Quản lý tiền sản giật giai đoạn chuyển dạ: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Khoảng 5 - 8% số trường hợp mang thai xuất hiện tiền sản giật. Bởi vì tiền sản giật là một hội chứng bệnh lý thai nghén toàn thân, do đó tiến hành sinh nở là biện pháp điều trị triệt để duy nhất.

1. Những nguy cơ nào có thể xảy ra trong quá trình sinh nở?

Nếu tình trạng tiền sản giật nặng, thai phụ có thể được bác sĩ chỉ định chuyển dạ nhân tạo hoặc mổ lấy thai. Phương pháp nào được áp dụng sẽ dựa trên đánh giá lâm sàng cụ thể của bác sĩ trên từng trường hợp. Thông thường nếu thai nhi càng đủ tháng thì càng có nhiều khả năng chuyển dạ nhân tạo đẻ đường âm đạo, còn nếu thai nhi càng thiếu tháng thì càng có khả năng phải mổ lấy thai bởi cổ tử cung của thai phụ chưa sẵn sàng giãn ra cho cuộc đẻ.

Nếu tình trạng tăng huyết áp của thai phụ ngày càng nặng, nó có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng. Các biến chứng có thể xảy ra cho thai phụ trong quá trình sinh nở bao gồm:

  • Đột quỵ xuất huyết não.
  • Co giật.
  • Hôn mê.
  • Hội chứng HELLP, với các triệu chứng huyết tán, tăng men gan và giảm tiểu cầu, có thể gây tổn thương không hồi phục hệ thần kinh, phổi và thận của thai phụ.

Khi tiền sản giật kèm theo co giật, thì thai phụ đã bị sản giật. Khi thai phụ bị co giật, thai nhi sẽ bị ngạt, và tỉ lệ tử vong đối với thai nhi là 1/14. Hơn nữa, thai phụ bị đột quỵ do tiền sản giật có nguy cơ bị tổn thương não vĩnh viễn hoặc thậm chí tử vong.

Theo một báo cáo năm 2005 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 12% số trường hợp tử vong mẹ có liên quan tới mang thai và sinh sản là do những rối loạn tăng huyết áp như tiền sản giật và sản giật.

Tiền sản giật cũng gây ảnh hưởng tới thai nhi, đặc biệt là sau khi trải qua quá trình sinh nở đầy căng thẳng. Các biến chứng có thể xảy ra với thai nhi trong quá trình sinh nở bao gồm:

Quản lý tiền sản giật giai đoạn chuyển dạ: Những điều cần biết
Tiền sản giật cũng gây ảnh hưởng tới thai nhi
  • Nhau thai cung cấp không đủ máu và ô xy.
  • Nhau bong sớm.
  • Các biến chứng liên quan tới sinh non, ví dụ như các vấn đề hô hấp do phổi chưa trưởng thành.
  • Tử vong.

2. Tiên lượng với những thai phụ bị tiền sản giật

Rối loạn tăng huyết áp đứng hạng ba trong các nguyên nhân gây tử vong mẹ trong thai kỳ và sinh nở, theo một nghiên cứu của Tạp chí Sức khỏe phụ nữ quốc tế. Tỉ lệ tử vong sẽ thấp hơn ở các nước phát triển (như Hoa Kỳ). Nguy cơ tử vong hoặc tổn thương não cũng giảm xuống nếu tiền sản giật được phát hiện sớm và có điều trị thích hợp.

Được theo dõi sát và điều trị tại bệnh viện cũng làm giảm nguy cơ tử vong hoặc tổn thương não của tiền sản giật. Chăm sóc trước sinh sớm và thường xuyên là điều quan trọng nhất trong việc tối thiểu hóa các nguy cơ biến chứng xảy ra trên thai phụ và thai nhi, bởi nó giúp các bác sĩ phát hiện và điều trị sớm các bất thường.

Các em bé sinh non do tiền sản giật phải đối mặt với rất nhiều vấn đề sức khỏe sau này, bao gồm:

  • Chậm phát triển trí tuệ.
  • Khuyết tật thể chất.
  • Bại não.
  • Động kinh.
  • Khiếm thị.
  • Khiếm thính.

Giải pháp duy nhất để chấm dứt hoàn toàn tiền sản giật là sinh nở. Nhưng thời điểm tiến hành sinh nở phụ thuộc vào sự trưởng thành của thai nhi và mức độ nặng của tiền sản giật.

Sau khi sinh nở, trị số huyết áp sẽ dần trở lại bình thường sau vài ngày tới vài tuần, và vẫn cần theo dõi cho đến khi mọi dấu hiệu quay lại hoàn toàn bình thường.

3. Làm thế nào để phòng tránh các biến chứng có thể xảy ra?

Quản lý tiền sản giật giai đoạn chuyển dạ: Những điều cần biết
Phòng tránh các biến chứng bằng cách nào?

Nếu tiền sản giật ở mức độ nặng hoặc có khả năng tiến triển thành sản giật hoặc hội chứng HELLP, bước đầu tiên để tránh biến chứng là cần tiến hành sinh con ngay khi đảm bảo các điều kiện an toàn.

Thông thường oxytocin sẽ được sử dụng để kích thích chuyển dạ nhân tạo. Bên cạnh đó thuốc gây tê hoặc một hình thức vô cảm khác (tùy thuộc từng bệnh nhân cụ thể) sẽ được bác sĩ cân nhắc chỉ định để giảm đau cho bệnh nhân. Tuy nhiên, những thai phụ có số lượng tiểu cầu thấp có thể sẽ không sử dụng được thuốc gây tê.

Trong cuộc chuyển dạ, các thuốc giúp ổn định huyết áp sẽ được sử dụng, như hydralazine hay labetalol. Magnesium sulfate cũng thường được chỉ định để phòng co giật. Trong một số tình huống bệnh nhân sẽ được chỉ định thở ô xy.

Nhân viên y tế sẽ theo dõi phản xạ đầu gối bệnh nhân sau khi sử dụng magnesium sulfate. Mất phản xạ đầu gối là dấu hiệu đầu tiên của quá liều, nếu không kịp thời phát hiện có thể dẫn tới liệt hô hấp hoặc ngừng tim.

Bác sĩ sẽ theo dõi chặt tình trạng của thai phụ và thai nhi. Nếu thai phụ bị xuất huyết nặng, thiếu máu, hoặc số lượng tiểu cầu thấp thì sẽ được truyền máu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan