Lý do bạn bị sưng ngón tay

Sưng ngón tay có thể là một triệu chứng đáng báo động, đặc biệt nếu đi kèm với các triệu chứng khác như đỏ và đau. Nhiều người thắc mắc sưng khớp ngón tay là bệnh gì; theo đó có nhiều tình trạng cơ bản khác nhau có thể khiến ngón tay bị sưng và thường là không nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi kết hợp với các triệu chứng mới hoặc đang phát triển khác, ngón tay bị sưng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý cần được quan tâm.

1. Hiện tượng giữ nước

Sưng ngón tay xảy ra khi chất lỏng trong cơ thể tích tụ trong các mô hoặc khớp. Đôi khi sưng khớp ngón tay giữa hay ngón áp út khiến bạn có thể gặp khó khăn khi tháo nhẫn.

Một bữa ăn mặn có thể là một trong những thủ phạm gây ra tình trạng này. Tuy nhiên, nguyên nhân này thường không phải là lý do để lo lắng quá mức. Trong trường hợp, cả ngón tay, bàn tay, bàn chân bị sưng phù thì có thể là dấu hiệu báo động cho một vấn đề sức khỏe cần phải chú ý.

2. Tập thể dục và giải nhiệt

Tim, phổi và cơ bắp cần oxy để cung cấp năng lượng cho quá trình tập luyện. Vì vậy, máu đến những nơi này nhiều hơn và ít chảy đến tay hơn. Các mạch máu nhỏ phản ứng với sự thay đổi này và nở ra, đồng thời làm sưng các ngón tay của bạn.

Điều tương tự cũng xảy ra khi cơ thể bạn nóng lên trong thời tiết nóng bức. Để hạ nhiệt, các mạch máu trên da sẽ giãn nở ra, phần nhiệt sẽ thoát ra khỏi bề mặt da một cách nhanh chóng.

3. Chấn thương

Bạn có thể bị rách dây chằng hoặc bong gân ngón tay; bị chấn thương gân hoặc trật khớp, thậm chí là cả gãy xương. Nếu vết thương không quá nặng thì bạn có thể dùng nước đá, nghỉ ngơi và dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Tuy nhiên, nếu sưng khớp ngón tay trỏ càng tăng dần, gây biến dạng và không thể duỗi thẳng ngón tay, kèm theo bị sốt hoặc rất đau thì bạn cần đi khám sớm.

4. Nhiễm trùng

Ba tác nhân có thể gây sưng ngón tay là:

  • Herpetic whitlow 9 (ngón tay trắng): Đây là một bệnh nhiễm trùng herpes gây ra các mụn nước nhỏ, sưng tấy, có máu trên các ngón tay
  • Viêm quanh móng: Nhiễm trùng ở móng do vi khuẩn hoặc nấm gây ra.
  • Chín mé (bệnh Felon): Tình trạng nhiễm trùng có mủ gây đau đớn ở đầu ngón tay,
  • Sưng và nhiễm trùng ngón tay có thể lây lan hoặc đến các bộ phận khác của cơ thể nếu chúng không được điều trị sớm.

5. Viêm khớp

  • Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến lớp niêm mạc của khớp và gây sưng, đau và cứng khớp cả hai bàn tay. Bệnh diễn tiến nặng sẽ ảnh hưởng đến khớp nhỏ của cả hai chân.
  • Viêm khớp vẩy nến có thể ảnh hưởng đến những người có tình trạng da là bệnh vẩy nến. Bệnh thường gây sưng tấy ở ngón tay và ngón chân.

Cả hai loại viêm khớp nêu trên đều nghiêm trọng và có thể gây tổn thương khớp cũng như các vấn đề cơ thể khác, nếu không được điều trị đúng cách.

6. Bệnh Gout

Bệnh gout (thống phong) chủ yếu gây ảnh hưởng đến những người có khả năng đã tiêu thụ nhiều thịt, hải sản và rượu. Bệnh gây ra phản ứng viêm gây đau và sưng tấy, bệnh thường xảy ra ở ngón chân cái. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể mắc bệnh ở bất kỳ khớp nào, kể cả ngón tay.

Bệnh gout xảy ra khi có quá nhiều axit uric trong máu và tạo thành các tinh thể trong khớp. Thuốc có thể giúp làm dịu cơn đau và ngăn chặn các cuộc tấn công nhiều hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thì bạn cần thăm khám và nhờ bác sĩ tư vấn về việc sử dụng thuốc.

7. Hội chứng ống cổ tay

Bệnh lý này xảy ra khi dây thần kinh giữa bị chèn ép trong ống cổ tay. Tình trạng chèn ép thần kinh khiến người bệnh cảm thấy tê ngón tay, mất khả năng cử động và sưng lên, ngay cả khi không nhìn thấy bất thường bên ngoài da.

Những chuyển động cổ tay giống nhau lặp đi lặp lại là nguyên nhân thường gặp gây ra hội chứng ống cổ tay. Bệnh có thể được điều trị bằng tiểu phẫu giải áp bên trong ống cổ tay và thường không gây tổn thương lâu dài.

8. Ngón tay cò súng

Tình trạng này khiến ngón tay cong lại như cò súng dù bản thân bạn muốn uốn cong hoặc duỗi thẳng. Ngón tay lúc này cũng có thể bị sưng húp lên.

Ngón tay cò súng xảy ra khi có sưng quanh gân, đôi khi sau khi phẫu thuật hội chứng ống cổ tay. Bệnh phổ biến hơn ở những người bị viêm khớp dạng thấp hoặc tiểu đường. Ngón tay kích hoạt có thể tự cải thiện hay trở nên tồi tệ hơn, gây cứng khớp ở một vị trí uốn cong.

9. Bệnh thận

Thận có vai trò loại bỏ chất thải và chất lỏng thừa ra khỏi cơ thể. Một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy thận có vấn đề chính là triệu chứng sưng phù ở ngón tay, bàn chân và xung quanh mắt.

Bạn có nhiều khả năng bị bệnh thận mạn nếu có tiền căn mắc bệnh tiểu đường hoặc huyết áp cao. Do đó, kiểm soát những vấn đề này để bảo vệ thận hoặc ngăn bệnh tiến triển nặng hơn. Nếu thận của bạn không hoạt động đủ tốt, bạn sẽ cần cấy ghép hoặc lọc máu suốt đời.

10. Thai kỳ

Bạn có thể bị sưng ngón tay, mắt cá chân và bàn chân như dự kiến trong thai kỳ. Nhưng sưng tấy đột ngột, đặc biệt là ở tay và mặt, có thể là dấu hiệu của chứng tiền sản giật.

Đây là tình trạng huyết áp cao nguy hiểm có thể xảy ra trong nửa sau của thai kỳ, có ảnh hưởng đến thận, gây ra sưng tấy ngón tay. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị đau đầu, đau bụng và khó nhìn.

11. Bệnh hồng cầu hình liềm

Các tế bào hồng cầu bình thường trông giống như cái đĩa lõm hai mặt và rất linh hoạt. Khi bạn bị bệnh hồng cầu hình liềm, các tế bào máu đỏ trở nên cứng và có hình lưỡi liềm. Những tế bào dị dạng này dễ bị mắc kẹt trong các mạch máu nhỏ và ngăn chặn dòng chảy của máu.

Ở bàn tay và bàn chân, điều này sẽ gây ra sưng đau các khớp. Các vấn đề khác bao gồm nhiễm trùng, thiếu máu, đột quỵ và mù lòa.

12. Phù bạch huyết

Tình trạng sưng tấy này xảy ra khi chất lỏng trong hệ thống bạch huyết không thể thoát tốt. Đôi khi nó là một tác dụng phụ của việc điều trị ung thư.

Phụ nữ bị ung thư vú thường phải cắt bỏ các hạch bạch huyết ở nách để kiểm tra tế bào ác tính. Chính điều này làm rối loạn dòng chảy của bạch huyết và có thể dẫn đến sưng ở cánh tay và bàn tay.

13. Bệnh Raynaud

Đây là một vấn đề hiếm gặp ảnh hưởng đến các mạch máu ở ngón tay và ngón chân của bạn. Bệnh khiến mạch máu co hẹp lại khi bạn bị lạnh hoặc căng thẳng. Thiếu máu lưu thông làm cho các ngón tay của bạn bị đóng băng và đau đớn, chuyển sang màu trắng hoặc xanh lam.

Khi các mạch mở ra và tưới máu trở lại, ngón tay có thể đau nhói và sưng lên. Trong những trường hợp nghiêm trọng, thiếu máu lưu thông có thể gây lở loét hoặc thậm chí hoại tử mô.

14. Bệnh xơ cứng bì

Đây là một bệnh của hệ thống miễn dịch đánh lừa cơ thể bạn tạo ra quá nhiều một loại protein gọi là collagen. Điều này làm dày và cứng da và có thể ảnh hưởng đến các bộ phận cơ thể khác.

Cụ thể là bàn tay của bạn có thể trở nên chai cứng và các ngón tay sưng phồng. Một số người có các triệu chứng nhẹ. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, các cơ quan đều có thể bị thương. Bệnh xơ cứng bì không tự khỏi nhưng có thể điều trị được.

Tóm lại, có nhiều tình trạng sức khỏe có thể khiến sưng ngón tay. Hầu hết những lý do này, chẳng hạn như thân nhiệt cao, tập thể dục hoặc thậm chí là nội tiết tố, hiếm khi nguy hiểm. Đối với những loại tình trạng này, các biện pháp can thiệp đơn giản có thể giúp giảm bớt sưng tấy hoặc khó chịu mà bạn có thể cảm thấy ở ngón tay. Tuy nhiên, nếu sưng ngón tay mãn tính kèm theo các triệu chứng khác thì bạn nên đi khám để bác sĩ xác định xem có một bệnh lý tiềm ẩn nào gây ảnh hưởng hay không.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: osmosis.org, healthline.com, webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

93.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan