Lưu ý trong quá trình mổ lấy thai

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Phương - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ Lê Thị Phương đã có 29 năm kinh nghiệm trong ngành sản phụ khoa.

Mổ lấy thai là phẫu thuật lấy thai nhi, nhau và màng ối qua một vết mổ ở thành bụng vào tử cung đang nguyên vẹn. So với sinh ngả âm đạo, mổ lấy thai được áp dụng trong những trường hợp cấp bách, cần thiết phải lấy thai ra nhằm làm giảm những nguy hiểm cho thai nhi và người mẹ.

1. Nguyên nhân phải phẫu thuật mổ lấy thai

Những nguyên nhân phải mổ lấy thai là do:

Khung chậu của mẹ bất thường: Nếu không phải là ngôi chỏm thì đều phải mổ lấy thai, nếu là ngôi chỏm thì cũng phải mổ lấy thai trong trường hợp khung chậu hẹp tuyệt đối, khung chậu méo; làm nghiệm pháp lọt ngôi chỏm để thử thách cho sinh đường dưới nếu khung chậu giới hạn (thai không to), nếu thất bại thì có chỉ định sinh mổ.

Đường ra của thai bị cản trở như: Khối u tiền đạo, thường hay gặp là u xơ ở eo tử cung hay cổ tử cung, u nang buồng trứng, các khối u khác nằm trên đường thai đi ra; nhau tiền đạo trung tâm hay nhau tiền đạo gây chảy máu nhiều buộc phải mổ cấp cứu để cầm máu cứu mẹ.

Tử cung người mẹ có sẹo mổ trong trường hợp: Các sẹo mổ ở thân tử cung bị sẹo bóc u xơ, sẹo của phẫu thuật tạo hình tử cung, sẹo khâu chỗ vỡ, chỗ thủng tử cung, sẹo của phẫu thuật cắt xén góc tử cung, sừng tử cung; sẹo của phẫu thuật mổ ngang đoạn dưới tử cung từ hai lần trở lên hoặc lần mổ lấy thai trước cách chưa được 24 tháng.

Thai phụ bị bệnh lý nguy hiểm: Chỉ định phẫu thuật lấy thai vì người mẹ bị các bệnh lý toàn thân mạn tính hay cấp tính nếu sinh đường dưới có thể có nguy cơ cho tính mạng người mẹ (bệnh tim nặng, tăng huyết áp, tiền sản giật nặng và sản giật); các bất thường ở đường sinh dục dưới của người mẹ như chít hẹp âm đạo (bẩm sinh hay mắc phải), tiền sử mổ rò, mổ sa sinh dục; các dị dạng của tử cung như tử cung đôi (tử cung không có thai thường trở thành khối u tiền đạo), tử cung hai sừng....

Các vấn đề về thai nhi: Chỉ định mổ khi thai bị suy dinh dưỡng/chậm tăng trưởng trong tử cung nặng, hoặc thai to > 4.000g không phải do thai bất thường; thai nhi bị bất đồng nhóm máu với mẹ nếu không lấy thai ra thì có nguy cơ thai bị chết lưu trong tử cung

Tiền sử thai phụ: Thai phụ con so có tuổi từ 35 trở lên. Có thể kèm theo hay không lý do vô sinh: tiền sử điều trị vô sinh, con hiếm.

luu-y-trong-qua-trinh-mo-lay-thai-1
Thai phụ có tiền sử điều trị vô sinh thì nên thực hiện mổ lấy thai

Các vấn đề ngôi thai: Các ngôi bất thường như ngôi vai/ngang, ngôi trán, ngôi thóp trước, ngôi mặt cằm sau, ngôi mông và bất tương xứng đầu thai với khung chậu.

Đa thai: nếu thai thứ nhất không phải là ngôi đầu.

Bất thường trong quá trình chuyển dạ: Chỉ định mổ lấy thai vì bất thường trong chuyển dạ như cơn co tử cung bất thường sau khi đã dùng các loại thuốc tăng co hay giảm co để điều chỉnh mà không thành công; cổ tử cung không xóa hay mở mặc dù con cơ tử cung đồng bộ, phù hợp với độ mở cổ tử cung; ối vỡ non/sớm làm cuộc chuyển dạ ngừng tiến triển, giục sanh thất bại.

Các tai biến khác: Chỉ định mổ lấy thai vì các tai biến trong chuyển dạ như chảy máu vì nhau tiền đạo, nhau bong non; dọa vỡ và vỡ tử cung; sa dây rốn khi thai nhi còn sống; sa chi sau thai nhi khi đã thử đẩy lên nhưng không thành công.

2. Lưu ý trong quy trình kỹ thuật mổ lấy thai

2.1. Chuẩn bị trước khi mổ lấy thai

Người bệnh và người nhà:

  • Được tư vấn đầy đủ lý do và nguy cơ tai biến có thể xảy ra khi phẫu thuật lấy thai, ký giấy cam kết phẫu thuật
  • Chuẩn bị từ đêm trước mổ: Uống an thần lúc 20h; nhịn ăn từ 22h; thụt tháo lúc 5h sáng ngày mổ
  • Vệ sinh vùng bụng và TSM

Người thực hiện:

  • Kíp hộ sinh khoa chuẩn bị bệnh mổ
  • Kíp gây mê hồi sức
  • Kíp phẫu thuật
  • Kíp chăm sóc sơ sinh khi cần hồi sức sơ sinh

Phương tiện, dụng cụ, thuốc:

  • Bộ dụng cụ, thuốc dùng gây tê tủy sống/ngoài màng cứng, gây mê toàn thân
  • Bộ dụng cụ mổ lấy thai đã tiệt trùng
  • Phương tiện chăm sóc và hồi sức sơ sinh
  • Thuốc để hồi sức và các thuốc dùng trong sản khoa, sơ sinh

2.2. Các bước tiến hành mổ lấy thai

Bước 1. Vô cảm:

Gây mê toàn thân hoặc gây tê ngoài màng cứng hoặc gây tê tủy sống

Bước 2. Vào ổ bụng:

  • Rạch đường giữa dưới rốn hay đường ngang trên vệ tùy theo khả năng của phẫu thuật viên, tình trạng sản phụ và thai nhi
  • Rạch lớp mỡ dưới da
  • Rạch đường trắng giữa 2 cơ thẳng bụng (có thể rạch 1 đoạn nhỏ rồi tách bằng ngón tay) nếu mổ theo đường dọc
  • Nếu quy trình kỹ thuật mổ lấy thai theo đường ngang thì rạch cân về 2 bên theo đường mổ đó, tách cân khỏi lớp cơ rộng lên trên rồi mới mở đường giữa 2 cơ thẳng bụng
  • Vào phúc mạc bằng cách phẫu thuật viên cặp phúc mạc bằng kẹp phẫu tích không răng, phụ mổ cặp phúc mạc bên đối diện bằng kẹp cầm máu không răng. Phẫu thuật viên và phụ mổ lần lượt nhả ra và cặp trở lại rồi mới dùng dao hay kéo mở 1 lỗ ở phúc mạc. Dùng kéo mở rộng phúc mạc lên phía trên và dưới
  • Chèn gạc ướt 2 bên, chừa dây ra ngoài
  • Đặt van trên vệ che bàng quang và bộc lộ rõ vùng đoạn dưới tử cung
  • Rạch phúc mạc theo đường ngang khoảng 2cm dưới “đường bám chặt của phúc mạc”
  • Dùng kéo cong đầu tù tách phúc mạc bóc được của đoạn dưới lên trên và xuống dưới, mũi kéo cong lên trên tránh tổn thương động mạch tử cung
  • Dùng dao rạch một đoạn nhỏ ngang 1-2 cm trên đoạn dưới rồi dùng 2 ngón tay trỏ xé rộng vết mổ ngang sang 2 bên

Bước 3. Lấy thai và nhau ra khỏi tử cung:

  • Phẫu thuật viên lấy thai bằng bàn tay trái trong khi người phụ hút máu và nước ối (nếu đầu quá cao có thể dùng Forceps)
  • Sau khi phần chỏm lộ ra ngoài vết mổ, người phụ ấn đáy tử cung để giúp đầu thai nhi sổ ra ngoài. Trường hợp ngôi ngang: lấy thai bằng chân thai nhi. Nếu là ngôi ngược: lấy thai bằng mông (ngôi ngược kiểu mông) hoặc bằng chân (ngôi ngược hoàn toàn)
  • Lau khô, Kẹp cắt rốn chậm, chuyển thai ra ngoài lau sạch, cho bé nằm trên ngực mẹ (nếu mẹ được gây tê tủy sống hay ngoài màng cứng)
  • Cho 10 đơn vị oxytocin vào chai dịch truyền đang chảy và cho chảy nhanh để tử cung co hồi tốt (không tiêm oxytocin trực tiếp vào tĩnh mạch)
  • Tiến hành lấy rau, lau sạch buồng tử cung bằng gạc to. Nếu khi mổ lấy thai, sản phụ chưa chuyển dạ, nong cổ tử cung bằng ngón tay rồi thay gang
luu-y-trong-qua-trinh-mo-lay-thai-2
Mổ lấy thai

Bước 4. Khâu phục hồi cơ tử cung:

  • Phục hồi cơ đoạn dưới tử cung bằng chỉ Vicryl 0, bắt đầu bằng khâu 2 góc tử cung, tránh sót góc
  • Tiếp tục khâu cơ tử cung mũi liên tục hay mũi rời cách nhau 1cm, có thể khâu thêm lớp thứ 2 để vùi lớp đầu, kiểm tra cầm máu
  • Phủ phúc mạc tử cung bằng chỉ Catgut 00 bằng mũi khâu liên tục, kiểm tra cầm máu
  • Bỏ van trên vệ, lấy gạc, lau sạch ổ bụng, kiểm tra 2 buồng trứng, 2 ống dẫn trứng, mặt sau tử cung và túi cùng Douglas phía sau

Bước 5. Đóng bụng:

  • Khâu phúc mạc thành bụng bằng chỉ Catgut 00 bằng mũi khâu liên tục
  • Khâu 2 cơ thẳng bụng cho sát vào nhau bằng 2-3 mũi Catgut khâu rời
  • Khâu cân bằng chỉ Vicryl 0. Nếu lớp mỡ dày thì khâu bằng chỉ Catgut mũi rời hoặc mũi liên tục
  • Khâu da bằng chỉ lanh, mũi rời hoặc khâu liên tục dưới da bằng chỉ Vicryl nhỏ
  • Sát khuẩn lại vết mổ và băng vô khuẩn
  • Phẫu thuật viên giữ tay sạch để lấy máu ứ trong âm đạo và xem tử cung co hồi tốt hay không, sát khuẩn âm đạo
  • Lau sạch máu dính trên người bệnh trước khi chuyển qua hồi sức

3. Chăm sóc sau mổ lấy thai

3.1. Về phía bác sĩ

Trong tuần đầu tiên sau phẫu thuật lấy thai, vết mổ vẫn chưa khô nên các bác sĩ sản phụ khoa và nữ hộ sinh sẽ chăm sóc cho sản phụ và vệ sinh vết mổ.

Bác sĩ sẽ cho các thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh hay thuốc co hồi tử cung để tránh các biến chứng như nhiễm trùng. Việc dùng thuốc giảm đau sau đẻ mổ là hoàn toàn bình thường, vì không hề ảnh hưởng đến chất lượng sữa, do vậy nếu các cơn đau đã vượt quá ngưỡng chịu đựng, thì các sản phụ nên yêu cầu bác sĩ cho thuốc giảm đau.

3.2. Về phía người mẹ

Chế độ dinh dưỡng:

  • Sản phụ không được phép ăn gì trong vòng 6 giờ sau mổ lấy thai, vì lúc này nhu động ruột của bạn đang ở mức rất thấp, đường ruột ứ ra nhiều khí, dạ dày hoạt động yếu nên sẽ rất khó tiêu hóa khiến cơ thể càng mệt mỏi, lâu hồi phục. Do vậy, các bà mẹ chỉ nên uống nước lọc, nước đường, ăn cháo loãng cho tới khi xì hơi.
  • Những ngày tiếp theo, các bà mẹ ăn uống như bình thường, tăng cường thức ăn giàu đạm và canxi, đồng thời uống nhiều nước để có nhiều sữa cho con bú và tránh táo bón;
  • Không dùng các loại thực phẩm dễ gây tiêu chảy hoặc dị ứng, gây sẹo lồi (thịt gà, thịt bò, hải sản, rau muống...). Nên ăn các thức ăn giàu dinh dưỡng như: đạm đường, sắt, rau củ tươi quả nấu chín.
luu-y-trong-qua-trinh-mo-lay-thai-3
Sản phụ sau sinh tăng cường thức ăn giàu đạm và canxi, đồng thời uống nhiều nước

Vệ sinh cơ thể:

  • Thời gian này, mẹ nên lau người bằng nước ấm hoặc tắm nhanh chóng, tránh việc ngâm cơ thể trong bồn tắm khiến vết mổ bị ướt.
  • Khi tắm xong, sản phụ nên dùng bông sạch thấm khô vết mổ, để vết mổ hở không cần băng kín, giữ cho vết mổ luôn khô sạch. Có thể vệ sinh vết mổ bằng dung dịch betadin hoặc povidine 10%, giúp vết mổ sẽ nhanh liền sẹo và tránh nhiễm trùng. Không được thoa các loại thuốc kháng sinh, đắp lá trầu, tỏi giã lên vết mổ.

Vận động cơ thể:

  • Ngay sau khi ống thông tiểu được lấy ra, sản phụ đã có thể bước xuống giường và tập đi bộ trở lại. Trước đó, các mẹ nên cử động tay chân nhẹ nhàng hoặc ngồi dậy.
  • Đối với những sản phụ đã trải qua giai đoạn chuyển dạ quá khó trước khi quyết định sinh mổ hoặc cuộc phẫu thuật lấy thai khó khăn mất nhiều máu thì cần phải nghỉ ngơi để phục hồi năng lượng trước khi di chuyển.
  • Tập thể dục rất tốt và thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục sau sinh, nhưng nếu đẻ mổ thì vẫn cần từ 4-6 tuần sau sinh mới được tập luyện trở lại.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Sản phụ sinh mổ ở Vinmec được giảm đau trong ngày đầu sau mổ bằng phương pháp gây tê cơ vuông thắt lưng, giúp mẹ chăm bé và phục hồi sức khỏe tốt hơn. Đây là một kỹ thuật gây tê giảm đau vùng được Vinmec thực hiện nhằm giúp ngăn chặn tín hiệu đau trước khi nó được truyền vào cột sống và lên não, gây ra những cơn đau sau mổ cho sản phụ.

Bên cạnh kỹ thuật gây tê cơ vuông thắt lưng dưới hướng dẫn siêu âm, trong sản khoa, Vinmec còn triển khai kỹ thuật gây tê thần kinh thẹn giảm đau tầng sinh môn & hạ vị, giúp sản phụ trải nghiệm cuộc sinh một cách dễ chịu nhất, dù đó là sinh thường hay sinh mổ. Nhờ những biện pháp này, sản phụ sinh con tại Vinmec được giảm đau trọn vẹn, hồi phục nhanh, nhu động ruột sớm hoạt động trở lại, tập vận động - đi lại được sớm, không gây đau mạn tính.Kết quả đánh giá hiệu quả giảm đau gần đây nhất cho thấy: ‘’Toàn bộ sản phụ sinh mổ đều không phải sử dụng morphin, tình trạng đau sau sinh khi vận động và sinh hoạt gần như không còn được ghi nhận’’

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan