Tiêm chủng cho người trưởng thành

  • Nguồn vắc-xin từ các nhà sản xuất uy tín trong và ngoài nước
  • Bảo quản trong dây chuyền lạnh theo tiêu chuẩn quốc tế
  • Quy trình tiêm an toàn: Thăm khám trước tiêm & Theo dõi sau tiêm
  • Tư vấn tiêm chủng đảm bảo hiệu quả & tối ưu chi phí

.............................................

Tiêm chủng vắc-xin không chỉ quan trọng đối với trẻ em mà còn giúp người trưởng thành và đặc biệt là người già được bảo vệ trước nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm để có nền tảng sức khỏe tốt.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp đầy đủ các loại vắc-xin từ các nhà sản xuất uy tín trong và ngoài nước. Bệnh viện tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tiêm theo tiêu chuẩn quốc tế, khách hàng được khám, tư vấn về vắc-xin trước khi tiêm và theo dõi sức khỏe sau tiêm. Để đảm bảo tối ưu chi phí và hiệu quả tiêm phòng, khách hàng sẽ được tư vấn các loại vắc-xin phù hợp với độ tuổi, tình trạng sức khỏe, đồng thời hướng dẫn các phương pháp chăm sóc sức khỏe đơn giản tại nhà, nâng cao chất lượng cuộc sống.

1. Vắc-xin phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván

  • Uốn ván: Ở người lớn, bệnh thường có biểu hiện đau mỏi hàm, khó há miệng, có các triệu chứng như co thắt cơ, cứng cơ ở đầu và cổ, bệnh nhân cảm thấy khó thở và đau khắp người. Uốn ván nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra tử vong.
  • Bạch hầu: Bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Trường hợp nặng có thể có tình trạng khó thở, tắc nghẽn đường hô hấp, viêm cơ tim và suy tim, thậm chí là tử vong.
  • Ho gà: Bệnh lây qua giọt nước bọt khi ho và hắt hơi. Bệnh thường có biểu hiện ho, chảy nước mũi, hắt hơi, sốt...sau đó gây ra những cơn ho nặng, khó thở, thở rít, thậm chí ngừng thở. Nếu bệnh không được điều trị sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi hoặc tử vong.

Vắc-xin Tdap (Adacel, Boostrix ...) phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván.

Chỉ định tiêm:

● Tiêm một liều Tdap vào khoảng 10-13 tuổi; hoặc nếu đã bỏ qua thời gian này thì nên tiêm càng sớm càng tốt, có thể nhắc lại sau mỗi 10 năm.

  • Vắc-xin Adacel (Sanofi Pasteur): Tiêm 1 liều từ 4 đến 64 tuổi
  • Vắc-xin Boostrix (GSK- Bỉ): Tiêm từ 4 tuổi trở lên, nhắc lại mỗi 10 năm và không giới hạn độ tuổi.

● Phụ nữ đang mang thai: Tiêm vào thai kỳ tuần thứ 27- dưới 35 tuần thai để phòng ho gà sớm giai đoạn sơ sinh.

Sau khi tiêm có thể xuất hiện một số triệu chứng nhẹ & thường tự khỏi sau 1-2 ngày

● Đau, sưng, đỏ tại chỗ tiêm

● Nhức đầu, sốt, cơ thể mệt mỏi

● Buồn nôn, tiêu chảy, hoặc đau bụng

● Phát ban, ớn lạnh, đau khớp

2 . Vắc-xin phòng cúm:

Cúm dễ lây qua đường hô hấp, do virus cúm gây ra, kèm theo các triệu chứng như sốt, đau họng, đau cơ, ho, mệt mỏi, đau đầu, sổ mũi kéo dài trong vài ngày. Bệnh cúm có thể nguy hiểm với trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai, người có miễn dịch kém và đặc biệt người già trên 65 tuổi. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, có 500-800 triệu ca mắc/năm, trong đó khoảng 5 triệu ca nặng và khoảng 250.000-650.000 ca tử vong.

Các yếu tố thuận lợi lây nhiễm bệnh cúm:

• Thời tiết ẩm ướt hoặc lạnh

• Sống, làm việc trong môi trường kín, chật chội, đông người

• Làm công việc phải tiếp xúc nhiều

Các nhóm nguy cơ lây nhiễm cúm cần được ưu tiên tiêm phòng:

● Trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi

● Người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch ...)

● Người già trên 65 tuổi

● Phụ nữ trước khi mang thai hoặc mang thai

Vắc xin: Vaxigrip Tetra 0.5 ml; Influvac Tetra 0.5ml; GCFLU Quadivalent 0.5 ml

Chỉ định tiêm: tiêm hàng năm

Chú ý: Sau tiêm có thể gặp một số triệu chứng giả cúm và thường tự hết sau 1-2 ngày

● Ho, hắt hơi, chảy nước mũi trong

● Đau nhức, sưng tấy tại vết tiêm

● Cơ thể mệt mỏi

3. Vắc-xin phòng thủy đậu

Bệnh thủy đậu do virus Varicella zoster gây ra, lây lan dễ dàng qua đường hô hấp hoặc do tiếp xúc với dịch nốt thủy đậu vỡ ra. Bệnh khởi phát đột ngột với các triệu chứng như sốt, phát ban, mụn nước trên da và niêm mạc. Thủy đậu không được chăm sóc đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng cho cả trẻ em và người lớn như bội nhiễm nốt phỏng thành sẹo, viêm phổi, viêm não, tử vong. Nếu trong quá trình mang thai, thai phụ bị nhiễm thủy đậu thì thai nhi có thể bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh hoặc có các dị tật bất thường khác: tật đầu nhỏ, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển tâm thần.

Tiêm vắc-xin phòng thủy đậu an toàn, tạo được miễn dịch lâu dài. Tại Việt Nam có các loại vắc-xin phòng thủy đậu như: Varivax, Varicella, Varilrix.

Chỉ định tiêm:

● Trẻ em từ 9-12 tháng tuổi trở lên tùy từng loại vắc xin, người lớn, người già mà chưa bị bệnh thủy đậu hoặc không có kháng thể chống lại virus thủy đậu hoặc không nhớ rõ tiền sử tiêm phòng thủy đậu.

● Đối với trẻ lớn, người lớn, người già tiêm 2 mũi như sau:

  • Varicella: Trẻ từ 12 tuổi trở lên tiêm 2 mũi cách nhau 6-8 tuần.
  • Varivax: Trẻ từ 13 tuổi trở lên tiêm 2 mũi cách nhau 4-8 tuần
  • Varilrix: Tiêm trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên + người lớn: 2 mũi cách nhau tối thiểu 6 tuần

Chú ý: Cần tránh thai tối thiểu 1 tháng, tốt nhất là 3 tháng sau khi tiêm vắc-xin

Sau khi tiêm vắc - xin thủy đậu, có thể gặp một số phản ứng phụ:

● Đau nhức ở cánh tay

● Sốt, phát ban nhẹ

● Rất hiếm gặp viêm phổi, viêm màng não, sốt cao dẫn tới co giật.

4. Vắc-xin phòng sởi – quai bị- rubella:

Sởi, quai bị, rubella là 3 bệnh thường gặp ở cả trẻ em và người lớn, do virus sởi, quai bị, rubella gây ra. Sởi có thể liên quan đến các biến chứng nghiêm trọng hoặc dẫn đến tử vong (Ví dụ: Viêm phổi và viêm não là do sởi). Quai bị có liên quan đến viêm màng não vô khuẩn, điếc. Rubella khi mang thai có thể gây ra hội chứng rubella bẩm sinh ở trẻ sơ sinh hoặc các dị tật thai nhi như điếc, vôi hóa não, gây sảy thai, đẻ non.

Vắc-xin: MMR II ( MSD, Mỹ) được chỉ định để tiêm phòng đồng thời sởi, quai bị và rubella cho cả người lớn và trẻ em trên 12 tháng. Vắc xin Priorix (GSK, Bỉ) được chỉ định cho trẻ em và người lớn từ 9 tháng tuổi trở lên.

● Vắc xin được chỉ định khi khách hàng chưa bị bệnh sởi, quai bị, rubella hoặc không có kháng thể chống lại virus hoặc không nhớ rõ tiền sử tiêm phòng sởi, quai bị, rubella.

Lịch tiêm ở trẻ em:

● Tiêm liều MMR II đầu tiên lúc 12 - 15 tháng tuổi, liều thứ 2 lúc 4 - 6 tuổi (cách liều đầu tiên 3-5 năm, thường chọn 4 năm).

● Tiêm Priorix liều 1 lúc 9 tháng, liều 2 thường cách liều 1 là 6 tháng (tối thiểu là 3 tháng), liều 3 có thể nhắc lại sau 4 năm

Lịch tiêm ở người lớn:

● Tiêm 1 liều duy nhất

● Người ở vùng có nguy cơ cao có thể tiêm nhắc lại cách mũi 1 tối thiểu 28 ngày.

● Phụ nữ sau khi tiêm cần tránh thai tối thiểu 1 tháng, tốt nhất là 3 tháng.

5. Vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản:

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở châu Á – Thái Bình Dương, chưa có điều trị đặc hiệu, tỉ lệ tử vong là 25-30%, 50% có di chứng thần kinh nặng nề. Biểu hiện chính của bệnh: Sốt cao và kèm theo tổn thương hệ thần kinh trung ương: Nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê... Người già và trẻ em là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng, biến chứng và tử vong.

Vắc xin: Imojev 0.5 ml hoặc JEEV 6mcg/ 0.5 ml

Chỉ định tiêm:

Vắc-xin Imojev: được chỉ định tiêm phòng viêm não Nhật Bản cho người lớn, trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên :

● Từ 9 tháng – dưới 18 tuổi: Tiêm 2 mũi cách nhau 12-24 tháng.

● Từ 18 tuổi trở lên: Tiêm 1 mũi duy nhất

● Phụ nữ sau khi tiêm cần tránh thai tối thiểu 1 tháng, tốt nhất là 3 tháng.

Vắc xin JEEV 6 mcg/ 0.5 ml: chỉ định từ 3-49 tuổi với 2 liều cách nhau tối thiểu 28 ngày.

6. Vắc-xin phòng phế cầu (Prevenar 13)

Bệnh viêm phổi, viêm não do phế cầu khuẩn do vi khuẩn gây ra có thể xảy ra quanh năm, tuy nhiên thường gặp nhất vào mùa đông và mùa xuân. Phế cầu khuẩn có thể nhiễm vào máu, phổi và màng não gây viêm tai giữa, viêm màng não mủ, viêm phổi và nhiễm trùng huyết. Phế cầu khuẩn lây khi tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hoặc chất dịch.

Vắc-xin phòng phế cầu Prevenar 13 phòng 13 chủng phế cầu gây viêm phổi, viêm màng não

● Có thể tiêm cho trẻ em từ 6 tuần tuổi trở đi

● Tiêm 1 mũi duy nhất ở trẻ từ 2 tuổi trở lên đến người già không giới hạn độ tuổi

● Đặc biệt khuyến cáo tiêm cho người hút thuốc lá, người có bệnh lý mạn tính, bệnh lí tim mạch, người bị suy giảm miễn dịch, người cắt lách, hay bị bệnh lí đường hô hấp (hen phế quản, COPD...)

Sau khi tiêm vắc-xin có thể gặp một số phản ứng phụ:

● Đau, sưng, đỏ tại chỗ tiêm

● Nhức đầu, sốt, cơ thể mệt mỏi

● Buồn nôn, tiêu chảy (ít gặp)

● Phát ban, ớn lạnh, đau khớp, đau cơ, giảm cảm giác thèm ăn.

7. Vắc-xin phòng não mô cầu ACW135Y, BC

Viêm màng não do não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cổ cứng, thường có ban xuất huyết hình sao/mụn nước. Bệnh nhân thường lơ mơ hoặc hôn mê, có trường hợp mệt lả đột ngột, có mảng xuất huyết và sốc. Ở Việt Nam dịch thường xảy ra dịch vào mùa thu, đông và xuân, nhất là ở vùng núi biên giới. Tuổi trẻ là nhóm tuổi nguy cơ mắc cao và người lành mang vi khuẩn nhiều nhất.

Vắc-xin Menactra: phòng viêm màng não do não mô cầu 4 týp A, C, W135, Y chỉ định tiêm cho đối tượng từ 9 tháng đến 55 tuổi.

● Từ 9 – 24 tháng: Tiêm 2 liều cách nhau 3 tháng

● Từ 2-55 tuổi: Chỉ tiêm 1 liều duy nhất.

Vắc-xin Mengoc BC: phòng viêm màng não do não mô cầu týp B, C được chỉ định tiêm từ 6 tháng đến 45 tuổi: Tiêm 2 liều cách nhau 2 tháng. Sau khi tiêm 1 liều vắc-xin Mengoc BC, vẫn có thể tiêm vắc xin Menactra.

8. Vắc-xin phòng viêm gan A, B

Viêm gan A, B là bệnh rất thường gặp ở nước ta; có thể dự phòng được bằng vắc-xin an toàn và hiệu quả. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), hiệu quả của vắc-xin phòng viêm gan B đạt khoảng 95%.

Có 2 loại vắc-xin: Vắc-xin phòng viêm gan B đơn thuần (Engerix B, Euvax B, Heberbiovac) hoặc viêm gan A, B phối hợp (Twinrix).

Chỉ định tiêm vắc xin viêm gan A, B: Vắc-xin phòng viêm gan B, phòng viêm gan AB phối hợp được chỉ định cho người lớn khi không bị nhiễm virus viêm gan B và không có kháng thể chống virus viêm gan B hoặc kháng thể chống virus viêm gan A và B với phác đồ 3 liều trong 6 tháng (0,1,6): liều thứ 2 cách liều đầu tiên 1 tháng và cách liều số 3: 5 tháng.

Xét nghiệm HBsAg âm tính và HBsAb < 10 mUI/ ml:

● Chưa tiêm vắc xin phòng viêm gan B hoặc chưa tiêm đủ phác đồ: tiêm vắc xin phòng viêm gan B hoặc Avà B với 3 liều theo phác đồ 0,1,6

● Đã tiêm đầy đủ phác đồ phòng viêm gan B hoặc A và B: tiêm tăng cường 1 liều vắc xin phòng viêm gan B, khuyến cáo xét nghiệm HBsAb định lượng sau tiêm tối thiểu 1 tháng.

9. Vắc-xin phòng HPV 4 typ và 9 typ

Gardasil phòng HPV 4 typ (16,18,6,11) và 9 typ (6,11, 16,18, 31,33,45, 52,58) gây ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, khẩu hầu, hậu môn, dương vật và sùi mào gà sinh dục... , đặc biệt là HPV týp 16, 18 gây ung thư cổ tử cung.

Chỉ định tiêm HPV (GARDASIL) 4 typ: Nữ từ 9-26 tuổi: Tiêm 3 mũi trong 6 tháng (0,2,6).

Chỉ định tiêm HPV (GARDASIL) 9 typ: Nam và nữ từ 9 đến 26 tuổi:

● Từ 9 đến dưới 14 tuổi: có thể tiêm phác đồ 2 mũi 0, 6 (mũi đầu tiên và mũi 2 cách tối thiểu 6 tháng) hoặc 3 mũi (0,2,6)

● Từ 14 đến 26 tuổi: tiêm 3 mũi trong 6 tháng (0,2,6).

Trường hợp đã có quan hệ tình dục, đã từng nhiễm HPV vẫn có thể tiêm khi < 26 tuổi.

10. Vắc xin phòng thương hàn:

Thương hàn là bệnh do vi khuẩn Salmonella typhi gây nên. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, qua thực phẩm hoặc nước bị nhiễm vi khuẩn thương hàn. Triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm sốt, ớn lạnh, đau cơ, nhức đầu, mệt mỏi, đau đầu, chán ăn, bụng chướng, buồn nôn, tiêu chảy xen kẽ với táo bón, hồng ban ở bụng (5-30%), ngực, hông, li bì, mê sảng. Biến chứng xảy ở 10- 15% số trường hợp mắc, trong đó thường gặp xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột, viêm não màng não thương hàn. Xuất huyết tiêu hóa, do các mảng Peyers bị viêm xung huyết (chảy máu) là biến chứng thường gặp nhất.

Vắc xin Typhim Vi: chỉ định cho người lớn và trẻ em trên 2 tuổi; những người có nguy cơ cao, người thường đến vùng có dịch lưu hành với phác đồ mỗi 3 năm/ lần.

CHƯƠNG TRÌNH VẮC-XIN CHO NGƯỜI LỚN

70 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec