Thay khớp gối bán phần

Bài viết của ThS.BS Võ Sỹ Quyền Năng - Trưởng khoa Phẫu thuật khớp gối và cổ bàn chân - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Khi các triệu chứng đau do thoái hóa khớp gối không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị bằng thuốc hay vật lý trị liệu thì người bệnh sẽ phải cần đến phẫu thuật thay khớp nhân tạo. Hiện nay có hai phương pháp phẫu thuật thay khớp gối chính đó là thay toàn bộ khớp gối và thay khớp gối bán phần.

1. Phẫu thuật thay khớp gối bán phần tiến hành như thế nào?

Phương pháp thay khớp gối toàn bộ là phương pháp truyền thống được chỉ định trong các trường hợp khớp gối thoái hóa nặng hoàn toàn. Với phẫu thuật này, bác sĩ sẽ phải lấy bỏ tất cả phần sụn khớp gối cùng một số dây chằng, phần mềm của người bệnh rồi thay thế bằng khớp gối nhân tạo. Phương pháp thay khớp gối bán phần có nhiều ưu điểm hơn so với thay toàn bộ khớp gối do chỉ lấy bỏ phần sụn khớp bị hỏng còn các tổ chức sụn, xương lành, dây chằng chéo sẽ được bảo tồn hoàn toàn. Thay khớp gối bán phần thường được chỉ định cho các trường hợp bị thoái hóa một phần khớp gối, như nửa bên trong, nửa bên ngoài hoặc phần khớp bánh chè – xương đùi.

Hình 1: Hình ảnh bộ khớp gối bán phần
Hình 1: Hình ảnh bộ khớp gối bán phần

2. Chỉ định của phẫu thuật thay khớp gối bán phần?

Hầu hết các trường hợp thoái hóa khớp gối toàn bộ đều đã trải qua giai đoạn thoái hóa một phần trước đó. Khi người bệnh được phát hiện ở giai đoạn khớp gối mới thoái hóa một phần thì có thể được điều trị bằng phẫu thuật. Tuy nhiên nếu người bệnh không được điều trị kịp thời, phần khớp lành còn lại của khớp gối do phải “gánh thêm” việc của phần bị hỏng, sẽ nhanh chóng bị thoái hóa nốt. Khi đó, người bệnh không còn cơ hội thay bán phần mà sẽ phải thay toàn bộ khớp gối.

Một số chỉ định chính của thay khớp gối bán phần bao gồm: thoái hóa một khoang của khớp gối, hoại tử vô khuẩn hoặc di chứng sau chấn thương. Ngoài ra, người bệnh cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn như độ tuổi, độ vững khớp, tầm vận động trước mổ, mức độ biến dạng,... mới có thể tiến hành phẫu thuật được.

Hình 2: Hình ảnh lên phương án chuẩn bị trước mổ cho người bệnh
Hình 2: Hình ảnh lên phương án chuẩn bị trước mổ cho người bệnh được chỉ định

3. Ưu, nhược điểm của phương pháp thay khớp gối bán phần

Ưu điểm:

Hiện nay tại Việt Nam, thay khớp gối toàn bộ tương đối phổ biến, nhưng thay bán phần khớp gối thì vẫn còn rất ít.

Kể từ khi xuất hiện, phương pháp thay khớp gối bán phần nhanh chóng thể hiện được các ưu điểm trên nhóm bệnh nhân chỉ bị thoái hóa một phần như: vết mổ nhỏ, ít mất máu, người bệnh hồi phục nhanh hơn, duy trì được chức năng vận động khớp gối tốt hơn, rẻ tiền hơn. Ngoài ra, phương pháp thay khớp cũng giúp bảo tồn nhiều xương để khi cần thiết có thể dễ dàng chuyển đổi thành thay khớp gối toàn bộ.

Khớp gối toàn phần không thể giúp người bệnh vận động linh hoạt được như khớp gối bán phần, với những bệnh nhân trẻ, nhu cầu vận động cao thì lựa chọn thay khớp bán phần là tối ưu nhất.

Nhược điểm:

Các trường hợp kết quả không tốt khi thay khớp gối bán phần chủ yếu là do phẫu thuật viên thiếu các phương tiện hỗ trợ đặt khớp nhân tạo ở vị trí chính xác. Tuy nhiên, ngày nay, nhờ áp dụng các kỹ thuật công nghệ cao như công nghệ 3D, rô bốt, hệ thống định vị.. phẫu thuật thay khớp gối bán phần đã cho kết quả rất khả quan với tỉ lệ khớp còn tồn tại sau 20 năm đạt trên 90%.

Hình 3: So sánh khớp gối toàn phần (trái) và khớp gối bán phần (phải)
Hình 3: So sánh khớp gối toàn phần (trái) và khớp gối bán phần (phải)

4. Thay khớp gối bán phần tại hệ thống bệnh viện Vinmec

Tại trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao, nhờ vào việc ứng dụng công nghệ dựng hình 3D hiện đại, các bác sĩ có thể mô phỏng trước cuộc mổ trên hệ thống máy vi tính và tính toán ra các thông số để có thể đặt khớp nhân tạo tại vị trí chuẩn xác nhất.

Với các trường hợp khó, các bác sĩ sẽ tiến hành in 3D mô hình xương của người bệnh và tiến hành thêm một cuộc mổ "thực nghiệm" trên mô hình đó trực tiếp trước mắt người bệnh, không những tăng tính an toàn cho cuộc mổ mà còn có thể giúp cho người bệnh nắm rõ được tình trạng bệnh của mình và yên tâm bước vào cuộc mổ thực sự.

Tại phòng mổ, các bác sĩ sẽ sử dụng hệ thống robot IGS Inovva để giúp định vị chính xác và đã phẫu thuật đặt khớp nhân tạo chính xác y hệt như lần mổ "thử" trước đó.

Người bệnh sẽ được các bác sĩ hướng dẫn tập đi lại ngay sau mổ và sau 5 ngày, người bệnh đã có thể tự đi lại gần như bình thường mà không cần bất cứ phương tiện hỗ trợ nào.

Hình 4: Mô hình xương in 3D của bệnh nhân để phẫu thuật “thực nghiệm”
Hình 4: Mô hình xương in 3D của bệnh nhân để phẫu thuật “thực nghiệm”
Hình 5: Phim chụp XQ sau mổ thay khớp gối bán phần
Hình 5: Phim chụp XQ sau mổ thay khớp gối bán phần

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

375 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan