Tìm hiểu về xuất huyết tiêu hóa trên

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Huy Bình - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Xuất huyết tiêu hóa trên là một cấp cứu nội ngoại khoa thường gặp và có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.

1. Xuất huyết tiêu hóa trên là gì?

Xuất huyết tiêu hoá trên được định nghĩa là những trường hợp xuất huyết có nguồn gốc từ thực quản, dạ dày và tá tràng (từ góc Treitz trở lên). Xuất huyết tiêu hoá trên xảy ra nhiều gấp 4 lần so với xuất huyết tiêu hoá dưới và là nguyên nhân chính gây ra nhiều biến chứng và tử vong.

Nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa trên là do viêm dạ dày, tổn thương ổ loét dạ dày, hành tá tràng làm tổn thương mạch máu. Chảy máu do viêm loét dạ dày chiếm tỷ lệ 80% của xuất huyết đường tiêu hoá trên. Riêng chảy máu do loét dạ dày tá tràng chiếm tỷ lệ khoảng 20% các trường hợp loét dạ dày, tá tràng.

Hai cơ chế có thể giải thích hiện tượng chảy máu:

  • Chảy máu do viêm dạ dày, tá tràng thường chảy máu ở mức độ nhẹ và tự khỏi
  • Tổn thương ổ loét làm thủng mạch máu ở dạ dày, tá tràng.

1.1. Xuất huyết tiêu hoá do loét dạ dày, tá tràng

Loét dạ dày- hành tá tràng là một ổ thiếu hụt ở thành của dạ dày hay hành tá tràng, xuyên qua lớp cơ-niêm đến các lớp sâu hơn. Chảy máu loét dạ dày- hành tá tràng là một biến chứng thường gặp, nguy hiểm cho người bệnh và chi phí y tế cao. Đa số chảy máu thường tự ngừng và ít tái phát trong khi nằm viện, tuy nhiên có một nhóm có nguy cơ tái phát cao và phải cần đến điều trị nội soi. Nếu nội soi thất bại thì mới phải cần tới can thiệp mạch hoặc phẫu thuật.

Trên nội soi, xuất huyết tiêu hoá do loét dạ dày-hành tá tràng có ổ loét ở dạ dày hay hành tá tràng với các mức độ chảy máu khác nhau: máu chảy thành tia hay rỉ rả, hình ảnh máu cục, lộ mạch máu hay vệt máu đen trên nền ổ loét. Nội soi can thiệp chỉ thực hiện khi tình trạng chảy máu đang diễn ra hay vừa chấm dứt, hoặc khi có nguy cơ chảy máu tái phát. Điều trị các biến chứng nói chung ngày nay bao gồm: sử dụng sớm các thuốc ức chế bơm proton đường tĩnh mạch, điều trị tiệt trừ H. pylori, nội soi để kiểm soát chảy máu, thay đổi các chỉ định và phương pháp phẫu thuật có trước đây.

Chảy máu loét dạ dày-tá tràng hay gặp nhất ở bệnh nhân cao tuổi (60% ở tuổi 60 và 20% ở tuổi 80), điều này có liên quan với việc sử dụng các thuốc aspirin và clopidogrel hay kháng viêm không steroid ở người già trong điều trị dự phòng các bệnh lý tim-mạch và tai biến mạch máu não hay viêm khớp.


Chảy máu loét dạ dày-tá tràng hay gặp nhất ở bệnh nhân cao tuổi
Chảy máu loét dạ dày-tá tràng hay gặp nhất ở bệnh nhân cao tuổi

1.2. Xuất huyết tiêu hoá trên do tăng áp lực tĩnh mạch cửa

Nguyên nhân dẫn đến tăng áp lực tĩnh mạch cửa chủ yếu là xơ gan do các nguyên nhân như: viêm gan siêu vi, xơ gan tự miễn, xơ gan do rượu, xơ gan mật nguyên phát... Tăng áp lực tĩnh mạch cửa gây ra giãn tĩnh mạch thực quản, đi kèm hay không với giãn tĩnh mạch phình vị. Vỡ tĩnh mạch thực quản hay tĩnh mạch phình vị thường gây chảy máu nghiêm trọng, do bệnh lý của gan và rối loạn đông máu.

1.3. Các nguyên nhân khác ít gặp của xuất huyết tiêu hoá trên

  • Hội chứng Mallory–Weiss (thường do niêm mạc đoạn cuối thực quản hay vùng tâm vị và phình vị bị rách dọc, chiếm 15% các trường hợp xuất huyết tiêu hoá trên)
  • Viêm loét trợt dạ dày
  • Viêm loét trợt thực quản
  • Tổn thương Dieulafoy (do một động mạch nhỏ giãn to ngoằn ngoèo ở lớp dưới niêm của dạ dày, tại bất cứ vị trí nào trong dạ dày, bị ăn mòn và chảy máu)
  • Dị sản mạch máu của dạ dày (2-4%)
  • Viêm dạ dày cấp do tâm trạng căng thẳng - stress (thường gặp ở bệnh nhân bị chấn thương nặng, bệnh nhân thường nằm điều trị tại khoa chăm sóc đặc biệt).

2. Phân loại Forrest trong xuất huyết tiêu hoá trên

Phân loại Forrest được dùng để phân cấp bệnh nhân xuất huyết tiêu hoá trên xét về mặt nguy cơ tử vong cao hay thấp. Phân loại này còn là một phương pháp có giá trị để đánh giá nguy cơ tái xuất huyết và thường được dùng trong lượng giá hiệu quả của các phương thức điều trị nội soi can thiệp.

2.1. Xuất Huyết Cấp

  • Forrest I a (Máu phun thành tia)
  • Forrest I b (Máu thấm, chảy rỉ ra)

2.2. Các dấu hiệu xuất huyết mới xảy ra gần đây

  • Forrest II a (mạch máu thấy rõ)
  • Forrest II b (cục máu đông kết dính)
  • Forrest II c (kết tụ hematin trên nền ổ loét)

2.3. Các thương tổn không có xuất huyết

  • Forrest III (thương tổn không có dấu hiệu xuất huyết xảy ra gần đây)

3. Điều trị xuất huyết đường tiêu hoá trên

3.1 Nguyên tắc điều trị

  • Phục hồi lại thể tích máu và hồi sức
  • Cầm máu
  • Xử trí nguyên nhân để tránh tái phát.

Chảy máu nhẹ

  • Nằm nghỉ tại giường, ăn nhẹ
  • Theo dõi về lâm sàng và các xét nghiệm hàng ngày
  • Chấn đoán nguyên nhân: nội soi dạ dày tá tràng, chụp dạ dày uống baryt, siêu âm bụng.

Chảy máu vừa và nặng

  • Nằm đầu thấp
  • Làm các xét nghiệm huyết học
  • Truyền dịch và truyền máu
  • Sử dụng thuốc cầm máu
  • Đặt ống thông dạ dày để theo dõi tình trạng chảy máu
  • Hồi sức và chống sốc nếu có
  • Cho thở Oxy nếu khó thở

3.2 Điều trị theo nguyên nhân

  • Điều trị nội khoa
  • Điều trị qua nội soi: Giữ vai trò rất quan trọng trong xuất huyết do loét dạ dày tá tràng. Hiện nay chích hoặc clip cầm máu hiện là biện pháp được lựa chọn hàng đầu.
  • Điều trị ngoại khoa: Chỉ định bắt buộc trong xuất huyết tiêu hoá kèm theo thủng ổ loét dạ dày, hành tá tràng, xuất huyết tiêu hoá kèm hẹp môn vị.

4. Khuyến cáo


Ăn uống hợp vệ sinh để không lây nhiễm vi khuẩn HP
Ăn uống hợp vệ sinh để không lây nhiễm vi khuẩn HP

Để phòng ngừa xuất huyết tiêu hoá trên:

  • Đối với loét dạ dày-tá tràng do nhiễm H. pylori: H. pylori là vi khuẩn thường lây qua đường ăn uống nên chúng ta cần có thói quen ăn uống hợp vệ sinh để giảm tỷ lệ lây nhiễm H. pylori. Khi nhiễm H. pylori, chúng ta cần tuân thủ phác đồ điều trị để tăng tỷ lệ thành công và giảm tỷ lệ kháng thuốc.
  • Đối với những người bệnh phải sử dụng aspirin hay các thuốc kháng viêm giảm đau, cần sử dụng thêm các thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày để tránh loét dạ dày-tá tràng.

5. Tại sao nên điều trị chảy máu đường tiêu hoá bằng kỹ thuật nội soi tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec?

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã và đang là sự lựa chọn đáng tin cậy cho những bệnh nhân điều trị chảy máu đường tiêu hoá trên bằng phương pháp nội soi kẹp clip cầm máu, Vinmec được trang bị hệ thống máy móc hiện đại như máy gây mê Avance CS2, máy thở R860 của GE, máy nội soi.

Hệ thống bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec áp dụng kỹ thuật Nội soi cầm máu bằng clip trong chảy máu đường tiêu hóa, được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe