Nguyên nhân và các phương pháp điều trị hiệu quả bệnh suy tim

Có đến 50% bệnh nhân suy tim tử vong sau 5 năm. Điều đáng lo ngại là căn bệnh nguy hiểm này ngày càng gia tăng nhanh chóng. Hiểu về suy tim là cách tốt nhất để bạn biết cách phòng ngừa bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe của mình và người thân.

1. Suy tim là gì?

Ta có thể hình dung trái tim như 1 cái bơm có chức năng giãn ra để nhận máu và co bóp để bơm máu đi nuôi cơ thể. Suy tim là khi tim bị giảm khả năng giãn để nhận máu (suy tim tâm trương) hoặc giảm khả năng co bóp (suy tim tâm thu), dẫn đến giảm lượng máu cần thiết đi nuôi cơ thể và ứ trệ máu ở phổi và ngoại biên.

2. Triệu chứng bệnh suy tim

Các triệu chứng bệnh suy tim biểu hiện tùy theo mức độ của bệnh, từ kín đáo đến nặng nề.

Do lượng máu đi nuôi cơ thể bị giảm nên bệnh nhân thường mệt mỏi, yếu ớt, hay bị thỉu ngất, sức chống đỡ với các tác nhân gây bệnh bị giảm sút, dễ mắc các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản, cúm,...

Do máu ứ trệ ở phổi nên bệnh nhân hay bị khó thở. Có thể nói khó thở là triệu chứng thường gặp nhất của suy tim. Ở giai đoạn đầu, khi suy tim còn nhẹ thì khó thở chỉ xảy ra khi có gắng sức nhiều: leo nhanh 2-3 tầng cầu thang, chạy bộ vài trăm mét, đi bộ lên dốc v.v.

Sau đó, khi suy tim nặng lên thì khó thở xảy ra cả khi làm các công việc thông thường như mặc quần áo, đi bộ ngắn, thậm chí động chân tay nhẹ là đã khó thở. Nặng nhất là các cơn suy tim trái cấp với khó thở dữ dội, tím tái, ho khạc ra bọt hồng (cơn phù phổi cấp), cần phải được điều trị khẩn trương và tích cực thì mới qua khỏi được. Để đánh giá mức độ khó thở, thế giới thống nhất sử dụng cách phân độ của New York Heart Association (NYHA), với 4 mức từ NYHA I tới NYHA IV.

Cũng do ứ trệ máu ở phổi nên bệnh nhân hay bị ho khan, khi nghe phổi thường thấy tiếng ran ẩm ở phổi.

Do ứ trệ ở ngoại biên nên bệnh nhân có thể bị phù ở chân hoặc bị tràn dịch ở màng phổi, màng bụng, màng tim. Gan to và đau tức, tĩnh mạch ở cổ thường giãn căng.

Ngoài ra, dấu hiệu suy tim còn bao gồm các biểu hiện loạn nhịp, gây ra triệu chứng trống ngực, làm suy tim nặng lên. Loạn nhịp hay gặp nhất ở các bệnh nhân suy tim là rung nhĩ, hay còn gọi là loạn nhịp hoàn toàn. Nặng nhất là các cơn nhanh thất, rung thất dẫn đến tử vong.

Nguyên nhân và các phương pháp điều trị hiệu quả bệnh suy tim
Hình ảnh tim bình thường và suy tim

3. Nguyên nhân dẫn đến suy tim

Suy tim là hậu quả của nhiều bệnh. Các nguyên nhân thường gặp nhất là tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, các bệnh van tim, các bệnh tim bẩm sinh, bệnh cơ tim giãn, nghiện rượu, viêm cơ tim, loạn nhịp tim, tiểu đường, cường giáp, bệnh tự miễn, bệnh tim chu sản (suy tim xảy ra cho người mẹ trước và sau thời gian sinh con vài tuần),...

4. Điều trị suy tim

Các tiêu chí chính của điều trị bệnh suy tim là kéo dài cuộc sống, cải thiện chất lượng cuộc sống (giảm các triệu chứng và giảm số lần phải nhập viện). Để đạt được các tiêu chí đó, điều trị suy tim phải toàn diện, bao gồm:

4.1. Điều chỉnh lối sống

  • Chế độ ăn giảm muối. Khi suy tim nặng lên, mất bù thì thực hiện chế độ kiêng muối tuyệt đối trong thời gian khoảng 1 - 2 tuần.
  • Bỏ thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác.
  • Làm công việc phù hợp: Tránh các công việc đòi hỏi phải gắng sức.
  • Tập luyện phù hợp: Thể dục dưỡng sinh, thái cực quyền. Những bệnh nhân bị suy tim mức độ nhẹ (NYHA I, II) có thể tập đạp xe, bơi, đi bộ. Nhưng dù tập môn gì cũng cần ghi nhớ 1 điều là không được gắng sức.
  • Tham gia sinh hoạt, giải trí ở hội, câu lạc bộ để nâng cao tinh thần lạc quan, tránh bi quan tiêu cực.

4.2. Điều trị bằng thuốc

Các thuốc đã được chứng minh qua các thử nghiệm lâm sàng là có hiệu quả tốt trong điều trị suy tim ( nếu không có chống chỉ định ) là:

  • Các thuốc ức chế men chuyển và các thuốc ức chế thụ thể của Angiotensine II.
  • Sacubitril + Valsartan: thuốc Uperio.
  • Một số thuốc chẹn β: Bisoprolone; Metoprolone; Carvedilone, Nebivolone.
  • Các thuốc kháng Aldosterone.
  • Ivabradine.

Ngoài ra, tùy bệnh cảnh lâm sàng còn dùng thêm 1 số thuốc khác: Lợi tiểu khi có suy tim sung huyết (phù, gan to, ran ẩm ở phổi), Digoxine và kháng vitamine K khi có rung nhĩ, Nitrate và vận mạch trong cơn suy tim cấp,...

4.3. Các kỹ thuật nâng cao

Khi suy tim nặng lên, đáp ứng kém với điều trị nội khoa. Có thể áp dụng các kỹ thuật sau: Cấy máy tái đồng bộ thất trái (CRT), cấy máy khử rung tự động (ICD), thiết bị hỗ trợ thất trái (LVAD), ghép tim, và gần đây nhất là tim nhân tạo toàn bộ. Các kỹ thuật này chưa được thực hiện 1 cách rộng rãi ở Việt nam do cần phải có trang bị và trình độ kỹ thuật chuyên sâu, và nhất là do chi phí còn rất cao so với khả năng kinh tế của người bệnh. Riêng với kỹ thuật ghép tim còn vấp thêm 1 trở ngại khác nữa, đó là nguồn hiến tim còn rất hiếm. Vì vậy, chiến lược điều trị suy tim thích hợp và hiệu quả nhất vẫn là phát hiện sớm và theo dõi, tuân thủ điều trị 1 cách chặt chẽ, đồng thời nâng cao nhận thức và có biện pháp để dự phòng suy tim. Đây là điều hết sức quan trọng.

Nguyên nhân và các phương pháp điều trị hiệu quả bệnh suy tim
Phát hiện sớm và theo dõi bệnh là chiến lược điều trị suy tim thích hợp nhất

5. Làm thế nào để dự phòng suy tim?

Trước hết, phải có lối sống lành mạnh: Không thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, không các chất kích thích. Tập thể dục và các môn thể thao vừa sức, nghỉ ngơi giải trí, tránh lối sống trì trệ.

Khám sức khỏe định kỳ, khám chuyên khoa tim mạch định kỳ nhằm phát hiện sớm và điều trị đúng các biến chứng suy tim, cũng như để quản lý và điều trị suy tim một cách hiệu quả.

Quan trọng hàng đầu là phát hiện sớm và quản lý, điều trị tốt các bệnh có thể dẫn đến suy tim như đã nói trong phần 3 ở trên. Nhất là bệnh tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh tiểu đường là các bệnh đang có xu hướng gia tăng ở Việt nam. Một số bệnh gây ra suy tim có thể được điều trị 1 cách triệt để bằng phẫu thuật: bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

20.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan