Tụt huyết áp sau khi ăn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc - Bác sĩ Nội tổng quát - Nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Nhiều người than phiền về các biểu hiện bất thường xuất hiện sau khi ăn như hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, ngã và ngất xỉu. Đây là các dấu hiệu của tình trạng hạ huyết áp sau khi ăn, một rối loạn thường gặp ở những người lớn tuổi, nhất là ở giới nữ.

1. Vì sao tụt huyết áp sau khi ăn?

Hoạt động tiêu hóa và hấp thu của cơ thể người là quá trình phức tạp, bị ảnh hưởng bởi sự phối hợp của nhiều cơ quan khác ngoài tiêu hóa trong cơ thể như hệ thần kinh và hệ tuần hoàn. Sau khi ăn no, cơ thể sẽ huy động một lượng máu nhiều hơn đến dạ dày và ruột non vì chúng cần nhiều năng lượng cho hoạt động hấp thu. Đáp ứng với điều này, quả tim sẽ hoạt động nhiều hơn bằng cách tăng tần số co bóp, các mạch máu ngoại vi sẽ co nhỏ lại để đảm bảo duy trì mức huyết áp bình thường, đảm bảo tưới máu cho những cơ quan thiết yếu, đặc biệt là não bộ. Sự khiếm khuyết ở bất kỳ khâu nào của quá trình tự điều chỉnh này đều có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tụt huyết áp sau khi ăn.

Ở một số trường hợp, hoạt động bù trừ của hệ tuần hoàn vẫn không đủ để thiết lập lại cân bằng, vì thế lưu lượng máu đến nuôi dưỡng não giảm, đưa đến các biểu hiện của tình trạng tụt huyết áp sau khi ăn như chóng mặt, hoa mắt, ngất xỉu.

Ở những trường hợp khác, bệnh nhân có các tổn thương liên quan đến hệ thần kinh như các di chứng sau tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, chấn thương tủy sống ảnh hưởng đến hệ thần kinh ngoại vi hoặc rối loạn hoạt động của trung tâm tuần hoàn cũng là những đối tượng nguy cơ tụt huyết áp sau khi ăn.

Hoạt động không hiệu quả của trung tâm điều chỉnh huyết áp tại tuyến thượng thận dẫn đến việc hiệu chỉnh huyết áp không thích hợp với những biến đổi của cơ thể.

Hệ thống các thụ thể cảm áp trong cơ thể ở mạch máu, dạ dày không còn nhạy với những thay đổi của áp lực nên sẽ giảm hoạt động dẫn truyền tín hiệu đến hệ thần kinh và tuần hoàn. Cơ chế co các mạch máu nhỏ ngoại vi và tăng tần số tim bù trừ sau ăn không được thực hiện một cách có hiệu quả dẫn đến tụt huyết áp sau khi ăn. Cơ chế này thường thấy ở những người mắc bệnh lý tiểu đường hoặc rối loạn hoạt động dẫn truyền của hệ thần kinh tự chủ trong bệnh Parkinson.

Một số tác nhân liên quan đến tụt huyết áp sau khi ăn khác đã được chứng minh là yếu tố di truyền, tổn thương mạch máu do giảm tính đàn hồi, hoặc tình trạng bệnh lý mạch máu xơ cứng ở người già.

Tiểu đường
Người bệnh có bệnh lý tiểu đường

2. Triệu chứng tụt huyết áp sau khi ăn

Triệu chứng tụt huyết áp sau khi ăn chủ yếu trên lâm sàng là chóng mặt, cảm giác đầu lâng lâng hoặc mệt mỏi. Ngất là triệu chứng xảy ra như một hậu quả của tình trạng tụt huyết áp.

Đo huyết áp trước và sau khi ăn cho phép phát hiện được tình trạng tụt huyết áp. Thông thường, khi gặp phải tình trạng tụt huyết áp sau khi ăn, chỉ số huyết áp tâm thu (giá trị lớn hơn trong kết quả đo huyết áp) biến đổi nhiều hơn. Nếu tình trạng huyết áp thấp xuất hiện không liên quan đến bữa ăn, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế để tầm soát các bệnh lý khác liên quan đến bệnh lý van tim, mất nước, bệnh tuyến giáp, thiếu máu, thiếu hụt vitamin B12 hoặc mang thai.

Liều dùng vitamin B12 được khuyến cáo
Thiếu hụt vitamin B12 có thể gây tụt huyết áp sau khi ăn

3. Chẩn đoán tụt huyết áp sau khi ăn

Trước khi đưa ra chẩn đoán, bác sĩ sẽ khai thác các thông tin liên quan đến tiền sử bệnh và đặc điểm các triệu chứng lâm sàng. Người bệnh nên tự theo dõi huyết áp tại nhà để cung cấp thông tin cần thiết cho bác sĩ, lưu ý các trị số huyết áp sau khi ăn no. Huyết áp nên được đo đầy đủ cả hai giá trị huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu tại nhiều khoảng thời gian khác nhau sau khi ăn, bắt đầu từ 15 phút đến 2 giờ sau ăn. Hơn 70% các trường hợp tụt huyết áp sau khi ăn xuất hiện trong vòng từ 30 đến 60 phút sau khi ăn.

Tụt huyết áp sau khi ăn có thể được nghi ngờ khi huyết áp tối đa, giá trị huyết áp lớn, giảm ít nhất 20 mmHg trong vòng 2 giờ sau khi ăn. Bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán tụt huyết áp sau khi ăn nếu huyết áp trước khi ăn đạt ít nhất từ 100 mmHg và trong vòng 2 giờ sau ăn huyết áp đạt được 90 mmHg.

Một số xét nghiệm cận lâm sàng được chỉ định để loại trừ các nguyên nhân khác làm thay đổi huyết áp, bao gồm:

  • Công thức máu giúp phát hiện tình trạng thiếu máu
  • Xét nghiệm đường máu
  • Đo điện tâm đồ phát hiện các rối loạn nhịp
  • Siêu âm tim để đánh giá đặc điểm cấu trúc và chức năng cơ tim.
Siêu âm tim
Siêu âm tim giúp chẩn đoán tụt huyết áp sau khi ăn

4. Biến chứng tụt huyết áp sau khi ăn

Biến chứng nghiêm trọng nhất liên quan đến tụt huyết áp sau khi ăn là ngất và các chấn thương tiếp sau đó. Người bệnh mệt lả, ngất dẫn đến té ngã gây gãy xương, bầm tím hoặc các chấn thương khác. Nguy hiểm hơn là tình trạng mất ý thức khi đang lái xe hoạt vận hành máy móc. Trong những trường hợp nặng nề, giảm cung cấp máu cho hệ não bộ có thể gây ra nhồi máu não.

Nhìn chung, tụt huyết áp sau khi ăn thường là một rối loạn tạm thời lành tính. Nếu huyết áp quá thấp, người bệnh có thể rơi vào tình trạng sốc, hoặc suy cơ quan.

5. Dự phòng tụt huyết áp sau khi ăn

Hiện nay, chưa có phương pháp giúp nào được xem là có khả năng giải quyết dứt điểm tình trạng tụt huyết áp sau khi ăn. Với tụt huyết áp sau khi ăn, người bệnh được nhận nhiều lời khuyên liên quan đến cách dự phòng hơn điều trị. Một số biện pháp người bệnh có thể áp dụng để ngăn ngừa tụt huyết áp sau khi ăn bao gồm:

  • Chế độ ăn chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày: khi ăn quá no trong một lần, dạ dày giãn lớn và phải làm việc nhiều hơn. Điều này cần một lượng máu lớn hơn huy động đến đáp ứng năng suất hoạt động cao dẫn đến tăng nguy cơ tụt huyết áp. Người bị tụt huyết áp sau khi ăn nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa chính như những người bình thường khác.
  • Uống nước trước khi ăn: bổ sung khoảng 200 đến 300 mililit nước trước khi ăn khiến người bệnh nhanh có cảm giác no do dạ dày nhanh căng hơn. Lượng thức ăn vào hệ tiêu hóa nhờ đó giảm nên hoạt động hấp thu các chất dinh dưỡng sau khi ăn diễn ra nhẹ nhàng hơn. Nhu cầu năng lượng của dạ dày và ruột non không nhiều nên giảm khả năng xuất hiện tụt huyết áp sau khi ăn.
  • Tránh sử dụng nhiều cơm, bánh mì, nước ngọt có ga hoạt những thực phẩm giàu carbohydrate. Các loại thức ăn này được tiêu hóa và hấp thu nhanh trong hệ tiêu hóa nên nhu cầu năng lượng cũng vì thế nâng cao hơn, làm tăng nguy cơ của tụt huyết áp sau khi ăn.
  • Nghỉ ngơi trong tư thế ngồi hoặc nằm sau khi ăn: thời điểm dễ xuất hiện tụt huyết áp nhất là khoảng 30 đến 60 phút sau khi ăn. Khi đó, việc nghỉ ngơi trong tư thế ngồi hoặc nằm trong khoảng thời gian này có vai trò dự phòng tụt huyết áp.
  • Tụt huyết áp sau khi ăn mặc dù chưa có phương pháp điều trị để chấm dứt hoàn toàn tuy nhiên hoàn toàn có thể dự phòng bằng một vài lưu ý nhỏ trong chế độ ăn và chế độ sinh hoạt.
Khám tim mạch
Khám bệnh lý tim mạch định kỳ là việc làm cần thiết

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan