Phục hồi chức năng sau phẫu thuật cắt u đầu dưới xương đùi kèm theo thay khớp gối nhân tạo

Bài viết của BSCK II Nguyễn Văn Vĩ - Trưởng khoa Phục hồi chức năng - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Hiện nay trên thế giới, với những tiến bộ vượt trội trong lĩnh vực phẫu thuật bảo tồn chi (thay khớp gối nhân tạo) trong điều trị ung thư xương vùng đùi đã góp phần đưa tỷ lệ sống trên 5 năm là 60-80%. Ngoài việc giữ được tính mạng còn đảm bảo một số yêu cầu về thể chất, chức năng sinh hoạt hàng ngày và nâng cao chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình- Y học thể thao Vinmec tiến hành nhiều ca phẫu thuật bảo tồn chi thể đã thành công, mang lại kết quả chức năng và thẩm mỹ rất khả quan cho người bệnh ung thư đầu dưới xương đùi. Khoa Phục hồi chức năng thuộc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình- Y học thể thao Vinmec là đơn vị song hành cùng ê kíp phẫu thuật đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được tối ưu kết quả chức năng và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

1. Phục hồi chức năng phẫu thuật cắt u đầu dưới xương đùi kèm theo thay khớp gối nhân tạo

Tổn thương u đầu dưới xương đùi là vị trí phổ biến nhất đối với ung thư xương, có liên quan đến kết quả chức năng hậu phẫu tốt (so với những vị trí khác ở chi dưới) sau khi cắt bỏ rộng và tái tạo lại khớp gối. Cũng như các phẫu thuật ung thư xương khác, do những khó khăn về các loại tổn thương cùng nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau, nên trước khi phục hồi chức năng cần khai thác và nắm rõ những tồn tại của người bệnh: tình trạng tổn thương xương, khớp và bộ phận cấy ghép; tổn thương cơ; tổn thương da; tổn thương thần kinh; tổn thương mạch máu; tổn thương hệ bạch huyết; và tình trạng sức khỏe toàn thân.

Quy trình phục hồi sau phẫu thuật bao gồm các giai đoạn kế tiếp nhau và luôn luôn tôn trọng sự phục hồi tự nhiên của phần mềm quanh khớp.

2. Phục hồi chức năng trước phẫu thuật cắt u đầu dưới xương đùi kèm theo thay khớp gối nhân tạo

Để biết được mức độ đau của người bệnh; khả năng thực hiện các động tác của khớp gối, khớp háng và đánh giá toàn bộ các khớp liên quan của chi đó, đặc biệt là khớp háng; thông tin cho người bệnh về phương pháp và cách thức phẫu thuật... Ngoài ra sau phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo còn phải tiếp tục điều trị hóa chất, đặc biệt cần có quá trình phục hồi chức năng lâu dài mới đảm bảo cuộc phẫu thuật đạt được hoàn chỉnh.

thay khớp gối nhân tạo
Tổn thương u đầu dưới xương đùi là vị trí phổ biến nhất đối với ung thư xương

3. Phục hồi chức năng sau phẫu thuật cắt u đầu dưới xương đùi kèm theo thay khớp gối nhân tạo

Tùy thuộc vào mức độ phức tạp của việc cắt bỏ và cấu trúc giải phẫu bị tổn thương, việc phục hồi chức năng có thể là phục hồi toàn bộ chức năng, hoặc phục hồi một phần chức năng so với chân lành. Từ đó đưa ra các khuyến cáo để giảm thiểu các biến chứng huyết khối tĩnh mạch sâu, suy giảm chức năng, yếu cơ vùng đùi- mông- thắt lưng, co rút khớp, phù nề, loét da và các biến chứng phổi.

Các phương pháp phục hồi chức năng cụ thể:

Giai đoạn cấp (1-3 ngày)

Ngay sau phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo: Mục tiêu phục hồi chức năng trong giai đoạn này là kiểm soát đau, sưng, phù nề, co thắt cơ và duy trì tầm vận động khớp gối.

Chăm sóc và theo dõi ống dẫn lưu: Ống dẫn lưu khớp gối được để trong vòng 24-72 giờ, được băng lại và định vị khớp gối bằng nẹp hoặc cố định khớp háng ở tư thế trung gian.

Giảm đau bằng các kỹ thuật vật lý trị liệu và vận động trị liệu:

  • Chườm lạnh và tư thế: Để giảm đau và tạo tư thế thoải mái cho người bệnh.
  • Xoa bóp dẫn lưu: làm tăng lưu thông tuần hoàn vùng đùi- cẳng- bàn chân và giảm sự co thắt cơ trong quá trình phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo và đeo nẹp sau phẫu thuật.
  • Vận động trị liệu: Tập vận động chủ động các khớp háng và cổ bàn chân.
  • Giảm đau kết hợp điều trị nội khoa: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và thuốc giảm đau thần kinh; tê tủy sống; thuốc chống huyết khối tĩnh mạch sâu...

Sau 24h- 3 ngày:

  • Tiếp tục làm tốt: chăm sóc vết mổ, chườm lạnh, xoa bóp- tập vận động tại chỗ.
  • Ngày thứ 2 (sau 24-48h): cố gắng tập đứng tại chỗ để tránh ứ đọng phổi và tăng cường lưu thông tuần hoàn toàn thân.
  • Tập thụ động khớp gối bằng máy CPM nhẹ nhàng.
  • Sau 48h tập đi lại chịu lực một phần lên chân phẫu thuật.

Giai đoạn ngày thứ 4 - 2 tuần.

  • Tiếp tục chườm lạnh và chăm sóc vết mổ, đeo nẹp cố định khớp gối để giảm đau cho người bệnh.
  • Xoa bóp, tập vận động chủ động các khớp háng và cổ bàn chân.
  • Tập thụ động khớp gối với thiết bị vận động thụ động cưỡng bức liên tục (CPM) để phục hồi tầm vận động với mức độ tăng dần trong phạm vi có thể.
  • Tập tăng sức cơ đùi, cơ vùng mông và thắt lưng.
  • Tích cực tập đi lại chịu lực lên chân phẫu thuật để hồi phục dáng đi nhanh.

Giai đoạn sau 2 tuần trở đi.

  • Tập chủ động có kháng tăng dần sức cơ vùng đùi, đặc biệt trọng tâm để tăng sức cơ tứ đầu đùi càng khỏe càng tốt.
  • Tập thụ động, chủ động tăng dần tầm vận động khớp gối hết tuần thứ 12.
  • Vấn đề chịu lực khi đi lại: Chịu lực lên chân phẫu thuật tăng dần đạt được >50% đến toàn bộ trọng lượng cơ thể sau 02 tháng.
  • Tập các bài tập chức năng sinh hoạt hàng ngày ngay khi có thể.

Phục hồi chức năng cảm thụ bản thể.

Các bài tập phục hồi cảm giác cảm sâu của chi thể giai đoạn đầu được thực hiện trên giường và tăng dần nén ép sử dụng cả chuỗi động học đóng và mở (CKC và OKC) chuyên sâu; độ khó của các bài tập cũng như mức độ không ổn định của các dụng cụ tăng dần theo thời gian. Giai đoạn sau cần tăng cường tích cực chịu lực và có các bài tập đa dạng từ 2 chân sang một chân, đồng thời mức độ khó của bài tập cũng tăng dần để khôi phục toàn bộ cảm giác của chi thể.

Thủy trị liệu: Khuyến khích bệnh nhân áp dụng thủy trị liệu (trong điều kiện có thể và thuận tiện) khi tình trạng toàn thân cho phép như miễn dịch, xét nghiệm máu...và tại chỗ vết mổ đã liền tốt. Tập luyện ở dưới nước có nhiều lợi ích về mặt sức khỏe và dễ thực hiện, đặc biệt khi chi thể bị yếu tập dưới nước sẽ loại bỏ được trọng lực chi thể do đó thực hiện động tác được tốt hơn.

Tâm lý trị liệu: Việc đánh giá sự điều chỉnh cảm xúc của bệnh nhân trong các giai đoạn bệnh khác nhau là rất quan trọng. Việc trị liệu tâm lý ngày càng phải nhận thức rõ hơn để hỗ trợ cho quá trình phục hồi. Mục tiêu khôi phục và nâng cao chất lượng cuộc sống và tiếp tục trở lại mức hoạt động gần nhất có thể.

Thể thao và vui chơi trị liệu: Khuyến khích người bệnh trong việc lồng ghép các bài tập được thực hiện trong môi trường vui nhộn, có thể ở cả dưới nước hoặc hình thức như các môn thể thao cụ thể và phù hợp với lứa tuổi có tác dụng tăng cường thể lực chung và chi thể phẫu thuật; giảm căng thẳng về tâm lý; tăng khả năng tập trung, chú ý.

Ngoài các môn thể thao- vui chơi ở trạng thái động, với người bệnh nên thư giãn và thực hành sự tập trung chú ý ở trạng thái tĩnh. Những môn thể thao giúp ích như yoga, thiền phật giáo được khuyến khích luyện tập.

Phục hồi chức năng Dinh dưỡng: Khoảng 15% đến 80% bệnh nhân ung thư bị suy dinh dưỡng. Có thể là tác dụng phụ của các biến chứng sinh lý, chuyển hóa của bệnh và quá trình hóa trị liệu. Do vậy bổ sung chất dinh dưỡng đầy đủ rất quan trọng trong quá trình phục hồi chung.

thay khớp gối nhân tạo
Chườm lạnh và chăm sóc vết mổ để phục hồi chức năng sau phẫu thuật

Kết luận

Phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo, bảo tồn chi điều trị ung thư đầu dưới xương đùi là một phẫu thuật phức tạp, yêu cầu sự tư duy và kỹ năng hoàn hảo nhất để đạt được chức năng và thẩm mỹ cho người bệnh.

Việc phục hồi chức năng trước, sau phẫu thuật tối ưu và kịp thời; sự cam kết và tuân thủ chương trình vật lý trị liệu của người bệnh rất quan trọng để đạt được kết quả chức năng và chất lượng cuộc sống.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec là một trong số ít các Trung tâm đạt chuẩn FIFA trên thế giới và đầu tiên tại Việt Nam. Trung tâm được đầu tư lớn về công nghệ như 3D Technology in Medicine Center (Trung tâm nghiên cứu Công nghệ 3D trong Y học), Motion Analysis Lab (Phòng nghiên cứu, phân tích chuyển động) đầu tiên tại Việt Nam, ngang tầm với khu vực và trên thế giới.

Về chuyên môn, Vinmec đã làm chủ kỹ thuật và tạo ra sự đột phá trong điều trị, với các kĩ thuật tiên tiến cá thể hóa trong điều trị như ánh xạ giải phẫu, phẫu thuật chính xác sử dụng Robot trong mổ, phục hồi chức năng và dinh dưỡng chuyên sâu ... đồng thời có mạng lưới hợp tác với nhiều chuyên gia về lĩnh vực y học thể thao trên thế giới. Chính vì vậy ngày 23/03/2022, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã chính thức kí hợp tác cùng Vinmec nhằm nâng cao chất lượng công tác y tế dành cho các cầu thủ trong đội tuyển. Bên cạnh việc điều trị chấn thương phục vụ thi đấu, hợp tác giữa VFF và Vinmec còn bao gồm hoạt động nghiên cứu và đào tạo y học thể thao bài bản và chuyên nghiệp để nâng cao chất lượng chuyên môn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

150 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan