Thuốc Omeprazol 20mg trị bệnh gì?

Thuốc Omeprazol 20mg được bào chứa dạng viên nang cứng, có thành phần chính là omeprazol 20mg, dùng để điều trị, ngăn ngừa tái phát loét dạ dày, tá tràng, trào ngược dạ dày - thực quản hoặc hội chứng Zollinger-Ellison,...

1. Thuốc Omeprazol 20mg trị bệnh gì?

Omeprazol TVP 20mg là thuốc gì? Thuốc có thành phần hoạt chất là omeprazol 20mg. Omeprazol có khả năng ức chế sự bài tiết acid của dạ dày. Uống 1 liều duy nhất 20mg thuốc Omeprazole hằng ngày sẽ tạo sự ức chế tiết acid dạ dày. Ở người bệnh loét dạ dày, có thể duy trì giảm 80% acid dịch vị dạ dày trong 24 giờ. Ngoài ra, Omeprazol còn có khả năng kìm hãm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) ở bệnh nhân loét tá tràng hoặc viêm thực quản trào ngược do HP. Phối hợp Omeprazol với một số loại thuốc kháng khuẩn có thể tiêu diệt HP, làm liền ổ loét, giúp bệnh thuyên giảm.

Chỉ định sử dụng thuốc Omeprazol trong các trường hợp sau:

  • Ở người trưởng thành: Điều trị loét tá tràng, viêm loét dạ dày; ngăn ngừa loét dạ dày, tá tràng; điều trị trào ngược dạ dày - thực quản; kết hợp với kháng sinh điều trị loét dạ dày, tá tràng do HP; điều trị hội chứng Zollinger-Ellison;
  • Ở trẻ em trên 1 tuổi và trên 10kg: Điều trị trào ngược thực quản, ợ nóng, trào ngược acid trong bệnh dạ dày - thực quản;
  • Ở trẻ em từ 4 tuổi trở lên: Kết hợp với kháng sinh thích hợp để điều trị loét dạ dày, tá tràng do HP.
Thuốc Omeprazol 20mg  được dùng điều trị một số bệnh lý dạ dày
Thuốc Omeprazol 20mg được dùng điều trị một số bệnh lý dạ dày

2. Hướng dẫn sử dụng thuốc Omeprazol

2.1 Cách dùng thuốc Omeprazol 20mg

Thuốc dùng đường uống, nên uống vào buổi sáng, uống cả viên thuốc với 1/2 cốc nước. Người bệnh không được nhai hoặc nghiền nát viên thuốc. Với bệnh nhân khó nuốt hoặc trẻ em, nên uống hoặc nuốt viên thuốc với các loại thức ăn lỏng.

Bệnh nhân có thể mở viên nang, hòa tan bột thuốc với 1/2 cốc nước hoặc trộn bột thuốc trong nước trái cây có tính acid nhẹ hoặc thức uống không có ga, khuấy đều rồi uống ngay lập tức. Luôn khuấy đều ngay trước khi uống, tráng sạch lại với 1/2 cốc nước.

2.2 Liều dùng thuốc Omeprazol 20mg

Liều dùng ở người lớn:

  • Điều trị loét tá tràng: Dùng liều 20mg/lần/ngày trong 2 tuần. Nếu người bệnh chưa khỏi hoàn toàn có thể điều trị thêm 2 tuần nữa;
  • Điều trị viêm loét dạ dày: Dùng liều 20mg/lần/ngày trong 4 tuần. Nếu người bệnh chưa khỏi hoàn toàn có thể điều trị thêm 4 tuần nữa;
  • Phòng ngừa tái phát loét dạ dày, tá tràng: Dùng liều 20mg/lần/ngày. Có thể tăng liều lên 40mg/lần/ngày nếu điều trị thất bại;
  • Tiêu diệt HP trong bệnh loét dạ dày - tá tràng:
    • Omeprazol 20mg + clarithromycin 500mg + amoxicillin 1000mg: 2 lần/ngày trong 1 tuần;
    • Omeprazol 20mg + clarithromycin 250mg (hoặc 500mg) + metronidazol 400mg (hoặc 500mg hoặc tinidazol 500mg): 3 lần/ngày trong 1 tuần;
    • Omeprazol 40mg/lần/ngày +[amoxicillin 500mg + metronidazol 400mg (hoặc 500mg hoặc tinidazol 500mg): 3 lần/ngày trong 1 tuần;
  • Điều trị loét dạ dày - tá tràng liên quan tới NSAID: Dùng liều 20mg/lần/ngày trong 4 tuần. Nếu người bệnh chưa khỏi hoàn toàn có thể điều trị thêm 4 tuần nữa;
  • Ngăn ngừa loét dạ dày - tá tràng liên quan tới NSAID: Dùng liều 20mg/lần/ngày;
  • Điều trị viêm thực quản do trào ngược dạ dày - thực quản: Dùng liều 20mg/lần/ngày trong 4 tuần. Nếu người bệnh chưa khỏi hoàn toàn có thể kéo dài thời gian điều trị thêm 4 tuần. Ở bệnh nhân bị viêm thực quản nặng có thể dùng liều 40mg/lần/ngày trong 8 tuần;
  • Điều trị hội chứng Zollinger-Ellison: Dùng liều khởi đầu 60mg/lần/ngày. Liều thông thường hiệu quả là 20 - 120mg/ngày. Nếu dùng liều trên 80mg nên chia 2 lần/ngày. Liều dùng và thời gian dùng thuốc tùy yêu cầu lâm sàng của bác sĩ;
  • Bệnh nhân suy gan: Có thể cần giảm liều, liều hằng ngày là 10 - 20mg;
  • Bệnh nhân suy thận và người cao tuổi: Không cần phải điều chỉnh liều thuốc.

Liều dùng ở trẻ em:

Trẻ em trên 1 tuổi, thể trọng 10 - 20kg: Dùng liều 10mg/lần/ngày.

Trẻ em trên 2 tuổi, thể trọng trên 20k: Dùng liều 20mg/lần/ngày.

Với liều dùng trên, chỉ định điều trị cho các tình trạng bệnh như sau:

  • Điều trị trào ngược thực quản: Dùng thuốc trong 4 - 8 tuần. Có thể tăng lên liều dùng 20mg/ngày nếu cần;
  • Điều trị triệu chứng ợ nóng, trào ngược acid trong bệnh dạ dày - thực quản: Dùng thuốc trong 4 - 8 tuần. Có thể tăng lên liều dùng 20mg/ngày nếu cần. Nếu không kiểm soát được bệnh thì cần xem xét lại bệnh.

Trẻ em trên 4 tuổi: Điều trị bệnh loét dạ dày, tá tràng do HP với liều khuyến nghị như sau:

  • Trẻ 15 - 30kg: Omeprazol 10mg + clarithromycin 7,5mg/kg + amoxicillin 25mg/kg: 2 lần/ngày trong 1 tuần;
  • Trẻ 31 - 40kg: Omeprazol 20mg + clarithromycin 7,5mg/kg + amoxicillin 750mg: 2 lần/ngày trong 1 tuần;
  • Trẻ trên 40kg: Omeprazol 10mg + clarithromycin 500mg + amoxicillin 100mg: 2 lần/ngày trong 1 tuần;

Lưu ý: Liều dùng thuốc Omeprazol ở trên chỉ mang tính tham khảo. Bác sĩ sẽ căn cứ vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh để chỉ định liều dùng phù hợp cho bệnh nhân.

Quá liều: Khi dùng thuốc quá liều, bệnh nhân được điều trị triệu chứng, không có thuốc điều trị đặc hiệu.

Quên liều: Khi quên dùng 1 liều thuốc Omeprazol, bệnh nhân nên uống ngay khi nhớ ra. Nếu gần với liều kế tiếp thì bỏ qua liều đã quên, uống liều tiếp theo đúng như kế hoạch.

Thuốc Omeprazol 20mg  được dùng điều trị một số bệnh lý dạ dày
Thuốc Omeprazol 20mg cần được sử dụng đúng liều lượng

3. Tác dụng phụ của thuốc Omeprazol 20mg

Khi sử dụng Omeprazol, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn:

  • Thường gặp: Nhức đầu, chóng mặt, buồn ngủ, tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói, táo bón, đau bụng, chướng bụng,...;
  • Ít gặp: Mất ngủ, mệt mỏi, rối loạn cảm giác, ngứa da, nổi mày đay, phát ban, tăng transaminase nhất thời,...;
  • Hiếm gặp: Đổ mồ hôi, phù ngoại biên, phù mạch, sốt, phản vệ, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, giảm các tế bào máu, mất bạch cầu hạt, thiếu máu tán huyết tự miễn, lú lẫn có hồi phục, trầm cảm, kích động, ảo giác, rối loạn thính giác, vú to ở nam giới, viêm dạ dày, khô miệng, nhiễm nấm Candida, viêm gan, bệnh não - gan ở bệnh nhân suy gan, co thắt phế quản, đau cơ, đau khớp, viêm thận kẽ,...

Khi gặp các tác dụng phụ kể trên, bệnh nhân nên ngưng dùng thuốc Omeprazol và báo ngay cho bác sĩ.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Omeprazol 20mg

Chống chỉ định sử dụng thuốc Omeprazol cho các trường hợp sau:

  • Mẫn cảm với thành phần hoạt chất trong thuốc;
  • Không dùng đồng thời Omeprazol với nelfinavir.

Thận trọng khi sử dụng thuốc Omeprazol:

  • Thuốc Omeprazol có thể che giấu triệu chứng, làm chậm chẩn đoán ở người bị tổn thương ác tính ở dạ dày;
  • Ở bệnh nhân suy thận và người cao tuổi không cần thay đổi liều dùng;
  • Ở bệnh nhân suy gan, sự đào thải của thuốc chậm lại, có thể cần giảm liều;
  • Sử dụng thuốc Omeprazol có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa;
  • Sử dụng Omeprazol kéo dài có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và gãy xương, đặc biệt ở người cao tuổi;
  • Dùng Omeprazol trong thời gian dài làm giảm magie huyết nên cần theo dõi nồng độ magie trong huyết tương khi sử dụng thuốc;
  • Sử dụng đồng thời atazanavir với các thuốc ức chế bơm proton sẽ làm giảm nồng độ atazanavir trong huyết tương nên cần tăng liều dùng của atazanavir đến 400mg và ritonavir 100mg, không dùng quá 20mg Omeprazol;
  • Omeprazol có thể làm giảm sự hấp thu vitamin B12 nếu điều trị lâu dài;
  • Omeprazol là chất ức chế CYP2C19. Khi bắt đầu và kết thúc điều trị với Omeprazol cần xem xét khả năng tương tác thuốc chuyển hóa CYP2C19;
  • Thuốc ức chế bơm proton liên quan tới bệnh lupus ban đỏ bán cấp. Nếu xảy ra tổn thương, đặc biệt ở nơi tiếp xúc với ánh sáng, đi kèm triệu chứng đau khớp thì người bệnh nên báo bác sĩ, dừng uống Omeprazol;
  • Thuốc Omeprazol có thể gây chóng mặt, buồn ngủ nên cần dùng thận trọng ở người lái xe, vận hành máy móc;
  • Thận trọng, hỏi ý kiến bác sĩ khi sử dụng thuốc Omeprazol ở phụ nữ mang thai và cho con bú.

5. Tương tác thuốc Omeprazol 20mg

Một số tương tác thuốc của Omeprazol 20mg:

  • Thuốc không có tác dụng trên lâm sàng khi dùng cùng thức ăn, rượu, cafein, lidocain, amoxicillin, bacampicillin, quinidin hoặc theophylin. Thuốc không bị ảnh hưởng do dùng đồng thời metoclopramid;
  • Thuốc Omeprazol có thể dẫn đến tăng nồng độ ciclosporin trong máu;
  • Thuốc Omeprazol có thể làm tăng tác dụng của kháng sinh khi tiêu diệt HP;
  • Thuốc Omeprazol ức chế chuyển hóa các thuốc bị chuyển hóa bởi hệ enzyme cytochrom P450 của gan, có thể làm tăng nồng độ phenytoin, diazepam và warfarin trong máu. Với liều 40mg/ngày, Omeprazol có thể ức chế chuyển hóa của phenytoin, làm tăng nồng độ phenytoin trong máu. Còn với liều Omeprazol 20mg/ngày thì tương tác yếu hơn;
  • Thuốc Omeprazol ức chế chuyển hóa của warfarin nhưng ít làm thay đổi thời gian chảy máu;
  • Thuốc Omeprazol làm tăng khả năng chống đông máu của dicoumarol;
  • Thuốc Omeprazol giảm ít nhất 20% chuyển hóa của nifedipin, có thể làm tăng tác dụng của nifedipin;
  • Clarithromycin ức chế chuyển hóa thuốc Omeprazol, làm nồng độ Omeprazol tăng cao gấp đôi;
  • Thuốc Omeprazol làm giảm acid của dạ dày, gây tăng hoặc giảm hấp thu các thuốc phụ thuộc vào pH dạ dày;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Omeprazol với atazanavir làm giảm nồng độ của atazanavir trong huyết tương;
  • Tương tác giữa thuốc Omeprazol với clopidogrel làm giảm tiếp xúc với các chất chuyển hóa có hoạt tính;
  • Sử dụng chung thuốc Omeprazol với tacrolimus có thể làm tăng nồng độ tacrolimus trong huyết thanh;
  • Thuốc Omeprazol có thể làm giảm hấp thu vitamin B12 nếu điều trị lâu dài;
  • Dùng đồng thời Omeprazol với erlotinib, posaconazole, ketoconazole và itraconazole sẽ làm giảm tác dụng các thuốc này;
  • Dùng methotrexate cùng các thuốc ức chế bơm proton sẽ làm tăng nồng độ methotrexate ở một số bệnh nhân.

Khi sử dụng thuốc Omeprazol, người bệnh cần làm theo mọi chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị, giảm nguy cơ gặp các tác dụng phụ khó lường. Đồng thời, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ về các loại thuốc mình đang dùng để loại trừ nguy cơ tương tác thuốc.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Please dial HOTLINE for more information or register for an appointment HERE. Download MyVinmec app to make appointments faster and to manage your bookings easily.

This article is written for readers from Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

883.6K

Relating articles
  • 30243-Trao ngc.jpg
    Reflux Esophageal Disease - A dangerous but underrated disease

    Esophageal reflux is a common disease and tends to increase in Vietnam. Due to the complex nature of symptoms and disease development, many people misjudge the severity of the disease, thereby giving rise to subjective psychology. Therefore, learning about this ...

    Readmore
  • Vacodomtium 10
    Uses of Vacodomtium 10

    Vacodomtium 10 belongs to the group of gastrointestinal drugs, with the main ingredient being Domperidone, prepared in the form of hard capsules. Compliance with the indications and doses of Vacodomtium 10 will help patients improve treatment effectiveness and avoid unwanted ...

    Readmore
  • Co thắt tâm vị
    Symptoms of Cardiac Spasms

    Cardiac spasm is a disease related to esophageal spasm as well as disordered esophageal motor activities leading to esophageal stricture, causing adverse effects on the patient's health. Esophageal spasm interferes with the functions of the digestive system such as making ...

    Readmore
  • Nam giới đau giữa lòng ngực nguyên nhân là gì?
    What is the cause of pain in the middle of the chest in men?

    This morning, I have pain in the middle of my chest, I thought it was normal chest tightness but it is not, it hurts when I sigh or do something, it hurts. So the doctor asked me what is the ...

    Readmore
  • Đau thượng vị
    Swallowing problems, epigastric pain, belching are signs of what disease?

    Hi doctor! I am 18 years old this year, no one in my family has ever had esophageal cancer. No smoking or alcohol either. Have a history of stress or anxiety. Lately my throat feels dry, swallowing saliva is difficult ...

    Readmore