Khi nào cần siêu âm đầu dò âm đạo?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, Bs.Trịnh Thị Thanh Huyền - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Siêu âm đầu dò âm đạo có thể quan sát hình ảnh chi tiết của các cơ quan bên trong thành âm đạo, giúp xác định những bất thường và chẩn đoán kịp thời bệnh lý nếu có.

1. Siêu âm đầu dò âm đạo là gì?

Siêu âm đầu dò là phương pháp thăm khám phụ khoa (siêu âm vùng chậu) phổ biến được bác sĩ chuyên khoa chỉ định đối với những phụ nữ đã lập gia đình hoặc đã từng quan hệ tình dục với mục đích giúp bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe sinh lý và sinh sản của nữ giới.

Phương pháp này sử dụng sóng âm tần cao tiếp xúc qua ngõ âm đạo để hiển thị hình ảnh chuyên sâu, có độ chính xác cao. Bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ có đầu tròn nhỏ (khoảng 2 đến 3 inch) để tiếp xúc với thành âm đạo, từ đó có thể quan sát được những hình ảnh từ bên trong để xác định tình trạng sức khỏe của nữ giới.

Với việc đưa một dụng cụ vào một nơi nhạy cảm như vậy, nhiều chị em phụ nữ sẽ thắc mắc liệu siêu âm đầu dò có hại không? Theo đó, siêu âm đầu dò thường được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa sản, có kinh nghiệm chuyên môn cao. Thực tế, trong quá trình siêu âm, bác sĩ sẽ di chuyển thiết bị quanh âm đạo nên sẽ không gây bất kỳ ảnh hưởng gì đến tử cung và cổ tử cung. Do vậy siêu âm đầu dò âm đạo an toàn, không gây đau đớn tuy nhiên sẽ cảm thấy hơi khó chịu.

Siêu âm đầu dò âm đạo
Hình ảnh mô phỏng siêu âm đầu dò âm đạo

2. Siêu âm đầu dò phát hiện bệnh gì?

Siêu âm đầu dò được chỉ định khi bác sĩ cảm thấy có những bất thường trong cơ thể bệnh nhân và muốn kiểm tra chi tiết về tử cung, buồng trứng, vòi trứng, cổ tử cung. Siêu âm đầu dò cũng dùng để đánh giá tình trạng rụng trứng, sự phát triển của trứng cũng như độ dày niêm mạc tử cung...

Đối với phụ nữ mang thai, việc siêu âm đầu dò sẽ giúp bác sĩ xác định:

  • Vị trí chính xác của thai nhi khi khám thai ở tuần thứ 4-5 nhằm phát hiện những trường hợp thai ngoài tử cung. Điều này giúp ngăn ngừa hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra như thai ngoài tử cung vỡ ra gây nhiễm trùng ổ bụng, vỡ ống dẫn trứng.... Việc này sẽ không thực hiện được nếu siêu âm qua thành bụng.
  • Đánh giá tim thai ở tuần thứ 6-8 và phát hiện sớm hoạt động của tim thai. Nếu tuần tuổi thai này không thấy hoạt động của tim thai nghi ngờ thai ngừng phát triển.
  • Đánh giá sớm số lượng thai, thai 1 noãn hay khác noãn.
  • Trường hợp thai nhi đã lớn, đầu thai nhi quay xuống dưới che khuất sóng âm, khiến bác sĩ nghi ngờ nhau tiền đạo. Trong trường hợp này, các bác sĩ cũng sẽ tiến hành siêu âm đầu dò để xác định vị trí của bánh nhau.

Vậy siêu âm đầu dò phát hiện bệnh gì? Theo đó, khi khám phụ khoa bằng siêu âm đầu dò còn giúp chẩn đoán một số bệnh phụ khoa khác như:

  • U nang buồng trứng: Đây là bệnh phổ biến ở phụ nữ. Chúng phát triển mà không gây ra bất cứ triệu chứng rõ ràng nào, vì vậy chị em phụ nữ cần siêu âm phụ khoa định kỳ để giúp phát hiện sớm bệnh này.
  • U xơ tử cung: U xơ tử cung là những khối u nhỏ phát triển và thành hình từ lớp cơ của tử cung. Qua hình ảnh siêu âm đầu dò tử cung, có thể đánh giá tình trạng, kích thước của khối u này. Căn bệnh này có thể gặp ở bất cứ ai nhưng tỉ lệ mắc cao nhất ở độ tuổi 30 – 50 tuổi và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
  • Ung thư tử cung: Các tế bào ung thư có thể phát triển bên trong tử cung mà người bệnh không hay biết. Chỉ có thể phát hiện được trong quá trình siêu âm phụ khoa định kỳ hoặc khi người bệnh có dấu hiệu bất thường.
  • Viêm tắc ống vòi trứng: Qua hình ảnh siêu âm đầu dò, bác sĩ sẽ chẩn đoán được vị trí bị tắc và đưa ra phương pháp điều trị. Siêu âm chỉ phát hiện ra viêm tắc khi có biểu hiện ứ dịch, ứ mủ, hoặc viêm làm vòi trứng tăng kích thước.
U nang buồng trứng
Hình ảnh u nang buồng trứng trên kết quả siêu âm

3. Khi nào nên siêu âm đầu dò?

Là phương pháp có thể đánh giá chi tiết về những bất thường ở tử cung, buồng trứng, vòi trứng, cổ tử cung,... Do vậy, khi nhận thấy cơ thể có những triệu chứng, dấu hiệu hoặc sau đây chị em phụ nữ cần đi siêu âm đầu dò âm đạo:

  • Khi nữ giới có dấu hiệu đau vùng xương chậu, vùng bụng dưới nhiều lần trong ngày.
  • Khi nghi ngờ bị u nang buồng trứng, u xơ tử cung.
  • Các trường hợp rối loạn kinh nguyệt.
  • Chảy máu vùng kín giữa chu kỳ kinh nguyệt không rõ nguyên nhân.
  • Chảy máu bất thường ở vùng kín khi mang thai.
  • Đau khi giao hợp.
  • Khí hư có màu sắc bất thường, ra nhiều và mùi hôi.
  • Ngứa ngáy hoặc khô vùng kín.

Hoặc trong trường hợp:

  • Theo dõi nhịp tim của thai nhi;
  • Kiểm tra vị trí đặt vòng tránh thai;
  • Kiểm tra sức khỏe vùng xương chậu;
  • Đánh giá tình hình sức khỏe sinh sản.

Lưu ý: Tùy thuộc vào hướng dẫn của bác sĩ và lý do siêu âm, bàng quang phải trống hoặc đầy (bàng quang đầy sẽ giúp hình ảnh siêu âm của các cơ quan vùng chậu rõ ràng hơn).

  • Nếu bác sĩ yêu cầu làm trống bàng quang thì cần đi vệ sinh trước khi siêu âm đầu dò.
  • Nếu phải làm đầy bàng quang, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh uống nhiều nước khoảng 30 phút trước khi bắt đầu tiến hành siêu âm.
  • Nếu đang trong chu kỳ kinh nguyệt, người bệnh cần loại bỏ tampon nếu đang sử dụng trước khi siêu âm.
Thành lập phòng khám phụ khoa
Phụ nữ nên đi khám sức khỏe sinh sản định kỳ 3 - 6 tháng một lần

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

108.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan