Mọi hoạt động mua sắm trong gia đình ngày nay đều chú ý hơn về vấn đề sức khỏe và dụng cụ nấu ăn an toàn cũng không ngoại lệ. Các dụng cụ nấu ăn bằng nhôm, đồng hay có chất chống dính được quan tâm thời gian gần đây vì chúng có thể lưu lại hóa chất hoặc kim loại trong thực phẩm.
1. Cách lựa chọn dụng cụ nấu ăn an toàn
Các dụng cụ nấu ăn rất đa dạng nên việc nghiên cứu các sản phẩm an toàn cần rất nhiều nguồn thông tin khác nhau. Để lựa chọn một dụng cụ nấu ăn an toàn, người dùng có thể tìm hiểu thông qua các kiến thức sau:
1.1. Cách làm sạch dụng cụ nấu ăn
Dụng cụ nấu ăn cần được làm sạch kỹ lưỡng mỗi lần sử dụng để tránh vi khuẩn tích tụ và giảm nguy cơ mắc bệnh liên quan đến thực phẩm. Dụng cụ nấu ăn an toàn nhất trên thế giới vẫn có thể khiến người dùng bị bệnh nếu nó không được làm sạch đúng cách.
Nhu cầu vệ sinh và bảo dưỡng có thể sẽ khác nhau với mỗi loại dụng cụ nấu nướng và chất liệu của chúng. Do đó, người dùng cần nắm được các thông tin cần thiết về yêu cầu vệ sinh của từng dụng cụ nấu ăn nhất định và đảm bảo rằng nó phù hợp với gia đình mình.
1.2. Độ bền của dụng cụ nấu ăn
Không phải lúc nào người dùng cũng có thể mua sắm những dụng cụ nấu ăn an toàn, bền bì, chất lượng cao. Tuy nhiên điều này không phải là vấn đề quá lớn. Đôi khi chỉ cần một vài cái nồi hợp túi tiền, phù hợp với khả năng tài chính của từng gia đình.
Khi đó, người dùng có thể thực hiện các biện pháp làm giảm hao mòn, tăng độ bền bỉ của dụng cụ nấu ăn bằng cách kết hợp với các dụng cụ nấu ăn phù hợp khác. Một ví dụ cụ thể là dùng thìa gỗ hoặc dụng cụ nấu ăn bằng gỗ có thể giảm nguy cơ trầy xước nồi hoặc chảo chống dính.
1.3. Dụng cụ nấu ăn có gây hại cho sức khỏe?
Đây là một câu hỏi lớn và có thể thay đổi tùy theo quan điểm và tiền sử sức khỏe của người dùng. Ví dụ như những dụng cụ nấu ăn an toàn với nhiều người làm từ thép không gỉ hoặc đồng vẫn có thể không phù hợp với người có cơ địa nhạy cảm với niken.
Đối với những người mắc bệnh tán huyết, hàm lượng sắt từ các dụng cụ nấu ăn bằng gang dính vào các món ăn có thể dẫn đến tình trạng quá tải sắt cho cơ thể.
1.4. Quy trình sản xuất dụng cụ nấu ăn có đạt tiêu chuẩn môi trường?
Nồi và chảo có thể là một mối nguy hiểm đáng kể về chất thải môi trường, liên quan đến cả quy trình sản xuất và cách bảo quản chúng. Điều này có thể dẫn đến dụng cụ nấu ăn được coi là rác không phân hủy sau một vài lần sử dụng.
Vì vậy, tìm mua sản phẩm từ các thương hiệu uy tín đã được kiểm định an toàn về quy trình sản xuất sẽ có giá thành nhỉnh hơn một chút.
2. Một số loại dụng cụ nấu ăn an toàn
2.1. Dụng cụ nấu ăn bằng nhôm
Nhôm là kim loại khá nhẹ, dẫn nhiệt nhanh. Dụng cụ nấu ăn làm từ nhôm cũng dễ làm sạch và có giá cả hợp lý. Cặn nhôm có thể bám vào thức ăn khi nấu nướng bằng dụng cụ làm từ kim loại này và người dùng có thể không bao giờ nhận biết được chúng. Theo thống kê, hầu hết chúng ta sẽ tiêu thụ từ 7-9 mg nhôm mỗi ngày.
Mối quan tâm của người dùng gần đây liên quan đến vấn đề việc tiếp xúc với nhôm từ dụng cụ nấu ăn có thể liên quan đến sự phát triển của bệnh Alzheimer hay không?
Theo các nghiên cứu, nhôm chưa được khẳng định có liên quan đến bệnh Alzheimer. Và theo Hiệp hội Bệnh Alzheimer, có rất ít khả năng về việc nấu ăn bằng dụng cụ làm từ nhôm hàng ngày đóng có vai trò nào trong sự phát triển của bệnh.
Nếu bạn đang sử dụng nhôm, nhôm anot hóa có thể là sự lựa chọn đúng đắn. Dụng cụ nấu ăn an toàn bằng nhôm anod hóa đã được xử lý bằng dung dịch axit làm thay đổi tính chất của kim loại này. Ưu điểm của nhôm Anod hóa là dễ làm sạch hơn, tính chất tương tự một chất chống dính và được cho là không để lại cặn nhôm dính vào thực phẩm như nhôm thông thường.
2.2. Dụng cụ nấu ăn an toàn bằng thép không gỉ
Thép không gỉ là một hợp kim chứa sắt, crom và niken. Nó được gọi là thép “không gỉ” vì khả năng chống gỉ sét và ăn mòn, điều này làm cho chúng trở thành một vật liệu tuyệt vời để chế tạo các dụng cụ nấu ăn an toàn.
Ưu điểm của thép không gỉ là chúng có xu hướng phân bổ nhiệt đồng đều trên bề mặt, đặc biệt tuyệt vời khi dụng cụ đó là vỉ nướng bằng phẳng. Bên cạnh đó, nếu người dùng sử dụng các chất bôi trơn khi nấu nướng và ngâm nước ngay sau sử dụng thì việc làm sạch dụng cụ nấu ăn từ thép không gỉ sẽ rất dễ dàng. Ưu điểm khác của chúng là giá thành không quá đắt so với một số vật liệu khác.
Có rất ít lý do để tin rằng nấu ăn bằng dụng cụ từ thép không gỉ có hại cho sức khỏe người dùng. Để dụng cụ nấu ăn an toàn làm từ thép không gỉ bền bỉ và trường tồn với thời gian, người dùng hãy cân nhắc các sản phẩm có lõi làm từ đồng hoặc nhôm. Tuy nhiên, như đã nhắc ở phần trên, đối với người dùng cơ địa nhạy cảm hoặc dị ứng với niken, thép không gỉ có thể trầm trọng thêm tình trạng sức khỏe của họ.
2.3. Dụng cụ nấu ăn bằng gốm
Phần lớn các dụng cụ nấu ăn bằng gốm không phải là nguyên chất. Nồi và chảo bằng gốm sứ được làm từ kim loại, phủ một lớp chất chống dính (thường là silicon) và có phần đế làm bằng sứ. Dụng cụ nấu ăn bằng gốm sứ cần phải được làm sạch bằng tay và một số người tiêu dùng nói rằng nó không có khả năng dẫn nhiệt đồng đều trên bề mặt.
Các dụng cụ nấu ăn bằng gốm sứ là những vật liệu ít gây ảnh hưởng đến môi trường, nhưng đây vẫn là vật liệu còn khá mới để được sản xuất hàng loạt.
Dụng cụ nấu nướng bằng gốm có thể là an toàn, nhưng vẫn chưa có nhiều nghiên cứu để chứng minh độ an toàn của nó khi so với các vật liệu khác. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng dụng cụ nấu ăn bằng gốm sứ an toàn ở nhiệt độ cao khi so với các loại xoong, chảo chống dính bằng Teflon truyền thống.
Người dùng hãy nhớ rằng những dụng cụ nấu ăn làm từ gốm sứ sẽ không phải tuyệt đối an toàn cho sức khỏe, vì nhiều loại men (sử dụng để làm kín gốm) có thể làm trôi vật liệu không mong muốn (như kim loại nặng) vào thức ăn hoặc đồ uống.
2.4. Dụng cụ nấu ăn bằng gang
Dụng cụ nấu ăn bằng gang là sản phẩm được yêu thích bởi nhiều người tiêu dùng vì độ bền của nó. Dụng cụ nấu ăn bằng gang có các chất chống dính và tạo cho thức ăn một hương vị riêng biệt mà các loại nồi chảo khác không thể trùng lặp.
Gang có chứa sắt và sắt có thể ngấm vào thức ăn khi chế biến. Dụng cụ nấu ăn bằng gang thậm chí được xem như một biện pháp bổ sung sắt cho những người thiếu máu.
Nhược điểm của dụng cụ nấu nướng làm từ gang là giá thành đắt, nhưng vì độ bền cao nên nó có thể là dụng cụ duy nhất người dùng cần mua và sử dụng trong một thời gian dài.
Nếu người dùng bị thiếu máu, các món ăn chế biến từ dụng cụ làm bằng gang có thể cải thiện nồng độ sắt và tăng tạo máu cho cơ thể. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân mắc các bệnh tán huyết sắc tố, nồng độ sắt rất cao nên việc sử dụng các dụng cụ nấu ăn bằng gang có thể trầm trọng thêm tình trạng quá tải sắt của cơ thể.
2.5. Dụng cụ nấu ăn bằng đồng
Dụng cụ nấu ăn bằng đồng có ưu điểm là dẫn nhiệt tốt và tương tự giá trị dinh dưỡng của sắt. Thông thường, các loại chảo chế tạo từ chất liệu này sẽ có đế được làm bằng kim loại khác (như thép không gỉ) và phủ bên ngoài bằng một lớp đồng.
Tuy nhiên khi chế biến thức ăn, đồng có thể ngấm vào thực phẩm với hàm lượng không an toàn cho cơ thể hấp thụ. Thực tế, dụng cụ bằng đồng không tráng men không an toàn cho việc nấu nướng hàng ngày, còn các dụng cụ bằng thiếc, niken được phủ lớp đồng bên ngoài cũng không tốt hơn.
2.6. Dụng cụ chất chống dính
Chất chống dính bao gồm các các lớp phủ hoàn toàn trên bề mặt các vật liệu khác nhau giúp người dùng tách thức ăn đã nấu chín ra khỏi bề mặt nồi hoặc chảo chống dính dễ dàng hơn. Chất chống dính thường dùng từ trước đến nay được gọi là Teflon.
Ở thời điểm dụng cụ nấu nướng như chảo chống dính mới phổ biến, Teflon được ca ngợi vì dễ làm sạch và sử dụng đơn giản. Dụng cụ nấu ăn có chất chống dính cũng cần ít bơ và dầu hơn để bôi trơn bề mặt, điều này giúp món ăn chứa ít chất béo hơn.
Tuy nhiên, một chất hóa học được sử dụng trong công thức Teflon đã được chứng minh là có liên quan đến bệnh tuyến giáp, tổn thương phổi và thậm chí là các triệu chứng tạm thời do hít phải khói. Do đó, công thức và các hợp chất trong Teflon đã được thay đổi vào năm 2013, vì vậy các dụng cụ nấu ăn có chất chống dính hiện nay được cho là an toàn hơn với sức khỏe.
Người tiêu dùng cần lưu ý rằng nấu ăn ở nhiệt độ quá cao vẫn có thể khiến lớp phủ chất chống dính bị hỏng và bám vào thức ăn.
Nói tóm lại, các dụng cụ nấu ăn chống dính rất phổ biến, giá cả phải chăng khiến nó trở thành một lựa chọn dễ dàng nhưng không chắc chắn sản phẩm bạn chọn là an toàn nhất cho sức khỏe.
3. Một số lời khuyên về lựa chọn dụng cụ nấu ăn an toàn
Một số cách bảo đảm an toàn thực phẩm khi nấu ăn với bất kỳ loại dụng cụ nấu nướng nào, giúp giảm thiểu sự tiếp xúc của cơ thể với bất kỳ kim loại hoặc vật liệu nào liên quan đến dụng cụ nấu nướng:
- Không đựng thức ăn trong nồi hoặc chảo sau khi đã nấu chín, trừ khi chúng ta đang sử dụng dụng cụ bằng thủy tinh hoặc đá;
- Tránh sử dụng các vật dùng bằng kim loại cứng khi đang chế biến thức ăn vì nguy cơ trầy xước và làm hỏng bề mặt nồi và chảo;
- Giảm thiểu tối đa thời gian thực phẩm tiếp xúc với kim loại từ các dụng cụ nấu ăn;
- Sử dụng một lượng nhỏ chất bôi trơn (như dầu ô liu hoặc dầu dừa) với bất kỳ loại dụng cụ nào để giảm thiểu lượng kim loại vô hình dính vào thức ăn;
- Vệ sinh xoong nồi thật sạch sau mỗi lần sử dụng;
- Thay thế dụng cụ nấu ăn bằng nhôm hoặc chất chống dính sau mỗi 2 đến 3 năm hoặc khi xuất hiện các vết đục hoặc vết xước trên bề mặt;
Tóm lại, có những lo ngại về độ an toàn khi sử dụng dụng cụ có chất chống dính và bằng kim loại. Tuy nhiên, chúng sẽ không ảnh hưởng đến tất cả mọi người theo cách giống nhau. Người dùng cần xem xét ngân sách của mình cũng như nhu cầu về sức khỏe để chọn lựa hướng sản phẩm phù hợp nhất với gia đình mình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com