tiếp xúc với người bệnh.

Người thân và bệnh nhân cần chú ý các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết. Khi có các dấu hiệu mắc bệnh, cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

73.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan