Bộ sơ cứu COVID-19, bệnh cúm và cảm lạnh

Cúm, cảm lạnh và COVID-19 là các bệnh cho đến hiện nay có thể điều trị tại nhà nên việc tìm hiểu về biện pháp sơ cứu là rất cần thiết. Bài viết dưới đây sẽ trả lời những câu hỏi của bạn đọc như bị cúm phải làm sao, khi cảm lạnh phải làm gì và giải đáp những phương pháp sơ cứu COVID-19.

1. Thuốc giảm đau

Khi mắc cúm, cảm lạnh hoặc COVID-19 thì bệnh nhân có thể có triệu chứng sốt kèm theo đau nhức mình mẩy. Bệnh nhân nên chuẩn bị sẵn Acetaminophen (Paracetamol), naproxen hoặc ibuprofen. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, bệnh thận hoặc đái tháo đường thì cần hỏi ý kiến bác sĩ cẩn thận trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào thuộc nhóm NSAID này. Cần lưu ý, không sử dụng Aspirin cho trẻ nhỏ vì loại thuốc này có liên quan đến một tình trạng hiếm gặp nhưng đe dọa tính mạng được gọi là hội chứng Reye do lạm dụng Aspirin ở trẻ em.

2. Rửa tay thường xuyên

Bàn tay là bộ phận làm rất nhiều việc trong ngày, do đó đây có thể là môi trường trung gian lây truyền các bệnh truyền nhiễm rất tốt. Để có khả năng diệt vi trùng tốt nhất, hãy rửa tay với xà phòng và rửa sạch lại với nước bất cứ khi nào có thể. Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị sẵn dung dịch rửa tay có thành phần chứa ít nhất 60% cồn để sát khuẩn tay nhanh sau khi ho, hắt hơi hoặc sau khi chạm vào các bề mặt nơi công cộng. Đối với người chăm sóc cũng cần rửa tay sạch sẽ trước và sau khi kiểm tra nhiệt độ hoặc sờ trán.

3. Nhiệt kế

Ngay cả khi không cảm thấy sốt thì bạn cũng nên theo dõi nhiệt độ cơ thể trong thời gian bị bệnh để biết được tình trạng của mình đang ở mức độ nào và chuẩn bị xử trí khi cần thiết. Nên chuẩn bị sẵn cho riêng mình một chiếc nhiệt kế ngay từ khi phát hiện mắc bệnh để có thể sử dụng kịp thời khi cần thiết.


Nhiệt kế là vật dụng nên có giúp sơ cứu Covid-19
Nhiệt kế là vật dụng nên có giúp sơ cứu Covid-19

4. Máy đo SpO2

Máy đo SpO2 là thiết bị cầm tay sử dụng để đo độ bão hòa oxy trong máu, đồng thời kết hợp đo nhịp tim thông qua đầu ngón tay. Thiết bị nhỏ gọn này có thể hỗ trợ đắc lực trong việc theo dõi và kiểm tra sức khỏe trong sơ cứu COVID-19. Từ đó giúp kịp thời phát hiện tình trạng thiếu oxy trong máu một cách sớm nhất, kể cả khi cơ thể vẫn chưa cảm thấy bất thường. Đối với người bình thường, chỉ số SpO2 dao động trong khoảng từ 98% - 100% và thường từ 95% trở lên. Nếu bệnh nhân COVID-19 có giá trị SpO2 <94% thì cần phải được hỗ trợ y tế càng sớm càng tốt bằng cách thở oxy.

5. Khẩu trang

Khẩu trang là vật dụng rất hữu ích có tác dụng ngăn cản các giọt bắn mang virus từ người bệnh mắc cúm, cảm lạnh và đặc biệt là COVID-19 xâm nhập vào bằng đường mũi, miệng. Cần chú ý sử dụng khẩu trang đúng cách và lựa chọn những loại khẩu trang uy tín để đảm bảo chất lượng.

6. Thuốc khác

Thuốc xịt hoặc thuốc nhỏ mũi, thông mũi với phenylephrine hoặc pseudoephedrine, vì thành phần hoạt tính làm giảm sưng trong mũi và giúp bạn thở tốt hơn. Các loại thuốc làm thông mũi mà bạn thoa trên ngực cũng có thể giúp mở đường thở. Thuốc ho hoặc thuốc nhỏ với dextromethorphan giúp giảm ho khan, trong khi những thuốc có guaifenesin có thể làm dịu cơn ho ướt.

7. Lau rửa các bề mặt thường xuyên

Cảm lạnh thông thường, cúm và COVID-19 đều là những bệnh lây qua các giọt bắn và dịch tiết từ mũi, miệng của người bệnh. Do đó khi mắc một trong các bệnh trên, bạn cần thường xuyên lau dọn các bề mặt trong nhà như bàn, ghế, tay nắm cửa,... bằng dung dịch sát khuẩn để làm giảm nguy cơ truyền virus sang người khác.

8. Uống đủ nước

Cơ thể sẽ mất nhiều nước khi bạn bị ốm do các triệu chứng sốt đổ mồ hôi, sổ mũi và ho. Do đó, cần đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày. Mặc khác, cần dự trữ các loại đồ uống khác như nước trà ấm hoặc đồ uống có chứa các chất điện giải đều có thể tốt cho quá trình hydrat hóa.


Bị cảm cúm phải làm sao thì bạn nên cung cấp đủ nước cho cơ thể
Bị cảm cúm phải làm sao thì bạn nên cung cấp đủ nước cho cơ thể

9. Sử dụng khăn giấy

Ho và sổ mũi có thể là đặc điểm của cảm lạnh, cúm hoặc COVID-19. Bạn nên giữ khăn giấy trên tay khi ho và hắt hơi để bạn có thể chứa đựng những vi trùng mà cơ thể vừa thải ra. Sau khi sử dụng xong cần vứt khăn giấy ngay lập tức, sau đó rửa hoặc khử trùng tay của bạn.

10. Viên ngậm kẽm

Mặc dù viên ngậm kẽm sẽ không điều trị các triệu chứng, nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng nếu bắt đầu sử dụng chúng khi có dấu hiệu đầu tiên của các triệu chứng cảm lạnh hoặc cúm thì có thể làm giảm thời gian mắc bệnh lên đến 40%.

11. Máy tạo ẩm

Máy tạo độ ẩm phun sương mát sẽ thổi những hạt nước li ti vào không khí để giúp giữ ẩm cho đường hô hấp của bạn, đồng thời giảm bớt tình trạng nghẹt thở và ho khan. Virus khó có khả năng tồn tại trong không khí ẩm ướt hơn trong không khí khô, vì vậy nó cũng có thể giúp làm giảm sự lây lan bệnh tật của bạn.

12. Khi nào cần được cấp cứu?

Đây là điều quan trọng khi điều trị tại nhà mà tất cả các bệnh nhân cần phải biết. Khi các triệu chứng đã trở nên nghiêm trọng và không thể khắc phục tại nhà như khó thở, đau ngực, lú lẫn, khó thức dậy, co giật, đau cơ dữ dội, sốt trên 39 độ C hoặc bí tiểu thì bẹn nên nhờ sự tư vấn, điều trị theo chuyên môn của bác sĩ.

Điều trị ban đầu đối với các bệnh trên là rất quan trọng và đóng vai trò rất lớn trong quá trình thuyên giảm. Vì vậy, khi nắm bắt các phương pháp sơ cứu trên sẽ giúp bạn sớm đẩy lùi bệnh tật và mang lại một cơ thể khỏe mạnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe