Hay bị đau đầu sau gáy là tình trạng bệnh lý rất thường gặp hiện nay, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt, học tập của người bệnh. Có rất nhiều nguyên nhân khiến người bệnh thường xuyên đau nửa đầu sau gáy và với mỗi nguyên nhân sẽ có thuốc điều trị đau đầu sau gáy cũng như các biện pháp hỗ trợ điều trị khác nhau.
1. Thường xuyên đau nửa đầu sau gáy nguyên nhân do đâu?
Đau nửa đầu sau gáy là hiện tượng đau đầu với cơn đau xuất hiện từng cơn, sau đó có thể lan xuống vùng cổ, vai gáy khiến cơ thể rất mệt mỏi, thậm chí có thể gây rối loạn giấc ngủ. Tính chất cơn đau thường là đau âm ỉ, liên tục, có thể nhẹ hoặc nặng, kèm theo sốt, buồn nôn, nôn, cứng gáy, sợ ánh sáng, sợ tiếng ồn... Các triệu chứng thần kinh khu trú có thể gặp đó là yếu người, khó khăn vận động... Ngoài những triệu chứng lâm sàng kể trên, để chẩn đoán xác định chứng đau nửa đầu sau gáy, người bệnh cần thực hiện một số kỹ thuật cận lâm sàng như xét nghiệm công thức máu, chụp phim X – quang cột sống cổ và chụp cộng hưởng từ cột sống cổ, chụp cộng hưởng từ sọ não.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đau nửa đầu sau gáy như:
- Vận động sai tư thế: Một số thói quen ngồi sai tư thế khi làm việc, học hành, đọc sách... hoặc ngủ gối đầu cao là nguyên nhân phổ biến dẫn đến đau đầu sau gáy
- Mang vác những vật quá nặng cũng làm cho phần cổ, vai gáy bị ảnh hưởng.
- Căng thẳng trong cuộc sống học tập và làm việc cũng khiến các cơ vùng cổ, vai gáy bị mỏi, cơ cứng và dẫn đến tình trạng đau đầu sau gáy.
- Chấn thương vùng cổ, gáy khiến hệ thống cơ, dây chằng, thần kinh, mạch máu ở vùng này bị tổn thương gây ra triệu chứng đau.
- Tăng huyết áp: Các cơn tăng huyết áp cũng có thể gây ra các cơn đau nửa đầu sau gáy.
- Các bệnh lý như cảm cúm, sốt xuất huyết, sốt siêu vi cũng gây ra tình trạng đau đầu này.
- Những bệnh lý thuộc nhóm nguyên nhân tăng áp lực nội sọ gây ra tình trạng đau đầu sau vai gáy, kèm theo một số triệu chứng như sợ ánh sáng, sợ tiếng ồn, buồn nôn, rối loạn ý thức...
- Bệnh lý cột sống bao gồm thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ, thoái hóa cột sống cổ là những bệnh lý gây ra đau đầu sau gáy.
- Viêm màng não
- Xuất huyết dưới nhện
2. Bị đau đầu sau gáy phải làm sao? Đau đầu sau gáy uống thuốc gì?
Để giảm triệu chứng đau cấp tính của tình trạng đau đầu sau gáy thì thuốc giảm đau Paracetamol hiện tại vẫn được sử dụng rất rộng rãi. Tiếp đến, tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà sẽ có những loại thuốc khác nhau được áp dụng trên từng bệnh cảnh lâm sàng cụ thể:
- Nếu người bệnh đau đầu sau gáy vì viêm khớp thì sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng viêm kèm với chườm nhiệt để hỗ trợ giảm triệu chứng viêm.
- Nếu người bệnh có những tư thế xấu dẫn đến đau đầu thì chỉ cần dùng thuốc giảm đau và điều chỉnh tư thế.
- Nếu do nguyên nhân thoát vị đĩa đệm thì cần kết hợp nhiều phương pháp như tiêm thuốc Corticoid, vật lý trị liệu, Chiropractic, phẫu thuật lấy nhân nhầy đĩa đệm...
- Nếu đau đầu vì đau thần kinh chẩm thì cần dùng thuốc kháng viêm NSAIDS, thuốc giãn cơ, tiêm thuốc tê cục bộ kết hợp với các phương pháp vật lý trị liệu.
- Nếu vì bị stress nặng trong cuộc sống dẫn đến đau đầu thì chỉ cần dùng thuốc giảm đau và nghỉ ngơi. Nếu bị stress quá lâu dẫn đến đau đầu mãn tính thì có thể chỉ định thêm thuốc chống trầm cảm, thuốc giãn cơ để phòng ngừa.
- Đau đầu từng cụm sẽ được điều trị với thuốc Triptan, Octreotide, Somatostatin, gây tê cục bộ...
- Ngoài những phương pháp y học hiện đại, đau đầu sau gáy có thể điều trị bằng một số loại thảo dược Đông y với các thành phần như cao huyền hồ sách, cao tô mộc, cao tam lăng và đặc biệt là sơn đậu căn, MSM và kẽm salicylate. Ba thành phần thảo dược này thường được kết hợp cùng nhau và có tác dụng chống oxy hóa vỏ bọc thần kinh, ngăn ngừa được những xung điện bị rò rỉ, ngăn chặn những thụ thể cảm nhận đau nên rất hiệu quả đối với việc điều trị những cơn đau mãn tính như đau đầu sau gáy. Các thành phần thảo dược khác còn có thể hoạt huyết, tán ứ và tăng cường lưu thông máu cũng như giúp làm giãn cơ cho cơ thể.
Đau đầu sau gáy là tình trạng bệnh lý rất thường gặp xuất hiện trong nhiều bệnh cảnh khác nhau với nguyên nhân đa dạng. Vì vậy, bên cạnh việc làm giảm triệu chứng thì việc chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh cũng rất cần thiết trong việc cá thể hóa điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.