Bài viết của Chuyên viên tâm lý Trương Tạ Anh Nga – Trung tâm Y học tái tạo và trị liệu tế bào - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Giao tiếp ở trẻ em không đơn thuần là trao đổi thông tin mà có thể kích thích não bộ, phát triển trí tuệ cho trẻ. Khi cha mẹ và thầy cô hiểu được chu trình giao tiếp 9 bước của trẻ sẽ giúp được con phát triển ngôn ngữ, tư duy, tạo đà hình thành nhân cách và tri thức sau này.
1. Giao tiếp là gì?
Giao tiếp là một phần tất yếu trong cuộc sống. Đây là hoạt động chúng ta cần thực hiện mỗi ngày, mỗi giờ. Không có giao tiếp chúng ta không thể hiểu được chính bản thân mình và người khác và sẽ gặp khó khăn trong việc học tập và làm việc.
Vậy chúng ta giao tiếp bằng những cách khác nhau nào? Đầu tiên là sự tiếp xúc tâm lý giữa người và người một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, với các biểu đạt thông qua lời nói hoặc hành vi, thể hiện với ngôn ngữ, cử chỉ, điệu bộ. Chúng ta thực hiện với một hoặc nhiều các cách thức trên để phản ánh hiệu quả cảm xúc, thái độ; cũng như mang đến các thông tin cung cấp để đánh giá đối tượng. Giao tiếp giúp con người có nhiều chủ đề để nói chuyện, quan tâm hoặc đánh giá lẫn nhau.
Các đặc điểm của quá trình giao tiếp:
- Giao tiếp giữa người gửi thông tin và người tiếp nhận thông tin, bao gồm 2 hoặc 3 người hoặc nhiều hơn nữa.
- Giao tiếp bằng cách sử dụng ngôn ngữ, bao gồm việc gửi và nhận thông tin có ý nghĩa
- Những thông tin này có thể là lời nói (nói, viết, đọc) hoặc là ngôn ngữ không lời như cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, dáng điệu, ngữ điệu. Các ký hiệu bằng tay và tranh ảnh cũng là hình thức giao tiếp không lời được sử dụng nhiều trong đời sống hiện đại ngày nay.
- Quá trình giao tiếp sẽ có hiệu quả hơn khi chúng ta kết hợp ngôn ngữ bằng lời, không lời và ngôn ngữ cơ thể.
2. Vai trò của giao tiếp trong cuộc sống
Thông qua giao tiếp, chúng ta cần được diễn tả, bày tỏ các nhu cầu, tình cảm, ý kiến của mình. Chúng ta tiếp nhận thông tin và truyền đạt thông tin. Bằng cách này, chúng ta thiết lập cho mình như là những cá nhân
Giao tiếp có thể mang đến cho chúng ta cách kiểm tra những gì xảy ra với mình. Giao tiếp một cách có hiệu quả là một bước quan trọng nhằm hướng tới xây dựng mối quan hệ và sự liên tưởng với cộng đồng.
3.Vai trò của giao tiếp của trẻ em
Riêng với trẻ em, khả năng giao tiếp bao gồm việc thể hiện bản thân và tiếp nhận thông điệp từ người khác. Đặc biệt, giao tiếp ở trẻ em không đơn thuần là trao đổi thông tin mà có ý nghĩa trong việc kích thích não bộ, phát triển trí tuệ cho trẻ, khiến trẻ dễ dàng hòa nhập xã hội hơn.
Do đó, trẻ em cần được phát triển tất cả các khía cạnh trong giao tiếp, tức là giao tiếp bằng lời và không lời. Trẻ em cũng cần giải thích được những cử chỉ, điệu bộ, ngữ điệu, nét mặt, chuyển động cơ thể của người khác và của chính mình. Đồng thời trẻ cũng cần nhận thức được ngôn ngữ cơ thể của mình và sử dụng chúng một cách phù hợp.
4.Chu trình giao tiếp của trẻ em
Giao tiếp không chỉ bằng lời nói, và lời nói chỉ là vỏ bọc bên ngoài của giao tiếp. Chu trình giao tiếp không chỉ đơn thuần là một người nói và một người đáp lại mà sẽ gồm 9 bước như dưới đây.
- Bước 1: Nghe và hiểu thông tin
- Bước 2: Phân biệt thông tin: Ai đang tạo ra âm thanh này? Con vật hay con người?
- Bước 3: Nhận biết những gì nghe được
- Bước 4: Hiểu nghĩa của câu đã nghe được
- Bước 5: Quyết định câu trả lời (ví dụ: Mình cần nói với cậu ấy đó cái chén ở trên bàn)
- Bước 6: Quyết định làm thế nào để gửi câu trả lời
- Bước 7: Lựa chọn phương thức để trả lời, dùng lời nói, ký hiệu hay lựa chọn tranh ảnh, hay lựa chọn ký hiệu giao tiếp cơ bản.
- Bước 8: Biết sắp xếp thứ tự các ký hiệu
- Bước 9: Gửi câu trả lời
Trong chu trình 9 bước giao tiếp của trẻ em nói trên, khi trẻ gặp khó khăn tại bước nào thì chu trình giao tiếp sẽ bị gián đoạn tại bước đó hoặc xảy ra sự đổ vỡ của giao tiếp.
Nếu cha mẹ hoặc thầy cô chưa hiểu được chu trình của giao tiếp và đòi hỏi trẻ chỉ cần có “lời nói” trong khi trẻ còn chưa xây được nền móng giao tiếp thì chu trình giao tiếp sẽ bị gián đoạn. Hoặc khi nhận được kỳ vọng quá cao mà trẻ không hiểu và đáp ứng được sẽ dẫn đến những hành vi không mong muốn. Khi đó, cha mẹ và thầy cô sẽ gặp khó khăn để xây dựng được mối quan hệ “an toàn” với trẻ và ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình phát triển của trẻ.
Tóm lại, chu trình giao tiếp của trẻ em gồm 9 bước sẽ lặp lại như trên trong mỗi lần giao tiếp với người khác. Biết được tầm quan trọng của quá trình này, cha mẹ và các thầy cô giáo có thể hỗ trợ ở các điểm trẻ gặp khó khăn và giúp các con phát triển ngôn ngữ, tư duy, tạo đà cho sự hình thành nhân cách và tri thức sau này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.