Tổng quan về thay toàn bộ xương cánh tay

Bài viết của ThS.BS Trần Đức Thanh - Bác sĩ Phẫu thuật u xương và phần mềm - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Phẫu thuật thay toàn bộ xương cánh tay là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ xương cánh tay bị bệnh. Sau đó thay thế bằng các loại vật liệu nhân tạo như: xương đồng loại, xương tự thân,...nhằm tạo hình lại khớp vai và khớp khuỷu, phục hồi lại chức năng vận động của cánh cẳng tay. Đây là một kĩ thuật mổ chuyên sâu mà Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong số rất ít trung tâm Chấn thương chỉnh hình trên thế giới có thể thực hiện được.

  • Tên khoa học: Phẫu thuật thay toàn bộ xương cánh tay
  • Tên thường gọi: Phẫu thuật toàn bộ xương cánh tay

1. Phẫu thuật thay toàn bộ xương cánh tay được dùng để điều trị bệnh gì?

  • Ung thư xương cánh tay.
  • Di chứng chấn thương mất chức năng toàn bộ xương cánh tay.
  • Viêm xương tủy xương mạn tính.

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định thay toàn bộ xương cánh tay

Chỉ định:

  • Điều trị triệt căn ung thư xương giai đoạn II xâm lấn toàn bộ xương cánh tay, không có khả năng bảo tồn từng phần của cánh tay.
  • Điều trị bảo tồn chức năng cánh tay trong ung thư xương giai đoạn IV, thể trạng bệnh nhân còn tốt, tiên lượng sống > 6 tháng, bệnh nhân và gia đình có nguyện vọng bảo tồn chi.
  • Sau di chứng chấn thương, khớp giả, mất đoạn lớn xương cánh tay sau các gãy xương hở
  • Tổn thương viêm xương tủy xương mạn tính toàn bộ xương cánh tay thất bại với các phương án bảo tồn khác.
  • Ung thư từ vị trí khác di căn đến xương cánh tay

Chống chỉ định:

  • Ung thư xương xâm lấn rộng tại chỗ, chèn ép, xâm lấn thần kinh làm mất chức năng của cánh, cẳng bàn tay.
  • Thể trạng toàn thân không đáp ứng được yêu cầu của gây mê hồi sức.
  • Ung thư xương giai đoạn IV, tiên lượng sống kém < 6 tháng.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kĩ thuật thay toàn bộ xương cánh tay

Ưu điểm:

  • Bảo tồn được chức năng cánh tay
  • Bệnh nhân tập vận động trở lại ngay lập tức
  • Tránh tâm lý tự ti, mặc cảm khi phải cắt cụt chi để điều trị bệnh ung thư.
  • Phục hồi lại khả năng vận động của khớp vai, khớp khuỷu
  • Thời gian nằm viện hậu phẫu chỉ từ 5 ngày

Nhược điểm:

  • Một số giải pháp không sẵn có vật liệu như xương đồng loại
  • Chi phí cho vật liệu nhân tạo còn tương đối cao

4. Các loại vật liệu được sử dụng để thay toàn bộ xương cánh tay

  • Vật liệu xương tự thân (Autograft): thường nhất là xương mác của chính bệnh nhân (một xương ở cẳng chân), giúp giảm chi phí điều trị nhưng không đạt được độ chính xác về giải phẫu.
  • Vật liệu xương đồng loại (Allograft): là xương cánh tay từ người cho chết não hiến tặng, nguồn vật liệu này tại Việt Nam còn hạn chế về nhiều yếu tố.
  • Vật liệu phức hợp xương đồng loại và nhân tạo (Alloprosthetic composite): cũng tương tự như vật liệu xương đồng loại nhưng sẽ sử dụng kèm phần vật liệu nhân tạo, thường là đoạn nhựa sinh học trong các trường hợp khuyết thiếu từ xương đồng loại.
  • Vật liệu xương nhân tạo kim loại (endoprosthesis): là giải pháp tốt nhất hiện nay để ứng dụng công nghệ 3D giúp chức năng chỉ có thể nhanh chóng được phục hồi, cho phép tì lực sớm và vận động lại khớp ngay lập tức vì cấu trúc vững ngay từ thì đầu. Nhược điểm là chi phí còn cao và có nguy cơ bị gãy mỏi và lỏng chuôi khớp theo thời gian.
  • Một số cải tiến phối hợp vật liệu nhân tạo kim loại và vật liệu nhân tạo nhựa sinh học giúp giảm chi phí và trọng lượng của xương cánh tay nhân tạo.

5. Quy trình thực hiện

Bước 1: Người bệnh được thăm khám, xét nghiệm, chụp X- quang, CT, MRI, chụp xạ hình xương, chẩn đoán bệnh và giai đoạn bệnh

Bước 2: Các bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá, đo đạc trên phim MRI, CT để tính toán ra thông số phù hợp cho bệnh nhân, dựng hình 3D thiết kế của cấu phần khớp vai, khớp khuỷu, lên kế hoạch phẫu thuật phù hợp nhất.

Bước 3: Quy trình phẫu thuật

  • Bệnh nhân nằm ngửa
  • Rạch da đường Delta – ngực mở rộng
  • Phẫu tích lần lượt các cấu trúc gân cơ vùng vai, cơ vùng cánh tay và khuỷu, bảo vệ các cấu trúc mạch máu thần kinh
  • Đối với các phẫu thuật ung thư xương cần tuân theo các nguyên tắc phẫu thuật cắt rộng khối u thành một khối (wide excision en bloc)
  • Đánh trật khớp vai, giữ lại tối đa chiều dài gân của khối gân cơ chóp xoay.
  • Cắt bao khớp khuỷu
  • Lấy toàn bộ xương cánh tay, xử lại trường mổ bằng cồn.
  • Tạo hình lại ổ chảo và đầu trên xương trụ theo kế hoạch
  • Đặt xương cánh tay nhân tạo
  • Khâu phục hồi lại bao gân cơ chóp xoay để ôm lấy tối đa phần chỏm khớp vai mới.
  • Test vận động khớp, tinh chỉnh đến khi đạt yêu cầu.

Bước 4: Theo dõi, chăm sóc sau mổ, phục hồi chức năng

  • Cần theo dõi sát toàn trạng sau mổ, tình trạng mất máu, mất dịch của bệnh nhân
  • Bệnh nhân được dùng thuốc kháng sinh, giảm phù nề, thay băng hàng ngày
  • Đánh giá tình trạng tuần hoàn, chức năng của các thần kinh nách, thần kinh quay, trụ, giữa.
  • Bệnh nhân được khuyến khích ngồi dậy sớm nhất có thể, dùng túi treo tay hỗ trợ cánh tay sau mổ
  • Tập vận động thụ động ngày đầu tiên sau mổ
  • Tập vận động các ngày sau theo hướng dẫn của bác sĩ và kỹ thuật viên Phục hồi chức năng.

Theo dõi sau ra viện

  • Bệnh nhân được hướng dẫn cụ thể cách tập luyện, phục hồi chức năng ngoại trú
  • Tái khám lại mỗi 2 tuần trong 2 tháng đầu và 3 tháng 1 lần trong các tháng tiếp theo
  • Thông thường, bệnh nhân có thể viết, sinh hoạt hằng ngày bằng bàn tay sau mổ 1 tuần và vận động vai khuỷu ở mức tương đối ổn định sau 1 – 2 tháng.

6. Các loại máy móc phục vụ kỹ thuật

  • Máy chụp cắt lớp vi tính 768 dãy: đánh giá được hình dạng, kích thước khối u, đặc tính của khối u xương, dùng kích thước các cấu phần khớp dựa trên mô phỏng 3D để lên kế hoạch trước mổ
  • Máy chụp cộng hưởng từ MRI 3.0 Tesla: đánh giá cụ thể mức độ xâm lấn phần mềm, xâm lấn mạch máu thần kinh để tiên lượng trước khó khăn trong mổ
  • Máy chụp xạ hình xương: dùng đánh giá toàn thân, tầm soát tổn thương di căn xa,.... Đánh giá sự lỏng khớp nhân tạo về lâu dài.
  • Phòng mổ Hybrid: phòng mổ đạt tiêu chuẩn JCI với áp lực dương liên tục được kiểm soát hàng ngày, hệ thống robot kiểm tra trong mổ, màn hình trình chiếu hỗ trợ phẫu thuật viên trong mổ.
Hình ảnh: Bệnh nhân ung thư xương cánh tay được thay toàn bộ cánh tay bằng vật liệu kim loại và PEEK
Hình ảnh: Bệnh nhân ung thư xương cánh tay được thay toàn bộ cánh tay bằng vật liệu kim loại và PEEK
Hình ảnh: Bệnh nhân Sarcoma Ewing được thay xương cánh tay bằng xương mác tự thân
Hình ảnh: Bệnh nhân Sarcoma Ewing được thay xương cánh tay bằng xương mác tự thân
Thay toàn bộ xương cánh tay
Hình ảnh: Thay toàn bộ xương cánh tay bằng vật liệu nhân tạo bằng hợp kim titan

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

957 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan