Trẻ sơ sinh thường rụng rốn sau 7 đến 10 ngày và sau 15 ngày thì cuống rốn liền hoàn toàn. Hiện nay, các chuyên gia đều khuyến cáo nên để hở, không cần băng kín nhưng phải chú ý theo dõi, sử dụng thuốc sát trùng rốn cho trẻ sơ sinh, chăm sóc đúng cách để giữ cho rốn trẻ luôn vệ sinh, khô ráo và kịp thời phát hiện khi có bất thường, đề phòng nhiễm trùng rốn.
1. Khi nào cần sử dụng thuốc sát trùng rốn cho trẻ sơ sinh?
Chăm sóc, sát trùng cuống rốn và vùng xung quanh rốn cho trẻ nên được thực hiện từ 1 đến 2 lần mỗi ngày ở những trẻ:
- Trẻ sơ sinh chưa rụng cuống rốn
- Trẻ đã rụng cuống rốn nhưng còn tiết dịch
- Trẻ bị viêm rốn, nhiễm trùng rốn
2. Cách sát trùng rốn cho trẻ sơ sinh đúng cách
Dụng cụ cần chuẩn bị:
- Dung dịch sát trùng cồn 70 độ, nước muối sinh lý NaCl 0,9%
- Gạc vô trùng
- Que gòn vô trùng
Các bước tiến hành:
- Bước 1. Người chăm sóc rửa tay sạch bằng nước và xà phòng, sau đó có thể sát trùng lại với cồn 70 độ để tránh vi khuẩn, virus từ tay xâm nhập vào vùng rốn trẻ
- Bước 2. Tháo băng rốn (nếu có) và dùng gạc vô trùng nâng cuống rốn một cách nhẹ nhàng
- Bước 3. Quan sát chân rốn, thân cuống rốn, mặt cắt rốn và vùng da xung quanh rốn, kiểm tra xem có các bất thường như chảy mủ, đỏ, sưng tấy nề hay không. Chú ý rốn trẻ có mùi hôi không.
- Bước 4. Dùng gạc hay bông gòn vô trùng tẩm dung dịch sát trùng lần lượt theo thứ tự: chân rốn, thân cuống rốn, kẹp rốn, mặt cắt cuống rốn.
- Bước 5. Sát trùng ra vùng da xung quanh từ trong ra ngoài, vùng rộng từ 5-7cm xung quanh rốn.
- Bước 6. Quấn tã vùng dưới rốn, tránh để phân nước tiểu hay chất bẩn khác vấy lên vùng rốn đã được vệ sinh.
3. Lưu ý khi dùng thuốc sát trùng rốn cho trẻ sơ sinh
Các mẹ nên sử dụng dung dịch cồn 70 độ hoặc dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0,9% để sát trùng rốn hàng ngày cho trẻ. Trong trường hợp trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng rốn, có thể sử dụng dung dịch Milian hoặc Eosin 1% hay còn gọi là thuốc đỏ bôi vào rốn trẻ 3-4 lần/ngày, mỗi lần từ 1-2 giọt. Chú ý không để dung dịch dính vào niêm mạc hay mắt trẻ. Sau mỗi lần sử dụng, cần đóng kín nắp, bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh xa tầm tay trẻ em.
Dung dịch Betadine 5% với thành phần là Povidone Iodine là thuốc sát trùng vết thương hay được sử dụng trong các bệnh viện. Tuy nhiên, dung dịch Betadine chống chỉ định dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi.
Trong trường hợp các mẹ không biết và đã dùng Betadine để sát trùng rốn cho con của mình thì phụ thuộc vào từng cách dùng sẽ có cách xử lý khác nhau. Nếu các mẹ đổ dung dịch ra gạc hoặc que vô trùng và sát trùng rốn cho trẻ mỗi ngày 1 lần thì chỉ cần ngừng sử dụng, thay bằng dung dịch cồn 70 độ hoặc nước muối sinh lý để vệ sinh rốn cho trẻ và không cần đưa trẻ đi khám. Nếu các mẹ sát trùng bằng cách nhỏ trực tiếp lên rốn trẻ hoặc sử dụng mỗi ngày từ 2 lần trở lên, mỗi lần nhiều hơn 2 giọt cần đưa trẻ đến bác sĩ để kiểm tra chức năng nội tiết tuyến giáp.
Dung dịch Betadine là thuốc sát trùng được sử dụng để vệ sinh vết may tầng sinh môn nhưng ít ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh do nồng độ hấp thu và bài tiết qua sữa mẹ thấp. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ em dưới 6 tháng tuổi nên hạn chế sử dụng, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
4. Những lưu ý khi sát trùng rốn cho trẻ sơ sinh
- Giữ rốn và vùng da xung quanh sạch sẽ, khô ráo đến khi cuống rốn rụng
- Nên tháo bỏ kẹp rốn sau 48 giờ nếu rốn đã khô
- Để rốn hở giúp rốn mau khô và dễ rụng hơn
- Chăm sóc rốn từ 1 đến 2 lần mỗi ngày hoặc khi thấy rốn bị bẩn
- Hạn chế sờ, đụng vào cuống rốn và vùng da xung quanh rốn để tránh làm nhiễm trùng rốn, viêm rốn
- Tiếp tục chăm sóc rốn sau khi cuống rốn đã rụng, đến khi rốn khô không còn tiết dịch
- Trong trường hợp cuống rốn rụng trễ (sau 15 ngày), nguyên nhân thường gặp là: Nhiễm trùng rốn: các mẹ cần vệ sinh, sát trùng rốn nhiều lần hơn; Chồi rốn hay mô hạt rốn: Chấm dung dịch bạc nitrate mỗi ngày hoặc tư vấn bác sĩ đốt điện nếu chồi rốn to.
- Tuyệt đối không bôi chấm kháng sinh lên vùng rốn nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.
5. Những bất thường cần đưa trẻ đi khám
Trong quá trình vệ sinh, sát trùng rốn cho trẻ, nếu các mẹ quan sát thấy có các bất thường sau cần lập tức đưa trẻ đến khám bác sĩ.
- Rốn trẻ chảy máu nhiều hoặc khó cầm máu
- Rốn rỉ dịch vàng, có mủ hoặc có mùi hôi
- Rốn rỉ dịch kéo dài sau khi đã rụng
- Vùng da quanh rốn sưng đỏ tấy nề, trẻ quấy khóc khó chịu, bú kém
- Rốn có chồi hạt hay mô hạt rốn, rỉ nước kéo dài
- Rốn chậm rụng sau 2 tuần
Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, vì vậy việc sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào cũng cần được chăm sóc và chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa, cha mẹ không nên tự ý dùng thuốc sát trùng rốn cho trẻ sơ sinh để tránh những tác dụng phụ ảnh hưởng đến trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.