Mổ thoát vị đĩa đệm có ảnh hưởng gì không?

Thoát vị đĩa đệm là 1 trong những bệnh thường gặp ở Việt Nam, với tỷ lệ chiếm đến 30% dân số và việc điều trị thoát vị đĩa đệm cũng mất khá nhiều thời gian. Phẫu thuật được xem là liệu pháp cuối cùng cho những bệnh nhân nặng và triệu chứng dai dẳng. Tuy nhiên phẫu thuật thoát vị đĩa đệm có thể gây ra một số biến chứng khiến nhiều bệnh nhân lo lắng.

1. Thoát vị đĩa đệm là gì?

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm bị lệch, trượt do tai nạn, chấn thương hay thoái hóa... khiến cho phần nhân nhầy bên trong thoát ra ngoài, ảnh hưởng đến dây thần kinh và tủy sống ở khu vực kế cận. Những bất thường này có liên quan đến một hoặc nhiều đĩa đệm nằm giữa các đốt sống trên cột sống của người bệnh. Hai dạng thường gặp nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.

Tùy thuộc vào vị trí đĩa đệm bị thoát vị, bệnh nhân sẽ những biểu hiện như đau nhức, bỏng rát, tê hoặc ngứa râm ran, yếu cơ dẫn đến khó cầm nắm đồ vật... Một số trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng khiến cho việc chẩn đoán muộn và do đó điều trị thoát vị đĩa đệm khó khăn hơn.

2. Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm

2.1 Điều trị không dùng thuốc

  • Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi có thể giúp giảm sưng tấy và giúp các tổn thương có thời gian hồi phục. Trong thời gian này, người bệnh nên nghỉ ngơi trên giường khoảng 1-2 ngày, tránh tập thể dục hoặc thực hiện các hoạt động cần phải cúi người hay nâng vác vật nặng. Tuy nhiên, cũng không nên nghỉ quá lâu để tránh các khớp và cơ bị co cứng.
  • Tập vật lý trị liệu: Một số bài tập vật lý trị liệu có thể giúp cải thiện các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm. Chương trình vật lý trị liệu có thể bao gồm: Các bài tập kéo căng để cơ linh hoạt hơn; Các bài tập thể dục nhịp điệu giúp giảm đau cổ và lưng.
  • Massage: Phương pháp này có khả năng giảm đau, tăng tuần hoàn máu và hỗ trợ tăng cường sức khỏe hiệu quả. Hiện có khoảng 80 kiểu massage trị liệu với nhiều kỹ thuật khác nhau. Trước khi chọn massage, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ để chọn loại phù hợp nhất.
  • Liệu pháp nhiệt độ: Cả chườm nóng và chườm lạnh đều có thể được áp dụng để giảm triệu chứng đau do thoát vị đĩa đệm. Nguyên tắc chung là chườm lạnh trong 24 giờ đầu tiên sau chấn thương, sau đó chườm nóng hay lạnh tùy theo sở thích của bệnh nhân.
  • Liệu pháp xung điện: Phương pháp này giúp giảm đau, cải thiện lưu lượng máu và tăng cường sức mạnh cho cơ bắp.
  • Phương pháp Chiropractic: Đây là phương pháp nắn chỉnh xương khớp bị lệch trở về đúng vị trí. Chiropractic thường hiệu quả với các cơn đau ở vùng lưng dưới, nhưng đối với thoát vị đĩa đệm ở cổ thì phải thận trọng và đề phòng nguy cơ đột quỵ.

2.2 Điều trị dùng thuốc

  • Thuốc giảm đau không kê đơn: Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc giảm đau không kê đơn chẳng hạn như acetaminophen, ibuprofen hoặc naproxen để giúp giảm đau cho bệnh nhân. Thuốc giãn cơ cũng có thể được chỉ định cho những bệnh nhân bị co thắt cơ. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có tác dụng phụ là gây buồn ngủ, mệt mỏi, choáng váng...Nếu các loại thuốc nêu trên không làm giảm cơn đau, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng ngắn hạn thuốc giảm đau opioid. Người bệnh sử dụng opioid có thể gặp các tác dụng như buồn ngủ, buồn nôn, lú lẫn, táo bón hoặc thậm chí là nghiện thuốc
  • Tiêm thuốc Steroid: Bác sĩ có thể chỉ định tiêm thuốc steroid vào khu vực xung quanh dây thần kinh cột sống, được gọi là phương pháp tiêm ngoài màng cứng. Cách này có thể áp dụng cho tình trạng bệnh từ trung bình đến nặng. Thuốc steroid có tác dụng giảm sưng, giảm đau do thoát vị đĩa đệm và giúp người bệnh đi lại dễ dàng hơn.

2.3 Điều trị ngoại khoa

Các biện pháp can thiệp ngoại khoa trong điều trị thoát vị đĩa đệm gồm có:

  • Mổ hở: Phẫu thuật mổ mở hoặc qua ống banh, lấy bỏ nhân thoát vị để giải chèn ép thần kinh. Đôi khi có thể dùng kính hiển vi để hỗ trợ trong mổ. Ở một số bệnh nhân, việc chỉ định mổ hở là cần thiết. Tuy nhiên, biến chứng sau mổ hở có thể gặp là nhiễm trùng, đau, viêm vùng mổ,...
  • Mổ nội soi đĩa đệm: Phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm là một kỹ thuật được sử dụng khá phổ biến hiện nay. Phương pháp này dành cho những bệnh nhân bị chèn ép thần kinh cấp tính do thoát vị đĩa đệm, điều trị nội khoa thất bại hay thoát vị di trú... Bằng việc mở một đường nhỏ khoảng 2,5cm trên da, bác sĩ sẽ đưa hệ thống ống nội soi và dụng cụ phẫu thuật vào tiếp cận cột sống và thực hiện giải phóng áp lực cho dây thần kinh, tủy sống. Ngoài phương pháp gây mê, người bệnh cũng có thể được gây tê cục bộ khi mổ nội soi. Mổ nội soi gây ra vết mổ tương đối nhỏ, do đó khá an toàn và không gây nhiễm trùng, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn một vài biến chứng.

3. Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không?

“Mổ thoát vị đĩa đệm có ảnh hưởng gì không?” hay “mổ thoát vị đĩa đệm cổ có nguy hiểm không?” là những thắc mắc được nhiều bệnh nhân quan tâm. Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm là phương pháp điều trị cuối cùng cho những trường hợp bệnh nặng, đau nhức nhiều. Phương pháp này nhìn chung không gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân, nhưng vẫn có một số biến chứng sau phẫu thuật có thể sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người nhân. Tuy vào phương pháp phẫu thuật mà tỷ lệ xảy ra biến chứng sẽ khác nhau.

Nhìn chung, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm có thể gây ra các biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng, tăng sinh mô xơ sợi, dính rễ thần kinh, tổn thương dây thần kinh hoặc màng cứng quanh tủy sống, đau kéo dài, đĩa đệm nhân tạo lệch khỏi vị trí ban đầu,....Sau phẫu thuật, cột sống sẽ có một độ cứng nhất định, có thể vĩnh viễn không cải thiện được, nhất là khi thực hiện phẫu thuật cố định cột sống.

Ngoài ra, bệnh có thể tái phát sau mổ, bệnh nhân cần thường xuyên điều trị phục hồi chức năng theo hướng dẫn của bác sĩ. Thời gian phục hồi có thể kéo dài và người bệnh phải thăm khám định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe. Tóm lại, dù mổ thoát vị đĩa đệm có thể gây ra một số biến chứng, tuy nhiên với sự tiến bộ của y học hiện nay thì bệnh nhân không nên quá lo lắng. Điều quan trọng là tuân theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để nhanh chóng hồi phục.

4. Cách phòng ngừa thoát vị đĩa đệm tái phát

Một số trường hợp bệnh vẫn tái phát trở lại sau khi điều trị. Do vậy, người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ để phòng ngừa bệnh tái phát. Sau đây là một số lưu ý giúp phòng ngừa thoát vị đĩa đệm tái phát:

  • Luôn ngồi và đứng thẳng. Nếu phải đứng lâu, bệnh nhân nên gác một chân lên vật nào đó để giảm áp lực cho lưng.
  • Tránh nâng vật nặng quá 2,5kg. Nếu phải nâng vật nặng, hãy ngồi xổm rồi từ từ nâng lên, tránh uốn cong thắt lưng.
  • Duy trì cân nặng ổn định để không gây áp lực lên cột sống.
  • Tránh hút thuốc vì thuốc lá có thể gây ra xơ cứng động mạch, làm hỏng các đĩa đệm.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý và bổ sung các loại thực phẩm tốt cho xương.
  • Tập vận động thường xuyên theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Đối với bất cứ tình trạng bệnh nào, khi phát hiện bệnh sớm có thể điều trị dễ dàng bằng các phương pháp như uống thuốc, thay đổi lối sống, vật lý trị liệu....Tuy nhiên, bệnh nhân thường có tâm lý chủ quan, coi thường bệnh, chỉ khi cơn đau liên tục kéo dài người bệnh mới đến bệnh viện thăm khám, khi này việc điều trị đã trở nên rất khó khăn. Do vậy, khi có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh thoát vị đĩa đệm, bệnh nhân nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

609 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan