Có nên dùng thuốc bôi chống ê buốt răng?

Ê buốt răng là tình trạng thường gặp sau khi tẩy trắng, ăn nhiều thực phẩm có tính acid, ... Tình trạng này khiến người bệnh gặp khó khăn khi ăn uống, thậm chí có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng. Vậy có nên dùng thuốc chống bôi chống ê buốt răng không?

1. Nguyên nhân nào gây ê buốt răng?

Ê buốt răng là tình trạng thường gặp ở nhiều người sau khi ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, quá chua hoặc có luồng không khí lạnh đi qua miệng, ... Ê buốt răng khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn khi ăn uống, giao tiếp. Không những vậy, nếu tình trạng này không được điều trị kịp thời có thể gây tổn thương răng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Nguyên nhân nào khiến răng trở nên nhạy cảm và ê buốt có thể là do:

  • Chải răng sai cách: Chải răng quá mạnh, dùng bàn chải lông cứng, không thay bàn chải định kỳ, ... là những nguyên nhân khiến men răng bị mòn và gây nên tình trạng ê buốt răng.
  • Dùng nước súc miệng trong thời gian dài: Nước súc miệng có tác dụng sát khuẩn, giúp hơi thở thơm tho. Tuy nhiên khi men răng bị hỏng, dùng nước súc miệng chứa acid trong thời gian dài sẽ khiến răng bị tổn thương và ê buốt nhiều hơn.
  • Ăn nhiều thực phẩm có tính acid: Các loại thực phẩm có tính acid có thể để lại những mảng bám trên răng, nếu không vệ sinh răng miệng sạch sẽ thì chúng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây sâu răng, viêm lợi, bào mòn men răng khiến cho răng ê buốt.
  • Nghiến răng khi ngủ: Khi nghiến răng, hai hàm răng sẽ bị ghì chặt lên nhau, tạo áp lực lên răng khiến răng bị bào mòn dần.
  • Tẩy trắng răng: Gel làm trắng có tác dụng làm mềm men răng tạm thời, làm lộ lớp ngà răng có chứa các dây thần kinh răng. Một số khay làm trắng có thể tác động trực tiếp lên răng và gây tình trạng ê buốt. Ngoài ra, gel tẩy trắng răng có thể gây ê buốt, kích ứng khi tiếp xúc với nướu.
  • Bệnh lý răng miệng: Một số bệnh lý răng miệng như viêm nướu, tụt nướu, mẻ răng, ... có thể ảnh hưởng đến chân răng và xảy ra ê buốt.

Ê buốt răng không hề đơn giản, không những ảnh hưởng đến việc ăn uống mà nó còn làm hơi thở có mùi, ảnh hưởng đến giao tiếp và sinh hoạt của người bệnh. Để giảm tình trạng này, người bệnh có thể áp dụng một số cách chống ê buốt răng đơn giản như đánh răng nhẹ nhàng, thuốc bôi chống ê buốt răng, tránh thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh, ...

2. Cách giảm ê buốt răng

2.1. Cách giảm ê buốt răng tại nhà hiệu quả

  • Nhai lá ổi: Nhai lá ổi hoặc dùng thuốc bôi ê buốt răng có tinh chất lá ổi bôi lên răng giúp giảm đau răng và chống ê buốt hiệu quả. Thành phần lá ổi có chứa flavonoid là mốt chất kháng khuẩn, giảm đau, chống viêm tốt và nhờ đó có công dụng giảm ê buốt, đau răng.
  • Dùng tỏi: Tỏi có chứa allicin có khả năng kháng khuẩn, rất tốt để làm giảm ê buốt răng. Cách dùng: Xay nhuyễn tỏi và đắp vào chiếc răng bị ê buốt sẽ giúp cải thiện tình trạng này.
  • Súc miệng bằng nước muối: Dùng nước muối ấm để súc miệng có thể hạn chế mảng bám thức ăn trên răng, giúp răng sạch sẽ, giảm đau nhức và ê buốt răng.
  • Chải răng nhẹ nhàng: Đánh răng mạnh là nguyên nhân bào mòn men răng và gây ê buốt răng. Do đó, không nên đánh răng quá mạnh; thay vào đó hãy chải răng nhẹ nhàng và sử dụng bàn chải lông mềm.
  • Không ăn những thực phẩm có tính acid: Khi men răng đang mỏng và nhạy cảm, tốt nhất nên tránh những thực phẩm có tính acid vì sẽ khiến răng bị đau nhiều hơn.
  • Dùng kem đánh răng chuyên dụng cho răng ê buốt.

Với tình trạng ê buốt nhẹ thì áp dụng các biện pháp trên có thể đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, nếu ê buốt răng là do bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm lợi, tụt lợi, ... thì người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị nguyên nhân gây ê buốt.

2.2. Cách giảm ê buốt răng theo đơn bác sĩ

  • Liệu pháp Florua: Liệu pháp này nhằm mục đích bổ sung flour cho các răng nhạy cảm để men răng chắc khoẻ hơn, giảm đau và ê buốt, ngăn ngừa sâu răng.
  • Dùng thuốc bôi chống ê buốt răng: Trên thực tế, không có thuốc điều trị khỏi ê buốt răng. Các thuốc bôi ê buốt răng có bản chất là gel giảm ê buốt tạm thời. Gel giảm ê buốt răng được sử dụng trong hỗ trợ điều trị giảm ê buốt tại chỗ, ê buốt sau tẩy răng và cạo cao răng, dùng cho người bệnh nhạy cảm ngà, tụt nướu. Ưu điểm của thuốc bôi ê buốt răng so với các phương pháp giảm ê buốt tại nhà là khả năng bám dính trên răng tốt, tan nhanh, do đó làm giảm ê buốt răng cấp tính. Với những trường hợp nặng như ê buốt cấp tính, ê buốt sau khi thực hiện các thủ thuật nha khoa như trám răng, phẫu thuật nha chu, ... thì gel chống ê buốt răng cho hiệu quả tốt. Trong thành phần các thuốc bôi chống ê buốt răng thường có Sodium Fluoride là một hợ chất có tác dụng bít lỗ ống ngà, tái khoáng men răng, ngăn ngừa sâu răng, chống mòn răng và loại bỏ mảng bám trên răng. Lựa chọn thuốc bôi chống ê buốt răng an toàn sẽ giúp răng chắc khoẻ, giảm ê buốt, từ đó giúp người bệnh ăn uống thoải mái hơn và tự tin trong giao tiếp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

916 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan