Trẻ đi ngoài nhiều lần kèm phân xanh nhầy có sao không?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Con em 8 tháng đã điều trị nhiễm khuẩn đường ruột và được ra viện 15 ngày nay rồi. Nhưng 2 hôm nay em thấy bé đi ngoài 3 lần/ ngày phân xanh có nhầy. Vậy bác sĩ cho em hỏi trẻ đi ngoài nhiều lần kèm phân xanh nhầy có sao không? Có phải bé bị nhiễm trùng lại không? Em cảm ơn bác sĩ.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ma Văn Thấm - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Trẻ đi ngoài nhiều lần kèm phân xanh nhầy có sao không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Tiêu chảy là đi ngoài phân lỏng hoặc toé nước trên 3 lần trong 24 giờ. Căn cứ vào thời gian của đợt tiêu chảy để phân loại tiêu chảy. Đợt tiêu chảy là thời gian kể từ ngày đầu tiên bị tiêu chảy tới ngày mà sau đó hai ngày liền phân của trẻ bình thường. Ví dụ: Một trẻ tiêu chảy 3 ngày liền, ngày thứ 4 trẻ không đi ngoài, rồi sau đó lại tiêu chảy trong 3 ngày nữa, sang ngày thứ 8 và ngày thứ 9 trẻ đi ngoài bình thường, như vậy đợt tiêu chảy của trẻ là 7 ngày (3 + 1 + 3 = 7). Nếu ngày thứ 10 trẻ đi ngoài phân lỏng 4 lần là trẻ lại bắt đầu một đợt tiêu chảy mới.

Tiêu chảy cấp là đi ngoài phân lỏng hoặc toé nước trên 3 lần trong ngày (24 giờ) và kéo dài không quá 14 ngày.

Nguyên nhân tiêu chảy cấp:

Do nhiễm khuẩn: Đường lây truyền: Tác nhân gây bệnh tiêu chảy thường lây truyền bằng đường phân - miệng. Phân của trẻ tiêu chảy làm nhiễm bẩn thức ăn, nước uống. Trẻ khác sẽ bị tiêu chảy khi ăn, uống phải loại thức ăn, nước uống này hoặc tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.

Do tác nhân gây bệnh:

Virus: Virus là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh tiêu chảy cho trẻ em. Những loại virus gây tiêu chảy là Rotavirus, Adenovirus, Norwalk Virus, trong đó Rotavirus là tác nhân chính gây bệnh tiêu chảy cho trẻ em dưới 2 tuổi. Ước tính có đến 1/3 số trẻ em dưới 2 tuổi ít nhất bị một đợt tiêu chảy do Rotavirus. Virus xâm nhập vào trong liên bào ruột non, không ngừng nhân lên, phá huỷ cấu trúc liên bào, làm cùn nhung mao ruột, gây rối loạn men tiêu hoá đường Lactose của sữa mẹ, làm tăng xuất tiết nước và điện giải vào trong lòng ruột.

Vi khuẩn: Nhiều loại vi khuẩn có thể gây bệnh tiêu chảy cho trẻ em.

  • Coli đường ruột gây 25% tiêu chảy cấp. Có 5 nhóm gây bệnh là: Coli sinh độc tố ruột (Enterotoxigenic Escherichia Coli), Coli bám dính (Enteroadherent Escherichia Coli), Coli gây bệnh (Enteropathogenic Escherichia Coli), Coli xâm nhập (Enteroinvasive Escherichia Coli), Coli gây chảy máu (Enterohemorrhagic Escherichia Coli). Trong 5 loại trên, Coli sinh độc tố ruột (ETEC) là tác nhân quan trọng gây tiêu chảy cấp, phân tóe nước ở người lớn và trẻ em ở các nước đang phát triển. ETEC không xâm nhập vào niêm mạc ruột mà gây tiêu chảy bằng các độc tố không chịu nhiệt là LT (heat labile toxin) và độc tố chịu nhiệt ST (heat stable toxin) với cơ chế gần giống tả.
  • Trực trùng lỵ Shigella: Trực trùng lỵ Shigella là tác nhân trong 60% các đợt lị. Trong các đợt lị nặng có thể ỉa phân toé nước trong những ngày đầu bị bệnh. Trong 4 nhóm huyết thanh S. Flexneri, S. Dysenteriae, S. Body và S. Sonei, nhóm phổ biến nhất tại các nước đang phát triển là S. Flexneri.
  • Campylobacter Jejuni: C. Jejuni gây bệnh chủ yếu ở trẻ nhỏ, lây qua tiếp xúc với phân, uống nước bẩn, ăn sữa và thực phẩm bị ô nhiễm. C. Jejuni gây tiêu chảy tóe nước ở 2/3 trường hợp và gây nên hội chứng lỵ có sốt ở 1/3 số trường hợp còn lại. Bệnh thường diễn biến nhẹ, thường khỏi sau 2 - 5 ngày.
  • Salmonella không gây thương hàn: Lây bệnh do tiếp xúc với súc vật nhiễm trùng hoặc thức ăn động vật bị ô nhiễm. Đây là nguyên nhân phổ biến ở các nước sử dụng rộng rãi các loại thực phẩm chế biến kinh doanh. Salmonella thường gây tiêu chảy phân tóe nước, đôi khi cũng biểu hiện như hội chứng lị. Kháng sinh không những không có hiệu quả mà có thể còn gây chậm đào thải vi khuẩn qua đường ruột.
  • Phẩy khuẩn tả Vibrio Cholerae 01: Có 2 typ sinh vật (typ Cổ điển và Eltor) và 2 typ huyết thanh (Ogawa và Inaba). Phẩy khuẩn tả 01, sau khi qua dạ dày đến cư trú ở phần dưới hồi tràng và sản sinh ra độc tố CT (cholera toxin). Đơn vị B của CT gắn vào bộ phận tiếp nhận đặc hiệu của liên bào ruột non rồi giải phóng ra đơn vị A. Đơn vị A đi vào tế bào ruột, hoạt hóa men Adenyl Cyclase để chuyển ATP thành AMP-vòng. Sự gia tăng AMP-vòng đã ức chế hấp thu Natri theo cơ chế gắn với Clo, gây nên tình trạng xuất tiết ồ ạt nước và điện giải ở ruột non, dẫn đến mất nước nặng trong vài giờ và có thể gây thành dịch tả cho trẻ em.
  • Ký sinh trùng:

+ Entamoeba histolytica (Lỵ amip): Entamoeba histolytica xâm nhập vào liên bào đại tràng hay hồi tràng, gây nên các ổ áp xe nhỏ, rồi loét, làm tăng tiết chất nhầy lẫn máu.

+ Giardia lamblia (Trùng roi): Là đơn bào bám dính lên liên bào ruột non, làm teo các nhung mao ruột, dẫn đến giảm hấp thu, gây ra ỉa chảy.

+ Cryptosporidium: Cryptosporidium thường gây tiêu chảy ở trẻ nhỏ, ở những bệnh nhi suy giảm miễn dịch và cũng gây bệnh ở nhiều loại gia súc. Chúng bám dính lên liên bào ruột non, làm teo nhung mao ruột, gây tiêu chảy nặng và kéo dài.

Vì vậy, bạn cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa nhi để tìm nguyên nhân.

Nếu bạn còn thắc mắc về trẻ đi ngoài nhiều lần kèm phân xanh nhầy, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

570 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan