Điều gì xảy ra trong suốt quá trình làm nghiệm pháp gắng sức?

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II, ThS. Phạm Tuyết Trinh - Trưởng Đơn nguyên Nội trú, Trung Tâm Tim Mạch - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City

Trong suốt quá trình làm nghiệm pháp, cơ thể hoạt động nhiều hơn và đòi hỏi nhiều năng lượng hơn, do đó, tim phải bơm máu nhiều hơn. Nghiệm pháp có thể cho biết sự cung cấp máu của các động mạch nuôi tim có đủ hay không. Việc làm nghiệm pháp gắng sức cũng giúp cho bác sĩ biết loại hình và mức độ hoạt động thể lực phù hợp với bạn. Nghiệm pháp gắng sức được thực hiện bằng thảm chạy (treadmill), hoặc bằng xe đạp lực kế - (bicycle ergometry).

1. Nghiệm pháp gắng sức là gì?

Nghiệm pháp gắng sức (exercise test hay stress test) là nghiệm pháp thăm dò không chảy máu, còn gọi là nghiệm pháp đi bộ trên thảm lăn hoặc đạp xe, song song với ghi điện tim, do vậy. Nghiệm pháp này giúp bác sĩ xác định các triệu chứng như đau ngực, khó thở, hồi hộp có phải nguyên nhân do tim mạch mà không biểu hiện vào lúc nghỉ, đồng thời xác định được mức độ khỏe của trái tim bạn khi cơ thể gắng sức.

Ngoài điện tâm đồ gắng sức còn có một số loại hình nghiệm pháp gắng sức: Siêu âm tim gắng sức; xạ hình tim gắng sức; cộng hưởng từ tim gắng sức.

Lịch sử nghiệm pháp gắng sức:

  • 1928: Feil và Siegel nhận thấy sự thay đổi ST – T trên điện tim khi gắng sức
  • 1929: Master và Oppenheimer đưa ra quy trình gắng sức chuẩn
  • 1954: Voldobel sử dụng xe đạp lực kế làm nghiệm pháp gắng sức
  • 1956: Bruce đưa ra quy trình làm nghiệm pháp gắng sức bằng thảm chạy

2. Chỉ định làm nghiệm pháp gắng sức

  • Chẩn đoán bệnh mạch vành
  • Chẩn đoán nguyên nhân của các triệu chứng có thể liên quan đến tim mạch như: đau ngực, khó thở, hồi hộp
  • Xác định mức độ một số thể bệnh van tim
  • Xác định mức độ an toàn của gắng sức: xác định mức gắng sức của người tham gia vào một chương trình thể thao hoặc hoạt động thể lực, phục hồi chức năng tim.
  • Đánh giá hiệu quả của một số phương pháp điều trị tim mạch: sau mổ bắc cầu chủ vành, sau đặt stent tái tưới máu mạch vành.
  • Dự báo nguy cơ có thể xảy ra biến cố tim mạch: đột quỵ, đau thắt ngực.
  • Chẩn đoán các rối loạn nhịp liên quan đến gắng sức.
  • Đánh giá hoạt động thể lực của một số bệnh tim bẩm sinh, bệnh van tim.
  • Đánh giá chức năng của máy tạo nhịp có đáp ứng tần số.
  • Một số nghề đặc biệt: thợ lặn, phi công.
  • Bệnh nhân > 40 tuổi, không có triệu chứng và có ≥ 2 YTNC tim mạch hoặc có kế hoạch phải hoạt động thể lực mức độ nặng.
  • Đánh giá hiệu quả điều trị ở tăng huyết áp trước khi tham gia hoạt động thể lực mức độ cao.
  • Một số chỉ định ngoài bệnh tim mạch: đánh giá dung nạp sau gắng sức; chẩn đoán hen phế quản sau gắng sức; đánh giá mức độ suy hô hấp và tiên lượng; đánh giá trước mổ; đo V02 max.

3. Cần làm gì trước khi làm nghiệm pháp gắng sức

Thuốc tránh thai khẩn cấp
Nên nói cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc, kể cả thực phẩm chứng năng đang dùng
  • Nên nói cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc, kể cả thực phẩm chứng năng đang dùng. Bác sĩ sẽ có thể yêu cầu dừng một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả của nghiệm pháp
  • Không ăn, không uống bia, rượu, không hút thuốc trước nghiệm pháp 1-2 giờ
  • Thay trang phục phù hợp: giày, quần áo

4. Các hoạt động sẽ diễn ra trong quá trình làm nghiệm pháp là gì?

  • Mắc điện cực theo sơ đồ, cố định điện cực và kết nối với thiết bị: máy điện tim, máy đo huyết áp, thảm chạy hoặc xe đạp
  • Đi bộ chậm trên thảm chạy
  • Máy chạy sẽ được điều khiển dốc dần và thay đổi tốc độ nhanh dần theo từng giai đoạn được cài đặt sẵn: thường có 7 giai đoạn gắng sức và giai đoạn hồi phục – Recovery (mỗi giai đoạn 3 phút).
  • Bạn sẽ được theo dõi huyết áp, nhịp thở, nhịp tim, các dấu hiệu lâm sàng trong suốt quá trình làm nghiệm pháp: mệt mỏi, khó thở, đau ngực
  • Có thể dừng nghiệm pháp bất kể khi nào muốn hoặc bác sĩ sẽ dừng nghiệm pháp nếu có một số các thay đổi bất thường về huyết áp, hoặc về điện tim.
  • Trước khi dừng nghiệm pháp máy sẽ chạy chậm dần rồi mới dừng hẳn, bạn sẽ ngồi hoặc nằm để tiếp tục theo dõi huyết áp, nhịp tim 3 phút/ lần cho đến 12 phút sau.
Liệu pháp gắng sức
Làm quen với thiết bị trước khi tiến hành nghiệm pháp

5. Các thông số được theo dõi trong quá trình làm nghiệm pháp

  • Huyết áp: theo dõi huyết áp trước nghiệm pháp, trong khi làm nghiệm pháp 3 phút/ lần (đặt chương trình tự động)
  • Nhịp tim, điện tim: theo dõi liên tục trên monitoring ở các chuyển đạo điện tim cơ bản, theo dõi thay đổi điện tim bất thường và tự động ghi lại.
  • Nhịp thở, tình trạng mệt mỏi, dấu hiệu bất thường của bạn như: khó thở, vã mồ hôi, tím tái, đau ngực, chuột rút...
  • Theo dõi hoạt động của thiết bị: độ dốc, vận tốc thảm chạy, tốc độ xe đạp theo đúng quy trình được lựa chọn từ trước (quy trình Bruce hay Modified Bruce)

6. Khi nào thì dừng nghiệm pháp?

Ngay lập tức khi:

  • Dấu hiệu nhồi máu cơ tim
  • Đau ngực mức độ vừa đến nặng mới xuất hiện
  • Huyết áp tâm thu tụt hơn 10mmHg mặc dù mức gắng sức đã tăng lên hoặc kèm theo dấu hiệu thiếu máu cơ tim cục bộ trên điện tim
  • Biểu hiện giảm tưới máu: tím tái, da lạnh ẩm, choáng váng, hoa mắt chóng mặt.
  • Khó thở nặng hoặc khó thở bất thường
  • Có rối loạn nhịp nguy hiểm: block nhĩ thất, tim nhanh thất..

Cân nhắc ngừng nghiệm pháp khi:

  • Mọi trường hợp đau ngực tăng, khó thở, mệt mỏi
  • Mỏi bàn chân hoặc tình trạng không đáp ứng được (chuột rút)
  • Tăng HA quá cao (HATT > 260 mmHg, HATTr > 115 mmHg)
  • Thay đổi ĐTĐ: ST chênh lên ≥ 1mm ở các chuyển đạo không có sóng Q trước đây (trừ V1 hoặc aVR); ST chênh xuống > 2mm, đi ngang hoặc đi dốc xuống, đặc biệt nếu kèm theo đau ngực.
  • Xuất hiện block nhánh do gắng sức mà không phân biệt được với cơn tim nhanh thất.
  • Các rối loạn nhịp tim ít nguy hiểm: CNNKPTT, NTT/T số lượng nhiều...
  • Đạt được 85% tần số lý thuyết tối đa:

Công thức Astrand : tần số lý thuyết tối đa (TSLTTĐ) = 220 - Age

Biến chứng tim mạch
Dừng nghiệm pháp ngay lập tức khi Đau ngực mức độ vừa đến nặng mới xuất hiện

7. Đánh giá kết quả nghiệm pháp gắng sức khi khảo sát bệnh mạch vành?

  1. Nghiệm pháp gắng sức có đạt tần số lý thuyết không? (Dựa theo công thức Astrand theo tuổi)
  2. Thời gian gắng sức ít nhất đảm bảo 6 phút và phụ thuộc tuổi và giới
  3. Đáp ứng nhịp tim và huyết áp với mức gắng sức.
  4. Nghiệm pháp gắng sức (+) hay (-): theo thang điểm Duce treatmill score dựa trên ba thông số: thời gian gắng sức (phút); ST thay đổi so với đẳng điện (mm); điểm đau ngực (Angina score): 0- Không đau; 1- có đau nhưng không hạn chế gắng sức; 2- Đau ngực phải ngừng nghiệm pháp
  5. Đánh giá nguy cơ: nguy cơ thấp khi Duce score ≥ +5; trung bình (Vừa) Score từ -10 đến + 4; nguy cơ cao khi score ≤ - 11.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo

  1. Quy trình làm nghiệm pháp gắng sức của bộ Y tế
  2. ACC/AHA Guidelines for Exercise Testing: Executive Summary. Circulation, 96(1), pp. 345–354 (1997)
  3. Stress testing to determine prognosis of coronary heart disease. Up to date (2019)
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan