Có thể thủng dạ dày nếu bị viêm loét dạ dày nặng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Viêm loét dạ dày – tá tràng chiếm khoảng 26% và đang có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất trong các bệnh về đường tiêu hóa. Viêm loét dạ dày mạn tính không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn gây những biến chứng nguy hiểm như: xuất huyết dạ dày, ung thư dạ dày... Đặc biệt viêm loét dạ dày nặng có thể gây thủng dạ dày- một biến chứng cấp cứu nguy hiểm.

1. Biến chứng viêm loét dạ dày

1.1. Hẹp môn vị dạ dày

Hẹp môn vị dạ dày là biến chứng rất hay xảy ra ở người bị viêm loét dạ dày. Khi bị hẹp môn vị dạ dày người bệnh sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu với những biểu hiện sau đây:

  • Đau bụng dữ dội, cơn đau dồn dập, liên tục và kéo dài thường xuất hiện hoặc đau tăng sau ăn.
  • Buồn nôn hoặc nôn. Thực phẩm nôn ra có mùi hôi khó chịu
  • Người mệt mỏi, lờ đờ, toát mồ hôi, không còn sức lực

1.2. Xuất huyết dạ dày

Xuất huyết dạ dày tình trạng dạ dày bị chảy máu, nguyên nhân của tình trạng này là do các vết viêm loét làm tổn thương mạch máu, khi bị chảy máu người bệnh có thể nôn ra máu hoặc dịch đen, đại tiện phân đen như nhựa đường hoặc như bột cà phê, có mùi hôi thối như mùi phân hủy của xác động vật.

1.3. Ung thư dạ dày

Các triệu chứng của ung thư dạ dày thường là rất mơ hồ. Triệu chứng hay gặp thường là đau âm ỉ, chướng bụng, khó tiêu, ợ hơi, buồn nôn và chán ăn. Những triệu chứng trên rất dễ bị bỏ qua nên bệnh khó được phát hiện kịp thời. Khi các triệu chứng trên kéo dài hơn 2 tuần, người bệnh nên đi khám tại các cơ sở y tế. Một số dấu hiệu khác của bệnh có thể là: nôn, gầy sút, thiếu máu, đau bụng, mệt mỏi, phân lẫn màu đen.

Thủng ổ loét dạ dày - tá tràng: Biến chứng nguy hiểm của viêm loét dạ dày - tá tràng
Viêm loét dạ dày nặng có thể gây biến chứng thủng dạ dày

2. Biến chứng thủng dạ dày

Nhiều bệnh nhân bị viêm loét dạ dày mạn tính tuy nhiên họ có thể không xuất hiện các triệu chứng như đau bụng hoặc triệu chứng đau rất mơ hồ.

Những trường hợp đột nhiên bị thủng dạ dày mà không được kịp thời cấp cứu thì có thể nhanh chóng dẫn tới viêm phúc mạc và rất dễ tử vong.

Nếu không điều trị bệnh lý viêm loét dạ dày sớm hoặc điều trị không dứt điểm có thể gây thủng dạ dày. Biểu hiện của thủng dạ dày rất dữ dội.

  • Cơn đau ở vùng thượng vị, dạ dày rất mạnh, cảm giác như có dao đâm vào bụng, dù làm thế nào cũng không thể làm dịu được cơn đau.
  • Bụng gồng cứng, chỉ cần thở mạnh cũng gây đau hơn.
  • Từ vùng thượng vị dạ dày, cơn đau sẽ lan ra khắp ổ bụng, lên đến ngực, vai và lưng.
  • Cảm giác không còn sức lực, mệt mỏi, mặt tái, tay chân lạnh, toát mồ hôi, có thể tụt huyết áp.

Khi người bị viêm loét dạ dày có những biểu hiện trên thì có thể khẳng định 90% là bệnh đã biến chứng thủng dạ dày, cần đưa người bệnh đến bệnh viện cấp cứu và phẫu thuật ngay lập tức. Để càng lâu sẽ càng nguy hiểm đến tính mạng.

3. Đối tượng nguy cơ cao bị thủng dạ dày

Viêm loét dạ dày mạn tính sẽ nguy hiểm hơn và có thể gây biến chứng thủng dạ dày đối với các nhóm người như:

  • Người thường xuyên hút thuốc
  • Thường xuyên sử dụng thuốc chống viêm
  • Có tiền sử viêm loét dạ dày
  • Trên 50 tuổi
  • Sử dụng các chất kích thích như rượu, bia...
  • Người thiếu máu
Nội soi tiêu hóa
Nội soi tiêu hóa giúp chẩn đoán xác định bệnh viêm loét dạ dày

4. Điều trị biến chứng thủng dạ dày

  • Nguyên tắc điều trị thủng dạ dày

Phải tiến hành phẫu thuật càng sớm càng tốt. khi viêm loét dạ dày nặng tiến triển thành thủng dạ dày bạn sẽ được mổ trước 12 tiếng, tỷ lệ tử vong 0-0,5%; sau 12 giờ tử vong đến 15%. Vì vậy, toàn bộ ekip của bệnh viện phải nhanh chóng chuẩn bị để có thể tiến hành xử lý ngay trường hợp nguy cấp này.

  • Điều trị cầm cự

Trong quá trình chờ đợi những phương pháp chuyên sâu thì có thể áp dụng cách tạm thời này để đảm bảo tính mạng cho bệnh nhân. Hút dịch bằng phương pháp đặt xông dạ dày và truyền dịch kèm kháng sinh liều cao để ngăn chặn nhiễm khuẩn.

  • Điều trị vết thủng

Việc phẫu thuật khâu vết thủng như thế nào là phụ thuộc vào tính chất của vết thủng. Với những vết thủng còn non thì tiến hành rất dễ dàng. Nếu vết thủng lâu ngày, chai cứng thì đòi hỏi kỹ thuật khâu đặc biệt.

  • Cắt bỏ một phần dạ dày

Nếu như bị thủng dạ dày do ung thư, hẹp môn vị hay vết thủng quá nặng không thể khâu được thì phải cắt bỏ một phần dạ dày. Một phần của dạ dày sẽ được cắt bằng phương pháp nội soi.

Trong một số trường hợp người bệnh sau khi phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày sẽ phải có một chế độ ăn uống thích hợp:

+ Uống đủ nước: uống nước thông thường, có thể uống nước ép trái cây, trà.

+ Thức ăn nên là những loại thực phẩm đã nấu chín, dễ tiêu hóa, hạn chế thực phẩm có nhiều chất xơ. Khi vết thương đã có dấu hiệu lành người bệnh có thể ăn những loại thịt, trứng hay bánh mì.

  • Phòng bệnh viêm loét dạ dày
  • Tạo thói quen sinh hoạt tốt như tập luyện thể dục thể thao,
  • Giảm căng thẳng, lo lắng
  • Ăn uống ngủ nghỉ hợp lý
  • Tránh đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhiều chất chua, cay và tránh khói thuốc lá.

Cần lưu ý rằng đau là dấu hiệu cơ thể cảnh báo đang có vấn đề bất thường diễn ra. Vì thế tuyệt đối không nên chủ quan, cần đến bệnh viện thăm khám sớm để được kiểm tra kịp thời, tránh rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Thăm khám ngay khi có những dấu hiệu bất thường, kiểm tra sức khỏe định kỳ phát hiện và điều trị sớm viêm loét dạ dày là cách tốt giúp bảo vệ sức khỏe của chính bạn và những người thân trong gia đình.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang có các gói khám sức khỏe tổng quát, được thực hiện bởi đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm và sự hỗ trợ của trang thiết bị công nghệ hiện đại, sẽ phát hiện sớm nhất dấu hiệu của bệnh viêm loét dạ dày, trên cơ sở đó đề ra phác đồ điều trị tối ưu nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

49.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan