Cảnh giác trật khớp háng nhân tạo sau mổ

Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo là một phương phápphẫu thuật nhằm điều trị những bệnh lý về khớp háng. Tuy nhiên, trật khớp háng nhân tạo sau mổ rất dễ xảy ra nếu như người bệnh không được phục hồi chức năng và hoạt động đúng cách sau thay khớp háng nhân tạo.

1. Cảnh giác trật khớp háng nhân tạo sau mổ

Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo là một phương pháp nhằm điều trị những bệnh lý về khớp háng bởi nhiều nguyên nhân như thoái hóa khớp háng, hoạt tử vô khuẩn chỏm xương đùi, loạn sản khớp háng, gãy cổ xương đùi do loãng xương ở người cao tuổi.

Trật khớp háng nhân tạo chính là lý do hàng đầu để mổ lại sau khi thay khớp háng nhân tạo toàn phần với tỷ lệ dao động trong khoảng từ 1-3% và thời điểm xảy ra thường ở tháng đầu tiên. Khoảng 75-90% người bệnh trật khớp háng nhân tạo bị trật ra sau. Những yếu tố nguy cơ dẫn tới trật khớp háng nhân tạo bao gồm:

  • Giới tính: Nữ giới thường có nguy cơ bị trật khớp háng nhân tạo sau mổ cao hơn nam giới;
  • Tuổi từ 70-80 tuổi;
  • Phẫu thuật đường mổ sau;
  • Khâu phục hồi nhóm cơ và bao khớp xoay chưa tốt;
  • Vị trí đặt khớp chưa chuẩn;
  • Quá ngã trước hoặc sau;
  • Người bệnh bị Parkinson;
  • Sử dụng nhiều rượu, bia và chất kích thích.

Khi thay khớp háng nhân tạo toàn phần thì phần khớp nhân tạo không thể hoàn thiện được như khớp háng thật. Do đó luôn tiềm ẩn nguy cơ chấn thương và những tai biến có thể xảy ra sau mổ thay khớp háng. Trật khớp háng nhân tạo sau mổ chính là một trong những biến chứng sau thay khớp háng nhân tạo của bệnh nhân. Tùy thuộc vào kỹ thuật mổ và tình trạng người bệnh cũng như sự phối hợp giữa gia đình và bệnh nhân thì tỷ lệ trật khớp háng có thể gặp từ 0,5-4%.

Trật khớp háng thường xảy ra trong vòng 3 tháng đầu sau mổ và tư thế dễ gây trật khớp háng nhất đó là gấp, xoay, khớp vào trong khớp háng, đặc biệt là khi xảy ra cả 3 tư thế này cùng một lúc. 3 tháng là thời gian trung bình để khớp háng nhân tạo được liền tốt nhất. Lúc này nguy cơ trật khớp sẽ giảm dần, bao khớp giả được hình thành do xương đùi đã gắn liền với thân khớp, vì vậy khớp háng được vững chắc hơn.

trật khớp háng nhân tạo
Hình ảnh trật khớp háng nhân tạo trên phim X-Quang

2. Biện pháp phòng ngừa trật khớp háng

Để phòng ngừa trật khớp háng nhân tạo sau mổ người bệnh cần được phục hồi chức năng càng sớm càng tốt. Một số tư thế người bệnh sau thay khớp hàng cần chú ý bao gồm:

  • Tư thế nằm: Bệnh nhân sau thay khớp háng nhân tạo không được nằm nghiêng sang bên lành với tư thế khớp háng mổ khép và xoay trong vì dễ gây trật khớp. Thay vào đó hãy nằm nghiêng sang bên lành với gối chèn giữa 2 chân để tránh khép và xoay trong. Nếu bệnh nhân nằm trong tư thế ngửa thì cần kê gối chèn giữa để đảm bảo khớp háng ở vị trí trung tính không quá khép, không quá dạng và không xoay ra bên ngoài quá mức. Khi ngồi dậy luôn bắt đầu từ bên khớp háng mổ, nhích dần chân mổ ra mép giường, sau đó từ từ đặt bàn chân xuống nền nhà rồi di chuyển nốt chân lành. Khung tập đi đặt ngay sát giường để người bệnh có thể dễ dàng di chuyển khi cần.
  • Đứng dậy và đi: Luôn để khung tập đi đối diện với người bệnh vừa thay khớp háng, đưa chân mổ choãi ra phía trước, sử dụng sức mạnh của 2 tay để nâng đỡ thân mình trong tư thế không gập khớp háng quá mức. Khi đi hay vận động không để mũi chân bên mổ xoay ra phía ngoài, không được xoay quá mức vào trong hay quá đung đưa ra sau, đặc biệt không bắt chéo chân.
  • Khi đi vệ sinh: Nên cho người bệnh ngồi trên bệ xí cao để khớp háng không bị gập quá 90 độ. Không nên ngồi trên bệ xí thấp để phòng tránh khớp háng gập hơn 90 độ.
  • Hạn chế lên xuống cầu thang: Trong trường hợp cần thiết, khi lên cầu thang cần phải bước chân bên lành lên bậc thang đầu tiên rồi mới bước chân bên thay khớp háng nhân tạo. Đối với trường hợp xuống cầu thang cần ưu tiên bước chân được thay khớp gối nhân tạo xuống trước với xang và sau đó mới bước chân lành.
  • Không được ngồi xổm để làm bất cứ việc gì sau khi thay khớp háng nhân tạo toàn phần.
  • Sau khi thay khớp háng không chơi các môn thể thao như đá bóng, nhảy cao, nhảy xa, cầu lông, bóng bàn,... hay mang vác vật nặng.
Người bệnh nên hạn chế lên xuống cầu thang sau khi thay khớp háng
Người bệnh nên hạn chế lên xuống cầu thang sau khi thay khớp háng

3. Điều trị trật khớp háng nhân tạo sau mổ

Nếu bệnh nhân bị trật khớp háng cần được tiến hành nắn trật khớp háng nhân tạo rồi phẫu thuật thay lại khớp háng. Chỉ thay phần chuôi và chỏm của khớp sao cho chặt hơn và khó trật khớp khi làm động tác gấp, xoay trong, khép tối đa trong lúc mổ. Sau đó, tiến hành chụp x-quang nhằm kiểm tra kết quả khớp háng sau mổ và theo dõi tiến triển của người bệnh phục hồi, cũng như phòng ngừa biến chứng và có thể phát hiện kịp thời.

Tóm lại, trật khớp háng nhân tạo là lý do hàng đầu để mổ lại sau khi thay khớp háng nhân tạo toàn phần bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như vận động không đúng cách, không được phục hồi chức năng sớm, độ tuổi và giới tính, các bệnh mạn tính kèm theo,... Vì vậy, người bệnh sau thay khớp háng nhân tạo cần được phục hồi chức năng sớm và có biện pháp phòng tránh trật khớp háng sau mổ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan