Tìm hiểu về tình trạng rò trực tràng - hậu môn - âm đạo

Rò trực tràng - âm đạo và rò hậu môn - âm đạo là 2 bệnh lý ít gặp nhưng gây ảnh hưởng khá lớn tới chất lượng sống của bệnh nhân. Vì vậy, khi gặp 2 tình trạng này, người bệnh nên sớm lựa chọn các phương pháp điều trị phù hợp.

1. Rò trực tràng - hậu môn - âm đạo là gì?

Rò trực tràng - âm đạo là sự thông thương bẩm sinh hoặc mắc phải giữa hai ống niêm mạc của trực tràng (ruột già) và âm đạo. Rò hậu môn - âm đạo là rò giữa ống hậu môn phần xa đến đường lược và âm đạo. Các chất có trong ruột có thể bị rò rỉ thông qua các lỗ rò.

2. Nguyên nhân gây rò trực tràng - hậu môn - âm đạo

  • Bẩm sinh;
  • Chấn thương sản khoa: Chuyển dạ kéo dài, thủ thuật sản khoa (kẹp forceps, hút thai, cắt nới tầng sinh môn,...). Bệnh thường gặp ở các nước chậm phát triển vì quá trình chuyển dạ kéo dài khiến trường hợp hoại tử do chèn ép tăng cao. Ngoài ra, bệnh cũng gặp sau phẫu thuật các đường rách độ 3, độ 4 do các tổn thương khi sổ thai qua âm đạo và sau cắt tầng sinh môn nhiễm trùng dẫn đến hình thành đường rò;
  • Sau cắt tử cung khó, phẫu thuật liên quan đến thành sau âm đạo, tầng sinh môn, hậu môn và trực tràng;
  • Viêm nhiễm đường ruột như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng cũng gây rò trực tràng - âm đạo ở phụ nữ;
  • Do viêm túi thừa đại tràng, ung thư đại tràng, ung thư âm đạo; ung thư ở cổ tử cung, trực tràng, tử cung và hậu môn; lao ruột, kẹp phân, bệnh hoa liễu;
  • Biến chứng của các phẫu thuật trong điều trị sa các tạng chậu hông sử dụng mảnh ghép đưa qua đường âm đạo hay tầng sinh môn;
  • Hậu quả của xạ trị vùng chậu và sau xạ trị 6 - 24 tháng;
  • Nhiễm trùng do HIV, lạm dụng tình dục.
tim-hieu-ve-tinh-trang-ro-truc-trang-hau-mon-am-dao-1
Viêm loét đại tràng gây rò trực tràng - âm đạo

3. Triệu chứng rò trực tràng - hậu môn - âm đạo

Tùy vị trí và kích thước của lỗ rò trực tràng, hậu môn, âm đạo, bệnh nhân có thể có các triệu chứng nhẹ hoặc nặng liên quan tới tiểu tiện và vệ sinh. Các triệu chứng của rò âm đạo bao gồm:

  • Có khí, phân hoặc mủ tiết ra từ âm đạo;
  • Âm đạo có mùi hôi;
  • Nhiễm trùng tái phát đường âm đạo hoặc đường tiểu;
  • Kích thích hoặc đau ở âm đạo, âm hộ hoặc vùng giữa âm đạo và hậu môn (tầng sinh môn);
  • Đau khi quan hệ tình dục.

4. Chẩn đoán rò trực tràng - hậu môn - âm đạo

Khi có biểu hiện của tình trạng rò âm đạo - trực tràng - hậu môn, người bệnh nên đi khám càng sớm càng tốt. Một lỗ rò có thể là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn như áp xe hoặc ung thư. Các phương pháp chẩn đoán rò âm đạo trực tràng hậu môn gồm:

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ kiểm tra âm đạo, hậu môn và đáy chậu với găng tay. Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng dụng cụ mỏ vịt chèn vào âm đạo để mở rộng rồi dùng ống soi ruột thẳng để nhìn rõ hậu môn, trực tràng, quan sát lỗ rò dễ hơn;
  • Thụt methylene: Đặt miếng gạc trắng vào âm đạo, bơm xanh methylene vào trực tràng, rút gạc ra sau khoảng 15 - 20 phút, nếu gạc có màu xanh chứng tỏ có lỗ rò âm đạo - trực tràng;
  • Siêu âm: Siêu âm hậu môn - trực tràng hoặc siêu âm qua âm đạo bằng cách sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh bên trong xương chậu;
  • Thụt bari: Đưa chất cản quang vào trực tràng, bác sĩ sẽ thấy được lỗ rò trên phim chụp X-quang;
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Sử dụng tia X mạnh để hiển thị các hình ảnh chi tiết bên trong xương chậu;
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Sử dụng một từ trường mạnh và sóng radio để hiển thị các hình ảnh bên trong xương chậu. Phương pháp này có thể cho bác sĩ quan sát rõ lỗ rò hoặc các vấn đề khác như khối u tại trực tràng - hậu môn,...
tim-hieu-ve-tinh-trang-ro-truc-trang-hau-mon-am-dao-2
Chụp cắt lớp vi tính (CT)

5. Điều trị rò trực tràng - hậu môn - âm đạo

Nhiều nghiên cứu cho thấy, có khoảng 50% các trường hợp rò hậu môn - âm đạo do tai biến sản khoa có thể tự lành trong vòng 6 tháng. Việc lấy dị vật trong đường rò sẽ giúp đường rò tự lành. Các trường hợp rò trực tràng - hậu môn - âm đạo do viêm nhiễm, xạ trị rất khó tự lành dù được điều trị nội khoa tích cực. Với các trường hợp nhiễm trùng vùng chậu cần được dẫn lưu áp xe, dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm và sau khoảng 1 tháng sẽ tự lành.

Các trường hợp rò âm đạo do ung thư phải phẫu thuật giải quyết triệt để khối u vì nếu chỉ điều trị đường rò thì hiện tượng này vẫn có nguy cơ tái phát trong tương lai.

Đối với những trường hợp rò trực tràng - hậu môn - âm đạo điều trị nội khoa không đạt hiệu quả mong muốn thì cần điều trị phẫu thuật. Tuy nhiên, phẫu thuật chống chỉ định với trường hợp đang bị viêm nhiễm đường ruột, âm đạo, hậu môn,... Bệnh nhân cần điều trị triệt để tình trạng viêm nhiễm mới được phẫu thuật đóng lỗ rò. Đồng thời, những người bị bệnh nặng toàn thân như suy tim, bệnh phổi,... cũng không được chỉ định phẫu thuật.

Với trường hợp đường rò trực tràng - âm đạo cao (vài cm trên đường lược, thuộc trực tràng đoạn gần) cần phẫu thuật mở qua đường bụng và phải cắt một phần trực tràng. Các đường rò trực tràng - âm đạo thấp và phần lớn các đường rò hậu môn - âm đạo có thể mổ qua đường âm đạo, tầng sinh môn, trực tràng hoặc qua xương cùng. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ lấy một mảnh mô từ một nơi khác trong cơ thể làm nút đóng lỗ rò. Đồng thời, bác sĩ phẫu thuật cũng có thể điều trị các cơ thắt hậu môn nếu có vấn đề.

Một số bệnh nhân cần thực hiện phẫu thuật mổ thông đại tràng. Thủ thuật này tạo một khe hở gọi là lỗ thoát qua thành bụng. Đoạn cuối của đại tràng được đưa ra khe hở nối với một túi chứa chất thải cho tới khi lỗ rò hoàn toàn lành lại.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể xuất hiện trong ngày hoặc theo dõi một vài ngày tùy theo từng trường hợp cụ thể. Một số rủi ro có thể xảy ra sau phẫu thuật đóng lỗ rò trực tràng - hậu môn - âm đạo gồm: chảy máu; nhiễm trùng; tổn thương bàng quang, niệu quản hoặc ruột; cục máu đông ở chân hoặc phổi; tắc nghẽn trong ruột; sẹo.

6. Chăm sóc sức khỏe đúng cách khi bị rò trực tràng - hậu môn - âm đạo

  • Vệ sinh nhẹ nhàng cơ quan sinh dục ngoài bằng nước ấm mỗi khi thấy có dịch tiết âm đạo hoặc phân;
  • Tránh sử dụng các loại dung dịch tẩy rửa có thành phần làm khô, kích ứng da. Nên dùng xà bông nhẹ, không mùi;
  • Tránh thụt rửa âm đạo sâu vì việc này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng;
  • Sau khi vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài nên lau khô bằng khăn sạch;
  • Chỉ sử dụng khăn giấy, khăn lau được làm ẩm, không mùi và không chứa cồn để vệ sinh âm đạo - hậu môn;
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng các loại kem, bột bảo vệ da khỏi kích ứng bởi dịch tiết âm đạo hoặc phân;
  • Mặc đồ lót vải cotton và quần áo rộng thoáng;
  • Thay đồ lót bẩn liên tục;
  • Có thể sử dụng miếng đệm thấm, miếng lót dùng một lần hoặc tã người lớn nếu có dịch lỏng hoặc phân.

Tình trạng rò trực tràng - hậu môn - âm đạo gây ảnh hưởng nặng nề tới sinh hoạt bình thường của bệnh nhân. Không chỉ vậy, đây còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm. Vì vậy, khi có biểu hiện bệnh, tốt nhất bệnh nhân nên đi khám để được chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời và hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan