Sốc phản vệ nguy hiểm như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Sốc phản vệ là một loại phản ứng dị ứng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được xử lý, cấp cứu sớm và đúng cách. Sốc phản vệ có thể xảy ra trong vòng vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với dị nguyên.

1. Nhiều trường hợp tử vong vì sốc phản vệ

Hồi cuối tháng 4/2018, một bệnh nhân đã tử vong do sốc phản vệ ngay sau khi ăn hải sản dù đã được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện. Gần đây nhất, một nữ bệnh nhân tỉnh Đồng Nai đã được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cấp cứu do sốc phản vệ sau khi ăn cá ngừ.

7/5/2019 cũng ghi nhận nữ bệnh nhân 23 tuổi, vừa sinh con được 1 tháng đã tử vong sau khoảng 10 giờ điều trị. Nguyên nhân là bệnh nhân bị sốc phản vệ sau khi tiêm thuốc cản quang để chụp cắt lớp.

Thực tế còn nhiều trường hợp khác bệnh nhân tử vong vì sốc phản vệ, nguyên nhân là do không được xử lý cấp cứu kịp thời, khi đưa tới bệnh viện đã muộn, dù tích cực điều trị cấp cứu nhưng không thể qua khỏi.

Biến chứng của sốc phản vệ
Một số bệnh nhân bị sốc phản vệ do ăn cá ngừ

2. Sốc phản vệ nguy hiểm như thế nào?

Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể đe doạ tính mạng người bệnh trong vòng vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với dị nguyên. Sốc phản vệ luôn là tai biến gây hoang mang cho không những bệnh nhân và người nhà mà còn cho cả các y bác sĩ.

Sốc phản vệ xuất hiện nhanh, ngay lập tức, một số trường hợp xuất hiện sau 30 phút dùng thuốc, thử test... Nếu triệu chứng Sốc phản vệ xuất hiện càng sớm thì bệnh càng nặng, tỉ lệ tử vong càng cao.

Vì vậy, cần hiểu rõ về nguyên nhân, đặc biệt là dị nguyên cụ thể để cấp cứu thật nhanh, kịp thời, chính xác cho người bệnh.

Diễn biến của sốc phản phản vệ được chia thành 3 mức độ là nhẹ, trung bình và nặng.

  • Diễn biến nhẹ của sốc phản vệ

Với biểu hiện lo lắng, đau đầu, sợ hãi, chóng mặt. Có trường hợp xuất hiện nổi mày đay, mẩn ngứa, buồn nôn, hoặc nôn, phù Quincke, ho, tê ngón tay, khó thở, đau quặn vùng bụng, người mệt mỏi, ỉa đái không tự chủ.

Nghe phổi có ran rít, ran ngáy như hen phế quản, tim đập nghe không rõ.

Huyết áp tụt, nhịp tim nhanh (130-150 lần /phút), đôi khi có ngoại tâm thu.

  • Diễn biến trung bình của sốc phản vệ

Với biểu hiện hoảng hốt, choáng váng, sợ chết, ngứa ran, mày đay khắp người, khó thở, đôi khi hôn mê, co giật, chảy máu mũi, chảy máu dạ dày, ruột.

Kiểm tra thì phát hiện da người bệnh tái nhợt, môi thâm, niêm mạc tái tím, đồng tử giãn.

Tiếng tim đập yếu, mạch nhanh nhỏ khó bắt, không đo được huyết áp.

  • Diễn biến nặng của sốc phản vệ

Sốc phản vệ xảy ra ngay trong những phút đầu tiên với tốc độ chớp nhoáng, khiến bệnh nhân hôn mê, da tím tái, nghẹt thở, co giật, không đo được huyết áp và tử vong sau ít phút, hạn hữu kéo dài vài giờ.

Suy hô hấp cấp
Sốc phản vệ có thể gây biến chứng kéo dài

Nếu đo áp lực tĩnh mạch trung tâm và áp lực động mạch phổi bít đều thấp. Sốc phản vệ giai đoạn này biểu hiện rõ tình trạng thiếu oxy máu, giảm thể tích tuần hoàn dẫn đến toan lactic và giảm co bóp cơ tim.

Sốc giảm thể tích trong sốc phản vệ chính là sự giãn mạch, mất máu vào trong các khoang chứa ngoài thành mạch, đồng thời giảm co bóp cơ tim. Vì vậy cấp cứu sốc giảm thể tích là yếu tố chính trong cấp cứu sốc phản vệ.

Nhiều trường hợp, sốc phản vệ diễn biến với tốc độ trung bình. Người bệnh có những phản ứng như nóng ran và ngứa ngáy khắp người, mệt mỏi, ù tai, ngứa mũi, mắt đỏ, ho khan, chảy nước mắt, khó thở, đau quặn vùng bụng v.v...

Khám có thể phát hiện: Sung huyết vùng da, phù nề mi mắt và vành tai, ban, mày đay, viêm kết mạc dị ứng, ran rít, ran ngáy khắp phổi, viêm mũi, mạch nhanh, tiếng tim đập nhỏ, huyết áp tụt. Sau đó là biểu hiện: ý thức mù mờ hoặc hôn mê, đồng tử không phản ứng với ánh sáng.

Đáng chú ý là những biến chứng muộn diễn ra sau sốc phản vệ như viêm cầu thận, viêm cơ tim dị ứng, viêm thận. Chính những biến chứng này có thể dẫn đến tử vong.

Có trường hợp sốc phản vệ đã được điều trị, nhưng 1-2 tuần sau đó mới xuất hiện hen phế quản, phù Quincke, mày đay tái phát nhiều lần và đôi khi là những bệnh tạo keo như Lupus ban đỏ hệ thống, viêm nút quanh động mạch...

3. Bệnh nhân sốc phản vệ phải được cấp cứu càng sớm càng tốt

Dấu hiệu sốc phản vệ
Bệnh nhân sốc phản vệ phải được cấp cứu càng sớm càng tốt

Các dấu hiệu sốc phản vệ nguy hiểm bao gồm: Da nhợt nhạt, da lạnh và ẩm nhớt, khó thở, mạch nhanh và yếu, lú lẫn và mất ý thức

Nếu thấy ai đó đang bị phản ứng dị ứng và có các dấu hiệu sốc phản vệ, Ngay cả khi không chắc chắn rằng triệu chứng là do phản vệ vẫn nên:

  • Gọi 115 hoặc số cấp cứu tại địa phương hoặc bất cứ trợ giúp y tế nào.
  • Để nạn nhân ở tư thế nằm thoải mái, nâng cao chân nạn nhân lên.
  • Kiểm tra mạch và nhịp thở của nạn nhân. Nếu có thể, hãy tiến hành hồi sức tim phổi (CPR) và các biện pháp sơ cứu khác.
  • Tiêm thuốc điều trị sốc phản vệ cho nạn nhân như dụng cụ tiêm epinephrine tự động hoặc thuốc kháng histamine nếu nạn nhân có mang theo.

Sốc phản vệ vô cùng nguy hiểm nên những người có nguy cơ phản vệ cao nên mang theo dụng cụ tiêm tự động bên mình. Dụng cụ này là ống tiêm kết hợp với kim tiêm ẩn, chỉ tiêm được một liều thuốc duy nhất khi ấn nó vào đùi, sẽ giúp giảm hoặc làm chậm các phản ứng sốc phản vệ, tăng khả năng sống cho bệnh nhân.

Thạc sĩ. Bác sĩ Mỹ có kinh nghiệm trên 6 năm làm bác sĩ Nội khoa tại các Bệnh viện Trung Ương huế, Bệnh viện Đại học Y dược Huế; Bệnh viện Tâm Trí Đà nẵng; Bệnh viện Đà Nẵng. Hiện là Bác sĩ Nội Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

52.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan