Nhổ răng khôn mọc lệch thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Khánh Nam - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Răng khôn - còn gọi là răng hàm số 8 - là những chiếc răng mọc cuối cùng của mỗi người và thường mọc khi bước vào lứa tuổi trưởng thành, trong độ tuổi từ 17 tới 25 tuổi. Tuy nhiên có trường hợp phải nhổ răng khôn mọc lệch để bảo vệ sức khỏe răng miệng và sự an toàn của những chiếc răng lân cận.

1. Vì sao nên nhổ răng khôn mọc lệch?

Khi không có đủ chỗ để mọc thì việc răng khôn mọc lệch sẽ gây đau hoặc gây khó chịu. Nếu như chỉ có một phần trồi lên và bị hư hại thì nhiều răng khác lân cận cũng sẽ bị hư hại khi nó không được làm vệ sinh sạch sẽ.

Răng khôn mọc lệch còn có khả năng chen chúc và xô đẩy sang các răng kế cạnh gây đau đớn. Nguy hiểm hơn là răng khôn mọc ngầm ở dưới hoặc được phần lợi bọc kín rồi đâm ngang qua chiếc răng số 7 bên cạnh. Hậu quả của việc răng khôn mọc lệch là: gây nhiễm trùng, khít hàm, sưng, đau nhức... Vì thế, răng khôn mọc lệch thường được bác sĩ chỉ định nhổ bỏ để tránh tình trạng nhiễm trùng, tiêu xương ở ổ răng bên cạnh, hư hại răng bên cạnh và tạo nang răng xương hàm.

Răng khôn gây ra nhiều vấn đề và không thực sự hữu dụng. Đặc biệt khi có một cái răng khôn ở hàm dưới đã nhổ bỏ rồi hoặc bị chèn ép không thể nào mọc lên được khiến răng khôn tương ứng ở hàm trên không có răng cắn đối lại. Vì vậy răng khôn hàm trên sẽ có xu hướng di chuyển để tìm răng liên kết với nó.

Đau răng
Răng khôn mọc lệch thường gây đau hoặc khó chịu

2. Răng khôn mọc lệch không đau có nên nhổ không?

Mặc dù có trường hợp răng khôn hàm trên mọc lệch không gây hậu quả nặng (như đau đớn hoặc ảnh hưởng răng khác) nhiều so với sự bất thường của răng khôn hàm dưới, nhưng không phải vì thế mà chúng ta chủ quan và mặc kệ nó. Khi răng khôn hàm trên mọc lệch thường có xu hướng mọc chếch ra phía má và phía sau do xương hàm không đủ chỗ cho răng mọc. Vì thế khi ăn hoặc nhai, người bệnh hay bị cắn phải má, đồ ăn thường xuyên bị dắt vào răng, rất khó vệ sinh, để lâu ngày sẽ gây ra các bệnh lý răng miệng nguy hiểm.

3. Nhổ răng khôn mọc lệch phải làm sao?

Trước khi phẫu thuật nhổ răng khôn mọc ngầm, mọc lệch, bệnh nhân cần được khám và tư vấn cẩn thận. Bác sĩ sẽ kiểm tra tổng thể sức khỏe răng miệng (tình trạng sâu răng, cao răng, viêm lợi...) và chụp X - quang toàn bộ hàm răng để kiểm tra vị trí chân răng, chẩn đoán chính xác hướng mọc, vị trí chân răng, xương hàm xung quanh răng khôn... Nếu răng có dấu hiệu sưng đỏ, nhiễm trùng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để đảm bảo đến ngày phẫu thuật, sức khỏe răng miệng của bệnh nhân ở tình trạng tốt.

Thêm vào đó, bác sĩ sẽ xét nghiệm một vài chỉ số cơ bản như huyết áp, tốc độ đông máu... Bệnh nhân cần thông báo cụ thể cho nha sĩ tình trạng sức khỏe của mình. Với những người có sức khỏe không tốt, mắc các bệnh về tim mạch hay bệnh về máu thì không nên tiến hành nhổ răng khôn. Thông thường, nhổ răng khôn sẽ được tiến hành vào buổi sáng – khi mà người bệnh có tình trạng sức khỏe tốt.

Bệnh nhân súc miệng bằng nước súc miệng chuyên dụng, sau đó được sát khuẩn vùng răng cần nhổ răng. Bác sĩ sẽ gây tê vùng cần nhổ, sau đó sẽ thực hiện phẫu thuật với sự hỗ trợ của một số dụng cụ nha khoa như: kìm nhổ răng, dụng cụ nạy để bóc tách lợi và dây chằng cổ răng, tạo điều kiện cho việc lấy răng ra được dễ dàng. Sau khi nhổ, bác sĩ sẽ khâu vết thương. Một tuần sau khi nhổ răng khôn thì chỉ khâu sẽ tự tiêu và vết thương sẽ lành dần.

Sau khi thực hiện nhổ răng khôn, bệnh nhân cần cắn chặt bông gòn trong vòng khoảng nửa tiếng để cầm máu rồi lấy chúng ra. Nếu như vẫn chưa cầm được máu thì cần phải giữ thêm một gòn cuộn khác trong vòng nửa tiếng nữa để đảm bảo có thể cầm được máu. Chườm lạnh là một phần không thể thiếu sau khi phẫu thuật, giúp giảm đau và tiêu sưng. Trong vòng từ 3 đến 4 tiếng sau khi phẫu thuật răng khôn, bệnh nhân nên đặt túi chườm lạnh lên vùng răng mới nhổ trong vòng 15 phút, sau đó lấy ra, nghỉ 15 phút rồi lại tiếp tục thực hiện như vậy.

Cần tránh tác động lên phần răng vừa nhổ bằng cách dùng vật nhọn hay đưa lưỡi vào. Nên ăn những thức ăn lỏng mềm, dễ nuốt, không ăn thức ăn cứng dai nhằm tránh tác động đến chỗ răng bị tổn thương. Sau khoảng 1 - 2 tuần, chân răng khôn vừa nhổ sẽ dần liền thương và có thể ăn, nhai trở lại bình thường.

Khám răng
Khám răng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

4. Nhổ răng khôn mọc lệch có nguy hiểm không?

Tất cả độ khó dễ của quá trình nhổ răng phụ thuộc vào vị trí và hình dạng của chân răng. Bác sĩ sẽ cho biết mức độ khó dễ sau khi chụp X quang. Răng khôn hàm trên thường dễ nhổ hơn răng khôn hàm dưới. Sau khi nhổ răng khôn, miệng sẽ bị sưng trong một vài ngày nhưng vùng nhổ răng sẽ sớm lành thương và sẽ không có gì khác với khuôn mặt trước kia. Để giúp cho quá trình lành thương diễn ra nhanh chóng thì bệnh nhân cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, việc lựa chọn cơ sở y tế uy tín, chuyên môn cao đóng vai trò quyết định trong việc thành công của một ca nhổ răng khôn.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán răng khôn mọc lệch

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

128.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan