Trật khớp cổ tay có cần bó bột không?

Trật khớp cổ tay là tình trạng khớp cổ tay bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu gây triệu chứng sưng đỏ, đau đớn dữ dội tại khu vực bị ảnh hưởng. Người bị trật khớp cổ tay cần được bó bột, điều trị bằng các phương pháp không xâm lấn và chăm sóc tại nhà.

1. Khái niệm trật khớp cổ tay

Trật khớp cổ tay xảy ra do các tổn thương hoặc rách mạng lưới dây chằng ở cổ tay – vị trí kết nối hệ thống 8 xương nhỏ của cổ tay. Người bệnh bị trật khớp cổ tay thường do nguyên nhân ngã ở tư thế dang rộng tay để chống đỡ cơ thể, bên cạnh đó các môn thể thao như bóng rổ, bóng đá và các tiếp xúc trực tiếp nhiều với bàn tay đều làm tăng nguy cơ trật khớp cổ tay. Tình trạng xảy ra làm các xương cổ tay bị lệch khỏi vị trí ban đầu dẫn đến đau đớn và sai khớp.

Trật khớp cổ tay bao gồm một số loại như sau:

  • Trật khớp xương bán nguyệt: Vị trí xương bán nguyệt nằm ở trung tâm của cổ tay, tham gia vào hoạt động của cổ tay và cung cấp cấu trúc thượng tầng cho bàn tay. Trật khớp loại này làm cho xương bán nguyệt lệch khỏi vị trí ban đầu.
  • Trật khớp xương quanh nguyệt: Thường xảy ra khi tổn thương các dây chằng xung quanh cổ tay, dẫn đến sưng đỏ có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
  • Gãy Galeazzi: Thường xảy ra sau tai nạn ngã trực tiếp tác động đến cổ tay dẫn đến các cơn đau nặng ở cổ tay và các mô mềm xung quanh.
  • Gãy xương vùng cẳng tay: Xảy ra khi người bệnh ngã ở tư thế ngửa người hoặc tác động trực tiếp lên xương cẳng tay dẫn đến nứt, gãy.

Người bệnh bị trật khớp cổ tay có thể nằm trong 3 mức độ từ nhẹ đến nặng như sau:

  • Độ 1: Căng hoặc rách dây chằng cổ tay và có thể dẫn đến tình trạng bong gân;
  • Độ 2: Một số dây chằng bị rách;
  • Độ 3: Đầu xương lệch ra khỏi ổ khớp, một số dây chằng bị đứt hoàn toàn.

2. Nguyên nhân bị trật khớp cổ tay

Trật khớp cổ tay xảy ra do các nguyên nhân sau:

  • Tai nạn ngã mạnh xuống đất và dùng tay để chống;
  • Đỡ một vật nặng bằng tay;
  • Vặn cổ tay quá mức;
  • Người bệnh có tiền sử mắc hội chứng ống cổ tay hoặc viêm khớp;
  • Các chấn thương liên quan đến cổ tay khi chơi thể thao.
  • Người bệnh có tiền sử bị trật khớp cổ tay.
bị trật khớp cổ tay
Người bệnh bị trật khớp cổ tay có thể nằm trong 3 mức độ từ nhẹ đến nặng

3. Triệu chứng trật khớp cổ tay

Người bệnh bị trật khớp cổ tay có triệu chứng chính là các cơn đau dữ dội tại vị trí tổn thương, cơn đau ngày càng nghiêm trọng khi người bệnh cố gắng di chuyển cổ tay. Triệu chứng đau đớn khiến người bệnh luôn đặt ra câu hỏi liệu “trật khớp cổ tay bao lâu thì khỏi” và bệnh lý còn xuất hiện triệu chứng nào khác hay không. Thông thường, ngoài các cơn đau nhức dữ dội, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng sau đây:

  • Sưng đỏ, căng cứng vùng cổ tay;
  • Cơn đau tăng lên nhiều khi cố gắng cử động cổ tay;
  • Cảm giác mềm khi sờ hoặc ấn vào da cổ tay;
  • Phạm vi cử động cổ tay bị giảm;
  • Cảm giác ngứa ran ở các ngón tay đặc biệt là ngón giữa, ngón cái và ngón trỏ;
  • Triệu chứng cứng khớp ngón tay đặc biệt là ngón cái;
  • Biến dạng cổ tay.

4. Làm gì khi bị trật khớp cổ tay?

Người bệnh sau khi bị chấn thương có nghi ngờ trật khớp cổ tay cần được hỗ trợ và xử lý một cách đúng đắn. Một số lưu ý như sau:

  • Người bệnh cần ngừng mọi hoạt động;
  • Chườm lạnh một cách nhẹ nhàng lên vị trí khớp bị tổn thương thông qua một lớp khăn để tránh hiện tượng bỏng lạnh.
  • Tuyệt đối không nắn trật khớp cổ tay khi chưa có chẩn đoán của bác sĩ.
  • Dùng gạc để giữ nguyên vết thương của người bệnh
  • Đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.
bị trật khớp cổ tay
Người bệnh bị trật khớp cổ tay có triệu chứng chính là các cơn đau dữ dội tại vị trí tổn thương

5. Điều trị trật khớp cổ tay

Bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng trật khớp cổ tay thông qua triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng như chụp X – quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ MRI có sử dụng thuốc cản quang...

Điều trị trật khớp cổ tay dựa trên mục tiêu chính là cải thiện triệu chứng đau, ngăn ngừa các biến chứng liên quan. Các phương pháp điều trị chính bao gồm điều trị không phẫu thuật, điều trị phẫu thuật và vật lý trị liệu. Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp tùy thuộc và tình trạng của từng người bệnh.

5.1. Điều trị không phẫu thuật

Phương pháp này được áp chủ yếu ở hầu hết các trường hợp, dựa trên nguyên tắc sử dụng các biện pháp bảo tồn giúp di chuyển khớp về vị trí ban đầu. Vì vậy nhiều người bệnh thường thắc mắc rằng “trật khớp có tay có cần bó bột không”.

Bó bột là một trong những kỹ thuật của phương pháp điều trị không phẫu thuật. Thời gian cho điều trị bảo tồn có thể mất khoảng vài tháng để phục hồi chức năng ở bàn tay. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh một số loại thuốc không kê đơn giúp giảm đau như paracetamol, naproxen, ibuprofen...

5.2. Điều trị phẫu thuật

Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp người bệnh bị trật khớp cổ tay nghiêm trọng hoặc phương pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả tối ưu. Phẫu thuật được thực hiện theo nguyên tắc nối các xương lại vị trí bình thường, cải thiện các tổn thương ở cấu trúc xung quanh cổ tay và cải thiện các vấn đề ở dây chằng.

Bác sĩ sẽ tiến hành rạch một đường ở cổ tay nhằm để lộ khớp và sau đó đưa khớp trở lại vị trí ban đầu. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể sử dụng vít, ghim hoặc dụng cụ cố định khớp từ bên ngoài, tuy nhiên kỹ thuật này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng hoặc làm hỏng phần cứng ở cổ tay.

5.3. Vật lý trị liệu

Phương pháp điều trị quan trọng giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi và đưa cổ tay về vị trí ban đầu. Các bài tập vật lý trị liệu sẽ được bác sĩ chỉ định phù hợp với tình trạng và tổn thương do trật khớp của người bệnh. Trong đó bao gồm các bài tập sau:

  • Gập tay: Bài tập dựa trên nguyên tắc người bệnh gập cổ tay về phía trước đến khi có cảm giác căng nhưng không đau, tư thế được giữ yên trong 6 giây và được lặp lại 10 lần, thời gian nghỉ giữa các thao tác lặp lại là 30 giây.
  • Mở rộng cổ tay: Bài tập được thực hiện bằng cách người bệnh uốn cong cổ tay về phía sau đến khi có cảm giác căng nhưng không đau, tư thế được giữ yên trong 6 giây và được lặp lại 3 hiệp, mỗi hiệp thực hiện 10 cái.
  • Uốn cong cổ tay: Bài tập được thực hiện bằng cách người bệnh uốn cong cổ tay từ bên này sang bên kia đến khi có cảm giác căng nhưng không đau, tư thế được giữ yên trong 5 giây và được lặp lại 2 hiệp, mỗi hiệp thực hiện 15 cái.
  • Kéo gập cổ tay: Bài tập được thực hiện bằng cách giữ thẳng khuỷu tay và lòng bàn tay trái hướng lên trên. Tiếp đó người bệnh dùng tay phải nắm các ngón tay trái, kéo hướng xuống nhằm giúp làm giãn cổ tay, tư thế được giữ yên trong 30 giây.

Mức độ hồi phục trật khớp cổ tay của người bệnh phụ thuộc vào tình trạng và độ nghiêm trọng của tổn thương khớp. Thông thường đối với phương pháp điều trị bảo tồn tại nhà mất khoảng 2 – 3 tháng để hồi phục, đối với tổn thương nặng phải phẫu thuật thì có thể mất đến 6 tháng. Trong thời gian điều trị và hồi phục chấn thương, người bệnh cần hạn chế các hoạt động gây áp lực lên cổ tay nhằm tránh nguy cơ tái phát. Bên cạnh đó, việc luyện tập các bài tập vật lý trị liệu theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp phục hồi sự linh hoạt của cổ tay, giảm thiểu triệu chứng bệnh và rút ngắn thời gian hồi phục.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

56.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan