Chăm sóc tại nhà và dinh dưỡng cho trẻ bị viêm đường hô hấp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ - Bác sĩ Nội trú Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác đã có 09 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhi khoa với thế mạnh trong khám, tư vấn, điều trị các bệnh lý ở trẻ; Hồi sức cấp cứu, chống độc trẻ sơ sinh và trẻ em.

Bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ em thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa và tái đi tái lại nhiều lần, gây ảnh hưởng tới sinh hoạt và học tập của trẻ. Việc chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp tại nhà và duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp đẩy lùi bệnh nhanh chóng, tránh được những biến chứng khó lường.

1. Viêm đường hô hấp ở trẻ là gì?

Đường hô hấp trên bao gồm các cơ quan: Mũi, họng, hầu, xoang và thanh quản. Các cơ quan này có chức năng sàng lọc, làm ấm không khí trước khi đưa vào phổi. Chúng rất mẫn cảm với các yếu tố của môi trường xung quanh, đặc biệt là vi khuẩn, virus nên dễ bị viêm nhiễm.

1.1 Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây viêm đường hô hấp gồm: Virus (virus Rhino, Adeno, virus cúm Parainfluenza, Coronavirus, virus hô hấp hợp bào RSV), vi khuẩn (Haemophilus influenzae, liên cầu khuẩn tan máu nhóm A, phế cầu khuẩn, một số loại nấm,...) và các yếu tố thuận lợi như thời tiết lạnh, giao mùa, trẻ nhỏ (dưới 1 tuổi), trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, bị suy giảm miễn dịch, sau phẫu thuật, không gian sống chật hẹp, vệ sinh kém,...

Các bệnh viêm đường hô hấp trên bao gồm: Viêm mũi, viêm họng, viêm amidan, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm tai giữa,... Những bệnh này có thể xảy ra cấp tính hoặc diễn biến mạn tính. Nếu không chữa trị dứt điểm, viêm đường hô hấp trên có thể chuyển thành viêm đường hô hấp dưới, đặc biệt là viêm phế quản, viêm phổi cấp tính.

1.2 Triệu chứng của viêm đường hô hấp

Triệu chứng của viêm đường hô hấp gồm:

  • Sốt: Sốt vừa hoặc sốt cao 39 - 40 độ C, hầu hết là sốt liên tục, có thể bị co giật, đặc biệt là ở trẻ em dưới 5 tuổi;
  • Ho, chảy nước mũi, hắt hơi, quấy khóc, ngủ kém;
  • Khó thở do nghẹt mũi nếu viêm đường hô hấp trên hoặc do phế quản bị phù nề và co thắt nếu viêm đường hô hấp dưới (viêm phế quản co thắt). Biểu hiện của khó thở là thở nhanh, môi tím tái, cánh mũi phập phồng, rối loạn nhịp thở và số lần thở, lõm xương ức hoặc lõm các khe liên sườn.

Hầu hết trẻ bị viêm đường hô hấp trên thể nhẹ thường chỉ kéo dài vài ngày là tự khỏi dù không sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn phải theo dõi sức khỏe của trẻ cẩn thận, nếu thấy trẻ ho nhiều, mệt mỏi, nôn ói, tím tái, sốt trên 38°C, co giật, và khó thở cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám để xử trí kịp thời, đề phòng các biến chứng viêm phế quản, viêm phổi, viêm cầu thận, viêm não, thấp tim,...

Việc điều trị cho trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp gồm điều trị có dùng thuốc và điều trị không dùng thuốc. Điều trị có dùng thuốc gồm: Điều trị triệu chứng (giảm ho, giảm đau, chống viêm, hạ sốt) và điều trị căn nguyên (nếu nguyên nhân do vi khuẩn có thể dùng thuốc kháng sinh). Điều trị không dùng thuốc gồm vệ sinh mũi, làm thông thoáng đường thở cho trẻ, duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ để tăng sức đề kháng của cơ thể và tạo môi trường sống trong lành, sạch sẽ cho bé. Việc điều trị cho trẻ bằng thuốc kháng sinh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ để tránh tình trạng kháng thuốc.

Trẻ khó thở
Một trong những triệu chứng của trẻ bị viêm đường hô hấp là khó thở

2. Cách chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp tại nhà

Hầu hết các trường hợp trẻ bị viêm đường hô hấp đều có thể tự khỏi nếu được chăm sóc và theo dõi tốt. Các công việc cần làm khi chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp tại nhà bao gồm:

2.1 Chăm sóc cho trẻ bị sốt

  • Sốt nhẹ từ 37,5 - 38,5 độ C: Chỉ cần cho bé nghỉ ngơi nhiều hơn, uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa và mặc quần áo thoáng mát. Bên cạnh đó, nên lau mát cho trẻ bằng nước ấm 37 độ C và theo dõi thân nhiệt của bé mỗi 30 phút một lần;
  • Sốt từ 38,5 độ C: Cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ và lau mát tích cực cho trẻ bằng nước ấm 37 độ C ở các vị trí như nách, bẹn. Nếu dùng thuốc hạ sốt mà trẻ vẫn sốt cao thì có thể cho trẻ tắm nước ấm để hạ thân nhiệt nhanh, tránh co giật. Đồng thời, cha mẹ cần kiểm tra thân nhiệt của bé thường xuyên, cách mỗi 30 phút - 1 giờ.

2.2 Làm thông đường hô hấp cho trẻ

  • Vệ sinh mũi, miệng: Tình trạng chảy nước mũi nhiều, nghẹt mũi khiến bé khó ăn, khó ngủ. Vì vậy, phụ huynh có thể làm thông mũi cho trẻ bằng cách dùng nước muối sinh lý nhỏ vào từng bên mũi để làm loãng dịch mũi, sau đó dùng dụng cụ hút mũi để loại bỏ dịch mũi. Cuối cùng, dùng tăm bông sạch và khô làm sạch lại mũi cho trẻ. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể dùng khăn giấy mềm, khô để làm thông thoáng mũi cho trẻ, tránh gây kích thích đau, đỏ mũi do lau chùi nhiều lần. Cha mẹ lưu ý không dùng miệng hút mũi cho trẻ vì miệng người lớn có nhiều vi khuẩn, dễ lây sang bé. Đồng thời, tránh lạm dụng nước muối để hút mũi vì có thể gây teo niêm mạc mũi của bé. Đặc biệt, không được nhỏ nước ép tỏi cho trẻ vì tỏi có vị cay, có thể gây bỏng niêm mạc;
  • Tống xuất đờm ra ngoài: Trước bữa ăn hoặc sau ăn tối thiểu 1 giờ, phụ huynh có thể vỗ lưng cho trẻ khi bị ho có đờm để tống xuất đờm ra khỏi đường hô hấp. Kỹ thuật thực hiện là: Gập bàn tay thành dạng khum, giữ ngón cái ép vào ngón trỏ, vỗ nhẹ vào phần lưng của bé, vỗ bên trái khoảng 3 - 5 phút rồi chuyển sang vỗ bên phải khoảng 3 - 5 phút.

2.3 Chăm sóc khi trẻ bị ho

Ho có thể do tăng tiết đờm nhớt, tăng xuất tiết hoặc do co thắt các cơ đường hô hấp. Tùy theo nguyên nhân, bác sĩ sẽ có chỉ định sử dụng thuốc phù hợp nên phụ huynh không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc. Cha mẹ cũng có thể giảm ho, đau họng cho trẻ bằng cách sử dụng các bài thuốc dân gian an toàn như: Ngậm một ít mật ong cách mỗi 6 giờ/lần, mỗi lần 1⁄2 thìa cà phê; ngậm quất ngâm đường; uống nước trà loãng - ấm hoặc dùng các thảo dược chế biến sẵn ở dạng siro,...

2.4 Chăm sóc khi trẻ bị nôn ói

Trong quá trình chăm sóc tại nhà, nếu cha mẹ thấy trẻ có triệu chứng nôn nhiều hơn thì cần theo dõi chặt chẽ và đi khám sớm vì đây có thể là dấu hiệu đờm đặc hoặc bệnh trở nặng. Khi trẻ nôn nên cho trẻ nằm nghiêng đầu sang một bên, làm sạch chất nôn trong miệng, họng, mũi của bé và dùng nước ấm, khăn mềm lau khô chất nôn trên người bé, thay quần áo mới cho bé.

Cha mẹ không nên tự ý cho trẻ uống thuốc chống nôn khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Nếu trẻ bị nôn ói kèm theo các triệu chứng mất nước như mắt trũng, da nhăn nheo, li bì,... phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay.

3. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị viêm đường hô hấp

Ở giai đoạn ủ bệnh viêm đường hô hấp, trẻ có tình trạng mệt mỏi, chán ăn. Khi bị bệnh, triệu chứng đau họng, nghẹt mũi, kết hợp sử dụng kháng sinh dài ngày làm rối loạn hệ vi sinh đường ruột khiến trẻ biếng ăn hơn. Vì vậy, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ để bé sớm hồi phục sức khỏe. Một số lưu ý quan trọng gồm:

  • Đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ để cải thiện sức đề kháng, giúp bé mau chóng khỏi bệnh;
  • Cho trẻ ăn uống, bú mẹ theo nhu cầu, không cần thiết phải kiêng cữ quá mức hoặc ép trẻ phải ăn hết phần thức ăn đã được chuẩn bị;
  • Không nên cho trẻ ăn thức ăn, đồ uống lạnh (ăn lạnh làm tình trạng viêm họng diễn tiến phức tạp hơn) hay thực phẩm mà trẻ bị dị ứng;
  • Nên chia thành nhiều bữa ăn trong ngày với số lượng ít hơn và thức ăn mềm hơn, dễ nuốt, dễ tiêu hóa. Có thể bổ sung thêm rau xanh và trái cây vào chế độ ăn của trẻ lớn và nước ép hoa quả vào chế độ ăn của trẻ nhỏ;
  • Cho bé uống đủ nước vì trẻ có nguy cơ mất nước do sốt và thở nhanh. Đồng thời, việc uống nhiều nước cũng có tác dụng làm dịu cổ họng và làm loãng đờm;
  • Nếu bé bị nôn ói 1 - 2 lần/ngày và vẫn vui vẻ, chơi đùa bình thường thì chỉ cần cho bé ăn hoặc uống thêm sữa ngay sau khi nôn ói để bé không bị đói và sụt cân.
Rau
Trẻ bị bệnh viêm đường hô hấp cần được bổ sung đầy đủ dưỡng chất

4. Biện pháp phòng bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ

  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người đang mắc bệnh viêm đường hô hấp;
  • Tránh các yếu tố gây hại cho đường hô hấp của trẻ như bụi bẩn, khí độc, hơi nóng,...;
  • Giữ vệ sinh và bảo quản sữa mẹ đúng cách, tránh nhiễm khuẩn;
  • Phụ huynh nên rửa tay đúng cách trước và sau khi chăm sóc trẻ;
  • Cho trẻ vệ sinh răng miệng và súc miệng hằng ngày bằng nước muối;
  • Giữ ấm cơ thể của bé vào mùa đông, đặc biệt là vùng cổ, ngực, bụng, bàn tay, gan bàn chân;
  • Tránh cho trẻ nằm phòng điều hòa quá lạnh hoặc sinh hoạt ngoài trời quá lâu, đặc biệt trong thời điểm chuyển mùa;
  • Hạn chế đưa bé đến những nơi đông người trong mùa dịch;
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học: Bữa ăn của trẻ nên đa dạng và cân bằng giữa 4 nhóm chất là chất đường bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất;
  • Vệ sinh môi trường sống, phòng ở nên lưu thông không khí tốt, tránh tình trạng bí bách, ẩm thấp;
  • Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để tạo miễn dịch chủ động giúp bé phòng tránh được nhiều căn bệnh truyền nhiễm.

*Lưu ý: Trong quá trình chăm sóc tại nhà, nếu bé có các biểu hiện như: Không uống được hoặc bỏ bú, bệnh nặng hơn, khó thở, thở nhanh (trên 50 lần/phút), rút lõm lồng ngực, sốt cao liên tục 3 - 5 ngày, tiêu chảy nặng, có các dấu hiệu biến chứng ở phổi, hệ tiêu hóa, tai, mắt,... phụ huynh nên đưa bé đi khám ngay tại các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán chính xác và có phương án điều trị đúng đắn, hiệu quả.

Ngoái ra, để phòng tránh các bệnh lý viêm đường hô hấp ở trẻ, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan