Gãy thân xương cánh tay điều trị thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Mai Anh Kha - Bác sĩ ngoại Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có hơn 22 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình.

Gãy thân xương cánh tay thường chiếm khoảng 1,5% tổng số ca gãy xương nói chung. Có thể lựa chọn phương pháp điều trị theo hướng bảo tồn hay phẫu thuật với kết quả điều trị gãy thân xương cánh tay tương đương nhau. Tuy nhiên bệnh nhân nên có một kiến thức cơ bản về giải phẫu và chức năng cánh tay để lựa chọn phương án điều trị phù hợp và tối ưu nhất.

1. Tổng quan về gãy thân xương cánh tay

Thân xương cánh tay là vùng xương bờ trên chỗ bám cơ ngực lớn kéo đến vùng lồi cầu cánh tay, có 2⁄3 thân trên xương tròn, 1⁄3 xương dưới dẹt dần, ống tủy dẹt trước sau.

Tùy theo vị trí của chỗ gãy thân xương cánh tay, mức độ lực tác động lên mà các hướng di lệch đặc thù như:

  • Gãy trên chỗ bám cơ ngực lớn: Đầu trên bị di lệch dạng và xoay ra ngoài do lực kéo của khối cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ dưới vai.
  • Gãy giữa chỗ bám cơ ngực lớn và chỗ bám cơ delta: do cơ ngực lớn kéo nên đầu trên khép, do cơ delta kéo nên đầu dưới di lệch lên và ra ngoài.
  • Gãy dưới chỗ bám cơ delta: Đầu trên dạng ra, đầu dưới di lệch lên trên do lực co kéo của các cơ.

Kiểu gãy điển hình nhất là gãy 1⁄3 giữa và 1⁄3 dưới thân xương cánh tay, thường đi kèm biến chứng thần kinh quay (khoảng 10-18%) như liệt vận động (mất duỗi khớp cổ tay, bàn ngón tay và các ngón cái); mất cảm giác vùng thần kinh quay, tư thế bàn tay rủ cổ cò...

Nguyên nhân gãy thân xương cánh tay thường xuất phát từ chấn thương gián tiếp như khi ngã chống tay, chống khuỷu tay, cánh tay dạng, gãy do co cơ: Tai nạn trong sinh hoạt, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn xã hội (đánh nhau, đâm chém, vết thương hỏa khí)...và thường gây gãy hở.

Gãy trên lồi cầu xương cánh tay
Thân xương cánh tay là vùng xương bờ trên chỗ bám cơ ngực lớn kéo đến vùng lồi cầu cánh tay

2. Triệu chứng và biện pháp chẩn đoán gãy thân xương cánh tay

Dấu hiệu lâm sàng

  • Cảm giác đau nhói khi sờ vào, mất cơ năng cánh tay.
  • Bầm tím, sưng, biến dạng (gập góc, ngắn chi).
  • Cử động bất thường
  • Tiếng lạo xạo ở xương.
  • Tổn thương thần kinh quay.
  • Tổn thương động mạch cánh tay.
  • Vết xây xát, rách da, xương chồi (nếu là gãy xương hở).

Dấu hiệu cận lâm sàng

Cần chỉ định chụp X-quang 2 bình diện thẳng và nghiêng để ghi nhận vị trí gãy, đường gãy, hướng di lệch, mảnh rời. Trong trường hợp gãy thân xương cánh tay do bệnh lý thì cần chụp CTMRI xác định được giới hạn của xương bệnh lý trước khi chỉ định điều trị.

3. Điều trị gãy thân xương cánh tay

Các yếu tố tiên lượng đến khả năng điều trị và phục hồi của gãy thân xương cánh tay bao gồm:

  • Loại gãy: gãy chéo hay xoắn dễ liền hơn là gãy ngang và gãy đoạn.
  • Gãy gần khớp vai hoặc khớp khuỷu sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều trị do phụ thuộc vào mức độ tổn thương phần mềm nâng đỡ khớp.
  • Gãy xương hở có khuynh hướng liền xương chậm hơn do nguy cơ bị nhiễm trùng, viêm xương.

Phương pháp điều trị gãy thân xương cánh tay được phân chia thành điều trị bảo tồn và phẫu thuật.

3.1. Điều trị bảo tồn

Được chỉ định trong hầu hết các trường hợp gãy xương kín bao gồm:

  • Gập góc ra sau <20 độ.
  • Gập góc vào trong <30 độ.
  • Chồng ngắn <3cm.

Điều trị bảo tồn có thời gian lành trung bình 6-8 tuần, thường cho kết quả tốt trong hầu hết các trường hợp.

Các phương pháp điều trị sử dụng:

  • Bột treo cánh tay: áp dụng cho gãy 1⁄3 giữa xương cánh tay, đặc biệt là gãy chéo hoặc xoắn hoặc gãy có di lệch chồng ngắn nhiều.
  • Nẹp chữ U: áp dụng cho gãy di lệch chồng ngắn ít.
  • Băng Velpeau: áp dụng cho người già, trẻ nhỏ không đáp ứng được các phương pháp điều trị khác hoặc trường hợp gãy xương không hoặc ít di lệch.
  • Bột ngực vai cánh tay: Cần dạng và xoay ngoài nhiều khi nắn. Không áp dụng cho bệnh nhân có bệnh lý hô hấp.
  • Nẹp chức năng: là bước điều trị tiếp theo sau 1-3 tuần. Không dùng trong trường hợp tổn thương mô mềm nhiều, bệnh nhân không hợp tác, không duy trì kết quả nắn chấp nhận được.

Điều trị bảo tồn cần kết hợp với tập phục hồi chức năng để giảm thiểu cứng các khớp lân cận, giúp các khớp chủ động lấy lại lực và tầm vận động.

Điều trị gãy xương tay bằng bó bột
Bó bột treo cánh tay là một trong các phương pháp điều trị

3.2. Điều trị phẫu thuật

Được chỉ định trong các trường hợp:

  • Đa chấn thương
  • Gãy xương hở.
  • Điều trị bảo tồn thất bại
  • Không lành xương.
  • Gãy nhiều mảnh hoặc nhiều đoạn, gãy kết hợp với gãy phạm khớp.
  • Khuỷu bập bềnh.
  • Gãy thân xương cánh tay có biến chứng thần kinh hoặc biến chứng mạch máu sau nắn hoặc do vết thương xuyên thấu.

Hướng điều trị:

  • Kết hợp xương bằng nẹp vít, kẹp AO có 6-8 lỗ.
  • Sử dụng đinh nội tủy có chốt hoặc đinh đàn hồi để kết hợp xương.
  • Cố định ngoài để kết hợp xương

Chăm sóc và theo dõi sau mổ:

  • Chỉ định sử dụng kháng sinh trong 5-7 ngày.
  • Sau 48 giờ rút dẫn lưu.
  • Nếu thần kinh bị thương tổn, đứt rời, đụng giập nặng thì sau mổ nên đặt một nẹp bột cẳng bàn tay để cổ bàn tay duỗi.
  • Tập cử động khớp khuỷu, cổ bàn tay sau 7-10 ngày.
  • Theo dõi khả năng phục hồi thần kinh quay sau 6-12 tuần.

Điều trị gãy thân xương cánh tay không hề đơn giản. Vì vậy, người bệnh cần đến các bệnh viện lớn, cơ sở uy tín để được thực hiện các phương pháp đúng nhất, tránh để lại biến chứng nguy hiểm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan