Bị viêm tuyến giáp mạn tính nên ăn gì?

Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng, do đó khi bị viêm sẽ ảnh hưởng đến nhiều hoạt động của cơ thể. Bên cạnh các phương pháp điều trị thì chế độ dinh dưỡng cho bệnh viêm tuyến giáp mãn tính cũng rất quan trọng. Vậy viêm tuyến giáp mạn tính nên ăn gì và kiêng ăn gì?

1. Tổng quan về bệnh viêm tuyến giáp mãn tính

Tuyến giáp được xem là tuyến nội tiết đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể con người. Tuyến giáp điều hòa mọi hoạt động của cơ thể thông qua việc bài tiết hormon giáp, trong đó quan trọng nhất là Thyroxin (gọi tắt là T4). Hormon giáp cung cấp các chất cần thiết cho nhiều hoạt động chuyển hóa, đồng thời điều khiển hoạt động của mọi tế bào, kiểm soát quá trình sử dụng năng lượng, điều hòa nhịp tim và duy trì thân nhiệt...

Trước khi tìm hiểu vấn đề viêm tuyến giáp mạn tính nên ăn gì, chúng ta cần hiểu sơ lược về bệnh lý này. Viêm tuyến giáp mãn tính còn được gọi là bệnh Hashimoto hay viêm giáp Hashimoto. Bệnh lý này xảy ra khi tuyến giáp bị viêm, từ đó dẫn đến cường giáp hoặc suy giáp và thậm chí là cả hai tùy theo diễn tiến bệnh Nguyên nhân của bệnh viêm tuyến giáp mãn tính có thể do vi khuẩn hoặc virus, hoặc do tác dụng phụ của thuốc hoặc liên quan đến cơ chế tự miễn dịch... Tùy theo từng giai đoạn mà bệnh nhân viêm giáp Hashimoto có các biểu hiện khác nhau, bao gồm:

  • Giai đoạn cường giáp: Do tình trạng viêm khiến tuyến giáp hoạt động quá mức, từ đó dẫn đến tuyến giáp sưng to, mất nước, khô mắt, sụt cân, tiêu chảy, rối loạn kinh nguyệt, thèm ăn, nhạy cảm với nhiệt độ cao và rối loạn lo âu...;
  • Giai đoạn suy giáp: Khi tuyến giáp bị tổn thương và suy giảm chức năng sẽ làm bệnh nhân mệt mỏi thường xuyên, chán ăn, táo bón, nhạy cảm với nhiệt độ thấp, thậm chí có bệnh nhân bị tự kỷ và trầm cảm...

Quá trình điều trị bệnh viêm tuyến giáp mãn tính rất khó khăn, đòi hỏi thời gian để phục hồi trạng thái cân bằng của hormon giáp và hỗ trợ tuyến giáp hoạt động tốt nhất. Bên cạnh viêm giáp Hashimoto thì u tuyến giáp lành tính là bệnh lý phổ biến khác liên quan đến tuyến nội tiết quan trọng này. Và thắc mắc được nhiều người đặt ra là bên cạnh chế độ dinh dưỡng cho bệnh viêm tuyến giáp mãn tính thì u tuyến giáp lành tính nên ăn gì. Chế độ dinh dưỡng khoa học và phù hợp sẽ hỗ trợ đắc lực cho quá trình điều trị, đồng thời giúp cơ thể bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và duy trì sức khỏe tuyến giáp tốt nhất.

2. Nguyên tắc dinh dưỡng của bệnh viêm tuyến giáp mãn tính

Như chúng ta đã biết, bệnh viêm tuyến giáp mãn tính có thể dẫn đến biến chứng cường giáp hay suy giáp tùy từng giai đoạn. Do đó mỗi trường hợp sẽ có những lưu ý riêng trong chế độ dinh dưỡng. Viêm tuyến giáp mãn tính (viêm giáp Hashimoto) xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân hệ miễn dịch bị rối loạn và tạo ra kháng thể chống lại chính những tế bào tuyến giáp của bản thân. Tuyến giáp bị tổn thương và hầu hết bệnh nhân sẽ diễn tiến đến suy giáp.

Trong khi đó, đối với viêm tuyến giáp bán cấp thì giai đoạn đầu bệnh nhân có triệu chứng cường giáp tạm thời. Sau đó, khi khả năng bài tiết hormon không còn sẽ dẫn đến suy giáp.

Cường giáp và suy giáp là 2 tình trạng bệnh hoàn toàn khác nhau, đặc biệt là nhu cầu iod trong chế độ ăn sẽ có những lưu ý khác nhau. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân bệnh viêm tuyến giáp mãn tính là cần bổ sung và hạn chế một số loại thực phẩm với mục đích giúp bình thường hóa nồng độ hormon giáp.

3. Viêm tuyến giáp mạn tính nên ăn gì?

3.1. Giai đoạn suy giáp

Viêm tuyến giáp mạn tính nên ăn gì là vấn đề được hầu hết bệnh nhân đặt ra cho bác sĩ. Ở giai đoạn suy giáp, bệnh nhân phải đối mặt với rất nhiều triệu chứng khó chịu. Song song với việc sử dụng liệu pháp thay thế hormon tuyến giáp thì bệnh nhân có chế độ ăn uống phù hợp cũng quan trọng không kém, trong đó cần tăng cường bổ sung các loại thực phẩm sau:

  • Iod tự nhiên có nhiều trong các loại thủy hải sản, tảo hoặc rong biển...;
  • Rau lá xanh như diếp cá, rau bina... với ưu điểm rất giàu magie và các khoáng chất thúc đẩy cho hoạt động của tuyến giáp. Đồng thời, các loại rau lá xanh còn rất giàu các chất chống oxy hóa tự nhiên, do đó có thể hỗ trợ cải thiện hệ miễn dịch và cân bằng lại hormon tuyến giáp;
  • Các loại hạt như hạt điều, hạt hạnh nhân, hạt bí...;
  • Hải sản: Bệnh nhân bệnh viêm tuyến giáp mãn tính mỗi tuần nên ăn ít nhất 3 bữa hải sản bởi chúng cung cấp nhiều các khoáng chất như Iod, kẽm, acid béo omega-3, các vitamin nhóm B, selen...;
  • Hoa quả như cam, táo, cà chua, nho, táo, dưa hấu, dâu tây...

3.2. Giai đoạn cường giáp

Viêm tuyến giáp mạn tính nên ăn gì giai đoạn cường giáp:

  • Các loại rau họ cải như súp lơ, cải bắp, cải bruxen... Nhóm thực phẩm này chứa Isothiocyanate, một chất gây hạn chế hấp thu iod. Tuy nhiên, bệnh nhân cường giáp nên ăn ở mức độ vừa phải vì việc tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn đến suy giáp:
  • Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như quả Kiwi, cam, quýt, quả mận, cà chua, rau chân vịt, cải xoăn... Các chất chống oxy hóa giúp tăng cường chức năng miễn dịch, qua đó hỗ trợ cân bằng các hormon tuyến giáp;
  • Thực phẩm giàu canxi: Ở bệnh nhân cường giáp thường xảy ra hiện tượng rối loạn chuyển hóa canxi. Để giải quyết, cơ thể thường lấy canxi từ xương và có thể dẫn đến loãng xương. Do đó người mắc bệnh viêm tuyến giáp mãn tính nên bổ sung lượng canxi bị thiếu hụt từ sữa hoặc các loại rau xanh để bù đắp;
  • Thực phẩm giàu protein và acid béo omega-3, bao gồm quả óc chó, hạt lanh, các loại cá... để làm dịu hoạt động của tuyến giáp;
  • Các loại thực phẩm giàu kẽm, như hàu, mầm lúa mì, thịt bò, gan nấu chín, các loại hạt... Thiếu kẽm sẽ dẫn đến cản trở quá trình phân chia tế bào, quá trình sự tăng trưởng và quá trình phân hủy Carbohydrate. Tuyến giáp hoạt động quá mức sẽ làm cạn kiệt nguồn dự trữ kẽm của cơ thể.

4. Bệnh viêm tuyến giáp mãn tính kiêng ăn gì?

Bên cạnh vấn đề viêm tuyến giáp mạn tính nên ăn gì thì những loại thực phẩm bệnh nhân không nên ăn cũng quan trọng không kém. Hầu hết bệnh nhân đều hiểu rằng chế độ dinh dưỡng phù hợp đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hạn chế các tiến triển xấu của bệnh viêm tuyến giáp mãn tính. Do đó song song với việc nghiêm chỉnh tuân thủ theo liệu trình điều trị của bác sĩ chuyên khoa thì người bệnh cũng cần phải tránh các loại thực phẩm phẩm sau:

  • Đậu nành: Theo nhiều nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng thì hàm lượng Isoflavone trong đậu nành sẽ ảnh hưởng đến chức năng sản xuất hormone của tuyến giáp. Do đó không chỉ đậu nành nguyên chất mà các loại chế phẩm từ đậu nành như nước tương, đậu phụ, sữa... đều nằm trong danh sách hạn chế sử dụng của bệnh nhân viêm giáp mạn tính;
  • Đồ hộp hay thực phẩm chế biến sẵn đều sử dụng các chất phụ gia và nhiều calo, do đó sẽ dẫn đến những tác động xấu đến tuyến giáp. Hơn nữa, hàm lượng đường trong các loại đồ hộp cũng khá cao nên không tốt cho người bị bệnh viêm tuyến giáp mãn tính;
  • Nội tạng: Thành phần acid béo bão hòa và cholesterol có trong các loại nội tạng động vật sẽ tác động tiêu cực đến chức năng của tuyến giáp, hơn nữa còn ảnh hưởng làm giảm khả năng hấp thu các thuốc điều trị. Do đó cách tốt nhất để không làm bệnh viêm tuyến giáp mãn tính nặng hơn là tránh các loại nội tạng động vật;
  • Lúa mạch, lúa mì được đánh giá là thực phẩm có chứa hàm lượng gluten cao, do đó làm giảm khả năng tiêu hóa và chức năng miễn dịch của cơ thể. Bệnh nhân viêm giáp mạn tính nói riêng và các bệnh tuyến giáp nói chung nên hạn chế loại thực phẩm này;
  • Thực phẩm giàu chất xơ và đường: Chất xơ có vai trò quan trọng đối với hệ tiêu hóa, tuy nhiên với bệnh viêm tuyến giáp mãn tính thì ngược lại không nên sử dụng quá nhiều. Bên cạnh đó người bệnh cần hạn chế đường trong chế biến thức ăn để không cản trở đến các chức năng của tuyến giáp và giảm tác dụng của thuốc điều trị bệnh.

Có một điều mà bạn cần lưu ý, việc thắc mắc viêm tuyến giáp mạn tính nên ăn gì và kiêng ăn gì là tốt nhưng nó chỉ có tác dụng hỗ trợ quá trình điều trị và giảm nguy cơ khiến tình trạng bệnh nặng hơn chứ không giúp chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Do vậy mà bệnh nhân khi được chẩn đoán bệnh viêm tuyến giáp mãn tính cần phải thực hiện theo đúng các phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa, đồng thời kết hợp với chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe