Suy giảm trí nhớ ở bệnh Parkinson

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh An Thiên - Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bệnh Parkinson là bệnh lý thoái hóa các tế bào não làm sa sút trí tuệ và suy giảm trí nhớ. Bệnh thường xảy ra ở những người lớn tuổi và không có sự khác biệt rõ ràng về tỷ lệ mắc bệnh giữa hai giới. Theo đó, suy giảm trí nhớ ở bệnh Parkinson là biến chứng nặng nề và là nỗi lo lớn nhất của những người mắc bệnh.

1. Dấu hiệu nhận biết suy giảm trí nhớ ở bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson là một trong những bệnh lý thoái hóa các tế bào thần kinh với nguyên nhân được cho rằng là sự sụt giảm số lượng dopamin, một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng trong việc điều hòa động tác và vận động của cơ thể người. Trong giai đoạn đầu, người bệnh chỉ xuất hiện các dấu hiệu nhẹ, đơn độc như run tay một bên hoặc cả hai bên. Về sau, người mắc bệnh parkinson sẽ gặp phải nhiều vấn đề liên quan đến các khớp trong cơ thể như co cơ cứng khớp, giảm khả năng vận động và phối hợp các động tác nhịp nhàng.

Suy giảm trí nhớ ở bệnh Parkinson là biểu hiện trong giai đoạn sau của người mắc bệnh Parkinson, xuất hiện khi quá trình thoái hóa ảnh hưởng đến các khu vực tế bào não có nhiệm vụ quy định chức năng ghi nhớ và mức độ tập trung. Suy giảm trí nhớ ở bệnh Parkinson không chỉ là sự sụt giảm mất độ ghi nhớ các sự kiện xảy ra trong ngày mà còn là sự suy yếu trong việc ghi nhớ cách sử dụng ngôn ngữ, phối hợp động tác mà trước đây người bệnh hoàn toàn có thể thực hiện được. Dấu hiệu gợi ý tình trạng suy giảm trí nhớ ở bệnh Parkinson bao gồm:

  • Mất tập trung
  • Không ghi nhớ được các sự kiện vừa mới xảy ra
  • Gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ nói và viết
  • Không giải thích hay truyền đạt được thông tin, ý kiến cho những người xung quanh
  • Không nhận diện được người thân trong gia đình, thậm chí những người thường xuyên chăm sóc người bệnh
  • Xuất hiện các ảo giác, ảo tưởng khiến người bệnh trở nên nhạy cảm và lo lắng nhiều hơn
  • Biểu hiện trầm cảm, hạn chế giao tiếp với mọi người xung quanh.
  • Tính tình thay đổi, dễ cáu giận
  • Thường xuyên cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày.
Trầm cảm người già
Trầm cảm là dấu hiệu của tình trạng suy giảm trí nhớ ở bệnh Parkinson

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ suy giảm trí nhớ ở bệnh Parkinson

Mức độ nặng trong các biểu hiện của suy giảm trí nhớ ở bệnh Parkinson phụ thuộc vào:

  • Tuổi: những người mắc bệnh parkinson ở độ tuổi trên 60 có nguy cơ gặp phải chứng suy giảm trí nhớ cao hơn so với những người bệnh khác. Đây cũng là yếu tố có vai trò lớn nhất trong việc quyết định nguy cơ và mức độ nặng của tình trạng suy giảm trí nhớ ở những bệnh nhân mắc bệnh Parkinson.
  • Giới: các thống kê nhận thấy nam giới mắc bệnh Parkinson có nguy cơ xuất hiện chứng suy giảm trí nhớ cao hơn bệnh nhân nữ.
  • Có các thành viên trong gia đình mắc chứng suy giảm trí nhớ do bệnh Alzheimer
  • Kém đáp ứng với điều trị: Thuốc điều trị ưu tiên trong bệnh lý Parkinson là levodopa, một tiền chất của dopamin giúp làm tăng dopamine trong các tế bào não. Những người bệnh Parkinson đáp ứng kém khi được sử dụng thuốc này cũng sẽ có nguy cơ mắc chứng suy giảm trí nhớ cao hơn.
Di truyền
Người bệnh có các thành viên trong gia đình mắc chứng suy giảm trí nhớ do bệnh Alzheimer sẽ tăng mức độ suy giảm trí nhớ ở bệnh Parkinson
  • Biểu hiện rối loạn dáng đi: Rối loạn tư thế và dáng đi là một trong những biểu hiện đặc trưng của bệnh Parkinson ở giai đoạn muộn. Những người mắc bệnh Parkinson thường di chuyển trong tư thế khom người, không đi được đoạn đường dài do mất thăng bằng và cứng các khớp. Những người mắc bệnh Parkinson có biểu hiện rối loạn dáng đi có nguy cơ xuất hiện chứng suy giảm trí nhớ cao hơn những bệnh nhân khác gấp 4 lần.
  • Mắc bệnh trong thời gian lâu: Suy giảm trí nhớ là biểu hiện trong giai đoạn muộn của bệnh lý Parkinson, vì thế những người sống chung với bệnh Parkinson trong thời gian dài sẽ có nguy cơ mắc phải chứng suy giảm trí nhớ cao hơn.
  • Có các biểu hiện nặng của bệnh Parkinson như trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, thường xuyên cảm giác buồn ngủ vào ban ngày, có ảo giác, ảo tưởng và các rối loạn tâm thần khác.

Khó có thể nhận định chắc chắn rằng một bệnh nhân mắc bệnh Parkinson có nguy cơ xuất hiện chứng suy giảm trí nhớ được hay không. Dựa vào các yếu tố nguy cơ kể trên, người bệnh có thể phần nào dự đoán được khả năng của mình. Suy giảm trí nhớ ở bệnh Parkinson có thể được quản lý tốt hoặc dự phòng được bằng cách tuân thủ điều trị bệnh tốt phối hợp với các biện pháp rèn luyện và tăng cường trí nhớ của bản thân.

3. Các phương pháp điều trị bệnh Parkinson

Nguyên nhân gây bệnh Parkinson là sự thoái hóa các tế bào thần kinh của não bộ do sự thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh dopamin. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu giúp ngăn chặn quá trình tổn thương các tế bào não. Mục tiêu điều trị chính là giảm nhẹ mức độ nặng các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh và làm chậm diễn tiến của bệnh, phòng ngừa mắc phải chứng suy giảm trí nhớ. Người bệnh Parkinson cần phối hợp với bác sĩ điều trị, tuân thủ tốt phác đồ và cách sử dụng thuốc, không tự ý tăng liều hay giảm liều các thuốc được chỉ định.

Một số nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh parkinson bao gồm:

  • Hợp chất ức chế cholinesterase: Đây là nhóm thuốc chính trong việc điều trị chứng suy giảm trí nhớ ở những bệnh nhân mắc bệnh Parkinson hiện nay, giúp giảm nhẹ triệu chứng và các biểu hiện sa sút trí tuệ và suy giảm trí nhớ.
  • Levodopa: Đây cũng là một trong những nhóm thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh nhân Parkinson. Levodopa là tiền chất của dopamin, hỗ trợ tăng nồng độ của dopamin trong các tế bào thần kinh. Thuốc levodopa khi sử dụng đơn độc có nguy cơ làm xuất hiện các biểu hiện ảo giác, ảo tưởng khiến tình trạng bệnh trở nên nặng nề hơn. Vì thế người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc khi không có sự hướng dẫn của các bác sĩ điều trị.
Tự mua thuốc kháng sinh uống sau khi hút thai
Một số nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh parkinson
  • Nhóm thuốc chống loạn thần: Được sử dụng trong điều trị bệnh tuy nhiên có khá nhiều tác dụng phụ. Bệnh nhân Parkinson sử dụng thuốc chống loạn thần có khả năng thay đổi ý thức nặng nề, trở nên lú lẫn, nuốt kém, kèm theo các ảo tưởng, ảo giác và có nguy cơ làm trầm trọng hơn các biểu hiện khác của bệnh Parkinson.
  • Nhóm thuốc chống trầm cảm: Biểu hiện trầm cảm và suy giảm trí nhớ ở bệnh Parkinson có thể được cải thiện khi bệnh nhân sử dụng các thuốc chống trầm cảm.

Suy giảm trí nhớ ở bệnh Parkinson là một biến chứng nguy hiểm, do đó người bệnh có tiền sử mắc bệnh cần thăm khám thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ, nhằm hạn chế nguyên nhân và tìm ra hướng điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan