Những việc bác sĩ có thể làm khi bạn bị rối loạn cương dương

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Võ Thiện Ngôn - Bác sĩ Ngoại tiết niệu, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Rối loạn cương dương là bệnh lý thường gặp ở nam giới, tuy không quá phức tạp nhưng đòi hỏi bác sĩ điều trị phải tìm ra nguyên nhân chính xác để có thể lựa chọn phương pháp chữa trị phù hợp.

1. Rối loạn cương dương là như thế nào?

Rối loạn cương dương (Erectile dysfunction - ED) là tình trạng nam giới không đủ khả năng quan hệ tình dục một cách nhất quán và liên tục.

Cơ thể người đàn ông cần rất nhiều bộ phận khác nhau cùng phối hợp hoạt động - từ não và các tuyến kiểm soát nội tiết tố đến hệ thống mạch máu và dương vật - để đạt được và duy trì trạng thái cương cứng khi quan hệ. Do đó, rối loạn cương dương có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm các yếu tố về vật lý, tinh thần và cảm xúc.

Nguyên nhân về vật lý gây ra rối loạn cương bao gồm các bệnh nền như bệnh tim, tiểu đường, cao huyết áp và béo phì. Chấn thương cơ quan sinh dục, tổn thương mạch máu và dây thần kinh cũng có thể dẫn đến vấn đề với sự cương cứng. Thiếu vận động thể dục, uống rượu và hút thuốc lá là những nguyên nhân thường gặp ảnh hưởng đến đời sống tình dục của nam giới.

Về mặt tinh thần và cảm xúc, cảm giác lo lắng, trạng thái căng thẳng đều có thể là căn nguyên gây bệnh. Các vấn đề trong mối quan hệ tình cảm cũng là một yếu tố khiến cho nam giới bị rối loạn cương dương.

Để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, trong quá trình thăm khám và chẩn đoán, bác sĩ không chỉ xem xét về mặt lâm sàng mà còn hỏi về bệnh sử và đề nghị thực hiện một số xét nghiệm cần thiết mới có thể tìm ra cách điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

2. Khai thác bệnh sử

Rối loạn cương dương là như thế nào
Khai thác bệnh sử là một phần quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh

Khai thác bệnh sử là một phần quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh. Mục đích của khai thác bệnh sử là giúp bác sĩ hiểu rõ bản chất triệu chứng rối loạn cương dương, tần suất xảy ra và mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh, qua đó xác định các yếu tố về tâm lý tình dục và nguyên nhân thực thể nếu có. Điều này có ý nghĩ vô cùng quan trọng trong điều trị.

2.1. Bệnh sử về tình dục

Bác sĩ thường đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của chức năng tình dục để tìm ra bản chất của triệu chứng. Theo đó, triệu chứng rối loạn cương dương có thể bị nhầm lẫn với những bệnh lý khác liên quan đến xuất tinh, hoặc các vấn đề về hoạt động tình dục. Bác sĩ cần biết được bệnh nhân còn khả năng cương dương vật vào ban đêm hay lúc sáng sớm hay không. Điều này khá quan trọng, nhằm xem xét khả năng nam giới đạt được trạng thái cương dương trong những hoàn cảnh khác nhau (hoặc với những bạn tình khác nhau).

Bên cạnh việc đánh giá chức năng cương dương, bác sĩ cũng cần khai thác các khía cạnh khác. Ví dụ như, bệnh nhân có thể phải trả lời một số câu hỏi cụ thể về ham muốn tình dục, tình trạng xuất tinh, mức độ cực khoái và có đau khi quan hệ hay không. Bệnh ảnh hưởng như thế nào đến đời sống tình dục? Tình trạng này có thường xảy ra hay không? Bệnh nhân chỉ quan hệ với một bạn tình hay nhiều hơn?

Tất cả những câu hỏi này sẽ nói lên tình trạng bệnh hiện tại cũng như những kỳ vọng của bệnh nhân trong việc điều trị.

2.2. Xác định nguyên nhân do thực thể hay do tâm lý

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ cần phân biệt những bệnh nhân rối loạn cương dương bắt nguồn từ nguyên nhân thực thể và hay chủ yếu là do tâm lý. Khai thác bệnh sử có thể giúp xác định được các nguyên nhân này.

Ví dụ, nếu do nguyên nhân thực thể, triệu chứng bệnh thường khởi phát từ từ, ảnh hưởng đến khả năng cương cứng cả khi không giao hợp. Ngược lại, triệu chứng rối loạn cương dương chủ yếu do tâm lý thường khởi phát một cách đột ngột và thường chỉ mang tính tạm thời, tùy theo tình huống. Bệnh nhân vẫn có thể cương cứng dương vật khi không giao hợp, chẳng hạn như cương vào buổi sáng.

2.3. Bệnh sử về nội khoa

Ngoài bệnh sử liên quan đến vấn đề tình dục, việc khai thác bệnh sử về các bệnh lý nội khoa là điều rất quan trọng. Hầu hết bệnh nhân bị rối loạn cương dương thường có kèm một số yếu tố nguy cơ dẫn đến suy giảm khả năng cương. Nguyên nhân quan trọng nhất là bệnh lý tim mạch, vì vậy bác sĩ sẽ cần xem xét các dấu hiệu của bệnh mạch máu (như bệnh tăng huyết áp, bệnh mạch máu não và mạch máu ngoại biên). Tương tự, bác sĩ cũng sàng lọc những yếu tố nguy cơ khác, như bệnh tiểu đường, rối loạn lipid máu, bệnh thần kinh, rối loạn nội tiết và những thói quen không lành mạnh, như nghiện rượu, hút thuốc lá.

Ngoài ra, tác dụng phụ của các thuốc khác và các liệu pháp liệu pháp điều trị bệnh cũng có thể gây ra vấn đề với chức năng cương dương, chẳng hạn như thuốc trị tăng huyết áp, thuốc chống trầm cảm, phẫu thuật tuyến tiền liệt, xạ trị. Người cao tuổi, suy thận cũng là nhóm đối tượng thường mắc bệnh.

3. Khai thác những dấu hiệu về mặt thực thể

Những đặc điểm cần thăm khám lâm sàng được trình bày trong bảng sau:

4. Chẩn đoán cận lâm sàng

4.1. Xét nghiệm máu và nước tiểu

Dựa trên kết quả kiểm tra thể chất và bệnh sử về tình dục, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân làm thêm xét nghiệm máu hoặc nước tiểu, nhằm kiểm tra khả năng mắc các bệnh lý như:

  • Bệnh tiểu đường;
  • Bệnh tim mạch;
  • Bệnh thận;
  • Các vấn đề về nội tiết tố, như testosterone thấp;
  • Kiểm tra chức năng tuyến giáp.
Rối loạn cương dương là như thế nào
Dựa trên kết quả kiểm tra thể chất và bệnh sử về tình dục, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân làm thêm xét nghiệm máu hoặc nước tiểu

4.2. Thăm dò khả năng cương cứng trong đêm

Thông thường, nam giới có từ 3 đến 5 lần cương cứng trong đêm khi ngủ. Bác sĩ có thể sử dụng một kỹ thuật đặc biệt để đánh giá số lần cương dương trong đêm của bệnh nhân.

Đối với thử nghiệm này, người bệnh sẽ được đặt một thiết bị xung quanh dương vật trước khi bạn đi ngủ. Thiết bị này có nhiệm vụ đo số lần và mức độ cương cứng khi ngủ. Nếu kết quả cho thấy bệnh nhân có khả năng cương cứng khi ngủ, nhiều khả năng bệnh rối loạn cương dương gây ra bởi nguyên nhân liên quan đến tâm lý hoặc cảm xúc.

4.3. Xét nghiệm kích thích khả năng cương cứng (xét nghiệm intracavernosal)

Bác sĩ tiêm một loại thuốc vào thể hang của dương vật để kích thích khả năng cương của bệnh nhân. Nếu dương vật vẫn không thể cương cứng được, chứng tỏ bệnh nhân đang gặp vấn đề với lưu thông máu đến dương vật.

4.4. Siêu âm Doppler

Siêu âm Doppler là một cách khác để kiểm tra lưu lượng máu đến dương vật thông qua hình ảnh truyền về từ sóng âm. Phương pháp này có thể được thực hiện cùng với xét nghiệm intracavernosal.

Dựa trên kết quả xét nghiệm, quá trình thăm khám lâm sàng và hỏi bệnh sử, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Những phương án chữa trị rối loạn cương dương bao gồm: thay đổi lối sống, tập luyện cho vùng sàn chậu, điều trị về tâm lý, sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan