Tìm hiểu miễn dịch chủ động và miễn dịch bị động

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Diễm Thúy - Bác sĩ tư vấn vắc-xin - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Miễn dịch chủ động và miễn dịch thụ động là hai cơ chế bảo vệ của cơ thể để chống lại tác nhân gây bệnh, đồng thời tạo nên khả năng miễn dịch để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh trong những lần tiếp xúc với mầm bệnh sau này.

1. Các loại miễn dịch của cơ thể

Khả năng miễn dịch đạt được đối với một căn bệnh được đánh giá thông qua sự hiện diện của kháng thể đối với căn bệnh đó trong hệ miễn dịch của cơ thể. Kháng thể là các protein đặc biệt được cơ thể sản xuất ra nhằm mục tiêu trung hòa hoặc tiêu diệt độc tố và các sinh vật mang mầm bệnh. Kháng thể mang tính đặc hiệu cho một bệnh lý cụ thể nào đó. Ví dụ, kháng thể đối với virus sởi sẽ bảo vệ cơ thể khi tiếp xúc với virus gây bệnh sởi, tuy nhiên sẽ không có tác dụng nếu người đó tiếp xúc với virus quai bị.

Có hai loại miễn dịch: chủ động và thụ động.

1.1. Miễn dịch chủ động

Miễn dịch chủ động là loại miễn dịch có được khi tiếp xúc với vi khuẩn hoặc virus gây bệnh, qua đó kích hoạt hệ thống miễn dịch để tạo ra các kháng thể bảo vệ đối với một căn bệnh cụ thể. Tiếp xúc với tác nhân gây bệnh có thể xảy ra thông qua tình trạng nhiễm trùng bệnh lý (dẫn đến hiện tượng miễn dịch tự nhiên) hoặc thông qua tiêm chủng vào cơ thể một dạng sinh vật bị bất hoạt hoặc làm suy yếu (miễn dịch đạt được do tiêm phòng vắc - xin). Trong đó, vắc - xin thường là biện pháp cung cấp miễn dịch chủ động cho cơ thể từ khi còn nhỏ. Đây là chế phẩm sinh học mang tính kháng nguyên, nguồn gốc từ vi sinh vật (có thể có cấu trúc tương tự hoàn toàn hoặc một phần), được tiêm vào cơ thể để tạo miễn dịch chủ động đặc hiệu, giúp cho hệ miễn dịch của cơ thể tạo ra khả năng miễn dịch đối với một hoặc một số tác nhân gây bệnh cụ thể.

Dù bằng cách nào đi nữa, nếu một người đã có miễn dịch chủ động với một bệnh lý và tiếp xúc với chính căn bệnh đó trong tương lai, hệ thống miễn dịch của họ sẽ nhận diện nhanh chóng và ngay lập tức tạo ra các kháng thể cần thiết để chống lại tác nhân gây bệnh.

Miễn dịch chủ động khi đã đạt được sẽ tồn tại rất lâu, đôi khi suốt đời.

1.2. Miễn dịch thụ động

Miễn dịch thụ động đạt được khi một người được cung cấp kháng thể đối với một bệnh lý nào đó thay vì cơ thể phải sản xuất chúng thông qua hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Em bé sơ sinh thường có được khả năng miễn dịch thụ động từ mẹ qua nhau thai. Một người cũng có thể có được miễn dịch thụ động thông qua các chế phẩm máu có chứa kháng thể, như globulin miễn dịch, được cung cấp khi cần tác dụng bảo vệ ngay lập tức khỏi một bệnh cụ thể. Đây là lợi thế chủ yếu đối với khả năng miễn dịch thụ động, mang đến hiệu quả bảo vệ ngay lập tức, trong khi đó, miễn dịch chủ động cần có thời gian (thường là vài tuần) để hình thành khả năng miễn dịch.

Tuy nhiên, miễn dịch thụ động chỉ kéo dài trong một vài tuần hoặc vài tháng, trong khi miễn dịch chủ động là lâu dài.

Thủy đậu nên tiêm mấy mũi
Vắc - xin thường là biện pháp cung cấp miễn dịch chủ động cho cơ thể từ khi còn nhỏ

2. Tìm hiểu về hệ miễn dịch của cơ thể

2.1. Khả năng nhận diện và phát hiện tác nhân gây bệnh

Hệ thống miễn dịch của cơ thể có khả năng nhận diện, phát hiện mầm bệnh và những tác nhân gây hại khác trong cơ thể.

Ví dụ, nếu bạn hít phải virus gây bệnh cảm lạnh qua hệ hô hấp, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ nhận diện virus đó là tác nhân gây bệnh, dẫn đến kích hoạt cơ chế để ngăn chặn virus hoặc hỗ trợ cơ thể để phục hồi. Tuy nhiên, phải mất một khoảng thời gian để cơ thể vượt qua nhiễm trùng, đôi khi bệnh nhân cần sử dụng thuốc hỗ trợ. Như vậy, các loại miễn dịch là nền tảng cung cấp sự phòng ngừa và phục hồi.

2.2. Hệ miễn dịch hoạt động tốt khi bạn thư giãn

Để tối ưu hóa hiệu quả bảo vệ của hệ miễn dịch, hãy cố gắng làm giảm căng thẳng và dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn. Khi bị căng thẳng, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ không thể hoạt động tốt như khi bạn lạc quan và được thư giãn. Nếu hệ miễn dịch bị suy yếu, bạn sẽ dễ mắc bệnh hơn.

2.3. Hệ miễn dịch là cơ quan hoạt động liên tục

Khác với hệ thần kinh, hệ miễn dịch là hệ thống phức tạp nhất của cơ thể. Hệ miễn dịch được tạo thành từ các mô, tế bào và các cơ quan khác nhau, bao gồm:

  • Amidan;
  • Hệ thống tiêu hóa;
  • Tủy xương;
  • Làn da;
  • Hạch bạch huyết;
  • Lá lách;
  • Niêm mạc ở bên trong mũi, cổ họng và bộ phận sinh dục.

Tất cả những bộ phận này hoạt động liên tục suốt ngày đêm để giữ cho toàn bộ cơ thể khỏe mạnh.

2.4. Khả năng ghi nhớ

Miễn dịch
Hiệu quả miễn dịch của cơ thể sẽ ngày càng tốt hơn theo thời gian nhờ vào khả năng ghi nhớ của hệ miễn dịch

Tất cả mọi người được sinh ra với một khả năng miễn dịch nhất định. Tuy nhiên, hiệu quả miễn dịch của cơ thể sẽ ngày càng tốt hơn theo thời gian nhờ vào khả năng ghi nhớ của hệ miễn dịch.

Cụ thể, nuôi con bằng sữa mẹ là phương pháp giúp người mẹ truyền một lượng kháng thể cho em bé. Mặt khác, một số trẻ thường xuyên mắc các bệnh cảm lạnh, sốt, đau tai và các bệnh vặt khác cũng kích hoạt phản ứng miễn dịch tạo ra các kháng thể. Hệ thống miễn dịch của cơ thể trẻ tạo ra những kháng thể trong lần đầu tiên tiếp xúc với bệnh, chính những kháng thể này giúp trẻ chống lại những tác nhân gây bệnh trong tương lai.

Cơ chế hoạt động của vắc - xin cũng gần giống như vậy. Chúng kích hoạt hệ miễn dịch bằng cách đưa vào cơ thể một lượng nhỏ virus (thường là những virus đã bị giết hoặc làm suy yếu). Qua đó, cơ thể bạn sẽ tạo ra các kháng thể để đáp ứng lại với vắc- xin, ví dụ như kháng thể bệnh sởi, ho gà, cúm hoặc viêm màng não. Như vậy, khi tiếp xúc với virus thật sự trong tương lai, hệ thống miễn dịch đã sẵn sàng nhận diện và tấn công chúng trước khi cơ thể bị ảnh hưởng.

2.5. Hệ miễn dịch sẽ thay đổi theo thời gian

Hệ miễn dịch của cơ thể thường hoạt động kém hiệu quả hơn khi tuổi cao. Điều này có thể khiến bạn dễ mắc bệnh hơn khi có tuổi hoặc khi hệ thống miễn dịch bị suy yếu.

2.6. Một số bệnh lý có thể làm suy yếu hệ miễn dịch

Các bệnh lý làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể bao gồm:

  • Bệnh tự miễn (ví dụ, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ);
  • Ung thư;
  • Dùng steroid;
  • Đang hóa trị liệu.

2.7. Bạn có thể tăng cường hiệu quả miễn dịch

Để tăng cường hiệu quả của hệ miễn dịch, bạn có thể thực hiện những biện pháp sau đây:

  • Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, khoa học;
  • Luôn trong trạng thái tích cực, hạn chế căng thẳng;
  • Thường xuyên tập thể dục để giữ thân hình cân đối;
  • Không hút thuốc;
  • Không uống rượu, nếu có nên hạn chế ở mức vừa phải (không quá 1 ly mỗi ngày đối với nữ giới và hai ly mỗi ngày đối với nam giới).
  • Tiêm phòng vắc - xin đầy đủ theo lịch khuyến cáo.
Bỏ thuốc
Không hút thuốc là một trong những cách chủ động làm tăng cường hệ miễn dịch cơ thể

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

99.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan