Vắc xin ngừa viêm gan A B Twinrix: Công dụng, liều dùng, tác dụng phụ

Hai căn bệnh viêm gan A và viêm gan B đang có tỷ lệ mắc cao ở nước ta, hai căn bệnh này có thể dẫn tới những biến chứng như suy giảm chức năng gan, xơ gan, thậm chí là ung thư gan. Vắc-xin là cách tốt nhất để phòng tránh những căn bệnh này, ngày nay với sự phát triển của y học, thay vì việc phải tiêm hai loại vắc-xin riêng biệt, các nhà khoa học đã sản xuất ra loại vắc-xin phối hợp phòng cả hai bệnh này đó là vắc-xin Twinrix.

1. Công dụng của vắc-xin Twinrix

Vắc-xin Twinrix được sản xuất bởi công ty Glaxo Smith Kline ở Bỉ. Đây là loại vắc-xin kết hợp kháng nguyên bề mặt viêm gan B tinh khiết bất hoạt với bán thành phẩm virus viêm gan A tinh khiết đã được bất hoạt. Hai thành phần này được hấp thụ riêng biệt trên nhôm phosphat và hydroxyd nhôm.

Vắc-xin Twinrix là loại vắc-xin duy nhất trên thế giới hiện nay có thể phòng được hai bệnh viêm gan A và viêm gan B trong cùng một mũi tiêm. Khi vắc-xin Twinrix được tiêm vào cơ thể, cơ thể của chúng ta sẽ nhận diện các thành phần của nó như một yếu tố lạ, từ đó kích hoạt cơ chế sản sinh ra các kháng thể để chống lại virus gây bệnh viêm gan A và viêm gan B. Quá trình này có sự tham gia của các đại thực bào, tế bào lympho đặc biệt là các tế bào lympho ghi nhớ miễn dịch cùng với các globulin miễn dịch đặc hiệu là IgG và có thể cả IgA, IgM. Ở các lần tiếp xúc sau, cơ thể đã có sẵn hệ thống miễn dịch chủ động để chống lại các tác nhân gây bệnh là virus viêm gan A, B.

Chính vì vậy công dụng của vắc-xin Twinrix là giúp đồng thời phòng chống bệnh viêm gan A và viêm gan B.

2. Liều dùng của vắc-xin Twinrix

Twinrix
Mỗi một liều vắc-xin Twinrix 1ml được sử dụng cho người lớn, thanh thiếu niên và trẻ em từ 1 tuổi trở lên

Mỗi một liều vắc-xin Twinrix 1ml được sử dụng cho người lớn, thanh thiếu niên và trẻ em từ 1 tuổi trở lên. Dưới đây là lịch tiêm cụ thể cho từng đối tượng:

Lịch tiêm cơ bản cho trẻ em từ 1 đến 15 tuổi:

  • Mũi 1: là liều tiêm đầu tiên, ngày tiêm tùy theo khách hàng lựa chọn.
  • Mũi 2: tiêm sau mũi 1 từ 6 -12 tháng.

Với trẻ em từ 1-15 tuổi, chỉ cần tiêm 2 liều là có khả năng bảo vệ khỏi bệnh viêm gan A và viêm gan B. Ở một số người khả năng bảo vệ đối với bệnh viêm gan B cũng có thể đạt được sau mũi tiêm đầu tiên, song chắc chắn tất cả mọi người sẽ có được sự bảo vệ này sau khi tiêm mũi thứ 2.

Lịch tiêm cơ bản cho người lớn và trẻ từ 16 tuổi trở lên:

  • Mũi 1: là liều tiêm đầu tiên, ngày tiêm tùy theo khách hàng lựa chọn.
  • Mũi 2: tiêm sau mũi 1 khoảng 01 tháng.
  • Mũi 3: tiêm sau mũi 2 khoảng 05 tháng.

Với những trường hợp không thể tuân thủ theo phác đồ tiêm trên, có thể sử dụng phác đồ tiêm nhanh đó là 0,7,21 ngày: mũi tiêm thứ hai cách mũi tiêm thứ nhất 07 ngày, mũi tiêm thứ ba cách mũi đầu 21 ngày. Và khi sử dụng phác đồ này cần phải tiêm mũi nhắc lại sau liều thứ nhất 1 năm.

Như vậy ở trẻ em từ 16 tuổi trở lên và người trưởng thành cần phải tiêm 03 liều vắc-xin Twinrix để có được khả năng phòng bệnh viêm gan A và viêm gan B.

3. Tác dụng không mong muốn của vắc-xin Twinrix

Đau đầu
Đau đầu, mệt mỏi, sưng tại chỗ tiêm là tác dụng phụ có thể gặp sau khi tiêm phòng

Đối với người lớn

  • Các tác dụng phụ rất phổ biến (>10%): cảm giác đau hoặc khó chịu, tại chỗ tiêm bị đỏ lên, đau đầu và mệt mỏi.
  • Các tác dụng phụ thường gặp (1 - 10%): chỗ tiêm bị sưng, buồn nôn, nôn, cảm giác không được khỏe, tiêu chảy.
  • Các tác dụng phụ không phổ biến (0,1-1%): bị sốt trên 37,5 độ C, chóng mặt, đau cơ và nhiễm trùng đường hô hấp trên.
  • Các tác dụng phụ hiếm gặp (0,01-0.1%): sưng hạch bạch huyết ở vùng cổ, nách hoặc bẹn, chán ăn, huyết áp thấp, phát ban và ngứa, đau cơ và cá khớp, các triệu chứng giống như cúm như sốt cao, đau họng, sổ mũi, ho, cảm giác ớn lạnh.
  • Tác dụng phụ rất hiếm gặp (<0,01%): phát ban.

Đối với trẻ em

  • Các tác dụng phụ rất phổ biến (>10%): đau và đỏ tại chỗ tiêm.
  • Các tác dụng phụ thường gặp (1 - 10%): chỗ tiêm bị sưng, sốt trên 37,5 độ C, cảm giác khó chịu, buồn ngủ, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy và thường cảm thấy không được khỏe.
  • Các tác dụng phụ không phổ biến (0,1-1%): phát ban.
  • Các tác dụng phụ hiếm gặp (0,01-0.1%): hạch bạch huyết vùng cổ, nách hoặc bẹn bị sưng, chóng mặt, nổi mề đay.
  • Tác dụng phụ rất hiếm gặp (<0,01%): mất độ nhạy cảm của da với cảm giác đau hoặc tiếp xúc chạm vào, tê tay và chân, huyết áp thấp, phát ban và ngứa, đau cơ, đau khớp và các triệu chứng giống cúm như sốt cao, đau họng, sổ mũi, ho và cảm giác ớn lạnh.

Đây không phải là danh sách đầy đủ các tác dụng phụ của Twinrix, và bạn cũng đừng lo lắng bởi các tác dụng phụ này. Bạn có thể sẽ không gặp phải tác dụng phụ nào khi tiêm phòng. Nếu bạn hoặc con của bạn có bất kỳ tác dụng phụ nào sau khi tiêm vắc-xin Twinrix, hay liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe để được tư vấn, xử lý kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Twinrix.ca

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

58.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan