Bong gân mắt cá chân khi chạy bộ

Những người thường xuyên chạy bộ có nguy cơ cao đối mặt với một số chấn thương như viêm gân Achilles, bong mắt cá chân, đau mắt cá chân khi chạy bộ, đau xương bánh chè, gãy xương do căng thẳng... Trong đó chạy bộ bị đau mắt cá chân là tình trạng phổ biến hơn cả.

1. Bong mắt cá chân gây đau mắt cá chân khi chạy bộ

Bong mắt cá chân là tình huống có thể xảy ra với bất kỳ ai nếu bất cẩn trong lúc vận động hoặc chơi thể thao. Trường hợp bong mắt cá chân tuy không khó để điều trị tuy nhiên cần xử trí đúng cách và kịp thời để ngăn ngừa được hệ lụy đáng tiếc về sau.

Bong mắt cá chân là tình trạng giãn hoặc rách dây chằng xung quanh khớp cổ chân, tại vị trí phía trong của mắt cá chân dưới tác động của lực gây chấn thương. Đây là một trong những chấn thương thể thao phổ biến nhất đối với vận động viên chạy bộ. Chấn thương vùng cổ chân cũng có thể gặp trong sinh hoạt bình thường hằng ngày, do cổ chân bị lật sang 1 bên khi vận động hay chuyển hướng, còn gọi là “lật sơ mi”. Bong mắt cá chân là chấn thương cấp tính gây đau mắt cá chân khi chạy bộ hoặc chơi các môn thể thao, đặc biệt những môn đòi hỏi phải nhảy nhiều, thường xuyên chuyển hướng, xoay, vặn hoặc lăn bàn chân. Ngoài ra, bong mắt cá chân còn do người bệnh đã chạy trên bề mặt không bằng phẳng, thực hiện động tác tiếp đất vụng về, chạy sai kỹ thuật.

2. Triệu chứng bong mắt cá chân

Bong mắt cá chân nhẹ sẽ biểu hiện bằng cảm giác đau mắt cá chân khi chạy bộ hoặc có thể đau ngay cả lúc đi bộ. Bong mắt cá chân khiến khớp cổ chân bị đau, sưng, bầm tím, làm giảm khả năng vận động, hạn chế chuyển động ở toàn bộ vùng mắt cá chân. Khi tình trạng bong gân cấp tính qua đi, khớp cổ chân có nguy cơ bị mất vững khiến việc đi lại gặp khó khăn.

Trong trường hợp chấn thương nghiêm trọng hơn, dây chằng có thể bị rách, người bệnh có thể nghe tiếng “rắc” ngay thời điểm bị chấn thương, sau đó là tình trạng mất cơ năng linh hoạt ở cổ chân giống như gãy xương. Tuy nhiên khi tiến hành chụp chiếu sẽ không thấy ảnh hưởng đến xương, nhưng có thể thấy hình ảnh gián tiếp của tình trạng tổn thương dây chằng.

Phân độ bong gân theo mức độ tổn thương dây chằng:

  • Bong gân độ 1 (nhẹ): dây chằng bị kéo giãn nhẹ, mức độ tổn thương vi thể trên các sợi xơ gây sưng nề nhẹ quanh mắt cá chân, đau mắt cá chân khi chạy bộ;
  • Bong gân độ 2 (trung bình): đứt một phần dây chằng gây sưng nề mức độ vừa phải quanh khớp cổ chân, mất vững khớp cổ chân khi bác sĩ thăm khám;
  • Bong gân độ 3 (nặng): đứt hoàn toàn dây chằng gây sưng nề, bầm tím toàn bộ khớp cổ chân, khám thấy khớp cổ chân mất vững rõ.

3. Xử trí bong gân mắt cá chân khi chạy bộ

  • Khi chạy bộ bị đau mắt cá chân, nghi do bong mắt cá chân, người bệnh cần dừng lại để đánh giá chấn thương, xác định mắt cá chân có thể cử động được hay không bằng cách xem xét mắt cá đang bị thương như thế nào, dấu hiệu và triệu chứng đau, kiểm tra khả năng cử động;
  • Điều trị cơn đau bằng cách chườm đá 15-20 phút/lần, 3-4 lần mỗi ngày trong vòng 3 ngày (tránh không để nước đá tiếp xúc với vùng bị thương vì có thể gây bỏng lạnh), nên kê cao chân hơn tim trong vòng 48 giờ đầu (giúp giảm sưng và kiểm soát cơn đau), sử dụng thuốc giảm đau;
  • Hỗ trợ mắt cá chân bằng cách sử dụng băng dính, quấn hoặc nẹp mắt cá chân. Băng ép mắt cá chân bằng băng thun giúp làm dịu tình trạng viêm và tăng tốc độ hồi phục sau chấn thương. Lúc này cổ chân cần được nghỉ ngơi, bệnh nhân có thể cân nhắc sử dụng nạng để hỗ trợ khi di chuyển;
  • Nếu vết thương bong mắt cá chân kéo dài hơn 2 tuần, người bệnh nên đến gặp bác sĩ.
  • Tránh những xoa bóp với dầu, bóp rượu, chườm lá, bóp muối... có thể làm tình trạng sưng viêm, đau nhức tồi tệ hơn.

Cho bệnh nhân ăn một ít thức ăn, uống nước và thư giãn trong 1 hoặc 2 giờ nếu chấn thương không quá nghiêm trọng. Đa số các trường hợp bong mắt cá chân không cần phải phẫu thuật, với mức độ nhẹ thì chỉ cần sơ cứu tạm thời để các triệu chứng giảm đi; nhưng với trường hợp bong gân mắt cá chân mức độ trung bình và nặng cần bất động bằng bột ít nhất là 3 tuần để giữ chân ổn định, hạn chế thương tích khác xảy ra.

Phương pháp phẫu thuật mắt cá chân không được khuyến cáo tuy nhiên vẫn có trường hợp đặc biệt cần phải dùng đến phương pháp này như: mắt cá chân không có cải thiện sau khi chữa trị bằng các phương pháp khác, tình trạng sưng viêm trở nên nghiêm trọng. Khi đó, bác sĩ sẽ phẫu thuật để bỏ đi mảnh xương, sụn lỏng lẻo hoặc sửa lại các dây chằng bị đứt, có thể nội soi hoặc phẫu thuật hở.

Có thể tiến hành phẫu thuật nội soi, sử dụng các lỗ để đưa thiết bị vào ở mặt trước khớp cổ chân, sau đó đưa camera vào khớp để quan sát diện khớp, bỏ các mảnh bong sụn khớp nếu có sau đó khâu phục hồi dây chằng hoặc tạo hình lại dây chằng bằng các mảnh ghép từ gân cơ tự thân.

4. Băng bó khi bị bong mắt cá chân

  • Để băng mắt cá chân bị bong gân cần một cuộn băng thể thao tiêu chuẩn, sau đó đặt bàn chân ở góc 90 độ so với cẳng chân, quấn một miếng băng dính quanh chân khoảng 5cm phía trên xương mắt cá chân bên ngoài để cố định điểm mốc. Từ dưới lòng bàn chân, đặt một miếng băng chạy dọc đến điểm mốc, băng trực tiếp lên trên mắt cá chân, sau đó sử dụng 2 miếng có chiều dài bằng nhau băng chồng lên nhau một chút so với mặt băng ban đầu. Có thể đo độ dài thích hợp của băng dính trước khi dán.
  • Dán theo hình chữ J: Sử dụng 3 miếng băng dính chồng lên nhau, bắt đầu từ mặt không bị thương của bàn chân và chạy bên dưới lòng bàn chân, băng qua đỉnh bàn chân và kết thúc nơi bắt đầu tương tự hình chữ J.
  • Quấn băng theo hình số 8: Bắt đầu ở cùng một vị trí như dán chữ J (ở bên mắt cá chân không bị thương), dán 3 miếng băng dính chồng lên nhau chạy dưới lòng bàn chân, qua đầu bàn chân, dán lên trên xương mắt cá trong, phía sau gân Achilles, trên xương mắt cá ngoài, trên đầu bàn chân và trở lại bên dưới bàn chân như hình số 8.
  • Kiểm tra sự lưu thông máu, cảm giác và chuyển động bằng cách hỏi xem bệnh nhân có biết ngón chân nào đang bị chạm vào hay không, có thể ngọ nguậy ngón chân hay không. Cho người bệnh đi lại một chút và hỏi thăm cảm giác mắt cá chân như thế nào, nếu băng quá chặt hoặc chèn ép da, hãy điều chỉnh ngay.

5. Phòng tránh bong gân mắt cá chân khi chạy bộ

  • Khởi động kỹ trước mỗi buổi chạy;
  • Đi giày đúng loại, đúng kích cỡ;
  • Giảm hoạt động hoặc dừng lại ngay khi cảm thấy chạy bộ bị đau mắt cá chân;
  • Sau khi điều trị khỏi bong gân cần phải tập luyện trở lại để sớm lấy lại biên độ vận động của khớp, tăng cường sức mạnh cho cơ;
  • Tránh để tình trạng bong gân tái đi tái lại nhiều lần dẫn đến bong gân mãn tính;
  • Tránh bước đi hoặc chạy trên nền đất mấp mô;
  • Tránh chơi các môn thể thao khiến cho cổ chân bị vặn xoắn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan