Phục hồi chức năng sau đột quỵ nhờ cấy ghép tế bào gốc máu cuống rốn và dây rốn

Bài viết được viết bởi TS. Ngô Anh Tiến – Giám đốc ngân hàng mô Vinmec

Theo báo cáo của Tổ chức Đột quỵ Thế giới, cứ 4 người lớn trên 25 tuổi sẽ có 1 người bị đột quỵ ít nhất một lần trong đời. Ở Mỹ, cứ 40 giây lại có một người bị đột quỵ [1, 2, 3].

Người cha 60 tuổi của Lucie Pínová bị đột quỵ nghiêm trọng vào tháng 9 năm 2018. “Bố tôi bị đột quỵ và tám giờ sau, mẹ tôi tìm thấy ông trong phòng ngủ. Ông ấy đã tỉnh táo, nhưng trong tình trạng rất nghiêm trọng”. Ngay sau đó, cha của Lucie được đưa đến một bệnh viện gần Brno, Cộng hòa Séc, nơi ông được dùng thuốc để làm tan cục máu đông trong động mạch cảnh. Cơn đột quỵ đã ảnh hưởng đến bán cầu não trái của cha Lucie, gây tê liệt đáng kể và rối loạn cảm giác ở nửa bên phải cũng như trung tâm ngôn ngữ của ông.

Sau một tháng ở bệnh viện, các bác sĩ đã nói với gia đình Lucie rằng họ không thể làm gì được hơn nữa. Gia đình nên đưa ông về nhà hoặc tới một trung tâm chăm sóc dài hạn. "Các bác sĩ sau đó nói với chúng tôi rằng cha tôi sẽ vẫn bị thiểu năng trí tuệ, rằng ông ấy sẽ không thể nhận biết chúng tôi được nữa. Cha tôi sẽ không thể sống độc lập và ông ấy sẽ phải nằm liệt giường", Lucie nhớ lại. Lucie không muốn cuộc sống của mẹ cô bị ràng buộc và giới hạn trong việc liên tục chăm sóc người cha bị tật nguyền nặng của cô cũng như cô muốn cha cô được nhận một sự chăm sóc chuyên nghiệp hơn. Do đó, gia đình đã sắp xếp cho cha Lucie ở lại ba tháng trong một viện phục hồi chức năng ở Kladruby (phía đông Praha). Tại đó, ông đã có thể tự đứng dậy khỏi giường và bắt đầu phục hồi thể chất, học cách vệ sinh cá nhân, tự mặc quần áo và ăn bằng tay trái. Ông cũng học cách sử dụng xe lăn và đi lại với sự trợ giúp.

Tuy nhiên, Lucie cho rằng đó không phải là sự cải thiện trong những tháng ngày đầu tiên của quá trình phục hồi chức năng cho cha cô. Lucie thất vọng vì sự tiến bộ tập trung vào các kỹ năng thể chất chứ không phải kỹ năng nhận thức, bởi cha cô vẫn không thể đọc, không nhận biết màu sắc hay các con số... Lucie quyết định sẽ không đầu hàng, cô sẽ tìm mọi cách để phục hồi cả chức năng thể chất và tinh thần cho cha cô.

Chăm sóc bệnh nhân điều trị bằng tế bào gốc
Cha Lucie đã phục hồi vượt bậc và có thể chăm sóc cháu gái sau trị liệu

Vào tháng 4/2019, Lucie bất ngờ xem được một chương trình truyền hình về câu chuyện của một người đàn ông được phục hồi chức năng bằng liệu pháp tế bào. “Một cách tự nhiên, tôi bắt đầu chú ý và tìm kiếm thông tin về máu cuống rốn. Máu cuống rốn sẽ được sử dụng như thế nào? Nó có tác dụng ra sao? Tế bào máu cuống rốn có thể cải thiện những gì?”. Lucie cũng liên hệ với các phòng khám tế bào gốc ở Cộng hòa Séc và cả Slovakia. “Tôi nghiên cứu kỹ tất cả các rủi ro có thể xảy ra, và tôi cũng được thông báo rằng nếu có áp dụng liệu pháp tế bào thì tình trạng của cha tôi cũng không thể trở nên xấu hơn nữa,” Lucie cho biết.

>>> Máu cuống rốn chữa được những bệnh gì? Lợi ích của việc lưu trữ máu cuống rốn

Cô quyết định lựa chọn liệu pháp điều trị bằng cả máu cuống rốn và mô dây rốn. Chưa đầy một tháng sau, gia đình cô đưa bố đến một phòng khám ở Slovakia để được trị liệu bằng tế bào gốc sơ sinh. Lucie giải thích:" Tôi chọn phòng khám ở Malacky vì họ sử dụng các tế bào sơ sinh lấy từ máu cuống rốn và dây rốn để điều trị. Một cách logic, các tế bào gốc sơ sinh còn non trẻ, chưa bị ảnh hưởng bởi tuổi tác và các yếu tố bên ngoài sẽ tốt hơn việc sử dụng cấy ghép tế bào gốc tự thân đã già của cha tôi”.

Liệu pháp sử dụng cả tế bào gốc tạo máu từ máu cuống rốn cũng như tế bào gốc trung mô từ mô dây rốn. Các tế bào được sử dụng cả bằng cách truyền tĩnh mạch và bằng cách tiêm nội tủy vào cột sống. Liệu trình điều trị đầu tiên sử dụng các tế bào từ một em bé hiến tặng không liên quan.

Ngoài liệu pháp tế bào, cha của Lucie tiếp tục được vật lý trị liệu với các chuyên gia. Cuối năm 2019, ông ở lại điều trị đợt hai tại viện phục hồi chức năng ở Kladruby; ở đó, các nhân viên vẫn nhận ra ông và nói rằng ông ấy đã có những tiến bộ vượt bậc. Ví dụ, ông đã có khả năng tự đi lại mà không cần hỗ trợ. Quan trọng nhất là kỹ năng nhận thức của ông đã cải thiện đáng kể. Ông bắt đầu nói rõ hơn và có thể điều khiển miệng để nói các chữ cái mà nhà trị liệu ngôn ngữ yêu cầu ông phát âm.

"Tôi nhận thấy sự thay đổi trong những việc thường ngày mà cha tôi không làm trước đây. Khi vụn thức ăn rơi xuống, ông sẽ ngừng ăn và bắt đầu tự dọn dẹp sau đó," Lucie lưu ý. Liệu trình điều trị thứ hai vào thực hiện vào cuối năm 2019, sử dụng máu cuống rốn và mô dây rốn thu thập từ cháu gái của bệnh nhân. "Khi chúng tôi đến Slovakia lần đầu tiên, tôi đã thông báo với bố rằng ông ấy sẽ có một cháu gái, vì vậy ông phải cố gắng và có động lực để có thể chăm sóc cho con bé khi nó chào đời. Ngay từ giây phút đầu tiên tôi xem được chương trình đó, tôi không ngừng tin rằng bố tôi sẽ không bỏ cuộc. Và khi tôi thấy bố tôi muốn chiến đấu và muốn được sống, tôi càng thêm quyết tâm tìm lại cuộc sống bình thường cho cha tôi.” Sau những gì đã diễn ra, Lucie nhắn nhủ tới các bậc cha mẹ tương lai khác: "Tôi nghĩ rằng các bà mẹ tương lai nên tìm hiểu về việc lưu trữ máu cuống rốn hoặc mô dây rốn. Đó sẽ là nguồn dự trữ tế bào gốc sơ sinh tuyệt vời. Bởi bạn không bao giờ biết điều gì có thể xảy ra với gia đình mình trong tương lai và khi nào bạn có thể cần tới tế bào. Nếu có thai lần nữa, tôi chắc chắn sẽ giữ lại máu cuống rốn của con mình”.

Tại Việt Nam, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện là hệ thống y tế đầu tiên nghiên cứu và ứng dụng thành công việc sử dụng tế bào gốc trong điều trị các bệnh nan y.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo:

  1. World Stroke Organization. Learn About Stroke. Accessed Jan. 2020
  2. Virani SS, Alonso A, Benjamin EJ, et al. On behalf of the American Heart Association Council on Epidemiology and Prevention Statistics Committee and Stroke Statistics Subcommittee. Heart Disease and Stroke Statistics—2020 Update: A Report From the American Heart Association. Circulation 2020; 141(9):e139–e596.
  3. CDC. Stroke Facts. Last updated 20200908
  4. The Granddaughter Donated Newborn Stem Cells to her Grandfather after a Stroke

703 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan