Người bị phồng đĩa đệm có chạy bộ được không?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Em là nam, năm nay 31 tuổi. Cách đây khoảng vài tháng, em thường xuyên đá bóng và thỉnh thoảng thấy có triệu chứng đau thắt lưng. Em có đi khám, chụp MRI được chẩn đoán là phồng nhân nhầy đĩa đệm L4/5, thoái hoá thân L2,3,4 đốt sống thắt lưng. Sau đó, bác sĩ có kê thuốc Join - Flex 60 viên và Piascledine 300 -30 viên và hiện nay đã uống hết liệu trình. Bây giờ, thỉnh thoảng khoảng 1 tuần hoặc vài ngày em có bị đau lưng khoảng vài tiếng. Ngoài ra, em không bị đau lan xuống vùng khác. Bác sĩ cho em hỏi em có cần khám lại không ạ? Người bị phồng đĩa đệm có chạy bộ được không ạ? Em cảm ơn bác sĩ.

Tùng (1990)

Trả lời

Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Thị Hiền - Bác sĩ đa khoa- Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Người bị phồng đĩa đệm có chạy bộ được không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Phồng đĩa đệm xảy ra khi đĩa đệm không ở vị trí giải phẫu bình thường, vòng xơ bị giãn và thường lồi về phía sau, nhân nhầy vẫn còn nằm trong vòng xơ chưa thoát ra ngoài. Tình trạng này làm thay đổi áp lực nhưng chưa chèn ép thần kinh hoặc tủy nên đa phần người bệnh thường không có cảm giác đau hay hạn chế vận động. Thế nhưng, nếu tình trạng phồng đĩa đệm không được phát hiện và điều trị kịp thời, cùng với người bệnh thường xuyên mang vác nặng, và có lối sống ít vận động thể chất cùng với quá trình lão hóa, thì phồng đĩa đệm có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm.

Các môn thể thao dành cho người bị bệnh cột sống: Các bài tập yoga có khả năng giúp ích rất nhiều đối với các vấn đề ở lưng, trong đó có thoát vị đĩa đệm. Bơi lội nói chung là môn thể thao khá an toàn, hạn chế xảy ra nguy cơ chấn thương cột sống. Đi bộ là bài tập rất thích hợp cho người bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Tập đều đặn hàng ngày, bệnh nhân có thể đi bộ 30 - 45 phút vào buổi sáng, chiều hoặc nếu có thời gian thì nên tận dụng cả hai buổi. Đạp xe là môn thể thao tốt cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm vì nó đảm bảo cho việc sử dụng trọng lượng cơ thể để kéo giãn cột sống, giảm áp lực lên đĩa đệm.

Ở trường hợp của bạn, bạn không nên chạy bộ liên tục, toàn bộ trọng lượng cơ thể sẽ dồn ép vào chân và thắt lưng, gây ra căng thẳng tới đĩa đệm. Bạn nên tập luyện và vận động vừa phải sẽ rất có ích trong việc hỗ trợ điều trị bệnh. Tuy nhiên, nếu nhận thấy có hiện tượng đau hoặc các triệu chứng nặng hơn như tê liệt ở chân, đau tê vùng mông, khó tiểu hoặc khó đại tiện hoặc bị yếu đột ngột ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, đặc biệt là chân thì bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám để nhận được sự tư vấn, điều trị phù hợp và có biện pháp phòng ngừa thoát vị đĩa đệm cột sống..

Nếu bạn còn thắc mắc về phồng đĩa đệm, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

407 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan