Tập co duỗi sau điều trị gãy xương chày như thế nào hiệu quả?

Hỏi

Xin chào bác sĩ!

Tôi năm nay 42 tuổi. Tôi bị vỡ lún xương chày, phải ghép xương nhân tạo và đóng đinh. Tôi tập co duỗi sau điều trị gãy xương chày không tốt lắm, chỉ co được khoảng 900 . Tôi rất lo mình không thể co duỗi được. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi. Tôi xin cảm ơn.

Hà Thị Thanh Hương (1979)

Trả lời

Chào bạn!

Với vấn đề “Tập co duỗi sau điều trị gãy xương chày”, bác sĩ xin được tư vấn cho bạn như sau:

Phục hồi chức năng sau phẫu thuật kết hợp xương do vỡ lún mâm chày có 2 giai đoạn.

1. Giai đoạn 1

Giai đoạn chưa được chống tỳ sức nặng lên chân tổn thương (thường kéo dài 3 tháng đầu)

1.1. Tuần đầu (1 - 7 ngày đầu)

Mục tiêu:

  • Giảm đau, giảm nề.
  • Duy trì sức cơ, trương lực cơ đùi và cẳng chân bên tổn thương.
  • Bất động khớp gối nhưng duy trì vận động của các khớp lân cận.

Phương pháp:

  • Đặt chân (cổ chân và gối) cao hơn mức tim (20 – 30cm trên mặt giường).
  • Chườm lạnh bằng túi nước đá hoặc túi nước lạnh lên vùng khớp gối cách lớp băng gạc và lớp khăn lót dày 1cm thời gian 10 - 15 phút/lần, 3 - 5 lần/ngày.
  • Tập gấp duỗi khớp cổ chân chủ động hết tầm 10 lần tăng dần lên 20 lần cho mỗi lần tập, tập 2 lần/ngày.
  • Tập gồng cơ tĩnh cơ đùi và cơ cẳng chân 10 lần tăng dần lên 20 lần cho mỗi lần tập, tập 2 lần/ngày.
  • Nâng chân lên khỏi mặt giường ở tư thế gối duỗi giữ càng lâu càng tốt sau đó hạ xuồng nghỉ 5 phút rồi nâng tiếp 10 lần, tăng dần lên 20 lần cho mỗi lần tập, tập 2 lần/ngày.
  • Khi đau giảm, cố gắng chủ động gấp và duỗi gối nhẹ nhàng bên tổn thương với biên độ càng rộng càng tốt trong phạm vi có thể chịu đựng được.

1.2. Tuần 2-4 (ngày 8 đến 30)

Mục tiêu:

  • Giảm nề, tăng cường tuần hoàn dinh dưỡng để kích thích liền sẹo và can xương.
  • Duy trì trương lực cơ, tăng cường sức cơ đùi và cẳng chân bên tổn thương.
  • Tập tăng dần tầm vận động khớp gối từ 0 độ đến 60 độ gập.

Phương pháp:

  • Đắp nóng vào khớp gối tổn thương bằng túi nhiệt 20 phút/lần, 2 - 3 lần/ngày.
  • Tiếp tục tập vận động khớp cổ chân và nâng chân khỏi mặt giường như trước.
  • Tập gấp - duỗi khớp gối tăng dần mỗi lần gấp tăng 5 độ đến 10 độ gập, 20 phút/lần, 2 lần/ngày. Nếu sau ngừng tập trên 3 giờ mà vẫn đau hoặc sưng nề tăng là tập quá mức, cần giảm cường độ ở lần tập sau cho ph hợp.
  • Tập đi bằng nạng hoặc khung tập đi mà không tì sức nặng lên chân tổn thương.

1.3. Tháng thứ hai (tuần thứ 5 đến 8)

Mục tiêu:

  • Tầm vận động khớp gối gập được đến 90 độ
  • Tập đi bằng nạng không tì lên chân tổn thương.

Phương pháp:

  • Tiếp tục điều trị nhiệt nóng như trước.
  • Tiếp tục tập gấp duỗi khớp cổ chân, co cơ tĩnh và nâng chân lên khỏi mặt giường như trước.
  • Tập gấp - duỗi khớp gối tăng dần mỗi lần gấp tăng 5 đến 10 độ, 20 phút/lần, 2 lần/ngày.
  • Tập đi bằng nạng hoặc khung tập đi không tì lên chân tổn thương.

2. Giai đoạn 2:

Giai đoạn 2 được phép chịu sức nặng lên chân tổn thương

2.1. Tháng thứ ba (tuần thứ 9 -12)

Mục tiêu:

  • Tầm vận động khớp gối đạt 110 độ gập
  • Chân tổn thương chịu sức nặng tăng dần lên 25% trọng lượng cơ thể.

Phương pháp:

  • Tiếp tục điều trị nhiệt nóng như trước.
  • Tiếp tục tập gấp - duỗi khớp cổ chân, co cơ tĩnh và nâng chân lên khỏi mặt giường như trước.
  • Tập gấp - duỗi khớp gối chủ động tăng dần để đạt tầm vận động ít nhất 110 độ.
  • Tập đi bằng nạng hoặc khung tập đi có tì chân tổn thương tăng dần sức nặng tới 25% trọng lượng cơ thể.

2.2. Tháng thứ 4 đến tháng thứ 6

Mục tiêu:

  • Tầm vận động khớp gối đạt 140 độ gập
  • Tăng dần sức nặng lên chân tổn thương dần dần đạt tới 100% trong lượng cơ thể.

Phương pháp:

  • Tiếp tục điều trị nhiệt nóng như trước.
  • Tiếp tục tập gấp - duỗi khớp cổ chân, co cơ tĩnh và nâng chân lên khỏi mặt giường như trước.
  • Tập gấp duỗi khớp gối chủ động và thụ động, tăng dần biên độ để đạt tới tầm vận động bình thường
  • Tập đi bằng nạng hoặc khung tập đi có tì chân tổn thương tăng dần sức nặng để đạt tới 100% trọng lượng cơ thể vào cuối tháng thứ 6.

2.3. Từ tháng thứ 7 trở đi

Mục tiêu:

  • Tập dáng đi bình thường.
  • Tập hòa nhập gồm tự phục vụ và trở lại công việc.

Phương pháp:

  • Tập dáng đi bình thường, cân đối không nạng.
  • Tập lên xuống cầu thang và đi trên các địa hình phức tạp.
  • Tập tự phục vụ và trở lại công việc
  • Tập đi bộ nhanh hoặc chạy bộ nhẹ nhàng.

Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi tới Hệ thống Y tế Vinmec, rất mong được gặp bạn để tư vấn trực tiếp. Trân trọng!

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

35.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan