Siêu âm đầu dò có ảnh hưởng đến thai nhi?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, Bs.Trịnh Thị Thanh Huyền - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Trong quá trình siêu âm đầu dò, bác sĩ di chuyển thiết bị quanh âm đạo của thai phụ sao cho không chạm vào cổ tử cung. Điều này sẽ không gây ra bất kì tổn thương nào cho cổ tử cung và tử cung, từ đó thai nhi vẫn sẽ được bảo vệ an toàn.

1. Tìm hiểu về siêu âm đầu dò ở phụ nữ mang thai

Siêu âm đầu dò âm đạo
Siêu âm đầu dò là loại siêu âm vùng chậu được bác sĩ chuyên khoa thực hiện

Siêu âm đầu dò là loại siêu âm vùng chậu được bác sĩ chuyên khoa thực hiện để thăm khám, chẩn đoán và phát hiện các bệnh lý ở tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng, cổ tử cung và âm đạo của phụ nữ.

Trong quá trình siêu âm, bác sĩ sẽ đưa một đầu dò siêu âm chuyên dụng vào bên trong ống âm đạo, sử dụng sóng âm tần cao tiếp xúc qua ngõ âm đạo để hiển thị hình ảnh chuyên sâu, có độ chính xác cao.

Với phụ nữ mang thai giai đoạn đầu, siêu âm thai bằng đầu dò sẽ giúp bác sĩ xác định vị trí chính xác của thai nhi nhằm phát hiện trường hợp thai ngoài tử cung. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc ngăn ngừa những biến chứng nếu thai ngoài tử cung vỡ ra như nhiễm trùng ổ bụng, vỡ ống dẫn trứng,.. mà siêu âm ổ bụng không thể hiển thị hình ảnh phôi thai.

Là phương pháp sử dụng trong giai đoạn mang thai đầu, chắc hẳn nhiều mẹ bầu thắc mắc rằng, ở những giai đoạn sớm của thai như 2, 3 tuần thì có siêu âm đầu dò được không? Theo đó, trong các tuần này, thai nhi vẫn đang trong bước đầu làm tổ, mặc dù phôi đã được hình thành rồi nhưng vẫn mất rất nhiều thời gian để túi phôi đi vào trong tử cung và làm tổ.

Do vậy, nếu muốn siêu âm đầu dò thai 3 tuần hay sớm hơn thì tốt nhất là thai phụ nên đợi thêm 1 đến 2 tuần nữa bởi việc siêu âm đầu dò thai 3 tuần tuổi sẽ là quá sớm và thiếu chính xác. Các trường hợp siêu âm đầu dò cũng sẽ không cho ra kết quả nhất định vào thời gian này và thậm chí có thể ảnh hưởng đến phôi thai.

Nếu quá nôn nóng để biết liệu mình đã mang thai hay không trong giai đoạn đầu thì các bác sĩ cho biết phương pháp tốt nhất là làm xét nghiệm máu. Đây là phương pháp để biết chính xác nhất.

Vậy trong trường hợp thai 8 tuần, thai 9 tuần siêu âm bụng hay đầu dò? Có thể siêu âm cả hai phương pháp này, bởi siêu âm đầu dò có tác dụng đánh giá tim thai ở thời điểm tuần thai thứ 6 – 9. Việc này sẽ giúp thai phụ nhận biết được tình trạng của thai nhi cũng như phát hiện sớm những bất thường về tim thai.

Thông thường siêu âm đầu dò được thực hiện với những phụ nữ mới mang thai. Tuy nhiên có những trường hợp thai lớn, nhau thai bám sau, đầu thai quay xuống dưới che khuất sóng âm khiến bác sĩ nghi ngờ nhau tiền đạo. Khi đó, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm đầu dò để xem xét vị trí bánh nhau.

2. Siêu âm đầu dò có ảnh hưởng đến thai nhi?

Việc đưa một thiết bị y tế vào âm đạo như vậy, nhiều thai phụ sẽ lo lắng rằng liệu siêu âm đầu dò có ảnh hưởng đến thai không? Có chạm đến thai nhi không?

Tuy nhiên, các bác sĩ sản khoa cho biết, trong quá trình siêu âm đầu dò, bác sĩ di chuyển thiết bị quanh âm đạo của mẹ bầu sao cho không chạm vào cổ tử cung. Điều này sẽ không gây ra bất kì tổn thương nào cho cổ tử cung và tử cung. Chính vì vậy thai phụ hoàn toàn yên tâm rằng, việc thực hiện siêu âm thai đầu dò sẽ không gây bất kỳ ảnh hưởng gì đến tử cung và cổ tử cung, từ đó thai nhi cũng được bảo vệ an toàn.

Có một vài lưu ý dành cho thai phụ khi siêu âm đầu dò là cần đi tiểu trước đó để bàng quang rỗng sao cho không cản trợ thiết bị siêu âm, nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái để quá trình siêu âm diễn ra thuận lợi hơn.

Siêu âm đầu dò
Siêu âm đầu dò thường không gây ra bất kỳ tổn thương nào tới tử cung cũng như thai nhi

3. Lưu ý khi siêu âm đầu dò

Siêu âm đầu dò thường không gây ra bất kỳ tổn thương nào tới tử cung cũng như thai nhi của thai phụ nên thai phụ hoàn toàn có thể yên tâm với phương pháp hữu hiệu này. Tương tự như các loại siêu âm khác, siêu âm đầu dò không đòi hỏi phải chuẩn bị nhiều, một số lưu ý khi siêu âm đầu dò âm đạo bao gồm:

  • Khi thực hiện kỹ thuật siêu âm đầu dò, thai phụ nên hạn chế uống nước và cần đi tiểu cho hết để bàng quang rỗng, giúp kết quả thu được chính xác hơn.
  • Giữ cho bản thân tinh thần và tâm lý thoải mái trước khi đi siêu âm là một việc hết sức quan trọng đối với các mẹ bầu. Đừng tạo cho mình sự căng thẳng và áp lực vì điều ấy sẽ gây khó khăn cho quá trình siêu âm.
  • Lựa chọn trang phục thoải mái khi đi siêu âm đầu dò.
  • Mặc dù kết quả siêu âm đầu dò chính xác, nhưng không nhất thiết lần khám thai nào chị em cũng phải thực hiện kỹ thuật này. Khi thai nhi phát triển hơn thì chỉ nên thực hiện kỹ thuật siêu âm thành bụng.
  • Cần chú ý chọn địa chỉ thăm khám thai uy tín, có bác sĩ thực hiện siêu âm đầu dò cũng như khám thai an toàn, giàu kinh nghiệm và chuyên môn cao để đảm bảo cho kết quả chẩn đoán chính xác nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

46.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan