Tìm hiểu loài muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Viêm não Nhật Bản là căn bệnh thường xuất hiện ở châu Á, Tây Thái Bình Dương, Trung và Nam Mỹ. Đây là bệnh gây nguy hiểm đến não do loài muỗi truyền bệnh. Dù không có cách chữa trị nhưng hiện nay dịch viêm não Nhật Bản đã được phòng ngừa hiệu quả nhờ vắc-xin chuyên biệt.

1. Bệnh viêm não Nhật Bản là gì?

Viêm não Nhật Bản được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản với biểu hiện viêm não - màng não tuỷ. Viêm não Nhật Bản là một bệnh truyền nhiễm cấp tính. Nhiễm bệnh do muỗi hút máu các chim hoang dã và gia súc chứa virus viêm màng não, sau đó đốt người và truyền virus sang người, bệnh do virus viêm não Nhật Bản gây ra. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu gặp ở trẻ dưới 15 tuổi. Đặc biệt, nhóm nguy cơ cao nhất là trẻ 1-5 tuổi, chiếm khoảng 75% tổng số trẻ mắc hằng năm.

Bệnh có đặc điểm lâm sàng là hội chứng nhiễm độc nhiễm trùng toàn thân nặng và cùng với sự tổn thương của viêm não tủy nặng, có thể dẫn tới tử vong cao. Theo thống kê có 20% - 30% số ca bệnh tử vong và 50% người sống sót bị di chứng tàn tật nặng. Không có điều trị đặc hiệu cho viêm não Nhật Bản, cách tốt nhất để phòng ngừa dịch viêm não Nhật Bản là tiêm chủng vắc-xin.

2. Triệu chứng viêm não Nhật Bản

Triệu chứng điển hình của viêm não Nhật Bản là sốt cao, đau đầu vùng trán, co giật, hôn mê và nhức đầu dữ dội. Bệnh nhân có hội chứng màng não và rối loạn ý thức nhẹ. Ở thời kỳ toàn phát, các dấu hiệu tổn thương não càng nặng lên khiến bệnh nhân cuồng sảng, ảo giác, kích động, tăng trương lực cơ kiểu ngoại tháp, vặn xoắn.

Nếu vượt qua thời kỳ này người bệnh sẽ bước vào giai đoạn lui bệnh, các triệu chứng nhiễm độc và hội chứng não - màng não suy giảm thì các tổn thương trong khu trú thần kinh lại biểu hiện rõ rệt. Người bệnh có thể bị liệt chi, liệt dây thần kinh sọ não hoặc rối loạn vận động và các di chứng về sau như mất ngôn ngữ, giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần.

Tùy theo mức độ và vị trí bị tổn thương tại hệ thần kinh trung ương, về mặt lâm sàng sẽ có biểu hiện triệu chứng của nơi bị xâm nhập như: viêm não, viêm màng não, viêm sừng trước tủy sống hoặc bệnh cảnh phối hợp: viêm não màng não, viêm não màng não tủy sống.

Sốt
Triệu chứng điển hình của viêm não Nhật Bản là sốt cao, đau đầu vùng trán, co giật, hôn mê và nhức đầu dữ dội

3. Nguyên nhân gây viêm não Nhật Bản

Virút viêm não Nhật Bản thuộc virút arbo nhóm B, họ Togaviridae, giống Flavivirus; có kích thước 15-22-50 nanomet, có ARN, phát triển ở tế bào phôi gà và tổ chức nuôi cấy.

Vi rút không chịu nhiệt, chúng bị bất hoạt ở 56°C trong 30 phút; ở 70°C trong 10 phút, ở 100°C trong 2 phút. Trong trạng thái đông lạnh, vi rút có thể tồn tại trong vài năm. Dưới tác dụng của axeton, cồn và ête, virút chết sau 3 ngày. Dung dịch Lysol 5% diệt virut trong 1 phút.

Một số động vật có mẫn cảm với vi rút viêm não Nhật Bản là khỉ, chuột bạch và một số loài chuột đồng, một số loại muỗi và nhiều loài chim. Virút lưu hành trong các ổ dịch thiên nhiên ở các loài thú và chim.

Như vậy Viêm não Nhật Bản do virus gây nên, có thể gây ảnh hưởng đến cả động vật và con người. Loại virus này xuất hiện ở động vật, muỗi hút máu động vật và truyền sang người qua đường máu. Các loài động vật hoang dã như chim muông, thú rừng là những vật chủ mang mầm mống bệnh tật đến cho con người.

Đường lây

- Là đường máu, qua trung gian truyền bệnh là muỗi Culex. muỗi culex không chỉ gây riêng bệnh viêm não Nhật Bản mà còn là vật trung gian truyền nhiều bệnh khác. Trên thế giới hiện nay đã phát hiện ra hơn 500 loài khác nhau trong họ muỗi culex, trong đó chủ yếu là các loài phân bố ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, bao gồm cả Việt Nam.

-Trong thiên nhiên, virút được truyền từ các vật chủ với nhau và sang người nhờ muỗi giống Culex(các chủng C.tritaeniorhynchus, C.pipiens, C. bitaeniorhynchus) là chủ yếu, ngoài ra còn có thể cả giống Aedes (chủng A. togoi, A. japonicus), có tài liệu nói cả đến Anopheles maculipennis cũng có khả năng truyền bệnh.

Họ Culex tritaeniorhynchus là họ muỗi gây bệnh viêm não Nhật Bản có thói quen đẻ trứng trên mặt nước trong. thường được phát hiện quanh các ruộng lúa và mương rãnh. Mỗi bè trứng có số lượng rất nhiều, thường trên 100 trứng và mất 2 - 3 ngày để trứng nở thành loăng quăng. Môi trường ưa thích của muỗi culex là những vùng nước đọng, hoặc kênh mương gần các ruộng lúa và các chuồng chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên muỗi truyền bệnh viêm não nhật bản cũng xuất hiện nhiều ở khu vực thành thị, quanh các cống rãnh và hệ thống thoát nước bị ứ nghẹt. Muỗi Culex tritaeniorhynchus có màu nâu nhạt và có tập tục hoạt động nhiều vào giờ chập choạng tối xung quanh và bên trong nhà của các hộ gia đình. Muỗi cái hút máu cả động vật và người, chủ yếu là máu các loài gia súc như lợn, và thường trú ẩn trong chuồng chăn nuôi gia súc và bụi cây. Ổ chứa virus viêm não Nhật Bản trong tự nhiên chủ yếu là các loài chim và gia súc. Chim liêu điêu, chim cò, chim sẻ, chích chòe hay cò, cu gáy, sáo quạ là những loài có khả năng cao mang virus viêm não Nhật Bản thường thấy ở nước ta. Lợn, chó, dê, trâu, bò là nhóm các loài gia súc mang mầm bệnh, trong đó tải lượng virus viêm não Nhật Bản được tìm thấy cao nhất ở lợn.

- Ở Việt Nam, muỗi Culex tritaeniorhynchus sinh sản mạnh vào mùa hè khi thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi và phát triển (nhất là từ tháng 3 đến tháng 7), muỗi hoạt động mạnh vào buổi chập tối; có mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du. Nó là trung gian truyền bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu ở nước ta.

Virút được muỗi truyền vào máu, phát triển ở trong máu và đi khắp cơ thể. Nhờ tính hướng thần kinh, virút xâm nhập vào các tế bào thần kinh, sinh sản và phát triển nhanh ở đó. Sau khi đã đạt được mật độ cao ở các tế bào thần kinh, virút lại từ đó xâm nhập lần thứ 2 vào máu. Khi virút xâm nhập đến hệ thần kinh trung ương, chúng có khả năng nhân lên ở các neuron, gây nên các phản ứng viêm ở não. Sự sản sinh kháng thể tại chỗ chống lại virút ở hệ thần kinh trung ương cũng như miễn dịch tế bào sẽ thúc đẩy các triệu chứng thần kinh xuất hiện .

4. Cách phòng ngừa Viêm não Nhật Bản

Bệnh viêm não Nhật Bản hiện chưa có thuốc đặc trị vì thế việc phòng ngừa là quan trọng nhất. Nhiều biện pháp phòng bệnh viêm não Nhật Bản đang được áp dụng và đã mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, mọi người cần chủ động phòng bệnh bằng cách:

  • Cần phải diệt trung gian truyền bệnh vì bệnh viêm não Nhật Bản do muỗi Culex Triaeniorhynchus đốt các động vật mang mầm bệnh sau đó đốt sang người và sẽ lây truyền mầm bệnh cho con người.
  • Chọn lựa các loại áo quần dài tay để mặc khi đi đến những khu vực nghi ngờ tập trung nhiều muỗi truyền bệnh viêm não nhật bản sinh sống như chuồng trại chăn nuôi gia súc, ruộng lúa nước, ...
  • Sử dụng màn khi ngủ vào ban đêm để tránh bị muỗi đốt, có thể kết hợp cùng với các loại kem bôi và dung dịch chống muỗi, hương đuổi muỗi. Xây dựng các tấm lưới, màn để ngăn muỗi không bay vào nhà.
  • Vệ sinh môi trường sinh sống, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh diệt bọ gậy để hạn chế muỗi có chỗ sinh sản và phát triển, dùng thuốc trừ muỗi ở những địa phương hoặc vùng dân cư đang nghi ngờ có dịch.
  • Heo là nguồn mang mầm bệnh, vì vậy, nếu có nuôi heo, trang trại cần đặt xa nhà, có biện pháp phòng ngừa muỗi đốt heo.
  • Vắc-xin viêm não Nhật Bản: Phòng bệnh bằng tiêm vắc-xin là cách thực hiện chủ động an toàn và có hiệu quả cao nhất. Vắc-xin viêm não Nhật Bản được chỉ định tiêm cho tất cả trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên và cả những người lớn chưa có miễn dịch.

Biện pháp chủ yếu là tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản. Có thể sử dụng cho mọi lứa tuổi nhưng ưu tiên cho trẻ từ 1-5 tuổi trong vùng có dịch lưu hành.

Tiêm
Tiêm vắc-xin là cách phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất

5. Tại sao nên tiêm vắc-xin tại Vinmec?

Viêm não Nhật Bản là căn bệnh nguy hiểm có thể đem lại những tổn thương nghiêm trọng về não bộ hay thể chất. Việc hiểu rõ về bệnh và lựa chọn địa chỉ tiêm phòng uy tín là cách tốt nhất giúp bạn phòng chống căn bệnh nguy hiểm này.

Hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang cung cấp dịch vụ tiêm chủng 2 loại vắc-xin viêm não Nhật Bản gồm:

  • Vắc-xin JEVAX 1ml và JEVAX 0.5ml do Công ty TNHH MTV Vacxin và Sinh phẩm số 1 (Việt Nam) sản xuất.
  • Vắc-xin IMOJEV 0,5ml của Công ty Sanofi Pasteur . Đơn vị này đã được Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp phép ngày 5/7/2018.

Dịch vụ tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản tại Vinmec đem lại cho khách hàng những lợi ích sau:

  • Trẻ sẽ được các bác sĩ chuyên khoa Nhi - Vắc-xin thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe, tư vấn về vắc-xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc-xin theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế Thế giới nhằm đảm bảo hiệu quả tốt nhất và an toàn nhất cho trẻ.
  • Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, hiểu tâm lý trẻ và áp dụng cách giảm đau hiệu quả cho trẻ trong quá trình tiêm chủng.
  • 100% trẻ tiêm chủng được theo dõi 30 phút sau tiêm và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.
  • Được theo dõi đa khoa trước, trong và sau tiêm chủng tại Hệ thống y tế Vinmec và luôn có ekip cấp cứu sẵn sàng phối hợp với phòng tiêm chủng xử trí các trường hợp sốc phản vệ, suy hô hấp - ngừng tuần hoàn, đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.
  • Phòng tiêm chủng thoáng mát, có khu vui chơi, giúp trẻ có cảm giác thoải mái và tâm lý tốt trước và sau khi tiêm chủng.
  • Vắc xin được nhập khẩu và bảo quản tại hệ thống kho lạnh hiện đại, với dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP, giữ vắc-xin trong điều kiện tốt nhất để đảm bảo chất lượng.
  • Bố mẹ sẽ nhận tin nhắn nhắc lịch trước ngày tiêm và thông tin tiêm chủng của bé sẽ được đồng bộ với hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia.

Bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy đã có 35 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhi khoa. Bác sĩ đã được đào tạo bài bản trong nước và ngoài nước như: Đại học Y Hà Nội, Đại học Lilli, Cộng Hòa Pháp. Trước khi làm việc chính thức tại Đơn nguyên Vắc xin - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, bác sĩ Thủy công tác tại Bệnh viện Thanh Nhàn và hợp tác part-time với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: nihe.org; impehcm.org;

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan