Polyp đại tràng không cuống là gì?

Polyp đại tràng không cuống là một trong hai dạng của polyp đại tràng. Đây là những tổn thương có hình dạng giống khối u, do niêm mạc đại tràng và tổ chức dưới niêm mạc tăng sinh tạo thành.

1. Polyp đại tràng không cuống là gì?

Polyp đại tràng gồm hai dạng chính là polyp đại tràng không cuống và có cuống. Chúng đều là một khối nhỏ các tế bào hình thành trên niêm mạc đại tràng. Các polyp đại tràng đa số đều là lành tính, ngoại trừ một số polyp có thể phát triển thành ung thư ruột kết thường gây tử vong khi được tìm thấy ở giai đoạn cuối.

Tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc polyp đại tràng. Bên cạnh đó, các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bao gồm:

  • Người từ 50 tuổi trở lên.
  • Người có thói quen hút thuốc, có dấu hiệu thừa cân béo phì.
  • Có tiền sử cá nhân hay người thân trong gia đình mắc bệnh ung thư ruột kết hoặc polyp đại tràng.

Người bệnh mắc polyp đại tràng thường không có triệu chứng đặc biệt. Vì vậy, theo khuyến cáo của bác sĩ mọi người nên kiểm tra sàng lọc định kỳ, ví dụ như nội soi đại tràng để có thể phát hiện căn bệnh này ở giai đoạn sớm. Polyp đại tràng được phát hiện ở giai đoạn sớm có thể được loại bỏ một cách an toàn và người bệnh có thể phục hồi nhanh chóng.

XEM THÊM: Các loại polyp đại trực tràng thường gặp

2. Polyp đại tràng không cuống và có cuống khác nhau như thế nào?

Polyp đại tràng không có cuống và có cuống được phân biệt dựa vào phương pháp nội soi kết hợp với kết luận của bác sĩ. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng dựa vào những điểm khác nhau về hình dạng và kích thước để phân biệt hai dạng này.

Sự khác nhau về hình dạng bao gồm:

  • Polyp đại tràng không cuống: Chân của dạng polyp này thường rộng hơn polyp có cuống, màu sắc nhạt hơn và dễ quan sát hơn khi tiến hành nội soi.
  • Polyp đại tràng có cuống: Chân của dạng polyp có cuống thường hẹp và nhỏ, trong khi đó phần cuống thường dài. Loại polyp này có màu sắc rõ ràng hơn polyp không cuống như lại khó phân biệt với các mô xung quanh.

Về kích thước thì polyp không cuống thường có kích thước dưới 5 mm và nhỏ hơn polyp đại tràng có cuống.


Polyp đại tràng không có cuống và có cuống được phân biệt dựa vào phương pháp nội soi
Polyp đại tràng không có cuống và có cuống được phân biệt dựa vào phương pháp nội soi

3. Polyp đại tràng không cuống nguy hiểm như thế nào?

Bệnh nhân mắc polyp đại tràng không cuống cần theo dõi, kiểm tra tình trạng của các khối polyp để có phương án điều trị kịp thời. So với polyp có cuống, người bệnh mắc polyp không cuống có khả năng tiến triển thành ung thư cao hơn do chúng có chân bám rộng vào niêm mạc đại tràng.

Một số polyp không cuống hình dạng khác nhau có nguy cơ biến chứng sang ung thư cao hơn như sau:

  • Polyp có kích thước càng lớn thì nguy cơ càng cao, đặc biệt ở những polyp có kích thước lớn hơn 1 cm.
  • Polyp có răng cưa hoặc hình dạng sần sùi dễ gây xuất huyết.

4. Polyp đại tràng không cuống được điều trị bằng phương pháp nào?

Phương pháp điều trị polyp đại tràng không cuống được các bác sĩ thực hiện là nội soi cắt polyp để ngăn ngừa tình trạng tiến triển thành ung thư. Đối với những trường hợp kích thước nhỏ thì thủ thuật nội soi sẽ được tiến hành bằng cách sử dụng dụng cụ chuyên dụng được gắn qua ống nội soi để cắt nhỏ polyp và đưa chúng ra ngoài.

Trường hợp polyp có kích thước lớn, bác sĩ tiến hành đưa một sợi dây qua thiết bị nội soi vòng quanh chân của polyp sau đó tiến hành cắt đốt và cầm máu ngay trong đại tràng. Phương pháp này được thực hiện an toàn và không gây đau cho bệnh nhân.

Tùy vào từng người bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi kiểm tra định kỳ bao nhiêu lần. Đối với bệnh nhân mắc polyp đại tràng không cuống kích thước lớn, bác sĩ tiến hành nội soi lại sau 3-6 tháng để kiểm tra polyp đã được cắt hoàn toàn hay chưa. Trường hợp polyp chưa được cắt hoàn toàn, tiến hành nội soi cắt tiếp và tiếp tục theo dõi từ 3-6 tháng tiếp theo. Sau hai lần nội soi polyp vẫn chưa được cắt hoàn toàn, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện phẫu thuật.

Bên cạnh đó, trường hợp bệnh nhân mắc polyp phức tạp không thể tiến hành cắt bỏ qua hình thức nội soi thì các bác sĩ có thể đề nghị cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ đại tràng hoặc trực tràng, đây cũng là cách tốt để ngăn ngừa polyp phát triển thành ung thư.

XEM THÊM: Polyp đại tràng có mọc lại sau cắt?


Bệnh nhân mắc polyp đại tràng không cuống cần kiểm tra để điều trị kịp thời
Bệnh nhân mắc polyp đại tràng không cuống cần kiểm tra để điều trị kịp thời

5. Phòng ngừa polyp đại tràng không cuống bằng cách nào?

Polyp đại tràng nói chung và polyp đại tràng không cuống nói riêng có thể được phòng ngừa bằng việc mọi người nên xây dựng cho mình thói quen cũng như duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Cụ thể như sau:

  • Bạn nên hạn chế sử dụng các đồ uống có chất kích thích như rượu, bia, cà phê hay soda.
  • Không ăn đồ ăn chưa được nấu chín, thịt chế biến có chất bảo quản và không ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều chất béo.
  • Trong trường hợp thừa cân nặng, bạn nên ăn một chế độ ăn kiêng với nhiều trái cây, rau quả và thực phẩm giàu chất xơ như đậu, đậu Hà Lan, ngũ cốc giàu chất xơ.
  • Tham khảo lời khuyên từ bác sĩ của bạn về việc bổ sung thêm canxivitamin D cho cơ thể.
  • Nếu người thân trong gia đình bạn từng có tiền sử mắc bệnh polyp đại tràng, tham khảo lời khuyên của bác sĩ để được tư vấn về thời điểm thích hợp sàng lọc polyp.

Như vậy, polyp đại tràng không cuống là bệnh có thể điều trị hiệu quả cao nếu được phát hiện sớm. Vậy nên điều quan trọng nhất ở mỗi người là duy trì lối sống khỏe mạnh kết hợp với việc theo dõi, tầm soát các nguy cơ để đảm bảo sức khỏe cho bản thân.

Theo các chuyên gia, những người thuộc nhóm có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao như bị viêm ruột (viêm loét ruột hoặc bệnh Crohn); gia đình có người bị ung thư đại trực tràng; nghi ngờ đa polyp tuyến có tính gia đình, Hội chứng Lynch, đặc biệt là người có polyp đại tràng, việc tầm soát ung thư đại tràng là vô cùng cần thiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe