Cùng con học nói - Giai đoạn trẻ 1-3 tuổi

Bài viết bởi Thạc sĩ Nguyễn Thị Yến - Chuyên viên Âm ngữ trị liệu Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Time City

Từ 1 – 3 tuổi, trẻ sẽ học thêm được nhiều từ mới và cách sử dụng của chúng. Đến 2 tuổi, hầu hết các em bé đều đã có một vốn từ vựng lớn và có thể ghép các từ lại với nhau thành cụm 2-3 từ để thể hiện nhu cầu và ý tưởng chơi của mình. Trẻ biết cách sử dụng nhiều cử chỉ, điệu bộ kết hợp với lời nói để giao tiếp hiệu quả. Thời điểm này, nếu có nhiều trải nghiệm về ngôn ngữ, vốn từ của trẻ sẽ vô cùng phong phú. Vì thế, cha mẹ hãy luôn ở bên cùng con vui chơi khám phá, bởi đây là giai đoạn vàng để trẻ học nói.

1. Giai đoạn từ 12 đến 15 tháng tuổi

1.1. Đặc điểm ngôn ngữ - giao tiếp của trẻ

Giai đoạn từ 12 đến 15 tháng tuổi là giai đoạn trẻ học nói. Theo đó, trẻ đã có thể nói và sử dụng nhất quán được một vài từ đơn liên quan đến nhu cầu của bản thân như: mẹ, bế, đi,...Ngoài học nói, bé còn biết bắt chước những từ ngữ và hành động đơn giản như: vẫy tay bye bye, hôn gió,...

Trẻ có thể làm theo được các yêu cầu đơn giản quen thuộc như: đưa bóng cho mẹ, lại đây, ngồi xuống,... thậm chí trẻ có thể hiểu được khoảng 25 từ trở lên.

1.2. Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ có thể làm gì?

Ngoài học nói các từ đơn giản, giai đoạn này bé đã có thể học nói các con vật. Vì thế, cha mẹ hãy giúp trẻ làm quen và gọi tên những đồ vật mà trẻ chưa biết. Chẳng hạn, khi con khát, bạn có thể chỉ tay đến cái cốc và nói “cốc” hoặc “cốc nước”. Nếu con thích nước trái cây, bạn có thể nói “nước cam” hoặc “nước trái cây”. Hãy kiên nhẫn và cho con thêm thời gian để ghi nhớ tên gọi của tất cả những đồ vật mà bạn giới thiệu.

Bạn có thể giới thiệu với trẻ một vài cuốn sách thú vị, phù hợp với độ tuổi và sở thích của con như: sách về các loại trái cây, phương tiện giao thông, sách về các con vật, sách truyện có từ 4-8 trang, sách lật mở, sách sột soạt... Hãy dành thời gian đọc và chỉ cho trẻ xem những hình ảnh có trong sách là cách rất tốt để trẻ làm quen với những đồ vật mới lạ. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên tạo cơ hội, khuyến khích và chờ đợi trẻ nói về điều trẻ quan tâm. Chẳng hạn, khi trẻ nhìn thấy hình ảnh chú chó trong sách và nói “chó”, hãy mỉm cười, vỗ tay và khen ngợi con: “Đúng rồi, có một con chó. Con chó này thật to.”

Quan tâm tới sở thích của con và cho con cơ hội học nói về điều con thích. Chẳng hạn, trẻ mang tới một cái ô tô, hãy kiên nhẫn chờ đợi để trẻ nói với bạn về chiếc ô tô đó. Bạn có thể cung cấp thêm cho con thông tin về chiếc ô tô, nhưng hãy đảm bảo con được nói hết ý tưởng của mình trước. Chẳng hạn, nếu con nói “xe”, bạn có thể nói “Ồ, một cái xe cứu hỏa to màu đỏ.”

Ngoài ra, cha mẹ và người chăm sóc cũng có thể cung cấp đồ dùng và cho con lựa chọn. Hãy hỏi con “Con muốn uống sữa hay nước trái cây?”; “Con muốn mặc áo nào?”; “Con muốn chơi xe cứu hỏa hay xe chở rác?”. Bạn cũng có thể giới thiệu và hướng dẫn trẻ chơi giả vờ với búp bê, con vật hoặc đồ chơi yêu thích. Hãy biến nó thành một câu chuyện thực sự. Ví dụ: “Xe cứu hỏa đi chữa cháy rồi, cho xe cứu thương đi cứu những người bị thương nhé.”

XEM THÊM: Các hoạt động thú vị để thúc đẩy kỹ năng nói của trẻ

Cha mẹ có thể lựa chọn phương pháp dạy trẻ học nói
Cha mẹ có thể lựa chọn phương pháp dạy trẻ học nói

2. Giai đoạn từ 15 đến 18 tháng tuổi

2.1. Đặc điểm ngôn ngữ - giao tiếp của trẻ

Ngoài học nói, giai đoạn từ 15 - 18 tháng tuổi, trẻ đã có thể:

  • Trẻ đã biết kết hợp lời nói và cử chỉ điệu bộ để giao tiếp.
  • Trẻ thể hiện sự quan tới sách và các hình ảnh có trong sách.
  • Trẻ có thể gọi tên được 1-2 bộ phận cơ thể khi được hỏi.
  • Trẻ có thể hiểu được khoảng 50 từ.

2.2. Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ có thể làm gì?

Việc chơi các trò chơi với bộ phận cơ thể sẽ giúp trẻ nhận biết và gọi tên được các bộ phận cơ thể của mình. Chẳng hạn, bạn hát “Này bạn ơi, ra đây xem tôi có một cái mũi, khụt khịt”, sau đó chỉ tay vào mũi của mình, con sẽ nhìn và bắt chước làm theo bạn. Thực hiện hoạt động với mắt, miệng, ngón chân, ngón tay,... và biến nó thành một trò chơi tương tác giữa bố mẹ và con. Bạn có thể sử dụng các bài hát như: “Vai, ngón chân, đầu gối”, “Head, shoulders, knees and toes”; trò chơi Kiến bò,... trẻ sẽ rất thích.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể chơi trò chơi tập tầm vông hoặc giấu đi một món đồ chơi con thích. Sau đó, bạn hãy giúp con tìm thấy nó, hãy thể hiện biểu cảm ngạc nhiên, thích thú của bạn với món đồ vừa tìm thấy, con bạn chắc chắn sẽ rất hào hứng.

Khi trẻ đưa hoặc chỉ cho bạn một thứ gì đó, hãy tạm dừng công việc của mình lại và nói chuyện với con. Ví dụ: con đưa cho bạn một cái xe ô tô, bạn có thể nói “Con muốn mẹ xem ô tô này à. Ồ, mẹ thích chiếc ô tô màu đỏ này quá.”

XEM THÊM: Cách giao tiếp với con bạn trước khi bé biết nói

3. Giai đoạn từ 2 đến 3 tuổi

3.1. Đặc điểm ngôn ngữ - giao tiếp của trẻ

Ngoài học nói các con vật, ở giai đoạn từ 2 -3 tuổi thì trẻ đã có thể:

  • Trẻ biết cách kết hợp, xâu chuỗi các từ lại với nhau, biết sử dụng các cụm 2-3 từ thường xuyên hơn.
  • Trẻ làm theo được các yêu cầu bao gồm 2 bước không liên quan đến nhau như: “đưa ba lô cho mẹ rồi đi dép vào”.
  • Trẻ bắt đầu biết đặt câu hỏi “Cái gì”, “Ở đâu”.
  • Trẻ hiểu khái niệm sở hữu. Ví dụ: bóng của con, điện thoại của mẹ.
  • Trẻ bắt đầu hiểu và trả lời được các câu hỏi phức tạp hơn như: “Khi đói con sẽ làm gì?”
  • Trẻ hiểu được một số khái niệm như: màu sắc, không gian (ở trong, ở ngoài),...

Theo đó, trẻ sẽ thích tham gia các hoạt động chơi đóng vai, tưởng tượng. Ví dụ: giả vờ mình là lính cứu hỏa đi chữa cháy, giả vờ chăm sóc búp bê,...

Học nói
Cha mẹ có thể dạy trẻ học nói với cách kết hợp các hoạt động

3.2. Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ có thể làm gì?

Ở giai đoạn này, ngoài việc dạy bé học nói các con vật thì cha mẹ hoặc người chăm sóc có thể thực hiện các công việc sau đây:

  • Bạn có thể dạy con trả lời câu hỏi về các thông cá nhân của mình như: tên, tuổi,...
  • Bạn có thể gia tăng nhận thức và ngôn ngữ của con bằng cách đặt ra các câu hỏi liên quan đến đồ vật, đồ chơi mà con quan tâm như: “Con có mấy xe ô tô?”; “Cái khay này hình gì vậy?”,...
  • Hãy giúp con học cách phát triển ý tưởng chơi của mình và diễn đạt chúng thật dễ hiểu bằng cách đặt ra các câu hỏi mở như: “Những chiếc xe này đang đi đâu vậy? Ồ, nếu các bạn đi công viên thì con nghĩ bạn sẽ mang theo gì?”... Sau khi đặt câu hỏi, bạn hãy chờ đợi và lắng nghe câu trả lời của con. Nếu trẻ đưa ra được một vài ý tưởng, hãy giúp con “hoàn thiện” lại câu nói sao cho thật dễ hiểu. Nếu trẻ tỏ ra bối rối, bạn có thể đưa ra một vài gợi ý và hướng dẫn con bổ sung thêm ý tưởng vào câu chuyện. Ví dụ: “Mẹ nghĩ các bạn sẽ cần mang thêm nước. Con nghĩ bạn có nên mang thêm một ít bánh mì không? Bạn nên mang theo sữa hay trái cây nhỉ?”...
  • Cùng con đọc một cuốn sách yêu thích và yêu cầu con kể lại nó cho bố mẹ hoặc ông bà nghe. Bạn có thể gợi ý “Chuyện gì đã xảy ra với bạn lợn nhỉ?” để thúc đẩy con nhớ lại và diễn tả những gì con biết được.
  • Cùng con đi mua sách hoặc đến thư viện là một cách thú vị giúp bồi đắp tình yêu sách của con.
  • Đưa con đi chơi cùng cả gia đình hoặc nhóm bạn đồng trang lứa sẽ giúp con học hỏi và gắn kết với mọi người hơn.
  • Chơi các trò chơi đóng vai hoặc giả vờ là các nhân vật trong một “câu chuyện”. Hãy cố gắng tạo ra thật nhiều “tình huống” bất ngờ và mới mẻ để thử thách và cho con cơ hội để học hỏi cũng như sử dụng ngôn ngữ đã được học.
  • Lên lịch cho tất cả các hoạt động và chuẩn bị trước khi chơi, đảm bảo con được tham gia và trải nghiệm hoạt động một cách hoàn toàn. Ví dụ: tắt tivi, điện thoại để con chơi; chuẩn bị thêm đồ dùng trước khi bắt đầu chơi,...

Hãy nuôi dưỡng tình yêu với ngôn ngữ, và sách ngay từ những năm tháng đầu đời của con, đó sẽ là món quà đặc biệt bạn dành tặng con. Thử thách một chút trong chuyến hành trình chinh phục ngôn ngữ sẽ giúp khả năng học hỏi của con phát triển tốt hơn.

Please dial HOTLINE for more information or register for an appointment HERE. Download MyVinmec app to make appointments faster and to manage your bookings easily.

This article is written for readers from Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.6K

Relating articles
  • Vẽ
    Toddler milestones: Writing and drawing

    Đối với trẻ nhỏ, có các giai đoạn học vẽ và viết mà bạn có thể thấy khi con bạn lớn lên, từ 1 cho đến 3 tuổi. Bằng cách cung cấp những trải nghiệm thú vị lặp đi lặp ...

    Readmore
  • Trẻ em
    How do children develop language in the first 4 years of life?

    Ngôn ngữ là phương tiện để giao tiếp, có vai trò quan trọng trong nhận thức, tư duy và các quá trình tâm lý khác. Những năm tháng đầu đời có tính chất quyết định trong hình thành và phát ...

    Readmore
  • Trẻ tập nói
    Should children learn to speak early?

    Khả năng ngôn ngữ tự nhiên của trẻ được hình thành ngay từ khi mới sinh ra. Ở những tháng đầu đời bé thể hiện khả năng này qua tiếng khóc, tiếng bập bẹ. Càng lớn càng tiếp xúc và ...

    Readmore
  • Đọc sách cùng trẻ
    Effective reading for preschool children

    Với trẻ em ở độ tuổi mầm non, đọc sách có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển ngôn ngữ, cảm xúc, kỹ năng xã hội của trẻ. Đọc sách giúp trẻ làm quen với nhiều ...

    Readmore
  • Hướng dẫn cha mẹ các kỹ năng ngôn ngữ xã hội của trẻ 1 - 3 tuổi
    Teaching parents the socio-linguistic skills of 1 - 3 year olds

    Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có tốc độ phát triển của riêng mình, đối với kỹ năng ngôn ngữ của trẻ, trong khi nhiều em bé mới chỉ bập bẹ những từ đơn giản như mama, baba trong lần ...

    Readmore