Cấp cứu say nắng nóng

Say nắng, say nóng là những hiện tượng thường gặp trong mùa hè, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao đột ngột. Bị say nắng, say nóng không chỉ khiến chúng ta mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu... mà say nắng say nóng còn có khả năng dẫn đến đột quỵ.

1. Khái niệm

Bệnh lý thân nhiệt là loại bệnh lý có thể phòng ngừa được, đặc biệt ở những vùng có nhiệt độ cao. Lâm sàng thường gặp hai bệnh lý thân nhiệt chính có tính diễn tiến đó là lả nhiệt và thể nguy hiểm: say nắng - say nóng.

Say nắng - say nóng là tình trạng tăng thân nhiệt quá mức, thường trên 40 độ C, thường kèm theo đáp ứng viêm hệ thống dẫn tới tổn thương cơ quan đích cùng với tổn thương thần kinh. Điều đặc biệt phân biệt về mặt cơ chế giữa say nắng say nóng và các thể rối loạn thân nhiệt khác là trung tâm điều nhiệt mất kiểm soát hoàn toàn.

Say nắng - say nóng được chia thành 2 loại: say nắng - say nóng kinh điển và say nắng - say nóng do gắng sức. Hai thể này khác nhau về cơ chế nhưng lâm sàng giống nhau. Say nắng - say nóng kinh điển gặp do tiếp xúc với môi trường nóng bên ngoài và dẫn tới nhiệt độ trung tâm tăng trên 40 độ C. Bệnh có thể diễn tiến chậm trong vài ngày sau đó dẫn tới rối loạn ý thức trong khi say nắng - say nóng do gắng sức gặp ở các vận động viên, hoặc người trẻ vận động quá mức nên triệu chứng xuất hiện nhanh trong vài giờ và nhiệt độ môi trường ngoài không cần phải quá cao.

2. Nguyên nhân dẫn đến say nắng, say nóng

2.1 Say nắng

Khi con người lao động hoặc di chuyển quá lâu dưới thời tiết nắng nóng, nhất là buổi trưa (11h -14h), nhiều tia nắng mặt gay gắt sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy (tương ứng với vùng hành tủy của não bộ) một cách liên tục khiến trung tâm điều hòa thân nhiệt của cơ thể sẽ bị chấn động, làm rối loạn việc điều hòa thân nhiệt kèm theo hiện tượng mất nước cấp của cơ thể. Do đó, say nắng thường cho biểu hiện bệnh nặng ngay từ đầu, có thể xuất hiện nhiều dấu hiệu thần kinh sớm khi bị say nắng, rất rõ tổn thương có thể hồi phục hoặc không thể hồi phục. Một số trường hợp bị say nắng có thể có tụ máu dưới màng cứng và trong não.

2.2 Say nóng

Say nóng là tình trạng mất nước toàn cơ thể kèm theo sự rối loạn ở trung khu điều hòa thân nhiệt và rối loạn vận mạch mà bản chất là do trung tâm điều hòa thân nhiệt không thích ứng kịp với điều kiện thời tiết xung quanh. Ánh nắng mặt trời và sức nóng chính là 2 tác nhân vật lý gây stress với cơ thể.

Khi nhiệt độ ngoài môi trường quá cao, kèm theo việc phải phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời hoặc phải làm việc trong điều kiện nhiệt độ cao, nóng bức (hầm, lò, phòng kín...) hoặc thực hiện các hoạt động thể lực quá sức ở những người trẻ tuổi (chơi các môn thể thao với cường độ cao, làm việc nặng nhọc nhiều giờ...) sẽ dẫn đến hiện tượng: nhiệt lượng sinh ra và nhiệt lượng hấp thu từ môi trường lớn hơn rất nhiều so với nhiệt lượng cơ thể tỏa ra môi trường xung quanh, do đó trong hiện tượng say nóng, tình trạng mất nước toàn thể là chủ yếu.

Với những người nông dân làm việc ở những cánh đồng trũng nước, bị mặt trời hun nóng, cơ thể sẽ có các phản ứng để giảm thân nhiệt: các mạch máu ngoại vi sẽ giãn nở để máu dồn nhiều tới da nhằm đào thải được nhiều nhiệt lượng, tăng tiết mồ hôi, tăng bay hơi mồ hôi để hạ nhiệt. Nếu mọi nỗ lực hạ nhiệt của cơ thể vẫn không giảm được sức nóng do môi trường tác động, bên trong cơ thể sẽ xảy ra những biến đổi sinh hóa trầm trọng gây triệu chứng say nóng nguy hiểm.

Tóm lại, say nắng thường xuất hiện vào thời điểm giữa trưa, khi ánh nắng mặt trời gay gắt nhất và có nhiều tia tử ngoại, còn say nóng thường hay xảy ra vào buổi xế chiều, thời điểm có nhiều tia hồng ngoại. Hiện tượng say nóng là do trung tâm điều hòa thân nhiệt không thích ứng nổi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt xung quanh, còn say nắng mang tính cấp tính hơn do bản thân trung tâm điều hòa thân nhiệt bị chấn động, bị kích thích mạnh do những tia nắng chiếu thẳng vào đầu, cổ, gáy.

say-nang-1
Say nắng thường xuất hiện vào thời điểm giữa trưa

3. Yếu tố thuận lợi

  • Tập luyện và lao động trong môi trường nóng;
  • Không có điều hoà hoặc thông khí;
  • Mặc quần áo không phù hợp (quá dày, bí, không thấm nước);
  • Thiếu sự thích nghi với khí hậu;
  • Không uống nước, môi trường quá nóng;
  • Dùng một số loại thuốc làm giảm tiết mồ hôi: chẹn beta, kháng cholinergic, lợi tiểu, Ethanol, kháng histamine;
  • Một số tình trạng bệnh lý: bỏng rộng, rối loạn nội tiết, sốt...;
  • Béo phì;
  • Kiệt muối nước;
  • Sống một mình;
  • Tuổi quá cao hoặc quá nhỏ.

4. Dấu hiệu nhận biết khi bị say nắng, say nóng

Có hai đặc điểm chính tăng thân nhiệt và triệu chứng thần kinh trung ương. Triệu chứng kinh điển là tăng thân nhiệt > 40 độ C và suy chức năng thần kinh xảy ra đột ngột ở 80% các trường hợp. Triệu chứng có thể kín đáo gồm giảm khả năng đánh giá, cử chỉ kỳ cục, ảo giác, thay đổi ý thức, lẫn lộn, mất định hướng và hôn mê, co giật.

  • Bệnh nhân có thể vã mồ hôi, mặc dù không ra mồ hôi là triệu chứng kinh điển (xuất hiện ở giai đoạn muộn);
  • Khám thực thể: lưu ý ở bất kỳ bệnh nhân nào có tăng thân nhiệt mà kèm theo dấu hiệu thần kinh trung ương (TKTW) và tiền sử tiếp xúc đều có thể nghĩ tới say nắng say nóng và cần điều trị ngay;
  • Nhiệt độ thường quá 41 độ C nhưng cũng có thể bình thường hoặc tăng nhẹ nếu hạ thân nhiệt xảy ra trước khi tới viện;
  • Bệnh nhân có thể có triệu chứng tuần hoàn như mạch nhanh, tăng thông khí, tăng huyết áp, giảm huyết áp tâm trương, giảm sức cản mạch hệ thống. Có thể có loạn nhịp nhanh đáp ứng với chuyển nhịp;
  • Suy chức năng hệ TKTW như co giật, hôn mê, sảng, ảo giác, duỗi cứng, suy chức năng tiểu não, co hoặc giãn đồng tử; rối loạn đông máu, xuất huyết kết mạc, ỉa ra máu, đái máu, và chảy máu não;
  • Da ấm khô hoặc vã mồ hôi đầm đìa. Bí mồ hôi chỉ xuất hiện trong giai đoạn muộn và hay gặp hơn ở say nắng - say nóng thể kinh điển;
  • Thở nhanh, kiềm máu, thở bù khi có suy hô hấp cấp;
  • Đái máu, thiểu niệu, vô niệu, dẫn đến suy thận cấp;
  • Lưu ý say nắng say nóng không có cứng cơ, có thể có chuột rút cơ.

5. Điều trị và phòng ngừa lả nhiệt và say nắng say nóng

5.1 Xử trí ngoài bệnh viện

  • Làm mát ngay tức thì và hỗ trợ chức năng các cơ quan;
  • Đưa bệnh nhân ra khỏi môi trường nóng, cởi bỏ quần áo, chuyển tới nơi bóng râm, lên xe mát hay nhà mát;
  • Hỗ trợ đường thở, hô hấp, tuần hoàn bằng đặt đường truyền tĩnh mạch, thở oxy, thông khí hỗ trợ nếu có chỉ định;
  • Làm mát tức thì bằng bất kỳ phương tiện gì sẵn có nhưng chuyển ngay vào viện nếu nghi ngờ say nắng say nóng;
  • Áp nước ấm trên người bệnh nhân sau đó dùng quạt để tăng quá trình bốc hơi;
  • Áp gói nước đá lên người bệnh nhân vùng cổ, nách, bẹn;
  • Chuyển bệnh nhân bằng xe điều hoà hoặc mở cửa sổ.

5.2 Xử trí tại khoa cấp cứu

Tất cả bệnh nhân say nắng say nóng đều bắt buộc cho vào bệnh viện theo dõi.

  • Nhanh chóng ổn định đường thở, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn. Thở oxy và truyền dịch tinh thể khi đã cởi bỏ quần áo và đo được nhiệt độ trung tâm;
  • Sử dụng các biện pháp làm mát tích cực để hạn chế các tổn thương đích. Lý tưởng là giảm nhiệt độ 0,2 độ C/phút. Nên dừng khi nhiệt độ là 38 độ;
  • Làm mát bằng bay hơi an toàn, hiệu quả, dễ thực hiện, thích nghi tốt: cởi bỏ quần áo bệnh nhân lau bằng nước ấm sau đó dùng quạt thổi hoặc dùng hơi nước mát 15 độ C sau đó thổi bằng hơn ấm 45 độ C;
  • Dùng nước đá hoặc nhúng bệnh nhân vào bể lạnh. Mặc dù phương pháp này có hiệu quả nhanh nhưng có nhiều biến chứng như gây co mạch ngoại biên, shunt máu, run. Ngoài ra còn gây khó chịu cho bệnh nhân và dễ gây hạ nhiệt độ quá mức.

Biện pháp hỗ trợ khác là đặt các gói đá lạnh vào cổ, nách, bẹn. Việc dùng cồn lau để làm lạnh đã lỗi thời và nguy hiểm nếu dùng cho trẻ nhỏ. Người già giảm thích nghi với nhiệt độ và có nhiều bệnh kèm theo nên cần phải theo dõi tim mạch, đánh giá thường xuyên và bù dịch thận trọng.

Dùng máy hạ thân nhiệt chuyên dụng có thể bề mặt surface cooling như Criticool, ArticSun hoặc hạ thân nhiệt nội mạch Thermogard. Sau khi kiểm soát nhiệt độ phải đánh giá lại ngay và xét chụp cắt lớp sọ não loại trừ tổn thương thần kinh trung ương như chảy máu não, phù não... Trong say nắng say nóng tỉ lệ tổn thương có thể gặp lên tới 20% bệnh nhân.

6. Các biện pháp phòng chống say nắng, say nóng

  • Khi phải ra ngoài khi trời nắng nóng, bạn cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng.
  • Uống đầy đủ nước khi trời nắng nóng hoặc phải lao động nặng dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Thường xuyên uống nước dù chưa cảm thấy khát. Có thể ống nước có pha một chút muối hoặc uống dung dịch oresol, nước trái cây, tránh xa nước ngọt có ga, đồ uống năng lượng.
  • Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 - 15 phút.
  • Luôn trang bị đầy đủ các thiết bị chống nắng, chống nóng khi lao động, làm việc dưới trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ bảo hộ, nón rộng vành, kính râm...
  • Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt ở các công xưởng, hầm, lò... rất có ý nghĩa trong việc phòng chống bị say nắng, say nóng.
  • Khi vừa đi nắng về, đây là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt cơ thể độ cao, nếu tắm ngay sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ.
  • Vào mùa nắng nóng, chúng ta cần uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn mát, rau củ quả chứa nhiều kali như: rau đay, mồng tơi, rau má, cà chua..., mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, dễ thoát mồ hôi.
  • Không được để trẻ em hoặc bất kỳ ai trong xe hơi đỗ, tắt máy, trong thời tiết nắng nóng dù chỉ để trong thời gian ngắn, do nhiệt độ trong xe hơi có thể tăng hơn 11 độ C chỉ trong 10 phút.
say-nang-2
Sử dụng kem chống nắng khi ra đường
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

68.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan